Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 23 Tháng 9 2024, 18:30
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Về vụ "Cựu sinh viên tạt axít thầy giáo" «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 870 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: Về vụ "Cựu sinh viên tạt axít thầy giáo"
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 8 2009, 10:07
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 74
Sinh nhật: 00-00-1950
Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07
Bài viết: 287
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cựu sinh viên tạt a-xít thầy giáo, đại náo giảng đường
(VietNamNet)
http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/08/865124/

VNN-Một sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM đã tạt 5 lít axít vào thầy giáo vì thầy không cho qua môn học. Vụ việc xảy ra vào khoảng 8h sáng 24/8 tại Đại học Nông lâm (quận Thủ Đức, TP.HCM).

Khi thầy Đặng Hữu D. (khoa Cơ khí) đang dạy ở giảng đường 301 thì bất ngờ có một đối tượng cầm trên tay thau nhựa màu xanh chứa chất axít đi thẳng vào giảng đường rồi tạt mạnh vào người thầy D.

Sinh viên Trần Vũ Anh (SN 1986, lớp DH06CK) - người bị thương ở lưng sau khi xảy ra vụ việc – cho biết, khi váo lớp, đứng trước mặt thầy D., người thanh niên này buông một câu nói “Thầy ơi! Nước rửa tay đây” rồi hất nguyên chậu nước vào người thầy Dũng, làm thầy hoảng loạn, kêu cứu thất thanh.

Do quá bất ngờ nên thầy D. đã bị toàn bộ thau chứa axít tạt trúng, khiến toàn thân bị phỏng nặng.

Một số sinh viên đang ngồi học tại giảng đường cũng bị axít văng trúng. Nhiều sinh viên đang ngồi học phía dưới đã chạy lên để trấn áp đối tượng.

Ngay sau khi tạt axít xong, đối tượng lập tức rút dao ra tiếp tục truy sát thầy D. khiến nhiều sinh viên không dám lại gần. Sau khi truy đuổi thầy D. từ giảng đường 301 chạy đến giảng đường 302, đối tượng đã bị nhiều sinh viên khác vây bắt.

Chiều ngày 24/8 hung thủ gây ra vụ việc đã được bàn giao cho công an Q. Thủ Đức để điều tra làm rõ. Danh tính đối tượng được xác định là Trần Xuân Thanh, nguyên sinh viên khoa Cơ khí (khóa 28). Thanh đã bị đình chỉ học 3 năm nay vì “nợ” nhiều môn.

Ông Huỳnh Thanh Tùng, Hiệu phó Đại học Nông lâm cho biết: “Thanh đã bị nợ môn tiếng Anh chuyên ngành do thầy D. là người trực tiếp giảng dạy. Vì thi nhiều lần nhưng vẫn không qua khỏi nên Thanh đã xin thầy D. cho qua để được cấp bằng tốt nghiệp, tuy nhiên thầy D. không đồng ý”.

Vụ việc đã khiến cho 5 sinh viên đang học tại trường cũng bị a xít văng trúng và bị phỏng nhiều nơi là Nguyễn Văn Khoa, Trần Minh Triệu, Trần Vũ Anh, Huỳnh Đặng Đức Toàn và Vũ Văn Tuyền (đều là sinh viên khoa Cơ khí, khóa 32).

Hiện thầy Đặng Hữu D. đã được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo thông tin từ bệnh viện chợ Rẫy, thầy D. bị phỏng hơn 70% cơ thể. Cùng với thầy D., sinh viên Vũ Văn Tuyền cũng được đưa tới bệnh viện chợ Rẫy vì bị axít văng trúng mắt. Bốn sinh viên còn lại đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Thủ Đức.

Tại cơ quan điều tra, Thanh khai nhận đã mua 5 lít axít với giá 100.000 đồng để thực hiện hành vi trên.

