Mỗi năm ông ngoại xài tiền một lần vào dịp tết, đó là sắm cho mình một cuốn lịch Tam Tông Miếu. Cuốn lịch nầy được ngoại treo trên cây cột lớn giữa nhà ngay phòng khách. Sở dĩ nó chiếm cái vị trí trang trọng hạng nhứt ấy (hai câu đối được treo ở hai cây cột phía sau) là vì cái công việc rất đặc biệt, rất quan trọng của nó: coi ngày. Trong trí nhớ của tôi cuốn lịch nầy năm nào cũng đúng y một kiểu : Cái bìa cứng màu đỏ có ảnh của một ngôi miếu rất to màu vàng với tấm bảng ghi ba chữ "TAM TÔNg MIẾU". Cái lốc lịch hình chữ nhật cở bằng bàn tay với những tờ giấy mỏng tanh mà mỗi ngày khi xé bớt một tờ, ngoại đều giữ lại để quấn thuốc hút. Những tấm lịch màu trắng ấy, ngày thường in chữ màu đen, riêng chủ nhật hoặc ngày lễ lớn chúng được in màu đỏ. Không biết giá của nó có mắc không mà cả xóm chỉ có mình ên nhà ngoại có thôi. Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên ông ngoại làm sau khi thức dậy là đánh răng, rửa mặt, súc miệng, rồi mới mặc cái áo dài vạt hò màu nâu vào để chuẩn bị cho thời cúng sáng. Lúc nầy bà ngoại và dì bảy Xuyến cũng lục đục dậy theo. Dì lo nấu nước pha trà cho ông rồi cơm sáng cho thợ làm đồng và cả nhà. Bà ngoại chải đầu bới tóc gọn gàng, vệ sinh mặt mũi rồi ngồi chờ, ông vừa cúng xong liền cởi cái áo dài ra đưa ngay cho bà. Bà cầm lấy, mặc vào và cúng tiếp. Ông lại ngồi cái bộ bàn dài ( phòng khách ngoại có đến ba bộ bàn ghế. Sát đầu trên là bộ bàn dài, giữa nhà là bộ sa lông kiểu tây phương, đầu dưới là bộ bàn tròn), cái bàn nầy là nơi ngoại ngồi uống trà mỗi sáng. Ngoại cầm cái bình trà dì bảy vừa đem từ dưới bếp lên, rót một chút để tráng đều cái tách rồi hất nước ra sân, sau đó mới rót lại cho đầy. Ngoại vừa thổi cho nước trà nguội bớt vừa uống dần từng hớp, uống được nửa tách ngoại để xuống rồi cầm nĩa vít mấy sợi mứt gừng cho vào miệng. Lúc nầy, thỉnh thoảng có tiếng chân bước lên cầu thang, thường là bà con trong xóm, cậu , mợ, dì, dượng ... hoặc ông bà nào đó. Họ đến tìm ông rất sớm đều vì cái mục đích duy nhất là nhờ ngoại coi ngày giùm. Nghe tiếng chân thôi chưa thấy mặt người, ngoại đã lên tiếng: -Ai đó, mời vô đây ngồi uống với tui tách trà cái coi ! Câu trả lời thường là: -Dạ tui đây ông, (bác, chú, cậu, anh...) Út ơi ! Tui tới nhờ... Coi giùm cái ngày để ... Ngoại tôi liền đứng lên kéo cái ghế đối diện ra rồi rót đầy một tách trà và nói: -Thì vô đây ngồi, uống mấy ngụm trà cho nó ấm bụng cái đã. Những người lớn tuổi ít bận rộn hơn, thí dụ như ông hai Ngoéo chẳng hạn, sẽ chùi chân mấy lần vào cái miếng chùi chân do ngoại làm bằng vải vụn để ngay dưới chân cầu thang rồi mới bước lên, vừa đặt đít vô ghế vừa nói: -Bữa nay tui định tỉa mấy luống bắp mà hổng biết có được ngày hông, qua nhờ anh coi giùm một cái. Ngoại tôi bèn tháo cái soi đang đeo xuống, hà hơi vô hai tròng kiếng, kéo vạt áo lên lau cho nó thật là trong, đeo trở vô rồi mới đi lại cuốn lịch. Ngoại xé tờ giấy lịch cũ ngày hôm qua, đọc to tờ lịch mới: - Hôm nay là ngày ( sát chủ), cái lịch nó ghi như vầy nè: Nên: cúng tế, đi chùa, bố thí. Kỵ: Đi xa, cưới gả, trồng trọt, chăn nuôi, cất nhà, dựng cột, gác đòn giông... Ông hai thở ra: -Mèn ơi ! Xấu dữ vậy sao ? Đâu anh coi có ngày nào sắp tới tốt hơn hông ? Ngoại tôi lật một tờ, hoặc nhiều tờ lịch khác lẩm bẩm đọc rồi nói: - Rồi có đây, ngày nầy là đại kiết nè làm cái gì cũng tốt hết ráo, có điều phải hưởn lại tới năm bữa nữa lận. Ông hai chép miệng: -Thì cũng phải ráng chờ thôi, chớ làm đại là cái bụng nó phập phồng hổng yên, rủi có bề gì chắc phải bán lúa giống mà ăn quá. Xong rồi ổng bưng cái tách trà lên, uống một cá ót, cám ơn rồi xin kiếu đi về. Cuối mùa, khi thu hoạch xong, trúng hay thất gì bà hai cũng bưng một rổ bắp qua cho để trả ơn ông ngoại đã coi ngày giùm.
|