Ngôi Trường Thân Yêu
Tôi ngồi viết bài nầy khi ngoài trời tuyết đang rơi. Vạn vật trùm kín bằng một tấm chăn trắng xóa do thiên nhiên ban tặng (hay là hình phạt). Mùa Đông năm nay rất lạnh và rất dài. Theo lịch của tụi Mỹ thì chỉ còn vài ngày nữa sẽ vào Xuân. Xuân đâu không thấy, chỉ thấy con người héo queo, sắp tàn lụng vì khí hậu khắc nghiệt năm nay.
Từ lâu lắm rồi tôi không viết vì tự biết mình tài hèn, sức mọn. Có rất nhiều cao thủ trong diễn đàn nầy . Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ. Những ngày còn học việt văn do thầy Phúc dạy, bài tôi viết mà được điểm trung bình là may lắm rồi. Nhân sắp làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, tôi mạo muội viết vài hàng gọi là góp phần cho xôm tụ.
50 năm là hơn nửa đời người. Những ngày còn đị học, tôi còn nhớ câu nói của cổ nhân ”nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Sống đến bảy mươi tuổi ngày xưa là thọ dử lắm rồi. Ông Tản Đà nói là:
Nợ tiền uống rượu, đâu chả thế, Sống bẩy mươi năm dễ mấy người.
Vậy mà tôi lại có cái diễm phúc được bắt đầu cuộc đời trung học dưới mái trường thân yêu xứ mình đang chuẩn bị làm lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tuy sống cuộc đời lưu vong trên 30 năm. Còn hơn thời gian tôi sống ở quê nhà. Có lẽ vì vậy mà ký ức quê nhà luôn được tôi nâng niu, trân quí. Hể cái gì ít, hiếm, khó tìm, thiếu thốn thì luôn được sáng giá và lưu luyến khi nhớ đến. Ngôi trường Trung Học Công Lập Tân Châu của tôi ngày xưa cũng vậy đó, luôn được tôi trân quí và nâng niu như báo vật trong ký ức.
Đôi khi trí nhớ tuông về như thác lũ. Ngồi nhìn rừng thông sau nhà. Nhâm nhi ly cà phê sáng. Lắng nghe tiếng chim cúc gáy rù rù làm tôi thèm nhìn lại hoa phượng đỏ tô điểm thêm cho những ngày hè rực rỡ. Mỗi lần lái xe dọc theo sông Hudson, tôi thèm nhìn lại sông Tiền mùa nước lũ. Màu nước sông đỏ lừ, đặc sệt phù sa bồi đấp ruộng nương thêm trù phú. Để nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên trong tình người Tân Châu giàu lòng nhân đạo. Ngày tựu trường tôi mặc bộ đồ mới do Chú Ba Thanh may; quần tây xanh, áo trắng bỏ vô “thùng”. Tôi cảm thấy mình lớn lên một bậc khi nhìn đám đàn em tiểu học mà chúng tôi phải “ăn nhờ, ở đậu”, mượn tạm vài lớp trong khi chờ xây cất ngôi trường riêng của chính mình.
Năm năm trôi qua, khi vừa xong đệ tam. Tôi rời trường qua Châu Đốc, vào học Thủ Khoa Nghĩa. Tôi không có cái điễm phúc đặt bước chân đầu tiên vào ngôi trường của riêng mình. Nhiều thầy cô đến rồi đi. Nhiều học sinh tốt nghiệp để không trở lại vì chiến tranh đã cướp mất những đứa con thương yêu Tân Châu. Tôi cũng bị lối cuốn vào cơn lốc chiền tranh. Cũng triên miên năm tháng khốn cùng chốn Vườn Đào. Để rồi bắt đầu cuộc đời lưu vong ở tuổi 26. Xứ người tuy dư thừa vật chất nhưng tình cảm chỉ gói trọn cho gia đình, cho con cái. Ký ức luôn gởi về quê nhà. Có trường xưa, có bạn cũ, có thầy cô lam lũ nắng mưa với ruộng nương sau cuộc đổi đời.
Nhiều lần về lại thăm nhà, đi qua ngồi trường cũ, chỉ thấy tấm bảng trước cổng như chứng minh sự hiện hữu nhưng không còn phòng lớp nào. Do trường cũ kỷ xuống cấp, thêm vào đường xá, đất đai bị sạt lở nên người ta đã xây hẳn một trường mới tốt hơn. Như thế là ký ức ngôi trường trung học đầu tiên của tôi đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Theo luật tự nhiên, ai cũng phải lớn lên. Dù có níu kéo; quá khứ vẫn phải ra đi dành chổ cho hiện tại. Còn lại chăng là kỷ niệm êm đềm của thời áo trắng. Nếu tôi biết nâng niu, trau chuốt những kỷ niệm đẹp, nó sẽ tồn tại và vĩnh viễn không bao giờ phai mờ. Đó cũng là động lực chính làm cho tôi tạo trang web tan-chau.com. Nơi mà hàng ngày tôi vào để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa với thầy cô, với bạn học, và với đồng môn của những thế hệ sau.
NGV New York Tháng Ba – 2014
|