Thạc sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Đại học Nông lâm nói: “Đây là một việc đau lòng. Trong khi buổi sáng, có hơn 1.000 sinh viên của trường đang hiến máu nhân đạo để cứu người thì một sinh viên của trường lại có hành động đáng lên án”.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

VNN-Từ những góc nhìn khác nhau, tiến sĩ Hồ Đắc Túc và sinh viên Lê Hoa (TP.HCM) đều cho rằng, sự nghiêm khắc của giáo viên trong thi cử và chấm điểm cũng chính là động lực cho sinh viên cố gắng "học thật" trong suốt quá trình.

Riêng bạn Lê Hoa còn muốn chia sẻ với bạn trẻ cùng thế hệ (9x, 8x, 7x) rằng không nên đổ lỗi cho giáo dục.


Bộ có thể hạ điểm sàn, nhưng thầy Dũng không thể

Con người sinh ra không công bằng về thể chất và bản chất, nhưng cơ cấu xã hội dự phần vào việc hình thành thể chất và bản chất của cá nhân.

Cá nhân, vừa vô thức vừa ý thức, tự điều chỉnh để hòa đồng vào xã hội. Tiến trình tự điều chỉnh gọi là tiến trình xã hội hóa cá nhân (đừng hiểu nhầm theo nghĩa ‘đại trà hóa’ như xã hội hóa giáo dục đại học là cho mở đại học tràn lan).

Việc một sinh viên tạt a xít rồi cầm dao rượt một thầy giáo chỉ vì thầy không cho đậu phản ảnh ít nhất hai yếu tố.

Một, bản chất của sinh đó vốn tiềm ẩn nhiều mầm hung dữ hơn hiền hậu. "Nhân chi sơ tính bản thiện" (Khổng Tử) không có cơ sở chứng minh.

Chúng ta nghe ‘thầy’ Khổng nói là lặp lại không suy nghĩ. Con người sinh ra cưu mang đủ cội nguồn cha ông, mà cha ông thì lành có dữ có, nên trong ta cũng có lành có dữ, có khi lành nhiều hơn dữ, hoặc ngược lại. Đó là mặt cá nhân.

Hai, xã hội hóa – tức qui trình để cá thể chủ động và thụ động nhập lưu vào dòng đời – đóng góp vào quá trình hình thành nhân cách cá nhân.

Một xã hội coi trọng bằng cấp sẽ ảnh hưởng đến tư duy của cá nhân. Một xã hội coi Văn Miếu, Trạng Nguyên là thước đo thành công sẽ ảnh hưởng hành động của cá nhân trong xã hội đó.

Một xã hội, thí dụ, trong đó thầy cô giáo không thích xếp hàng mà chen ngang thì học sinh cũng sẽ ảnh hưởng và làm theo văn hóa chen ngang đó.

Sự tương tác của tập thể, tức xã hội, và cá nhân là sự tương tác tích cực.

Khi một xã hội thiếu trật tự thì cá nhân đó sẽ hành xử theo hướng vô trật tự để được công nhận là một thành viên trong xã hội đó.

Anh sinh viên khi hành hung thầy giáo - có thể đã hành động một cách vô thức, hiểu theo nghĩa anh ta ‘tự động hóa’ làm theo những gì mà anh ta thấy ở cuộc đời chung quanh.

Bộ GD-ĐT có thể "hạ điểm sàn" vào đại học vì đa số sinh viên không đạt điểm tối thiểu. Xã hội không có ý kiến. Tiểu chuẩn bị hạ thấp. Anh ta là một thành viên trong một môi trường/xã hội mà tiêu chuẩn (hữu hình và vô hình) bị hạ thấp, cớ sao điểm đậu của anh ta lại không được thầy mình hạ thấp?

Vậy là mầm dữ trong người anh ta bộc phát. Anh ta ‘xử’ thầy.

Trong một xã hội như vậy, việc thầy Dũng vẫn giữ vững tiêu chuẩn là một hành động can đảm và đầy tự trọng. Thầy không thể "hạ sàn" tối thiểu của giáo dục.

