Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 21 Tháng 9 2024, 13:53
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1272 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 1 2011, 08:20
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 74
Sinh nhật: 00-00-1950
Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07
Bài viết: 287
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam
--- Bảo Kiếm ---

Nhân năm Kỷ Mão, thử gom góp ít câu tục ngữ - thành ngữ và ca dao có Mèo hiện diện làm thành một từ điển bỏ túi, để bạn đọc xem qua trong những giờ phút rảnh rỗi. Xem, để biết Mèo không chỉ có công diệt chuột, mà còn làm giàu ngôn ngữ nước nhà.

Ăn nhỏ nhẻ như mèo: Là ăn từ tốn, từng miếng một. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu.

Buộc cổ mèo, treo cổ chó: Nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn.

Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào: (Mỉu: do tiếng miu là mèo đọc chệch ra) nghĩa bóng nói rằng mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai.

Chó giữ nhà, mèo bắt chuột: ý nói ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau.

Chó chê mèo lắm lông: Phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người.

Chó gio, mèo mù: Dùng để chê những người đần độn, ngu ngốc.

Chó khô, mèo lạc: Chê hạng người không có tài năng.

Chó tha đi, mèo tha lại: Nói những vật vô giá trị bỏ lăn lóc chẳng ai thèm lấy.

Chó treo, mèo đậy: Thức ăn treo cao để tránh chó ăn, và đậy kỹ để không cho mèo lục đớp. ý khuyên cảnh giác cửa nẻo rương hòm để phòng trộm cuỗm mất.

Có ăn nhạt mới thương tới mèo: Ngụ ý người ta có lâm cảnh khổ thì mới biết thương người không may mắn bằng mình.

Chuột cắn dây buộc mèo: Làm ơn cho kẻ có thể hại mình.

Chuột gặm chân mèo: Làm một việc liều lĩnh, nguy hiểm.

Chửi chó mắng mèo: Tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ.

Đá mèo, quèo chó: Bực mình người khác nhưng lại trút bực tức qua những con vật nuôi trong nhà.

Giấu như mèo giấu cứt: Chê những người giấu diếm thứ gì, điều gì đó quá ư là kỹ.

Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt: Càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.

Im ỉm như mèo ăn vụng: ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.

Không có chó bắt mèo ăn cứt: Phải dùng một người trong một việc không đúng với sở trường, khả năng của người đó.

Lèo nhèo như mèo vật đống rơm: Nói dai, nói đi nói lại để nài xin.

Lôi thôi như mèo sổ chuột: (Sổ: làm sẩy mất) chỉ sự thẫn thờ, ngơ ngác của người đang tiếc rẻ, vì trót lầm lỡ một dịp may nào đó.

Mèo cào không xẻ vách vôi: Ngụ ý khuyên trước khi làm việc gì phải tự lượng sức mình, cố gắng cho lắm cũng vô ích.

Mèo con bắt chuột cống: Chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi.

Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu: Một quan niệm mê tín từ xưa lưu truyền lại.

Mèo già hóa cáo: Ngụ ý người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Cũng còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh.

Mèo già lại thua gan chuột nhắt: ý nói người lớn tuổi thì không còn bạo gan như kẻ thanh niên.

Mèo hoang lại gặp chó hoang;
Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai:


Chỉ những kẻ vô lại mới kết bè tựu đảng với nhau.

Mèo khen mèo dài đuôi: Tự đề cao, khen ngợi mình.

Mèo làm ai nỡ cắt tai;
Gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi?
:

(Rẫy: bỏ, chê) chỉ những người đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột, thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình.

Mèo lành chẳng ở mả; ả lành chẳng ở hàng cơm: Chê người đàn bà ngày hai bữa cứ ăn cơm hàng cháo chợ, không lo chợ búa cơm nước cho gia đình, đó là tính xấu, tính hư.

Mèo mả gà đồng: ám chỉ hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét.

Mèo mù móc cống: Chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai.

Mèo mù vớ cá rán: Vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn.

Mèo nhỏ bắt chuột con: Khuyên hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại thôi.

Mèo tha miếng thịt xôn xao;
hùm tha con lợn thì nào thấy chi:


Nghĩa bóng nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái thì không sao, trong khi kẻ dưới bị trừng phạt nặng.

Mèo uống nước bể chẳng bao giờ cạn: Khuyên người biết tiện tặn chi tiêu thì không sợ túng.

Mèo vật đụn rơm: Chỉ kẻ tài thô trí thiển mà muốn cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng cho phép.

Mỡ để miệng mèo: ý nói đặt trước mặt người ta một thứ gì mà người ta đang mong muốn, thèm khát.

Như mèo thấy mỡ: Giễu người tỏ vẻ hăm hở trước thứ gì mình thèm muốn.

Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo: Dù kẻ thù nguy hiểm đến cỡ nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng.

Tiu nghỉu như mèo cắt tai: ý nói vì thất vọng nên buồn rầu lắm, không muốn nói năng, không muốn làm gì.

Rình như mèo rình chuột: Sự kiên nhẫn, siêng năng cho đến khi được việc mới thôi.*

Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt;
Vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai:


Khuyên các đấng ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.
--HH st--
====================
* Bản thân HH thì lại hiểu câu này ("Rình như mèo rình chuột") khác đi. HH hiểu câu này nói về một hành vi không đẹp của con người: tò mò, tọc mạch chuyện của người khác, chờ cho người khác có sơ hở, có cái chưa tốt để bắt lỗi, chê bai.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 27 Tháng 1 2011, 17:42
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2243
*Còn nữa nè:

"Nam thực như hổ, nữ thực như miêu"

(Bây giờ thì người ta hay đùa là "Nam thực như hổ, nữ thực như voi" hay "Nam thực như hổ, nữ thực hơn nam") :D

* Cám ơn tác giả bài trên, nhờ đó BD học được nhièu cái mới. Tuy nhiên, BD đọc kĩ rồi nghĩ, đúng ra tiêu đề phải là "Con Mèo Trong Thành Ngữ, Tục Ngữ, Ca Dao Việt Nam" :mozilla_tongueout: vì trong đó có rất nhiều thành ngữ (?).



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 1 2011, 03:01
Ngoại tuyến
Member V
Member V

Tuổi: 51
Sinh nhật: 15-12-1972
Ngày tham gia: 04 Tháng 4 2008, 23:50
Bài viết: 286
Quốc gia: Vietnam (vn)

Hồi còn nhỏ, có học bài ca dao:
"Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo"*

Rất lấy làm lạ vì chưa thấy con mèo nào leo lên cây cau và cũng chẳng thấy con chuột nào làm ổ trên đó.

Rồi tới câu tục ngữ "Chó treo, mèo đậy"* cũng vậy.

Cứ tự hỏi mà không dám hỏi ai. Chó làm sao treo? Ai treo con chó? Mèo làm sao đậy? Ai đậy con mèo?

Từ từ mới hiểu: bài cao dao để ngụ ý yêu thương. Câu tục ngữ nói đề phòng trộm cắp theo "tật" của kẻ trộm.

Con chó có thể "Nhảy bàn độc"* hất tung lồng bàn để "đớp" và liếm sạch đồ ăn nên ta phải treo đồ ăn lơ lửng cho chó táp không tới. Con mèo có thể leo, trèo nhưng không có sức mạnh để hất lồng bàn nên ta chỉ đậy lồng bàn lên đồ ăn là đủ.

Nhưng nếu nhà có cả chó và mèo thì sao? Treo và đậy đều không xong. Chỉ có cách để vô tủ lạnh là yên tâm. Nếu không có tủ lạnh thì làm sao? Chỉ có cách để món ăn ngon đó lên đầu tủ ăn [(gọi là "gạc măng giê -gard-mamger-(?)] và đậy lồng bàn lên. Vậy là chó nhảy không tới, mèo dở không nổi.
Nhà nào mà nuôi cả chó lẫn mèo thì đều thấy khó xử. Chơi với chó thì đôi khi bị "chó liếm mặt”*. Vuốt ve mèo thì bị "mèo quào"*. Nhà nào dù không nuôi chó, không nuôi mèo cũng phải lấy lồng bàn đậy thức ăn vì sợ ruồi và bụi.

Trở lại chuyện con mèo. Ta kêu Tết Con Mèo (Mẹo hay Mão). Tàu kêu Tết Con Thỏ (lại dùng chữ Mão là con miu). Ta và Tàu kêu giống nhau 10 con trong 12 con giáp, trừ 2 con khác nhau: con trâu (Sửu) thì ta kêu, con bò (cũng Sửu!) thì Tàu gọi.
Mèo thì kêu miu miu. Thỏ thì chẳng nghe kêu.
Mèo gần với người hơn cho nên có nhiều ca dao, thành ngữ, tục ngữ hơn thỏ. Thỏ hình như chỉ có "Nhát như thỏ đế" là thông dụng.

Mèo thì đủ thứ:
-Mèo mả gà đồng* (Bắt bồ, yêu thương lén lút)
-Như chó với mèo* (Hục hặc liên miên)
-Mèo lại/đến nhà thì khó, chó đến/lại nhà thì sang* (Tin như vậy vì chó giữ nhà, mèo ăn xong thì đi dạo)
-Mèo nào cắn miu/mỉu nào* (Mèo nào cũng dữ/hiền như nhau)
-Mèo hoang* (Mèo vô chủ)
-O mèo* (Tán gái, nịnh đầm)
-Mèo hai chưn/chân, mèo bốn cẳng * (Người đẹp và mèo- Mèo giả và mèo thiệt)
-Mèo quào* (Cào cho rách mặt để làm “tin)
-Ăn như mèo hửi/ngửi* (Ăn ít, kén ăn, ăn sang)
-Nam thực như hổ, nữ thực như miêu* (Trai ăn như cọp, gái ăn như mèo)
-Mèo của Trạng Quỳnh* (Mèo ngoan, mèo nghèo)
...


Nhắc đến mèo của Trạng Quỳnh, mới thấy Trạng Quỳnh là một nhà chuyên môn huấn luyện thú vật. (Bây giờ gọi là "hành hạ súc vật”)


Trạng Trình huấn luyện con mèo vàng ngọc, quý phái kiêu sa chuyên ăn món ngon vật lạ của Chúa Trịnh thành con mèo bình dân, nghèo khổ, hiền lành chỉ biết cơm thừa canh cặn chỉ trong vòng năm ba bữa. Đúng là kỷ lục.

Mèo thích được vuốt ve và thích cuộn mình lim dim suy nghĩ chuyện đời. Đừng thấy vậy mà tưởng mèo ta không chú ý chuyện chung quanh. Đang lim dim mơ mộng mà có con chuột chạy ngang thì mèo ta phóng vụt tới, rượt và chụp chú chuột vô phước kia ngay.

Chuột mà muốn giỡn mặt mèo cũng khó lắm. Chỉ giỡn sau lưng thôi. Chuột bàn luận làm cách nào báo động khi mèo tới. Chuông (hay lục lạc). Đúng rồi. Đeo lục lạc vô cổ mèo. Nó tới đâu là có tiếng "leng keng" "linh rinh" đến đó. Mình nghe tiếng động và tránh xa, đi ngã khác kiếm ăn. Tất cả hoan hô ý kiến tuyệt vời. Có chú chuột con (chuột lắt/nhắt) rụt rè hỏi nhỏ:
-Ai lãnh nhiệm vụ đeo lục lạc cho mèo?

Cả đám chuột giải tán.

Chủ nhà nghe được (vì có "ngọc chuột") nên vội vàng đeo lục lạc vô cổ mèo. Chánh quyền Anh, Mỹ, Úc (nói chung Âu Châu và Mỹ) nghe được nên gắn thẻ căn cước "chip" vô cổ mèo. Giờ đây chuột Âu Mỹ không sợ mèo nữa mà còn sợ phòng thí nghiệm. Bất cứ bịnh gì - từ "ếch" (AID) đến heo, gà (cúm heo, cúm gà)- các phòng thí nghiệm đều đem chuột ra thử. Phải là chuột Tàu mới tốt (có nên đổi tên thành Chuột Chun Quốc không?), thí nghiệm mới dễ dàng.

Nhiều người lại chống đối việc đem chuột ra làm vật thí nghiệm. Vậy thì lấy ai ra thí nghiệm? Người chắc. Ngày xưa có Thần Nông nếm thuốc. Lãn Ông cũng nếm thuốc. Vậy thì bây giờ các ông bà bác sĩ nên "nếm thuốc" và các ông bà chống việc thử chuột nên hy sinh ra làm vật/người thí nghiệm là tốt nhứt.

Chuột mà nói được nhứt định la làng:
-Khỏi cần người. Hãy đem mèo ra làm vật thí nghiệm.
Mèo vẫn tỉnh bơ thôi vì mèo hên lắm. Mèo mù còn hên hơn nữa vì chụp được cá chiên/rán (Mèo mù vớ cá rán). Mèo luôn được người mê và thích “o”.

Cả dòng họ cọp beo sư tử đều thuộc họ "Mèo". Mèo tuy nhỏ nhứt nhưng ngon lành nhứt.
Muốn o mèo đâu phải dễ. Phải biết "ga lăng/xăng". Phải biết thời cơ (lén lút).
Mèo không biết chủ, chỉ biết ăn. Do đó nuôi mèo phải cho ăn. Ăn ngon thì mèo đẹp. Ăn không ngon (như món ăn của Trạng Trình) thì mèo xấu. Đôi khi mèo ăn sạch gia tài mà vẫn được tiếng khen “nhỏ nhẻ/nhẹ” “ ăn như mèo hửi/ngửi”*. Ngửi xong, của mất.
Mèo dù là 2 chân hay 4 cẳng đều giống nhau là kêu "miu miu" "nũng nịu" và "Mèo lại hoàn mèo"*


Cung Đỉnh


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Con Mèo Trong Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu