XUẤT HÀNH ĐẦU XUÂN Long-Khánh.
Hôm mùng ba tết ở nhà thầy Phúc, anh em gặp nhau gần nửa ngày, vì mãi lo trêu chọc và liên tục cụng ly lốp cốp nên mâm cỗ thì nhiều mà ăn chẳng bao nhiêu. Gần xế, dìa tới nhà tui mới thấy mệt, bữa cơm chiều dùng qua loa cho xong rồi lủi vô giường ngủ luôn một mạch!
Sáng ra đến quán cà phê, ngồi nhìn từng giọt đắng rơi lai rai, nhớ chuyện hôm qua thấy vẫn còn vui, thì thầy Phúc gọi điện rủ đi Châu Đốc. Thấy rảnh nên tui "ô-kê" liền mà không hỏi lí do. Để "bả" khỏi nghi, tui hẹn gặp Thầy tại nhà, như là một bằng cớ bảo đảm không hề dối vợ đi khơi khơi!
Khi thầy Phúc ghé thì mới biết mục đích chánh là đi viếng mộ ông bà, muốn rủ tui theo cho vui.
Đã sang mùng bốn tết mà đường sá vẫn tấp nập xe cộ. Phà Châu Giang với ba chiếc loại lớn luôn đông nghẹt, qua lại như mắc cửi. Hai thầy trò trên chiếc Honda tới Châu Đốc khá trưa men theo quốc lộ 91 dìa hướng Kinh Đào, vừa đi vừa hỏi thăm khu mộ"Nhà Lớn".
Danh từ "Nhà Lớn" không biết có từ lúc nào. Chỉ biết hồi nhỏ đã nhiều lần nghe ba má nhắc khi nói đến Châu Đốc. Đây là một gia tộc lớn, có lẽ là một trong những người có mặt sớm nhứt ở vùng đất này. Họ xây ngôi nhà lớn trên khoảng đất rộng phía trước sân vận động, gần bệnh viện cũ, hướng ra ngã ba sông Hậu. Nơi nầy mát mẻ quanh năm, phong cảnh hữu tình, khách xa hễ tới là quyến luyến. Hiện nay ở Châu Đốc có đường Lê Công Thành, ông chính là chủ nhân ngôi"Nhà Lớn" ấy.
Khu mộ"Nhà Lớn" nằm về phía hạ lưu, cách Châu Đốc độ năm cây số. Xung quanh là tường cao bao bọc ước chừng một công đất, có hai cổng vào. Bên trong, gần cổng là căn nhà nhỏ, hiện do người cháu ở để trông coi nghĩa trang, tiếp đến là một quần thể hơn năm chục ngôi mộ nằm gần nhau, đa phần được cẩn gạch men, một số có nhà mồ rất khang trang. Xen kẻ là những khoảng đất còn trống, trồng ổi Thái Lan trái to bằng cái chén.
Thầy tới thắp nhang mộ bác sĩ Đỗ văn Viễn, em ruột của bà nội Thầy. Lúc sinh thời ông là một thầy thuốc thú y rất có uy tín, nên được giao trọng trách trông coi mấy tỉnh miền Tây. Thời ấy bác sĩ rất hiếm, nhứt là ngành thú y, nên ông được sự nể trọng của nhiều giới, kể cả chánh quyền sở tại. Sinh ra và lớn lên ở cù lao Long Thuận tỉnh Châu Đốc xưa, nay tách ra thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ông là con của một ông Cả, học giỏi nên được cho ra Hà Nội để sau này trở thành bác sĩ thú y. Sau đó ông Đỗ văn Viễn trở thành rể của gia tộc Lê Công, vợ ông chỉ sanh được một trai nhưng chẳng may vắn số khi tuổi đời mới hơn hai mươi. Lúc thầy Phúc học xong tiểu học ở Tân Châu, bác sĩ Đỗ văn Viễn kêu qua Châu Đốc học tiếp trung học. Thầy được ông nuôi nấng tử tế, trong nhà lúc đó cũng có hai người cháu ở học nữa, nhưng bác sĩ Viễn thương thầy Phúc hơn hết vì hiền và học giỏi. Sau Thầy lên Sài Gòn vào Văn Khoa, gia cảnh gặp nhiều khó khăn, bác sĩ Viễn vẫn chu cấp đầy đủ. Tấm chân tình ấy khiến thầy Phúc vô cùng biết ơn, nên có dịp thì ghé thăm mộ và đốt cho ông nén nhang. Nhìn vẻ mặt thành khẩn và lời khấn vái thì thầm xuất phát tự đáy lòng của Thầy, tui cũng cảm thấy ngậm ngùi. Cống hiến cho đời thì nhiều, chết nằm đó, hằng đêm lạnh lẻo mà không có được một người con nào thờ phụng. Xót xa cho chuyện đó, thầy Phúc thỉnh dìa Long Thuận thờ chung cùng ông bà. Giờ thì linh hồn người quá cố chắc hẵn đã mãn nguyện trước nghĩa cử chí tình của thầy Phúc.
Chúng tôi đi theo con lộ cập mé sông dìa hướng Châu Đốc. Đường vắng xe nên dễ để ý đến những ngôi chùa, miếu xưa . Nét cổ kính, uy nghiêm cùng khói hương nghi ngút ngày tết khiến lòng thanh thản. Thầy bảo ghé chỗ bán đồ cũ lựa mua vài bộ đi đồng, sau đó lên chợ tìm món gì ăn, đã quá trưa rồi.
Chợ Châu Đốc những ngày đầu năm rất đông người, đa phần là khách xa hành hương cúng Bà Chúa Xứ núi Sam. Quán nào cũng đông nghẹt, khó khăn lắm hai thầy trò mới có được một chỗ ngồi thoáng mát. Sau khi dằn bụng mỗi người một tô phở, Thầy ngỏ ý muốn vào núi Sam chơi, luôn tiện ghé thăm người học trò cũ đang tu ở đó. Tui nói:
- Đi thì đi…cũng còn sớm. Nếu Thầy muốn thăm ai, nên gọi điện báo trước phòng hờ người ta đi vắng hoặc giả bận tiếp khách xa để khỏi phiền.
Thầy nói phải và sau khi liên lạc xong, cho biết không có gì trở ngại, hối tui lên đường.
Từ thị xã Châu Đốc vô núi Sam, đoạn đường chỉ hơn bốn cây số, xe cộ nối đuôi nhau, phân nửa là ngoài tỉnh. Thỉnh thoảng có kẹt xe, nhưng không lâu. Tuy vậy phải mất hơn hai chục phút mới tới chưn núi. Cả một rừng người như ngày hội dưới cái nắng chói chang, tới ngày vía Bà chắc sẽ không còn chỗ để bước!
Theo hướng dẫn, tui gởi xe ở hầm Chì. Chỗ này ngày xưa người ta khai thác chì, tạo thành những đường hầm sâu hút, phía ngoài phình to làm nơi nghỉ mát và để xe thì khỏi chê. Sau đó hai thầy trò hỏi thăm đường lên chùa Viên Quang. Vừa qua cái dốc đầu đã thấm mệt thì nghe phía sau có người kêu:
- Lạc đường rồi Thầy ơi!
Ngoái lại thấy một ni cô đi cùng một phụ nữ đưa tay chỉ hướng khác. Bất giác Thầy mừng rở ra mặt. Vị ni cô ấy là người Thầy muốn thăm. Sau khi qua ba đoạn dốc là tới chùa. Nơi đây quang cảnh tĩnh mịch, không khí mát mẻ, dễ chịu vô cùng.
Chùa Viên Quang nằm ở lưng chừng núi Sam, người khỏe mạnh có thể đi một mạch là tới, khỏi phải dừng nghỉ. Xung quanh chùa lát gạch. Khu chính điện khang trang, không lớn lắm nhưng uy nghi, toát ra sự thanh thoát của chốn Phật môn. Bên trong có dãy bàn dài dùng tiếp khách, trang trí đơn sơ nhưng rất hài hòa ngăn nấp, làm tăng thêm nét trang nghiêm. Ni sư ban nãy tự tay pha trà mời khách, thái độ rất ân cần và lễ phép. Hỏi ra mới biết Cô là học trò cũ của trường Trung Học Công Lập Tân Châu, là bạn cùng lớp với đứa em gái của tui. Đi tu từ năm mười bảy tuổi để nối tiếp tâm nguyện của mẫu thân muốn quy y nhưng bất thành. Ban đầu vì chữ hiếu, về sau quả đúng duyên lành, cô lấy pháp danh Huệ Liên và hiện giờ là Sư Cô trụ trì. Mặc dù tu hành khổ hạnh Sư Cô vẫn học xong Dược Sĩ. Chùa này không có tăng, chỉ toàn ni. Lúc mới vào tui thấy có mấy cô chừng mười tám đôi mươi.
Sư Cô cho biết:
- Các em vào đây, lần hồi sẽ được gởi học Trung Cấp Phật Học và tùy cơ duyên sẽ tiếp tục học cao hơn nữa. Tu là phải học, nếu chỉ biết cúng lạy thì chưa đủ. Trước đây có một em đang học Cao Đẳng Sư Phạm muốn thí pháp quy y tôi khuyên nên tốt nghiệp đi hãy tính.
Khi nói chuyện với thầy, Ni Sư vẫn một mực xưng "em" với đầy đủ vẻ tôn kính như lúc còn đi học.
Thầy và tui ngỏ ý thắp hương kỉnh Phật, Ni Sư tự tay đốt nhang trao thầy và hướng dẫn từng nơi. Khu lễ Phật khá lớn gồm hai trệt và một lầu, thờ Phật Thích Ca, Phật Quan Âm, Phật Di Lạc…Thấy tui đưa mắt nhìn quanh, Sư Cô nói:
- Phải mất mười lăm năm mới hoàn thành ngôi chùa này đó!
Tui buột miệng:
- Mười lăm năm?!
Sư Cô mỉm cười:
- Lúc tôi mới về đây, chỉ là ngôi chùa nhỏ đã cũ cất ngay chỗ phòng khách mà Thầy và anh ngồi lúc nãy. Tôi và các ni khác phải lấn núi, khiêng từng viên đá san lấp những nơi trũng, hì hục mười lăm năm mới có được như bây giờ.
Tui hết sức ngạc nhiên và thán phục. Với những đôi tay yếu đuối của vài ba ni cô mà hoàn thành một ngôi chùa uy nghiêm nơi lưng chừng núi! Nếu là ai khác kể chắc tui không tin. Có lẽ Thầy cũng mang cùng ý nghĩ như thế, nên mắt nhìn xa xăm không nói.
Khi từ giã, mặc dù Thầy không cho tiễn nhưng Sư Cô vẫn tiễn một quãng khá xa, còn tặng một ít trà và cà phê mang từ Hà Nội dìa. Nghĩa cử ân cần ấy làm Thầy xúc động.
Xuống tới nghĩa trang bên dưới, định quẹo trái thì Sư Cô nói vói theo:
- Quẹo phải Thầy ơi! Chúc Thầy và anh thượng lộ bình an.
Chừng đó tui mới để ý thấy nghĩa trang khá lớn, có vẻ dành cho người nghèo. Sực nhớ lúc nãy Thầy hỏi Sư Cô:
- Việc tu hành, điều gì khó nhứt?
Sư Cô điềm tỉnh đáp:
- Kinh Phật có cả ngàn quyển, duy thực hành được chữ "Ly" là đi một bước dài, khó lắm Thầy ạ!
Đời người ngắn ngủi. Tham, sân, si, hỷ, nộ, ái, ố đeo bám không rời. Đến chừng nằm yên trong mộ, có đem theo được những gì mà khi sống ta đã nhọc công tạo ra? Trong cõi vô thường, ta có thực sự an lạc không? Phải chăng Sư Cô muốn nhắn nhủ: Mọi thứ là giả tạo, hãy "Ly" nó đi, để vén bức màn vô minh mà tìm đường đi đến Cực Lạc?
Nghĩ tới đây, tui thấy lòng mình nhẹ nhỏm. Đưa mắt nhìn vách đá cheo leo ở gần hầm Chì, cảm thấy vui vui…
Long-Khánh (Mùng năm tết Quí Tỵ)
Tập tin đính kèm: |
IMG_0673.jpg [ 120.05 KB | Đã xem 2654 lần ]
|
|