Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:47
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Những năm con Mèo trong lịch sử VN «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2978 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: Những năm con Mèo trong lịch sử VN
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 1 2011, 12:28
Ngoại tuyến
Member III
Member III

Tuổi: 62
Sinh nhật: 28-03-1962
Ngày tham gia: 29 Tháng 5 2010, 02:19
Bài viết: 136
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Thái Lý

Năm 1974, tôi học đệ thất trường Trung học Công lập Nguyễn Chánh Sắt Tân Châu, cuối năm học được lãnh thưởng, phần thưởng ôm cao tới ngực, gồm rất nhiều sách giáo khoa, tập, viết. Trong đó có 2 quyển sách quý “Việt Nam sử lược” quyển thượng (bìa màu xanh) và quyển hạ (bìa màu vàng) do Trung tâm học liệu Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành.
Sau 1975, sách bị thất lạc nhưng may mắn, trong thời đại “thế giới phẳng” này tôi dể dàng tìm thấy nội dung sách trên internet. Rất thú vị khi đọc lại sách Việt Nam sử lược. Đặc biệt, trong phần Tổng kết, “Lệ thần” Trần Trọng Kim đã viết mấy lời nhắn nhủ, rất đáng để chúng ta suy gẫm:
“Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công-lệ tuần-hoàn của tạo-hóa trong thế-gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghi-lực để sinh-tồn và tiến-hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn-khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng-dõi nhà Hồng-Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa-vị vẻ-vang với thiên-hạ hay sao? Sự ước-ao mong-mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng-loại Việt-Nam ta vậy.”

Nhân dịp năm mới Tân Mão, tôi xin trích lại những sự kiện năm Mão đáng nhớ trong lịch sử VN được ghi nhận từ quyển sách lịch sử này:

1.Năm Quý Mão (43): Hai Bà Trưng tuẩn tiết trên sông Hát. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được coi là sự kiện đấu tranh giành lại chủ quyền lần đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất.

(Bộ tem Hai Bà Trưng - Họa sĩ Vivi Võ Hùng Kiệt)
Sách VNSL chép: “Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã Viện làm Phục-ba tướng-quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan Lâu-thuyền tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng-vương. Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc, gặp quân Trưng-Vương hai bên đánh nhau mấy trận. Quân Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm-khê ( phủ Vĩnh- tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gia mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí -mão (43).”

2. Năm Đinh Mão (187) : Hán Linh Đế cử Lý Tiến, người quận Giao Chỉ (người bản xứ) làm thứ sử và sai Sĩ Nhiếp, người quận Thương Ngô làm Thái thú. Dưới thời cai trị của Sĩ Nhiếp, nhiều quan lại và dân chúng người Hán lánh nạn sang nước ta, Nho giáo bắt đầu du nhập vào Giao Chỉ.
Sách VNSL chép: “Mãi đến đời vua Linh-đế(168-189) cuối nhà Đông-Hán mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm Thứ -sử ở Giao-chỉ… Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú là Sĩ Nhiếp cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên…. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức An-viễn tướng quân Long-độ đình-hầu Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.”

3. Năm Đinh Mão (547): Triệu Quan Phục đóng quân ở đầm Dạ Trạch kiên trì chiến đấu chống quân nhà Lương.
Sách VNSL chép: “Triệu Quang Phục là con quan thái phó Triệu Túc người ở Châu Diên (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên) theo cha giúp Lý Nam Đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương được ít lâu, rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch. Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm nhà ở được. Triệu Quang Phục vào ở đấy, ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương.”

4. Năm 678 (Kỹ Mão): Nhà Đường đổi tên gọi đất Giao Chỉ thành An Nam.
Sách VNSL chép: “Năm Kỹ Mão (678) vua Cao Tông nhà Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện, và đặt An Nam đô hộ phủ. Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ đấy…. Ở về phía Tây Bắc đất Giao Châu lại đặt một châu nữa, gọi là Man Châu gồm cả những Mường ở mạn ấy, lệ cứ hằng năm phải triều cống vua nhà Đường.”

5. Năm Đinh Mão (907): Khúc Thừa Dụ mất, con trai Khúc Hạo lên thay giữ chức Tiết độ sứ.
Sách VNSL chép: “Ở Giao Châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bàng Giang và Ninh Giang ở Hải Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là một người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có nhiều người kính phục. Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, nhân khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy lên làm Tiết Độ Sứ để cai trị Giao Châu…. Khúc Thừa Dụ làm Tiết Độ Sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo.”

