Trong bài này, tôi chỉ muốn đi vào một khía cạnh: tất cả những sự phức tạp và lắt léo trong cách xưng hô tiết lộ điều gì trong văn hoá Việt Nam ?
Tôi nghĩ đến hai điều:
Thứ nhất, qua việc sử dụng hệ thống từ vựng chỉ thân tộc làm đại từ nhân xưng, người Việt Nam đã biến gia đình thành hệ quy chiếu của quan hệ xã hội. Người nào ngang tuổi ông bà mình thì tự động trở thành “ông”, “bà”; người nào ngang tuổi chú bác cô dì thì tự động trở thành “chú”, “bác”, “cô”, “dì”; người nào ngang tuổi anh chị thì tự động biến thành “anh”, “chị”, v.v… Như thế, xã hội được xem như một gia đình mở rộng. Nền tảng của gia đình là huyết thống. Ðiều này, tôi nghĩ, giải thích tại sao người Việt không sử dụng một số từ như “vợ”, “chồng”, “dâu” và “rể” làm đại từ nhân xưng. Trước đây, đã có người nêu ý ấy. Cao Xuân Hạo phản bác: “thím” và “dượng” đâu khác gì “dâu” và “rể”? Cũng là những người ở ngoài huyết tộc cả thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ, những trường hợp này không giống hẳn nhau. “Thím” và “dượng” là những cách gọi từ những người thuộc vai cháu; trong khi “vợ”/“chồng” và đặc biệt, “dâu”/“rể” là những thuật ngữ được dùng bởi những người đang đứng ở vai trên: cha mẹ. Người thuộc vai dưới phải chấp nhận vị thế của người trên, trong khi đó, người bề trên có quyền khống chế người dưới: vợ chồng phải biến thành “anh”/“em”; dâu và rể phải biến thành “con”/“cháu” mới thực sự biến thành những thành viên ruột thịt trong gia đình.
Xem xã hội như một gia đình mở rộng cũng là một điều hay. Ừ, thì… hay. Nhưng dở, cũng lắm chuyện dở. Dở nhất, theo tôi, là với cách nhìn ấy, người Việt Nam rất khó xây dựng được một xã hội công dân thực sự, ở đó, tư cách mỗi người được xác định bằng một tiêu chí duy nhất: luật pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, chỉ có một nơi duy nhất cách xưng hô dựa trên hệ thống từ thân tộc hoàn toàn bị loại bỏ: toà án. Nghĩ cũng phải chứ. Chẳng lẽ quan toà lại phán: “cháu tuyên án bác 30 năm tù khổ sai vì tội giết người có vũ khí.” hay: “Anh phạt em 2 năm tù ở vì tội làm điếm.” Chẳng lẽ thế? Thế nhưng, tại sao trong các cơ quan công quyền khác, người ta lại cứ tiếp tục bác bác cháu cháu? Nghe, dễ tưởng là thân mật, thậm chí, dân chủ nữa, nhưng theo tôi, chính cái cách xưng hô như thế đã góp phần ngăn chận quá trình dân chủ hoá của Việt Nam: người xưng “bác” hay xưng “chú” có thể tiếp tục độc đoán và người xưng “cháu” tiếp tục chấp nhận những sự độc đoán ấy là những điều bình thường. Có thể nói, cách xưng hô như thế rất dễ làm triệt tiêu cảm giác phẫn nộ chính đáng của người dân khi đối diện với những sự bất công. Mà không có cảm giác phẫn nộ ấy thì sẽ không thể nào có được một xã hội công dân thực sự.
Thứ hai, cách xưng hô trong tiếng Việt cho thấy tính chất cụ thể trong ngôn ngữ và trong tư duy của người Việt. Chúng ta không hề có những khái niệm mang tính khái quát cao như các đại từ trong phần lớn các ngôn ngữ Tây phương: trong đối thoại, mỗi người, với tư cách cá nhân, đều thuộc một trong ba phạm trù: người phát ngôn (ngôi thứ nhất), người trực tiếp đón nhận việc phát ngôn (ngôi thứ hai); và người được đề cập đến trong nội dung của lời phát ngôn (ngôi thứ ba). Lấy tiếng Anh làm ví dụ: là kẻ phát ngôn thì ai cũng như nhau, cũng là “I” cả. Chuyện trò, tổng thống xưng “I” gọi “you” mà tên lính quèn cũng xưng “I” và gọi “you”. Trong tiếng Việt, chúng ta không có những khái niệm nào tương đương với những “I”, những “you” ấy. Hình như trong cách nhìn của nền văn hoá truyền thống Việt Nam, không có khái niệm cá nhân như một cái gì độc lập, chỉ được xác định bằng một tiêu chí duy nhất: hành ngôn. Cá nhân chỉ được định nghĩa theo các quan hệ nhất định: với người này, hắn là “ông”, với người nọ, hắn là “cha”, với người kia, hắn là “anh”, với người khác nữa, hắn lại là “em”, v.v…
Thử nghe lời nói này:
Lẹ lẹ lên nào. Coi chừng trễ chuyến bay bây giờ. Nội, nội đưa cái dù cho cháu cầm cho; còn ba đưa cái xách cho con. Còn anh nữa, anh cứ ra xe trước đi để em khoá cửa cho. À này..., mấy đứa xem giùm mấy cái cửa sổ phía sau mẹ đã khoá kỹ chưa? Lẹ đi. Trời ơi!
Chỉ qua mấy câu nói ngắn như vậy, chúng ta thấy là người phụ nữ đang nói chuyện với bốn, năm người khác nhau. Với mỗi người, chị làm một cuộc hoá thân: Với ông hoặc bà nội, chị xưng là “cháu”; với ba, chị xưng là “con”; với chồng, chị xưng là “em”, và với mấy đứa con, chị xưng là “mẹ”. Như vậy, người phụ nữ ấy thực sự là ai? Câu trả lời: không là ai cả. Chúng ta chỉ có thể xác định chị khi đặt chị trong mối quan hệ với những người khác. Ðặc biệt, tất cả những quan hệ ấy đều tạm thời: chúng thay đổi xoành xoạch. Mỗi sự thay đổi đều dẫn đến sự thay đổi trong tư cách của người phát ngôn. Có thể nói, với người Việt Nam , mỗi lần chuyện trò là mỗi lần đóng một vai nhất định: đóng vai ông/bà, đóng vai cha/mẹ, đóng vai con/cháu, đóng vai anh/em, v.v… Ðã vậy, người Việt còn có thói quen thích đóng các vai… giả. Ví dụ, một người đàn ông 50 tuổi có thể gọi một người đàn ông lạ khoảng 30 tuổi là “bác” và xưng là “cháu”: người ấy đang nhập vào vai đứa con của ông để gọi người khách. Ở Việt Nam , người ta gọi cách xưng hô như thế là lối nói khiêm. Trong quan hệ vợ chồng, người ta cũng hay nhập vai con để gọi người phối ngẫu: vợ sẽ không gọi chồng là “anh” mà là “bố thằng cu” hay “bố nó” hay, gọn hơn, chỉ là “bố” suông thôi. Ngược lại, nói chuyện với chồng, người vợ có thể không xưng “em” mà lại xưng là… “mẹ”, kiểu:
“Bố ơi, chiều nay bố có đi Footscray không?”
“Có. Mẹ có cần gì không?”
“Ờ, bố mua cho mẹ thùng xoài nghe.”
“Xoài gì mà xoài. Mới ăn tuần trước mà. Ăn xoài nhiều nóng lắm, đâu có bổ béo gì...”
“Trời ơi, nóng với niếc gì, bố mày sao nhiều chuyện quá. Mùa này xoài đang rẻ, cứ cho con ăn cho đã. Hết mùa thì tụi nó lại nhịn.”
“Mẹ mày cứ hay chiều con...”
Ngày xưa, đặc biệt ở miền quê hay trong thơ văn, người ta còn cố gắng tránh tất cả mọi vai cụ thể như thế: người ta chỉ gọi là “ai” và xưng là “ai” một cách hết sức bâng quơ. Thuý Kiều nói với Kim Trọng: “Ðừng điều nguyệt nọ hoa kia / Ngoài ra, ai lại tiếc gì với ai.” Tản Ðà nói với người tình nhân không quen biết: “Ai những nhớ ai, ai chẳng nhớ / Ðể ai luống những nhớ ai hoài.” Thì cũng là những kiểu nhập vai giả, cái vai vô hình.
Nói chuyện là buộc phải đóng một vai nhất định. Do đó, trên nguyên tắc, bằng tiếng Việt, mọi cuộc đội thoại đều bất khả. Ðứng một mình, cá nhân sẽ không là gì cả. Mà đối thoại, nhất là tranh luận, cũng khó. Tôi đã chứng kiến, trong các cuộc họp hành, vô số những cuộc cãi cọ bằng tiếng Anh rất gay gắt. Cãi kịch liệt. Cãi đến nơi đến chốn. Thế nhưng, sau buổi họp, đâu lại vào đấy, mọi người lại là bạn bè, lại chuyện trò hoà nhã với nhau, như không hề có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, cũng những người ấy, khi cãi với nhau bằng tiếng Việt thì lại khác. Khác hẳn. Ngay khi đang cãi cọ, người ta đã có thể linh cảm được là có cái gì đó đang đổ vỡ. Tại sao? Lý do chính, tôi đoán, chủ yếu là ở… tiếng Việt.
Mà thật. Cãi với nhau bằng tiếng Anh, mọi người đều bình đẳng ngay từ đầu: ai cũng là “I” và “you”. Từ vị thế bình đẳng ấy, người ta có thể an tâm tập trung vào lý luận để giành thắng lợi trong lý luận và bằng lý luận. Cãi với nhau bằng tiếng Việt thì khác. Từ khởi sự, đã có cái gì như không bình đẳng và cũng không sòng phẳng: người lớn tuổi hơn thì xưng “bác” hay “anh”, do đó, từ tiềm thức, đã mơ hồ cảm thấy mình đang ở thế bề trên, thế đàn anh; người trẻ hơn, ngược lại, phải xưng “cháu” hoặc “em”, do đó, cũng tự trong tiềm thức, đã có chút mặc cảm yếu thế. Ðể bù lấp cái mặc cảm yếu thế ấy, những người trẻ hơn, ngoài lý luận, thường tự động sử dụng một số biện pháp khác: khuôn mặt đanh lại một chút, giọng nói to lên một chút, giọng điệu chì chiết hơn một chút, chữ nghĩa nặng nề hơn một chút. Có khi người ta đổi cả cách xưng hô: bình thường thì anh anh em em; khi cãi nhau thì anh/chị với tôi. Ðối với những người tự đặt mình ở vị thế cha, chú, anh, chị… tất cả những điều ấy đều dễ dàng gây thương tổn. Nghe chữ “tôi” từ miệng một người vốn thường xưng “em” với mình, người ta dễ có cảm tưởng như bị hạ bệ hay bị phản bội. Cảm giác “đổ vỡ” không chừng xuất phát từ đó.
