Con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đồng thau. Họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà. Có ba nhóm văn hoá phân bố ở ba khu vực. Nhóm thứ nhất (văn hoá Tiền Ðông Sơn) phân bố trong các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Nhóm thứ hai (văn hoá Tiền Sa Huỳnh) phân bố ở vùng Nam Trung Bộ. Và nhóm thứ ba, phân bố trong lưu vực sông Ðồng Nai ở miền Ðông Nam Bộ.
Ở miền Bắc Việt Nam, các văn hoá Tiền Ðông Sơn tương ứng với giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương.
Các nhóm văn hoá Tiền Ðông Sơn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã hội tụ lại thành một văn hoá thống nhất, đó là văn hoá Ðông Sơn, thuộc thời đại sắt sớm vì một số công cụ bằng sắt đã xuất hiện. Nhưng các chế phẩm bằng đồng thau tinh mĩ là đặc trưng của văn hoá này. Hiện vật tiêu biểu là những chiếc trống đồng lớn có hoa văn trang trí đẹp.
Văn Hoá Phùng Nguyên
Văn hoá mở đầu cho các văn hoá Tiền Đông Sơn trên lưu vực Sông Hồng, Việt Nam; phân bố chủ yếu trên vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ thuộc sơ kì thời đại đồ đồng, niên đại trong khoảng 3.500 - 4.000 năm cách ngày nay. Cho đến nay đã phát hiện được hàng mấy chục di tích cư trú, công xưởng chế tác đồ đá và mộ táng, trong đó có những di tích tiêu biểu như Phùng Nguyên, Xóm Rền, Gò Bông, An Đạo, Nghĩa Lập, Đồng Đậu (lớp văn hoá dưới), Lũng Hoà, Chùa Gio, Văn Điển, Bãi Tự, vv.
Đồ đá VHPN đạt đến đỉnh cao của đồ đá nguyên thuỷ, được chế tác bằng các phương pháp cưa, khoan, mài, tiện rất tinh xảo, có kích thước tương đối nhỏ, được làm từ đá bazan và các loại đá nephrit, spilit có màu sắc đẹp; gồm có các loại rìu, bôn, đục, bàn mài, mũi tên, mũi giáo, qua, nha chương và các loại vòng tay, khuyên tai, nhẫn, ống chuỗi, hạt chuỗi với đủ loại kích cỡ và kiểu dáng khác nhau. Hầu hết rìu, bôn ở đây đều có hình tứ giác, rất hiếm rìu, bôn có vai và có nấc. Đồ gốm VHPN phần lớn được làm bằng bàn xoay, thành gốm mỏng đều, độ nung tương đối cao, chất liệu gốm thô pha cát hạt nhỏ, ngoài có lớp áo gốm mỏng màu hồng nhạt, còn một ít gốm mịn, mặt ngoài được miết láng rất đẹp. Hoa văn trang trí cực kì phong phú gồm văn thừng mịn, văn chải, văn in kiểu cuống rạ, văn đắp nổi, tiêu biểu hơn cả là văn khắc vạch chấm giải với những mô típ hình chữ S, chữ V, hình tam giác, tạo thành những đồ án đối xứng phong phú đẹp mắt. Về loại hình có các loại nồi, vò, bình, bát, chạc gốm, dọi xe sợi, bi gốm, v..v. Tiêu biểu hơn cả có loại nồi vò thành miệng dày, bình bát có chân đế tương đối cao, bát kiểu mâm bồng, bình miệng vuông đáy tròn. Đã phát hiện ra một số tượng động vật bằng đất nung như tượng bò, tượng gà vừa hiện thực vừa sinh động, có thể xem là những tác phẩm nghệ thuật tạo hình sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam. Đồ đồng rất hiếm, chỉ mới phát hiện được ở một vài di tích và cũng chỉ ở dạng xỉ đồng. Người Phùng Nguyên chôn người chết trong mộ địa, các mộ có phương hướng gần giống nhau, tử thi được chôn theo tư thế nằm ngửa chân tay duỗi thẳng. Huyệt mộ hình chữ nhật, trong đó một số mộ được đào thành bậc cấp. Đồ tuỳ táng thường là nồi, bình, bát, chạc gốm, rìu, đục cùng một số đồ trang sức bằng đá, đôi khi chôn theo hàm lợn. Người Phùng Nguyên sống chủ yếu bằng nông nghiệp.
Văn Hoá Hoa Lộc
Văn hoá khảo cổ sơ kì thời đại đồng, được gọi theo tên xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam, nơi phát hiện di chỉ đầu tiên và điển hình cho nền văn hoá này (vào cuối 1973). Các di chỉ VHHL phân bố trên các đồi cát cao chạy dài ven biển bắc Thanh Hoá, thuộc địa phận huyện Hậu Lộc và Nga Sơn. Đồ đá phong phú, đa dạng, gồm chủ yếu là công cụ lao động: cuốc có vai (nhiều), cuốc tứ giác (ít); rìu bôn tứ giác (nhiều), rìu bôn có vai (ít), đặc biệt có loại rìu xéo giống hình rìu xéo bằng đồng trong văn hoá Đông Sơn; bàn mài các loại số lượng rất nhiều; công cụ ghè đập; công cụ đá lưỡi rất tù, thân có những đường rãnh chưa rõ chức năng. Đồ trang sức ít, vòng tay gồm mặt cắt hình tam giác, bầu dục. Kĩ thuật mài chiếm vị trí chủ đạo trong chế tác đồ đá nhưng không thật tinh tế, trau chuốt. Đồ gốm nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình. Ngoài các đồ gia dụng như nồi, bình, bát, chậu, vật hình hộp, đồ gốm có chân nhọn... còn có các đồ trang sức như vòng, hạt chuỗi, khuyên tai bằng đất nung, những con dấu in hoa văn đặc trưng cho văn hoá này. Đồ gốm được trang trí văn thừng, khắc vạch, in dấu lưng và miệng sò, ấn vũm, trổ lỗ. Các cách tạo hoa văn này được phối hợp với nhau, tạo nên phong cách rất riêng cho đồ gốm VHHL. Đồ đồng hiếm, mới tìm thấy mảnh vòng, rìu, mảnh đồng. Chủ nhân VHHL sống bằng nghề nông (đã tìm thấy dấu tích hạt lúa), chăn nuôi (tìm thấy xương thú thuần dưỡng), săn bắn (tìm thấy nhiều xương thú rừng), đánh cá (tìm thấy nhiều xương cá). VHHL nằm cùng bình tuyến và có mối quan hệ giao lưu văn hoá rõ ràng với các văn hoá sơ kì đồ đồng khác ở vùng Trung Bộ và Bắc Bộ Việt Nam là văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Hạ Long, nhóm di tích văn hoá Cồn Chân Tiên, Mả Đống. Thời gian tồn tại của VHHL vào khoảng trên dưới 4.000 năm cách ngày nay.