6. Năm Tân Mão (931): Dương Diên Nghệ đánh chiếm thành Đại La, tiếp tục sự nghiệp họ Khúc, làm chủ đất nước và xưng làm Tiết độ sứ.
Sách VNSL chép: “Dương Diên Nghệ là tướng của Khúc Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người nha tướng là Kiểu Công Tiện giết đi mà cướp lấy quyền.”

7. Năm Đinh Mão (967): Đinh Bộ Lĩnh dẹp “Loạn 12 sứ quân”, lên ngôi hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), lấy niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), mở đầu triều đại nhà Đinh.
Sách VNSL chép: “Đinh bộ Lĩnh là người ở Hoa-lư động (huyện Gia-viễn, tỉnh Ninh-bình), con ông Đinh công Trứ làm thứ-sử ở Hoan-châu về đời Dương diên Nghệ và đời Ngô-vương Quyền. Đinh công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, thường đi chơi với trẽ chăn trâu-bò, bắt chúng khoanh tay làm kiệu để ngồi cho chúng rước, và lại lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau… Đến khi nhà Ngô mất rồi, Đinh bộ Lĩnh chiêu hàng được Sứ-quân Phạm Phòng-át, phá được Đỗ-dộng của Đỗ Cảnh Thạc. Từ đó đánh đâu được đấy, cho nên chúng tôn là Vạn-thắng-vương. Chỉ trong một năm mà vương binh được các Sứ-quân và lập thành nghiệp đế. Năm mậu-thìn (968) Vạn-thắng-vương lên ngôi Hoàng-đế, tức là Tiên-hoàng-đế, đặt quốc-hiệu là Đại-cồ-việt, đóng đô ở Hoa-lư”.

8. Năm Kỹ Mão (979): Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết chết, Vệ-vương Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên làm vua, quyền bính trong tay Thập-đạo tướng-quân Lê Hoàn.
Sách VNSL chép: “Năm kỹ-mão (979) vua Tiên-hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) và Nam-việt-vương Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Sử chép rằng tên Đỗ Thích trước làm lại, đêm nằm thấy sao rơi vào mồm, tưởng là triệu mình được làm vua, bèn định bụng làm sự thí- đoạt. Một hôm Đỗ Thích thấy Tiên-hoàng say rượu nằm trong cung, bèn lẻn vào giết Tiên-hoàng đi, rồi giết cả Nam-việt-vương Liễn. Đình-thần tìm bắt được Đỗ Thích đem làm tội, và tôn Vệ-vương Đinh Tuệ lên làm vua. Tiên-hoàng làm vua được 12 năm, thọ được 56 tuổi. Vệ-vương mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền- chính ở cả Thập-đạo tướng-quân là Lê Hoàn. Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái-hậu tư thông.”

9. Năm Ất Mão (1075): Nhà Lý mở khoa thi đầu tiên. Nhà vua xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường.
Sách VNSL chép: “Năm ất-mão (1075) mở khoa thi tam-trường để lấy người văn-học vào làm quan. Kỳ thi ấy là kỳ đầu tiên ở nước ta, chọn được hơn 10 người. Thủ- khoa là Lê văn Thịnh. Ông Thủ-khoa ấy ngày sau làm đến chức thái-sư, nhưng vì sự làm phản-nghịch, cho nên phải đày lên ở Thao-giang (huyện Tam-nông, Phú-thọ).”

10. Năm Ất Mão (1075): Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm
Sách VNSL chép: “Năm ất-mão (1075) Nước Chiêm-thành thỉnh-thoảng cứ hay sang quấy-nhiễu, đánh thế nào cũng không được. Trước khi đi đánh nhà Tống, Lý thường Kiệt đã sang đánh Chiêm-thành, vẽ được địa-đồ ba châu của Chế Cũ đã nhường ngày trước, rồi cho người sang ở. Năm ất-mão (1075) Lý thường Kiệt đem quân sang vây đánh Khâm- châu và Liêm-châu (thuộc tỉnh Quảng-đông) giết hại hơn 8.000 người. Đạo quân của Tôn Đản sang đánh Ung-châu (tức là thành Nam-ninh thuộc tỉnh Quảng-tây), quan Đô-giám Quảng-tây là Trương thủ Tiết đem binh lại cưú Ung-châu, bị Lý thường Kiệt đón đánh ở Côn-lôn quan (gần Nam-ninh) chém Trương thủ Tiết ở trận tiền… ”

