BÍ ẨN QUANH MỘT XÁC CHẾT HƠN 40 NĂM KHÔNG PHÂN HỦY
Trong những ngày lang thang ở vùng biên giới tỉnh An Giang, tôi được nghe đám buôn lậu kể về một xác chết hơn 40 năm không phân hủy. Chuyện nghe có vẻ hoang đường như của mấy bà có máu mê tín dị đoan thổi phồng lên, nhưng tôi vẫn cố công tìm đến tận nơi xem thực hư thế nào. Bản thân tôi đã phải dựng tóc gáy khi được chứng kiến một xác chết khô đét, giống như xác ướp trong các Kim tự tháp ở mãi xứ sở Ai Cập xa xôi.
Ông Trí bên quan tài chứa xác ông Hạo
Vòng vèo hết 30km đường đất, xuyên qua huyện Phú Tân, qua hàng chục lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm thấy ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh (Phú Tân, An Giang).
Ấp Phú Lộc nằm heo hút bên dòng Tiền giang. Nhà ông Đinh Hữu Trí nằm ở cuối ấp. Đó là một ngôi nhà cổ rêu phong, đã 120 năm tuổi, do tổ tiên để lại cho ông Trí cai quản. Khi chúng tôi đến nhà, ông Trí không có vẻ mặn mà lắm. Âu đó cũng là tâm lý của người suốt ngày phải tiếp những kẻ tò mò, rất mất việc. Khi chúng tôi giới thiệu là nhà báo, ông lại càng… lạnh nhạt hơn. Bởi chuyện của gia đình ông lên báo không chừng cả nhà sẽ trở thành “người kể chuyện” rất bận rộn mà lại chẳng được hưởng công sá gì. Ông Trí bảo: “Khổ nhất là mấy người có máu mê tín dị đoan. Họ cứ phong anh tôi là thần thánh, rồi tìm đến khói hương, khấn vái xin trúng số, xin hại chết thằng hàng xóm mất dạy, xin chồng bỏ gái về với vợ con… thôi thì đủ chuyện hỉ nộ ái ố họ đem đến đây hành anh tôi…Để họ làm vậy thì không được, đuổi họ thì không xong”.
Sau nửa tiếng ngồi nghe ông kể khổ, dường như đã trút hết nỗi lòng, ông trở nên cởi mở hơn. Ông cũng có mong muốn, nhờ báo chí, có nhà khoa học nào đó về nghiên cứu và lý giải giúp gia đình ông hiện tượng kỳ lạ này.
Ông Trí dẫn chúng tôi vào gian trong ngôi nhà cổ. Đó là gian thờ riêng của gia đình. Gian thờ bài trí khá đơn sơ, chỉ có một bàn thờ giản dị cùng vài bát hương. Dưới nền nhà là chiếc áo quan bằng gỗ, sơn đỏ còn khá mới. Nắp áo quan bằng kính nên có thể nhìn rõ xác chết khô ở bên trong. Xác chết khô đó chính là người anh ruột của ông Trí, tên là Đinh Công Hạo.
Thắp nén nhang trên bàn thờ, tôi lại gần quan sát xác khô qua tấm kính mờ phủ bụi thời gian. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy xác chết còn rất nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận. Mặc dù xác đã khô quắt lại, nhưng da vẫn giữ được màu hồng và đôi mắt khép lại thanh thản như người đang ngủ. Đặc biệt nhất là mái tóc của ông Hạo vẫn còn nguyên vẹn. Những ngón tay, ngón chân của ông chỉ teo lại chứ không hề bị biến dạng mặc dù ông đã chết cách nay hơn 40 năm. Nhìn xác chết này, tôi chợt liên tưởng đến xá lợi hai vị thiền sư nổi tiếng của nước ta là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Tây).
Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng thế giới về tài ướp xác hàng ngàn năm không phân huỷ. Tuy nhiên, để ướp được xác, người Ai Cập phải lấy óc và lục phủ ngũ tạng của người chết ra, sau đó dùng các loại hóa chất, hương liệu để diệt trùng nhằm bảo quản cơ thể. Việc ướp xác theo cách đó có thể giải thích bằng khoa học khá đơn giản. Thế nhưng, khả năng ướp xác không cần thuốc diệt trùng, không cần môi trường chân không, không cần ướp lạnh mà vẫn giữ được toàn vẹn xương cốt, lục phủ ngũ tạng thì quả là chuyện rất lạ. Nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tồn tại suốt 300 năm nay như thách thức với khoa học. Theo sử sách ghi lại, hai vị thiền sư này tập thiền, rồi vẫn tư thế ngồi thiền đó, hai vị đã đắc đạo. Xá lợi của hai thiền sư đốt không cháy, ngâm nước không tan. Ngoài ra, tại chùa Phật Tích cũng có thiền sư Chuyết Tuyết và chùa Tiêu Sơn có thiền sư Như Trí, đều giữ được toàn thân xá lợi đã gần 300 năm nay. Các nhà khoa học nước ta và cả thế giới cũng đã bỏ công sức nghiên cứu quả tim xá lợi của thiền sư Thích Quảng Đức mấy chục năm nay, song vẫn chưa tìm được lời giải thuyết phục. Theo các nhà khoa học, sau khi thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ- Ngụy, dù các bộ phận cơ thể cháy thành tro, song trái tim của ngài vẫn đỏ rực. Ngô Đình Diệm không tin chuyện trái tim của ngài không cháy liền đem nung ở nhiệt độ 5.000 độ C, tuy nhiên, trái tim của ngài vẫn… chẳng thành than. Theo các nhà khoa học nghiên cứu về tiềm năng con người, thời gian gần đây, ở nước ta cũng có một số thiền sư tu thiền đạt được xá lợi, là những viên ngọc ngũ sắc. Những viên xá lợi này chính là tinh túy của thân thể tích tụ lại, đốt ở nhiệt độ cao cũng không cháy được. Xá lợi và toàn thân xá lợi không những là hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học trong nước mà còn đối với cả thế giới.
Tôi đã tận mắt chứng kiến nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, thiền sư Như Trí và nhận thấy xác ướp của ông Đinh Công Hạo cũng giống như vậy. Tuy nhiên, xá lợi của những thiền sư này có thể giải thích bằng các thuyết giáo của Phật pháp, rằng đó là sự tu luyện khổ hạnh cả đời của các thiền sư nhằm hấp thụ được tinh hoa của trời đất, còn xác ướp của ông Hạo thì không biết giải thích bằng cách nào, bởi gia đình ông không sử dụng hóa chất ướp xác, ông cũng chẳng bỏ ra một ngày để tu luyện theo phương pháp ghi trong các kinh Phật.
Vợ chồng ông Đinh Đại Bửu sinh được 4 người con, gồm 2 trai và 2 gái. Ông Đinh Công Hạo sinh năm 1951, là người con thứ 3, còn ông Trí là con út. Những người già trong xóm kể rằng, cậu bé Hạo rất khô ngô, lại giống cha như tạc nên ông Bửu rất cưng chiều, yêu thương. Tấm ảnh thờ chụp khi nhỏ của Hạo đã nói lên điều đó.
Ông Đinh Đại Bửu là một nhà nho, làm nghề gõ đầu trẻ trong ấp. Thừa hưởng trí tuệ của cha nên từ nhỏ Hạo đã bộc lộ tài năng. Mới 7 tuổi, Hạo đã biết làm thơ tặng bạn bè, cha mẹ và những người thân. Nhiều thầy đồ còn không tin những bài thơ Hạo tặng là do cậu làm, vì ý tứ rất có hồn và nhả chữ đúng niêm luật. Cả gia đình, đặc biệt là ông thầy đồ Đinh Đại Bửu đều trông mong mai này Hạo thành tài.
Tuy nhiên, năm lên 10 tuổi, cậu bị một căn bệnh rất lạ, suốt cả tuần không ăn, không ngủ, người cứ ốm dần dần. Gia đình giàu có, ông Bửu chi tiền không tiếc để mời các thầy thuốc, đủ cả Đông, Tây y đến bắt bệnh, nhưng họ đều lắc đầu chịu thua vì không tìm ra bệnh gì. Thậm chí, ông Bửu còn đưa con lên tận Sài Gòn, lê lết đến các bệnh viện, rồi gặp các thầy thuốc giỏi người Hoa, người Mỹ, song họ cũng không có kết luận gì về bệnh tình của Hạo.