* Hồ Đắc Túc (PhD)


"Đừng đổ lỗi cho giáo dục"

Từng là SV khoa Anh văn, tôi xin chia sẻ thêm về kinh nghiệm thời đại học về sự nghiêm khắc trong thi cử, chấm điểm của giáo viên ảnh hưởng đến thái độ học của sinh viên.

Khoa tôi có giáo viên người Việt và bản ngữ (Anh, Úc). Giáo viên bản ngữ tuy rất thân thiện, vui vẻ và cởi mở, thậm chí còn nhớ mặt, nhớ tên của hầu hết sinh viên trong lớp.

Tuy nhiên trong giờ thi cử, họ rất nghiêm khắc, nếu nhìn thấy ai xem tài liệu sẽ "tặng" ngay con "zero".

Vì vậy không sinh viên nào dám đem theo tài liệu hay trao đổi với nhau - điều vẫn có thể xảy ra trong giờ thi với giáo viên người Việt.

Chính điều đó đã dần tạo cho chúng tôi thái độ cũng như thói quen học tập và thi cử rất nghiêm túc, không chỉ đối với môn học của giáo viên nước ngoài mà còn cả với giáo viên Việt Nam.

Vì nếu bạn nào "rục rịch" trong giờ thi thì tự dưng sẽ dễ bị "nổi bật" ngay, mà bản thân có lẽ cũng cảm thấy "quê quê" và hổ thẹn nữa.

Qua đó tôi thiển nghĩ: Phải chăng, chính sự nghiêm khắc của giáo viên trong thi cử và chấm điểm cũng chính là một trong những động lực cho sinh viên cố gắng "học thật" trong suốt quá trình chứ không chỉ dừng lại ở thái độ học "tà tà", gần thi "nước đến chân mới nhảy" với tư tưởng "miễn sao vừa đủ điểm đậu" của một số sinh viên lâu nay?

Qua đây tôi cũng muốn chia sẻ (nhất là với các bạn trẻ 9x, 8x, 7x cùng thế hệ với tôi) một vài ý kiến thế này:

1. Nền giáo dục của nước mình tuy hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chậm phát triển hơn các nước khác trong khu vực và trên thế giới nhưng Chính phủ, Bộ GD-ĐT nói riêng và toàn xã hội nước mình nói chung vẫn đã/đang quan tâm và nỗ lực để nâng tầm phát triển theo kịp người ta (trước hết quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" rồi còn gì). Nói thì dễ, làm mới khó!

Đâu phải nước nào cũng một sớm một chiều làm được ngay đâu. Các bạn không thấy ở các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc,... tỷ lệ sinh viên du học đến các nước tiên tiến cũng rất cao đấy sao?!

Nếu nền giáo dục trong nước hoàn hảo thì cũng đâu phải mất công bỏ nhiều tiền của, công sức kéo ra xứ người mà học như vậy.

Muốn đưa được nền giáo dục nước nhà thoát khỏi tình trạng "bất cập, ..." như mọi người vẫn hay phê phán, cần có sự chung tay của toàn xã hội nữa chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.

Tôi thấy nhiều người mở miệng ra chỉ hay phê phán, đổ lỗi nhưng bản thân thì lại chẳng đóng góp gì để cho nó tốt hơn.

Việc nhỏ nhất có thể bắt đầu là hãy cố gắng học tập hoặc hoàn thành phần việc của mình đi đã.

Bản thân mình chỉ việc nhỏ đã làm không xong thì đừng phê phán, chỉ trích người khác không thực hiện được việc lớn.

2. Đạo đức của một cá nhân do nhiều yếu tố tạo nên (môi trường gia đình, xã hội, tự rèn luyện,...), đừng đổ lỗi chỉ do nền giáo dục.

Theo tôi, đã là sinh viên tức là đã được học hơn nhiều người thì càng được kỳ vọng là những người có hiểu biết, đừng nói chi đến cả một quá trình hành động cố ý tạt axit vào người khác và chạy theo đâm chém phi nhân tính như thế.

* Lê Hoa (TP.HCM)


VNN-"Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay. Tôi là một giảng viên trẻ đang học tập tại nước ngoài, luôn coi trọng tính trung thực, công bằng trong giáo dục nên rất phẫn nộ".

Từ Australia, bạn đọc Mai Khanh mổ xẻ câu chuyện "sinh viên tạt axit thầy giáo" đang gây dư luận trong tuần này.
Còn ở Hà Nội, bạn đọc Lương Việt, "đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính” cho rằng, một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại.

VietNamNet giới thiệu các ý kiến trên và mong nhận được sự phân tích, mổ xẻ của bạn đọc từ câu chuyện này.


Mai Khanh (Australia): Hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp

Việc sinh viên này không thể hoàn thành được chương trình đại học có thể do một phần từ điều kiện gia cảnh khó khăn, nhưng trên hết vẫn là do năng lực bản thân hạn chế.

Ham muốn có một tấm bằng đại học của hung thủ là hậu quả tất yếu của lối sống chạy đua theo bằng cấp vẫn còn tồn tại hiện nay.

Hiện tượng các trường nghề mở ra không có người học, các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa, các đơn vị thu nhận lao động phần lớn đánh giá ứng viên qua bằng cấp, và một lối suy nghĩ còn phổ biến ở nhiều gia đình là con cái phải vào được đại học để có “danh” có “phận” đã vô tình góp phần dẫn đến hành vi tội ác của những người như Trần Xuân Thanh.

Bản thân sinh viên này vốn yếu kém về năng lực nhưng không tự công nhận năng lực, thiếu lòng tự trọng để phấn đấu, manh nha của bản tính côn đồ và đâu đó sự tồn tại của nhiều hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đã khiến cho tên Thanh dễ dàng có suy nghĩ cực đoan về sự liêm chính của thầy giáo Dũng, dẫn đến hành động độc ác.

Rồi đây những nhà giáo chân chính sẽ cảm thấy e dè trong việc bảo đảm đánh giá đúng mực năng lực học trò; bản thân những sinh viên chân chính cũng sẽ rất bất an về sự công bằng trong kết quả đánh giá, thi cử.

Để nền giáo dục luôn công bằng, để xã hội được an ninh - trật tự, phải đào tạo được những con người có tự trọng bản thân, tôn trọng người xung quanh và tôn trọng luật lệ. Đây là kết quả của một quá trình giáo dục “dài hơi” và có hệ thống, ngay từ trong mỗi gia đình, tới nhà trường, và cả xã hội.

Lương Việt (Hà Nội): Kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm

Đã có hơn 25 năm đi học, từ vỡ lòng đến bậc học cao nhất, đã từng học cả ở trong nước và cả chục năm học ở nước ngoài, đã học với nhiều thầy, cô giáo khác nhau, kể cả những thầy, cô được gọi là nghiêm khắc hay “khó tính”, tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ và kịch liệt lên án hành động côn đồ, lưu manh của sinh viên Thanh với thầy Dũng. Đối với một người bình thường khác hành động phi nhân tính ấy đã đáng bị lên án kịch liệt, đối với một sinh viên càng phải bị lên án mạnh mẽ gấp bội. Xin đề nghị những người có trách nhiệm và pháp luật hãy xử lý hành vi này thật nghiêm minh. Tôi cũng kịch liệt lên án thái độ của một số ít người tỏ ý đồng tình, thông cảm dù ở mức độ nhỏ nhất với hành động ấy.

Với bất cứ một nền giáo dục nào, không ai được quyền giảm bớt tiêu chuẩn cần đạt tới cho mỗi bậc học và mỗi môn học. Ai không đạt được chuẩn chung đó thì không thể nhận chứng chỉ hay bằng cấp tương ứng. Anh Thanh chưa đạt tới trình độ ngoại ngữ đã quy định như các sinh viên khác thì không thể cho anh Thanh điểm đạt về môn ngoại ngữ. Nếu “cho đạt” nghĩa là thầy Dũng đã hạ thấp tiêu chuẩn và đã không công bằng với nhiều sinh viên khác.