11. Năm Đinh Mão (1087): vua nhà Tống phong chức Nam bình vương cho vua Lý Nhân Tông.

12. Năm Tân Mão (1171): lần đầu tiên vua nhà Lý lập địa đồ nước An Nam
Sách VNSL chép: “Vua Anh-tông đi chơi xem sơn-xuyên hiểm-trở, đường-sá xa gần và sự sinh-hoạt của dân-gian, rồi sai quan làm quyển địa-đồ nước An-nam”.
13. Năm Kỷ-Mão (1459): Vua Lê Nhân Tông bị anh là Lạng-sơn-vương Nghi Dân giết chết, tự xưng làm vua, rồi cho sứ sang Tàu cầu phong.
Sách VNSL chép: “Vua Nhân-tông có lẽ cũng nên được một ông vua hiền, nhưng chẳng may ngài có người anh là Lạng-sơn-vương Nghi Dân, trước đã làm Thái-tử, sau vì người mẹ phải tội cho nên phải bỏ. Đến năm kỷ-mão (1459), Nghi Dân đồng mưu với bọn Lê đắc Ninh, Phạm Đồn, Phan Ban và Trần Lăng, nửa đêm trèo thành vào giết Nhân-tông và Hoàng-thái-hậu, tự xưng làm vua, rồi cho sứ sang Tàu cầu phong. Nhân-tông trị-vì được 17 năm, thọ 19 tuổi.”

14. Năm Quý Mão (1543): Sự thành lập Nam triều.
Sách VNSL chép: “Đến đầu thập-lục thế-kỷ, bởi vì vua nhà Lê hoang dâm vô độ, bỏ việc chính-trị đổ-nát, cho nên trong nước loạn-lạc, nhà Mạc nhân dịp mà làm sự thoán-đoạt. Nhà Lê tuy đã mất ngôi, nhưng lòng người còn tưởng nhớ đến công-đức của vua Thái-tổ và vua Thánh-tông, cho nên lại theo phò con cháu nhà Lê trung- hưng lên ở phía nam, lập ra một Triều-đình riêng ở vùng Thanh-hóa, Nghệ- an để chống nhau với nhà Mạc. Ấy là thành ra Nam-triều và Bắc-triều; hai bên đánh nhau trong năm sáu mươi năm trời.”
15. Năm Đinh Mão (1627): Trịnh - Nguyễn đánh nhau lần thứ nhất:
Sách VNSL chép: “…nhân khi nhà Minh bên Tàu còn đang chống nhau với nhà Thanh, và họ Mạc ở Cao Bằng thì về hàng, Trịnh Tráng mới sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng nhà vua sai vào đòi tiền thuế từ ba năm về trước… Chúa Sãi tiếp sứ nhưng không chịu nộp thuế. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu, và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi không chịu. Trịnh Tráng thấy vậy, bèn quyết ý đánh họ Nguyễn, sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân đi làm tiên phong vào đóng ở xã Hà Trung (tục gọi là Cầu Doanh), rồi đem đại binh, rước vua Lê đi đánh mặt Nam. Chúa Sãi sai cháu là Nguyễn Phúc Vệ làm tiết chế cùng với Nguyễn Hữu Dật đem binh mã ra giữ các nơi hiểm yếu. Quân họ Trịnh đến đánh, chết hại rất nhiều.”

16. Năm Đinh Mão (1687): Chúa hiền Nguyễn-phúc Tần mất, thọ 68 tuổi. Chúa ngãi Nguyễn Phúc Trăn (Nghĩa vương Nguyễn Phúc Thái) lên thay dời phủ về Phú Xuân (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên).
Sách VNSL chép: “Năm đinh-mão (1687) chúa Nguyễn là Nguyễn phúc Trăn đem phủ về làng Phú-xuân, tức là đất Kinh-thành bây giờ, gọi là chính dinh. Chỗ phủ cũ để làm Thái-tông-miếu, thờ chúa Hiền.”

17. Năm Ất Mão (1735): vua Lê Thuần Tông (1732-1735) mất, thọ 37 tuổi.

18. Năm Kỷ Mão (1759): vua Lê Ý Tông (1735-1740) mất, thọ 41 tuổi.

19. Năm Tân Mão (1771): Nguyễn Nhạc chiêu binh, chống nhà Nguyễn
Sách VNSL chép: “Nguyễn Nhạc trước làm biện lại ở Vân Đồn, cho nên sau người ta thường gọi là biện Nhạc. Nhưng vì tính hay đánh bạc, tiêu mất cả tiền thuế, sợ phải tội, bỏ đi vào rừng làm giặc. Đến năm tân mão (1771) mới lập đồn trại ở đất Tây Sơn, chiêu nạp quân sĩ, người theo về càng ngày càng đông. Thường hay lấy của nhà giàu cho nhà nghèo, cho nên những kẻ nghèo khổ theo phục rất nhiều. Thế Nguyễn Nhạc mỗi ngày một mạnh, quân nhà chúa đánh không được.”