Năm 14 tuổi, Hạo không còn nhìn thấy ánh sáng, mặc dù trông đôi mắt của cậu vẫn long lanh như người bình thường.
Bốn phương đã vái đủ cả, không còn cách nào, ông Bửu bèn nghe theo mấy bà đồng cốt lên núi Sam (Châu Đốc, An Giang) lạy trời khấn phật cho con qua bệnh hiểm nghèo. Mấy ngày liền ông quỳ mọp trên núi, bất kể nắng mưa. Tuy nhiên, Hạo vẫn không có dấu hiệu khỏi bệnh mà cơ thể cứ teo tóp dần đi.
Vào ngày 19/12/1968 (âm lịch), Đinh Công Hạo trút hơi thở cuối cùng sau gần chục năm mắc bệnh. Lúc đó cậu mới 17 tuổi. Sau khi tổ chức tang lễ với đầy đủ nghi thức, gia đình an táng xác tại mảnh ruộng ngay cạnh nhà.
Ngay sau đêm mở cửa mả (3 ngày sau khi chôn) của Hạo, ông Bửu nằm mơ thấy con trai mình báo mộng rằng phải tìm 4 người ăn chay trường, đạo đức tốt đến đào mộ của Hạo lên trong khoảng thời gian từ 4-5 giờ sáng. Ông Bửu kể với mọi người trong gia đình về giấc mơ lạ này, nhưng mọi người còn bán tín bán nghi nên không dám đào mộ.
Hôm sau, một người lạ mặt vào nhà ông Bửu chơi giới thiệu là thầy thuốc nam. Trông tướng ông thầy thuốc này như một đạo sĩ, dáng người gầy gò, mắt sáng, râu dài đến ngực, tóc phủ chấm vai. Nghe ông Bửu kể về bệnh tật của con trai mình và giấc mơ lạ, ông thầy thuốc này tỏ vẻ hối tiếc và bảo rằng nếu ông đến nhà từ hôm trước và đào xác Hạo lên thì sẽ cứu được, còn chôn đến ngày thứ 4 rồi thì không kịp nữa. Tuy nhiên, ông thầy thuốc nam cũng khẳng định xác của cậu chưa “chết” và khuyên gia đình nên đào xác lên để cất giữ.
Nghe chuyện kỳ lạ này, chẳng ai tin được. Nhiều người bảo ông thầy thuốc ấy bị thần kinh. Tuy nhiên, do quá thương nhớ con, nghĩ lại giấc mơ và ngẫm lời ông thầy thuốc kỳ bí đó nói, ông Hạo không ngủ được. Mấy đêm ròng ông thức chong chong nhìn đỉnh màn. Rồi ông quyết định quật mộ con xem thực hư thế nào.
Một số người sợ mùi xác thối sẽ xông lên, nên đã lấy bông gòn bịt hai lỗ mũi lại. Người khác chạy ra xa. Ai cũng nghĩ rằng sau nhiều ngày nằm dưới đất, xác đã bị phân hủy, bốc mùi khủng khiếp. Mộ quật lên, quan tài bật nắp, mọi người hết sức sửng sốt. Ai cũng ngỡ cậu Hạo đang nằm ngủ. Điều lạ là lúc chết cơ thể cứng đơ, nhưng khi đào mộ lên thì xác lại mềm mại, da dẻ hồng hào, mà không hề trương thối. Duy chỉ có khóe miệng, khóe môi bị kiến cắn chút ít. Ông Bửu mang xác con về nhà để trên ghế bố rồi phủ vải màn lên. Ông làm việc này với hy vọng nhờ phép màu nào đó khiến con ông sống lại.
Tin “xác chết trở về” đã lan truyền khắp nơi. Người dân khắp vùng kéo đến xem kín nhà, kín vườn. Thôn ấp lúc nào cũng đông như trẩy hội. Chính quyền biết tin liền cử một đoàn bác sỹ gồm 5 người, trong đó có một bác sỹ người Mỹ, đến xem xét, khám nghiệm tử thi. Nghiên cứu suốt mấy ngày rồi họ ra về mà không để lại kết luận, nhận định gì. Khi đó ông Trí đã 13 tuổi và vẫn còn nhớ rõ mọi việc diễn ra. Đoàn bác sĩ này chỉ nói với bố ông rằng, anh Hạo ông đã chết, còn xác vì sao không bị phân huỷ, không bốc mùi hôi thối thì họ cũng chịu.
Ông Trí kể, một điều rất lạ là qua cả tháng trời để giữa nhà, trong cái nóng như nung, nhưng thân thể ông Hạo vẫn mềm, không có mùi tanh, ruồi muỗi cũng không bâu vào. Ông Bửu thử nhỏ vài giọt cà phê vào miệng thấy trôi vào bụng luôn. Thậm chí, người anh họ đổ liền lúc 3 lít nước vào miệng vẫn hết mà không tiết ra ngoài. Sau khi mời rất thiều thầy thuốc, thầy cúng đến xem xét, ai cũng lắc đầu không thể làm ông Hạo sống lại được, ông Bửu liền đóng chiếc quan tài khác để chứa xác con. Mặt trên chiếc quan tài dán kính để mọi người khi đến thắp hương có thể nhìn rõ thân thể ông Hạo. Bên hông quan tài, ông mở một lỗ nhỏ, luồn ống thông hơi theo lời hướng dẫn của vị bác sĩ người Mỹ.
Khoảng 4 tháng sau, đoàn bác sĩ tiếp tục quay lại khám nghiệm xác ông Hạo. Lần này có nhiều chuyên gia nước ngoài, toàn tầm cỡ giáo sư, tiến sĩ. Khi các bác sĩ dùng kim chích vào đầu những ngón tay của ông Hạo thì máu tươi vẫn nhỏ ra. Thế nhưng, họ vẫn “bó tay” trong việc tìm ra lời giải. Cũng như lần trước, họ không đưa ra được kết luận gì. Họ chỉ nói rằng, đó là hiện tượng “chết rũ” (chết khô từ từ). Cũng chính từ đó, người dân quanh vùng gọi xác ông Hạo là “xác rũ”.
Hằng ngày, ông Bửu thường xuyên lau chùi chiếc quan tài và nhang đèn cho con trai mình. Đến năm 1994, ông Bửu qua đời và giao lại nhiệm vụ ấy cho ông Trí.
Thời gian trôi qua, xác ông Hạo từ mềm chuyển sang khô dần cho đến ngày hôm nay. Ông Đinh Hữu Trí khẳng định, gia đình ông không bao giờ nghĩ đến chuyện ướp xác. Suốt 40 năm nay, gia đình không dùng bất cứ thứ thuốc nào tiêm hoặc bôi vào cơ thể ông Hạo. Ngay cả lục phủ ngũ tạng của ông Hạo cũng vẫn còn nguyên.
Ông Nguyễn Văn Tao – Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, hồi tháng 3-2005, tiến sĩ khảo cổ học Đinh Thị Tuyết Mai, ở Cộng hòa liên bang Đức, gửi thư cho chính quyền địa phương nhờ liên hệ với gia đình ông Đinh Công Trí để đưa một một số nhà khoa học từ Đức sang nghiên cứu xác khô ông Hạo. Tuy nhiên, đã hai năm trôi qua mà vẫn không thấy họ sang.
Có thể nói, hiện tượng xác khô ở An Giang hơn 40 năm không phân hủy là một hiện tượng hy hữu không những đối với cả nước mà có lẽ cả trên thế giới. Đây có lẽ là một thông tin hấp dẫn đối với các nhà khoa học đam mê khám phá những hiện tượng kỳ lạ của cuộc sống. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh An Giang cũng cần nghiên cứu để có những biện pháp bảo tồn xác khô của ông Đinh Công Hạo, để phục vụ nghiên cứu khoa học lâu dài.
Nguyễn Văn Quí st từ BÁO ANTG