Cảm giác ấy càng rõ hơn khi vợ chồng cãi nhau. Bắt đầu cãi, đang tức, người vợ phải xưng “em”, càng dễ thấy… tức hơn. Cảm thấy như mình bị xử ép. Càng dễ bù lu bù loa hơn nữa. Vẫn thấy bị ép. Cứ phải xưng “em” là lại thấy bị ép. Bèn đổi thành “tôi” cho... ngang cơ. Chồng, chưa cần biết vợ nói đúng hay sai, chỉ cần nghe chữ “tôi” bất bình thường ấy, đã đùng đùng nổi giận, có cảm giác là vợ mình… hỗn láo, đòi đảo chánh… mình. Tôi tuyệt đối chống lại mọi hình thức bạo hành, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, nhưng tôi tin là tôi hiểu được lý do gì đã thúc đẩy nhiều gã đàn ông, trong những trường hợp như thế, đã không tự kìm chế được, phải vung tay lên: cái hắn muốn đánh, trước hết, là chữ. Chữ, chứ không phải là người.
Dĩ nhiên, cái gì cũng có mặt trái và mặt phải của nó. Tôi có người bạn lấy vợ Úc. Một lần, trong câu chuyện, anh buột miệng, nói: “Nghe vợ chồng người Việt Nam gọi nhau bằng anh em, nghe ‘đã’ dễ sợ!” Hồi nhỏ, nghe ba mẹ tôi gọi nhau bằng “mình”, tôi cũng có cảm giác “đã” tương tự. Vợ chồng tôi chưa bao giờ xưng “mình” với nhau, nhưng không hiểu tại sao, tôi cứ bị chữ “mình” ấy ám ảnh mãi. Một lúc nào đó, tôi chợt khám phá ra chữ “mình” ấy chứa đựng trong nó cả một triết lý về tình yêu của người Việt. Chứ còn gì nữa? Chúng ta đều hiểu ý nghĩa đầu tiên của chữ “mình” là bộ phận chính của thân thể. Trong những giờ vạn vật đầu tiên thời tiểu học, chúng ta đã học là thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và chân tay. “Mình”, chiếm từ cổ xuống mông, là bộ phận lớn nhất của cơ thể, do đó, được đồng nhất với cơ thể: Nói “mình đầy mồ hôi” cũng là nói “cơ thể đầy mồ hôi”. Là toàn bộ cơ thể, “mình” biến thành “tôi”, ngôi thứ nhất số ít. Yêu nhau, khi hai biến thành một, người ta cho cái “mình” ấy cho người mình yêu: “mình” biến thành “em” hay “anh”, ngôi thứ hai số ít. Nhưng khi sự phân biệt giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai biến mất, khi “mình với ta tuy hai mà một”, “mình” tự động biến thành “chúng ta”, ngôi thứ nhất số nhiều. Như vậy, nếu dịch sang tiếng Anh, chỉ giới hạn trong phạm vi đại từ nhân xưng, chữ “mình”, tuỳ từng trường hợp, có thể là “I”, có thể là “you” và cũng có thể là “we”. Một chữ: ba ngôi.
Từ những sự biến nghĩa của chữ “mình”, chúng ta có thể loé thấy quan niệm của người Việt Nam về tình yêu và hôn nhân. Theo quan niệm đó, tình yêu không phải chỉ là một sự hoà nhập làm một; hai người yêu nhau không những chỉ thuộc về nhau. Đó là những quan niệm bình thường và quen thuộc ở khắp nơi. Với người Việt Nam, yêu nhau là đem cái chữ “mình” vốn chỉ cơ thể của mình tặng cho người mình yêu, là tự nguyện chuyển nhượng chủ quyền trên thân thể của mình cho người mình yêu, là dâng hiến cái mình của mình cho nhau. Hơn nữa, là biến người mình yêu thành cái “nhà”, thành không gian cư ngụ của mình: chỉ ở đó, người ta tồn tại.
Bởi vậy, riêng trong phạm vi xưng hô, nói tiếng Việt hay cũng được. Mà nói dở cũng được. Tôi không tin là, với tư cách người cầm bút, chúng ta có thể thay đổi được điều gì.
Viết bài này, tôi chỉ muốn gợi lên vài ý bâng quơ, vậy thôi
Nguyễn Hưng Quốc
|