20. Năm Quý Mão (1783): Nguyễn Ánh đưa gia quyến đi lánh nạn quân Tây Sơn ở Phú Quốc.
Sách VNSL chép: “Nguyễn Vương về sửa sang mọi việc để chống giữ với Tây Sơn, nhưng qua năm quý mão (1783) vua Tây Sơn lại sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem binh vào đánh. Nguyễn Vương lại phải rước vương mẫu và cung quyến ra Phú Quốc. Đến tháng 6 năm ấy, Nguyễn Huệ ra đánh Phú Quốc. Nguyễn Vương chạy về Côn Nôn; quân Tây Sơn lại đem thuyền đến vây Côn Nôn; nhưng may nhờ có cơn bão đánh đắm cả thuyền của Tây Sơn, cho nên Nguyễn Vương mới ra khỏi trùng vi, chạy về đảo Cổ Cốt, rồi lại trở về Phú Quốc.”

21. Năm Ất Mão (1795): Nguyễn Ánh trấn giữ được thành Diên Khánh, nội bộ quan lại nhà Tây Sơn lục đục.
Sách VNSL chép: “Tháng giêng năm ất mão (1795) Trần Quang Diệu lại đem quân vào đánh Diên Khánh, Võ Tính hết sức chống giữ, Quang Diệu đánh mãi không được. Đến tháng hai, Nguyễn Vương để Đông Cung ở lại giữ Gia Định, đem thủy sư ra cứu Diên Khánh. Trong khi hai bên còn đang chống giữ nhau ở đất Diên Khánh, thì ở Phú Xuân các quan đại thần nhà Tây Sơn giết hại lẫn nhau, gây thành mối loạn.”

22. Năm Đinh Mão (1807): Chân Lạp thần phục vua Việt Nam.
Sách VNSL chép: “Nặc Ông Ấn mất, truyền nôi lại cho con là Nặc Ông Chân. Vua Tiêm La sai sứ sang phong, như thế là vua Chân Lạp phải thần phục vua Tiêm La. Đến năm đinh mão (1807) Nặc Ông Chân lại bỏ Tiêm La mà xin về thần phục vua Việt Nam ta, theo lệ cống tiến, cứ ba năm một lần.”

23. Năm Kỷ mão (1819): Vua Gia Long mất, trị vì được 18 năm, thọ 59 tuổi, miếu hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Đế.

24. Năm Tân Mão (1831): Vua Minh Mạng đổi trấn làm tỉnh và đặt chức tổng đốc, tuần phủ, bố chính sứ, án sát sứ và lĩnh binh.
Sách VNSL chép: “Đến năm tân mão (1831) là năm Minh Mệnh thứ 12, vua Thánh Tổ mới theo lối nhà Thanh, đổi trấn làm tỉnh và đặt chức tổng đốc, tuần phủ, bố chính sứ, án sát sứ và lĩnh binh. Tổng đốc thì coi việc quân, việc dân, khảo hạch quan lại, sửa sang bờ cõi ở trong hạt; tuần phủ thì coi việc chính trị, giáo dục và giữ gìn phong tục; bố chính sứ thì coi việc thuế má, đinh điền, lính tráng và triều đình có ân trạch hay là cấm lệnh điều gì, thì phải tuyên cho mọi nơi biết; án sát sứ thì coi việc hình luật và kiêm cả việc trạm dịch bưu chính; lĩnh binh thì chuyên coi binh lính.”

25. Năm Đinh Mão (1867): Kinh lược sứ Phan Thanh Giản tuẩn tiết, Pháp tuyên bố toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp.
Sách VNSL chép: “Tháng 6 năm đinh mão (1867) là năm Tự Đức thứ 20, thiếu tướng De la Grandière hội hơn 1.000 quân ở Mỹ Tho, rồi định ngày kéo sang lấy Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế không chống nổi, bảo các quan đành chịu nộp thành trì cho khỏi sự tai hại, rồi ông uống thuốc độc mà tự tận, dặn lại con cái phải cày ruộng mà ăn, chứ không được nhận quan chức gì ở Nam Kỳ.”./.


* Tài liệu tham khảo: Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Việt Nam thư quán (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx ... q3m3237n1n)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Những năm con Mèo trong lịch sử VN
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 5 2011, 12:15
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)
Chú Thái Lý kính mến...

Cảm ơn chú đã post lên diễn đàn một bài lịch sử Việt Nam vào những năm con mèo đọc thật là đã. Năm tới chú nhớ soạn gởi tặng diễn đàn "lịch sử những năm con rồng" để mọi người cùng đọc nhe chú. Lúc phuchau còn nhỏ, trong tủ sách nhà ngoại vẫn còn lưu giữ bộ sách “Việt Nam sử lược” (một quyển thượng bìa màu xanh lá cây và hai quyển hạ bìa màu vàng). Có đến hai quyển Hạ (giống nhau) bởi vì một quyển thượng đã bị mất. Đến năm lớp 7 ở trường công lập Tân Châu, phuchau rất thích học tiết lịch sử của thầy Hồ Văn Suông (bạn của ba phuchau 8) ) vì thầy giảng hay, dí dỏm, tiết học rất sinh động không bị khô khan và đặc biệt có nhiều câu hỏi lịch sử hóc búa...đem về nhà để học sinh tìm tòi thêm ngoài sách giáo khoa. Khi đó phuchau đã dùng Việt Nam sử lược để ...kiếm điểm thêm 8) .

Tiếc là phuchau chỉ thích học và nhớ nhiều về lịch sử của thời phong kiến VN. Sự yêu thích sử đã giảm dần đến lớp 12. Năm 11, 12 lịch sử đến thời cận đại và hiện đại: "pằng chéo... đếm xác máy bay rơi, bắn chìm ....tàu chiến địch", "ý nghĩa lịch sử", "âm mưu của địch...thủ đoạn của ta" 8) , anh này dùng thân mình lấp lổ châu mai, anh kia chết đứng,... nhiều số liệu, chi tiết cụ thể quá nên phuchau dường như...không nhớ nổi và bị tẩu hỏa nhập ma, lộn tùng phèo. Còn phần sử thế giới phuchau "ấn tượng" nhất là cách phiên âm tên địa danh, tên nhân vật lịch sử ra tiếng Việt như "Hội nghị hòa bình ở Vec-xai", "Oasinhtơn", "hiệp định Giơnevơ", và "Hít -le" thì thua "Phùng Há" :rollin: "Gian-xơn Xi-ti đố biết là chi?" , "bắt sống tướng Đơ caxtơri ". Lúc thì viết Hà Lan, Tây Ban Nha, Liên Xô, Mỹ lại đi kèm với phi-lip-pin , In-đô-nê-si-a, Ma-lai-xi-a, Xing-ga-po...Đọc sao thì viết dzậy không sợ sai bị người ta cười hehe. Nói chung là, càng học sau này, càng nhiều từ mới để nhớ hơn. :cheer:

Ngoài ra cũng có 1 điều đáng tiếc là quyển Tân Châu Xưa của cụ Nguyễn Văn Kiềm ở nhà ngoại đã bị mất nên phuchau không có dịp đọc. Nghe ba mẹ nói rất hay, là dân Tân Châu mà không biết gì nhiều về Tân Châu nghĩ cũng kì ..hì hì. Không biết sách có online hay dạng ebook ko chú?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Những năm con Mèo trong lịch sử VN
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 5 2011, 17:03
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
phuchau {L_WROTE}:
Đến năm lớp 7 ở trường công lập Tân Châu, phuchau rất thích học tiết lịch sử của thầy Hồ Văn Suông (bạn của ba phuchau 8) ) vì thầy giảng hay, dí dỏm, tiết học rất sinh động không bị khô khan và đặc biệt có nhiều câu hỏi lịch sử hóc búa... đem về nhà để học sinh tìm tòi thêm ngoài sách giáo khoa. Khi đó phuchau đã dùng Việt Nam sử lược để ...kiếm điểm thêm 8) .

]Nhóc ơi! Có phải thầy Suông đó có mặt trong mấy tấm hình sau đây hay không???
TNP {L_WROTE}:
2 bạn mình nè Nhà Quê ơi!
Trong tấm hình trên cùng có Suông đó, nhỏ nhận ra hông?


Hình ảnh[/color]

Hình ảnh

viewtopic.php?f=20&t=3104&st=0&sk=t&sd=a


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Những năm con Mèo trong lịch sử VN
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 5 2011, 22:35
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)
:clap: :clap: :clap: dạ đúng rồi, thầy Suông là hàng xóm của dì Nga :clap: :clap: :clap:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Những năm con Mèo trong lịch sử VN «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 4 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 4 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu