Như anh Bá nói vì biết mình tài hèn, sức mọn. Có rất nhiều cao thủ trong diễn đàn nầy. Không dám múa rìu qua mắt thợ. Nhân sắp làm lễ kỉ niệm ngày thành lập trường tôi mạo muội viết vài dòng gọi là góp phần cho xôm tụ.
Một thời để nhớ
Tuổi càng lớn, người ta càng dễ quên nhiều thứ nhưng lại nhớ rất nhiều về tuổi học trò, bất lúc nào, bất cứ ở đâu những kí ức về thời cắp sách đến trường cũng có thể ùa về khiến lòng ta xao xuyến, tiếc nuối, nhớ thương. Đó là một khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, được sống ở lứa tuổi học trò hồn nhiên, hay giận hờn với những lần đùa vui nghịch ngợm không thể nào quên.
Tháng năm lại về trong trong nỗi nhớ miên man , phượng nở đỏ rực sân trường, lại một mùa hè nữa trôi qua. Có rất nhiều nỗi nhớ, và nỗi nhớ về khung trời kỉ niệm mà mỗi người chúng ta đã sống với biết bao niềm vui, nỗi buồn của thời áo trắng. Mái trường xưa! Nơi có biết bao điều cho ta nhớ. Và cũng từ ấy, khi ra đi ta đã chia tay với những gì thân yêu nhất: tình thầy trò, tình bạn, bảng đen, phấn trắng, khung cửa sổ lớp học cùng vời hàng me tây già và những mộng ước ban đầu êm ả, lung linh như nắng sớm ban mai.Những tình cảm của quãng đời đi học cứ lãng đãng mãi trong tadù đã trôi qua, đã xa, rất xa…và nỗi nhớ cứ da diết không nguôi khi một mùa hạ lại về.
Ngôi trường Trung Học Bán công Tân Châu nơi tôi học cách đây cũng đã gần năm mươi năm. Nằm trên đường Nguyễn Công Nhàn, cạnh bờ kênh Vĩnh An. Trường được thành lập năm 1957. Về thành tích học tập thì so với trường Trung Học Công Lập Tân Châu thì chắc có lẽ ai cũng biết, vì khi học xong lớp nhất ( lớp 5 bây giờ ) học sinh đều phải thi tuyển vào lớp 6 của Trường Công Lập Tân Châu, rớt vô bán Công, năm đó vì có chút vấn đề về khai sanh tôi không được dự thi nên nộp đơn vào Bán Công Tân Châu. Hiệu trưởng lúc ấy là Thầy Nguyễn Hồng Châu cùng một số thầy cô được thỉnh giảng từ Trường Công Lập Tân Châu sang như Thầy Võ văn nhiều, Đỗ Hữu Thấm, Châu Minh Tỷ, Cao Phát Đây, Lê Văn đỡ, Dương văn Thành, Lê Thành Thảo, Lê Bá Tòng, Nguyễn Văn Tài, Lý Bảo Thiện cô Trần Mỹ Kiên, Bùi Thị Đăng Khoa,Nguyễn Thị Điệp, Đỗ Thị Thu cùng một số giáo viên khác.
Cũng giống như bao ngôi trường khác, trường với hai dãy phòng học chạy dài, tường sơn màu vàng, ngói đỏ rêu phong. Trước, trường chỉ có các lớp đệ Thất, Lục , Ngủ Tứ ( xưa gọi là đệ nhị cấp), về sau được cất thêm bốn phòng, 2 trệt, 2 lầu cho các lớp đệ Tam, Nhị, Nhất( đệ nhất cấp), giữa hai cuối dãy phòng học là văn phòng của Hiệu Trưởng, phía sau là khu nghĩa địa. Sân trường cũng không rộng lắm nhưng mát mẻ cùng với hai me tây già mà mỗi lần vào giờ ra chơi tôi và nhỏ bạn thường bắt tay nhau ôm vòng gốc cây mà không xuể, sao này được trồng thêm hàng phượng nở đỏ rực mỗi khi hè về. Trước cổng trường là quán nước đá bào của anh Hai Mập, và quán chè của chú Trường. Kênh Vĩnh An bây giờ đã lấp, cầu Lê Tân, cầu Sắt cũng đã được tháo dở không còn tóc gió thôi bay cho những tà áo trắng thước tha của những nữ sinh khi sang qua cầu để đến trường mà sao tôi vẫn nhớ đến nao lòng.
Còn nhớ mùa đông năm 1973, lúc đó thời tiết rất lạnh, mà chúng tôi không đứa nào có áo ấm, trong giờ học Vật lí , Thầy Nguyễn Văn Tài giảng bài xong mà chúng tôi không đứa nào cầm bút để ghi. Thấy lạ, Thầy hỏi: “Sao các em không ghi bài”. Không hiểu sao lúc đó cả lớp chúng tôi cùng nói: “ Lạnh quá ghi không được Thầy ơi!” Thầy nhìn chúng tôi và nói:” Các em hãy duỗi tay ra và co lại nhiều lần, ngồi sát vào nhau cho đỡ lạnh, cố gắng lên năm cuối phải thi rồi.”chúng tôi làm theo lời Thầy và chợt nhận ra Thầy cũng chì mặc phong phanh một chiếc áo ngắn tay mà thôi.
Theo dòng thời gian ngôi trường thân yêu của tôi đã qua bao lần “ thay tên đổi họ”thay đổi cả hình hài , cái tên Trường Bán Công Tân Châu đã không còn nữa, có còn chăng chỉ là trong kí ức của những học trò xưa cũ mà thôi, vì hiện giờ là Trường Tiểu Học Long Hưng.
Lang thang ngang qua trường cũ, cố tìm một chút hình ảnh dủ chỉ là nhỏ nhoi nhất của trường xưa, nhưng tất cả đều đã thay đổi chỉ còn khoảng sân rộng, trống vắng đầy những lá bàng thay cho cho những chiếc lá me tây rơi lả tả trong gió ngày nào.
Khoảng thời gian bảy năm không dài nhưng cũng không quá ngắn để cho những học sinh chúng tôi vẫn nhớ về ngôi trường cũ, những thầy, cô bằng chính chiêm nghiệm của đời mình.
NTT
|