Chúng ta chỉ có thể yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có việc nâng cao tiêu chuẩn các bậc học theo trình độ phát triển đất nước để đuổi kịp các nền giáo dục phát triển trên thế giới. Có như vậy đất nước mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển trên thế giới.

Hạ bớt tiêu chuẩn đồng nghĩa với việc đào tạo ra những sản phẩm kém chất lượng là có tội với dân tộc, với các thế hệ đã khuất và cả các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền đòi hỏi các thầy, cô giáo công bằng, trách nhiệm, lương tâm trong giáo dục chứ không thể đòi hỏi các thầy, cô giáo hạ thấp tiêu chuẩn của một sinh viên tốt nghiệp đại học. Sẽ là tai hoạ trong tương lai không xa cho dân tộc nếu bây giờ thầy, cô giáo nào cũng hạ bớt tiêu chuẩn giáo dục cho mỗi bậc học và mỗi môn học.

Nhẽ ra, anh Thanh phải cố gắng học tập để có thể vượt qua kỳ thi như các sinh viên khác, chứ không được có ý nghĩ về hành vi, càng không được có hành động côn đồ với thầy giáo như vậy. Thử hỏi mai sau nếu anh ta ra xã hội, bất cứ khi nào gặp khó khăn, không đạt được mục tiêu của mình, không đủ khả năng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó anh ta đều hành động như thế chăng. Nguy hiểm biết bao nếu sản phẩm giáo dục của chúng ta là những người như anh Thanh. Nếu các vị nói rằng “nếu không có Thanh này thì sẽ có Thanh khác”, thì tôi cũng có thể nói rằng: nếu lúc này Thanh không hành động như vậy thì chắc chắn sau này Thanh sẽ hành động như thế ở một chỗ khác, với những người khác, vì những lý do khác.

Nếu quả thật thầy Dũng (tôi xin lỗi thầy Dũng trong giả định này) không công bằng, có tiêu cực, thì trong môi trường đại học Thanh vẫn có nhiều cách giải quyết hợp lý, hợp tình, hợp luật, hợp lòng khác, sao lại tàn bạo với chính người thầy của mình, của các bạn bè mình đến vậy? Thanh có thể trực tiếp gặp lãnh đạo nhà trường, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức khác để phản ảnh và giúp Thanh, giúp thầy Dũng tiến bộ. Nếu Thanh thật sự gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa đủ điều kiện để học tập thì Thanh cũng có thể trực tiếp gặp các thày, cô giáo, Ban Giám hiệu để phản ánh và chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ của các thầy, cô và nhà trường. Thậm chí, Thanh có thể tạm dừng việc học đi làm một thời gian rồi sau đó quay lại học. Ở nước ta pháp luật không cấm điều đó. Ở các nước phát triển đây là hiện tượng phổ biến.

Nếu ai đó đồng tình hay thông cảm với hành vi của Thanh, thì vô tình đã tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức trong học đường và trong xã hội.

Điều đó sẽ hết sức tai hại cho tương lai đất nước, cho chính chúng ta. Trong khi ngành giáo dục và những người có luơng tâm, có trách nhiệm đang tích cực đấu tranh với những hành vi suy thoái đạo đức trong xã hội thì những người đó lại tiếp tay cho sự xuống cấp về đạo đức, cho hành vi phi nhân tính trong học đường. Xã hội sẽ lên án không chỉ hành vi của anh Thanh mà còn cần phải phê phán thái độ và tư tưởng sai lầm ấy.

Để một nền giáo dục phát triển mọi người phải đồng tình với sự nghiêm khắc, tính nguyên tắc của thầy, cô giáo và khắt khe với thái độ dễ dãi của họ. Những người học trò đúng nghĩa bao giờ cũng cảm nhận được và biết ơn các thầy, cô giáo nghiêm khắc và giữ đúng nguyên tắc bởi chính sự nghiêm khắc và nguyên tắc đó giúp họ trưởng thành. Nếu thầy cô, giáo dễ dãi, “độ lượng” theo cách nghĩ của một số người có thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh (nghĩa là thầy Dũng cho anh Thanh đạt ngoại ngữ dù thực chất anh ta chưa đạt được trình độ cần có), thì thầy Dũng đã hành xử không công bằng. Các thày cô giáo là những người thay mặt xã hội cầm cân, nẩy mực trong giáo dục. Thầy, cô giáo mà hành xử không công bằng chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ rối loạn.

Nếu có chăng, chúng ta chỉ có thể phê phán thầy Dũng đã sơ suất ở chỗ chưa phân tích rõ cho Thanh hiểu tại sao đã bốn lần thi mà vẫn chưa thể đạt để Thanh nhận thức rõ chính mình và cố gắng học tập hơn nữa, chứ không thể phê phán thầy Dũng là thiếu độ lượng, trù dập sinh viên. Hiện tượng giám thị “khủng”, giáo viên “thiếu độ lượng”, tiêu cực như thầy Chung Lý phản ánh, quả thực đang tồn tại trong nền giáo dục nước nhà, gây nhức nhối trong xã hội. Nhưng không vì thế mà chúng ta đi đến sia lầm cực đoan khác là hạ bớt tiêu chuẩn cấp học, môn học để ai “vào được thì cũng đều phải ra được”.

Việc học trò tạt axít thầy giáo và các bạn đồng môn là một nỗi đau của nền giáo dục đại học nước nhà. Thái độ đồng tình, thông cảm với anh Thanh là tiếng chuông cấp báo về sự đảo lộn thang giá trị trong xã hội hiện nay. Một nền giáo dục đại học suốt hơn 60 năm qua vận hành theo nguyên tắc “có vào chắc chắn có ra” theo tinh thần tư duy bao cấp, bình quân chủ nghĩa, đã biểu lộ những bất cập nguy hại. Tư tưởng ấy đã ít nhiều lan rộng trong xã hội, đã thấm vào chính các thầy, cô và sinh viên, đang kìm hãm nền giáo dục. Xoá bỏ tư tưởng ấy, tạo dựng tư tưởng, triết lý giáo dục mới, chấn chỉnh và cải tổ lại nền giáo dục là việc không thể trì hoãn.



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Điều gì đang xảy ra... ?
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 9 2009, 11:41
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2243
Điều gì đang xảy ra trong quan hệ thầy trò?

TT - LTS: Từ vụ “Thi trượt, sinh viên tạt axit thầy giáo” (Tuổi Trẻ ngày 25-8-2009), nhiều giảng viên, giáo viên kể lại chuyện “xin điểm” kèm theo những câu hỏi nhức nhối.

Xin điểm và bạo lực

* Vụ sinh viên Trần Xuân Thanh tạt axit vào thầy Đặng Hữu Dũng khiến thầy bị bỏng nặng gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Từ đây dư luận bật ra câu hỏi: điều gì đang xảy ra trong mối quan hệ thầy - trò ngày nay? Vì sao ngày càng nhiều sinh viên dám gọi điện thoại cho giáo viên của mình không phải để được lĩnh giáo kiến thức mà để “mè nheo” chuyện thi cử, điểm số?

Có lẽ không ít người còn nhớ và bức xúc trước vụ một nữ sinh viên đổi “tình” lấy điểm ở một trường cao đẳng địa phương từng gây xôn xao dư luận vài năm trước. Có lẽ những ai từng ngồi trên ghế giảng đường hẳn không lạ cảnh trước khi thi nhiều sinh viên rủ nhau đến thăm giáo viên phụ trách môn; hay cảnh nhiều sinh viên sau khi có kết quả thi trượt “bỗng dưng” trở nên khá thân thiết với giáo viên của mình...

Từng làm công tác thỉnh giảng cho một trường đại học ở địa phương, chính tôi cũng không ít lần nhận được tin nhắn ẩn danh xin được “bật mí” đề thi trước kỳ thi hết môn học. Trước những tin nhắn như vậy tôi tỏ thái độ bằng cách im lặng.

Chuyện thi cử, điểm số là những chuyện hết sức tế nhị, phức tạp. Dư luận vì vậy càng bức xúc và phẫn nộ trước hành vi bạo lực, côn đồ, trước chuyện “lùm xùm” giữa nhiều sinh viên và giáo viên “rẻ hóa” chính mình, làm sút giảm niềm tin vào hệ thống giáo dục, gián tiếp tha hóa sinh viên và đạo đức học đường..., thì càng trân trọng những giáo viên vẫn giữ được cái tâm và đạo đức nghề giáo như thầy Đặng Hữu Dũng.

KTS LÊ CÔNG SĨ

* Tôi là giảng viên của một trường đại học khối ngành kỹ thuật ở TP.HCM. Tôi hiểu mối nguy hiểm đến từ một số ít sinh viên thiếu đạo đức và coi thường pháp luật. Trong số ấy có sinh viên từng dẫn côn đồ vào trường tìm tôi để chém, nhưng tôi còn may hơn thầy Dũng vì họ không tìm thấy tôi. Nguyên nhân chỉ vì tôi không cho điểm thi môn thực hành do sinh viên này không chịu làm bài thi hết môn. Hiện giờ mỗi năm tôi phải phụ trách hàng ngàn sinh viên. Trong đa số các em thi trượt, tôi thấy phần lớn là trốn tiết học, coi thường việc học tập.

Một điều đáng báo động ở đây là không ít sinh viên xem thầy chỉ như người bán hàng, khách (sinh viên) đã trả tiền (đóng học phí) thì người thầy đứng lớp phải làm theo yêu cầu của khách!

Dang Van Anh (dangvananh76@...)


* Tôi từng công tác tại Trường đại học Nông lâm TP.HCM một thời gian khá dài. Tuy không trực tiếp giảng dạy sinh viên, nhưng với cương vị quản lý về đào tạo, tôi cũng từng gặp trường hợp sinh viên không đạt đủ số học phần quy định để được phân công làm đề tài tốt nghiệp xin tôi bỏ bớt một vài học phần để có thể làm đề tài. Tôi trả lời với sinh viên này rằng quy định là quy định, tôi không thể làm trái quy định.

Và chỉ vì chuyện này mà mấy hôm sau lúc gặp tôi ở chỗ vắng, sinh viên này đã có những hành động khá hung dữ, nhưng rất may là sau đó có một thầy giáo đi tới và áp giải sinh viên này, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Tôi là bạn cũ của thầy Dũng. Nghe tin thầy bị sinh viên tạt axit chỉ vì thầy làm đúng với lương tâm của một nhà giáo tôi thấy thật xót xa. Từ vụ án đau lòng này, chúng ta phải xem lại đạo đức của một bộ phận sinh viên, thanh niên ngày nay khi chuyện gì xảy ra không đúng theo ý muốn của họ thì họ dùng bạo lực để giải quyết.

B.Đ.

Xem lại việc giáo dục đạo đức cho học sinh

* Tôi là giáo viên dạy bậc phổ thông trung học. Đọc thông tin về vụ sinh viên tạt axit thầy giáo ngay giữa giảng đường tôi bị sốc nặng. Từ sự kiện này, chúng ta hãy nhìn lại việc giáo dục đạo đức cho học sinh ngay từ các cấp học trước. Ở bậc phổ thông trung học, chúng ta chỉ chăm chăm vào các môn thi tốt nghiệp cuối cấp, còn lại các môn phụ thì không cần học. Việc đánh giá hiệu quả giảng dạy thì theo tỉ lệ đỗ tốt nghiệp từng môn, từng trường.

Không ít giáo viên vì điểm số đã đánh giá dễ dãi, cho điểm khống để học sinh của mình có điểm cao. Cá biệt hơn, có học sinh còn mua bán, đổi chác điểm với giáo viên như mua hàng ngoài chợ. Quan hệ thầy - trò như vậy hỏi sao không có một bộ phận học sinh coi thường giáo viên, mất ý chí phấn đấu, không nỗ lực trong học tập (vì kết quả học tập có thể “mua” được từ thầy cô).

NAM LỆ

* Những ai đã từng đi dạy đều quá quen thuộc với cảnh xin điểm của phụ huynh, học sinh cuối năm học hay gần nhập học, sau khi học sinh thi lại. Tôi không hiểu những bậc cha mẹ suy nghĩ như thế nào khi mở miệng xin điểm cho con. Tôi lại càng không hiểu một sinh viên như Trần Xuân Thanh thi trượt lại đổ lỗi cho thầy giáo mình và hành hung thầy bằng một thau axit!

Nếu trước đó thầy Dũng nhắm mắt cho Trần Xuân Thanh 5 điểm để tốt nghiệp, chắc hẳn bi kịch đã không xảy ra nhưng thầy đã không làm điều đó. Thầy cũng như những nhà giáo tự trọng khác đều muốn giữ sự trong sạch và công bằng trong giáo dục. Cũng như tất cả chúng ta đều muốn giáo dục nước nhà ở mọi cấp học đều có chất lượng thật sự, không thể là những thành tích, những con số ảo. Và thầy Dũng đã phải trả giá!

NGUYỄN NGỌC HÀ

Một cú tạt vào đạo thầy trò!

Một cú tạt axit vào thầy. Chuyện hiếm hoi đã xảy ra. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều cú tạt vào đạo thầy trò - một trong những truyền thống tốt đẹp đáng trân trọng của dân tộc ta. Bởi vì vẫn còn nhiều cú tạt khác không chỉ do học trò gây ra. Còn có những bậc cha mẹ vung tiền tầm thường hóa việc dạy học, còn có những người hám bằng cấp dùng quyền và dùng tiền để mua bằng cấp, còn có những người thầy tự làm hoen ố hình ảnh của mình trước học trò và trước xã hội.

Một cú tạt làm đau nhiều người. Nhưng sẽ ít đau hơn nếu mọi người cùng tỉnh trước cú tạt đó. Vai trò quân - sư - phụ theo quan niệm truyền thống hay kỹ sư tâm hồn theo cách nghĩ hiện đại cần được xem trọng đúng mức. Hãy đặt người thầy vào vị trí tôn kính, trân trọng như vốn có!

Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Điều gì đang xảy ra... ?
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 9 2009, 12:05
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2243
Bong Dieu {L_WROTE}:
* Những ai đã từng đi dạy đều quá quen thuộc với cảnh xin điểm của phụ huynh, học sinh cuối năm học hay gần nhập học, sau khi học sinh thi lại. Tôi không hiểu những bậc cha mẹ suy nghĩ như thế nào khi mở miệng xin điểm cho con. Tôi lại càng không hiểu một sinh viên như Trần Xuân Thanh thi trượt lại đổ lỗi cho thầy giáo mình và hành hung thầy bằng một thau axit!

Nếu trước đó thầy Dũng nhắm mắt cho Trần Xuân Thanh 5 điểm để tốt nghiệp, chắc hẳn bi kịch đã không xảy ra nhưng thầy đã không làm điều đó. Thầy cũng như những nhà giáo tự trọng khác đều muốn giữ sự trong sạch và công bằng trong giáo dục. Cũng như tất cả chúng ta đều muốn giáo dục nước nhà ở mọi cấp học đều có chất lượng thật sự, không thể là những thành tích, những con số ảo. Và thầy Dũng đã phải trả giá!

NGUYỄN NGỌC HÀ

BD thật tâm đắc với ý kiến trên.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Về vụ "Cựu sinh viên tạt axít thầy giáo" «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu