Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 09:32
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» TẾT QUÊ VÀ NHỮNG NỖI NHỚ «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1254 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: TẾT QUÊ VÀ NHỮNG NỖI NHỚ
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 2 2015, 23:52
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Đối với trang DĐ này thì nó đã cũ rích, là "bổn cũ soạn lại". Nhưng đối với chỗ khác thì nó mới. Nhờ vậy mà nó được đăng trong tạp chí Văn nghệ Cần Thơ.
Xin gởi nó vô trang Xuân Ất Mùi này cho (Trang Xuân Ất Mùi và cả tôi) đỡ... hiu quạnh.


TẾT QUÊ VÀ NHỮNG NỖI NHỚ
Hồi ức của PHAN THỊ NGA
Dù quần quật làm việc cả năm hay nhàn rỗi, mỗi khi thấy tiết trời se lạnh, ngoài đường xe cộ đi lại như tấp nập hơn, thì dường như ai cũng có vẻ vội vội vàng vàng, lòng hướng về ngày Tết. Riêng tôi, thời gian gần Tết tôi hay nhớ tới tiếng kêu của con chim tu hú ở quê, nhớ mấy câu thơ về loài chim này của Tố Hữu:
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm ran tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào”
Có nhiều bài viết đề cập đến sự ranh ma, bạc tình của loài chim này; nhưng cũng có tác giả bênh vực cho tu hú vì nó là loại chim có ích cho nhà nông, ăn tất cả các loại sâu bọ, côn trùng phá hại mùa màng. Tiếng chim tu hú còn gợi cho người sống xa quê như tôi nỗi khắc khoải, đau đáu nhớ về quê hương, cũng như tiếng bìm bịp kêu nước lớn. Ai có sống cùng thời với tôi ở một vùng quê An Giang mới biết tiếng kêu của loài chim này còn báo hiệu “sắp đến Tết”. Hồi nẳm, những đứa trẻ nhà quê như tôi không biết chim én bay lượn báo hiệu mùa Xuân ra sao và cũng không để ý. Chúng tôi cũng không cần biết con chim tu hú hình dạng đẹp xấu, lợi hại như thế nào, mà chỉ biết hễ nghe tiếng kêu của nó là gần đến Tết. Trên đường đi học về, mỗi lần đi ngang những lùm cây có chim tu hú trong đó, nghe tiếng kêu "tu hú... tu hú..." là trong lòng chúng tôi rộn rã, nôn nao, trông cho mau tới Tết.
Thế nhưng, tiếng chim tu hú giờ đã quá xa xôi, sao bằng những kỉ niệm về những người thân yêu của tôi ở quê nhà. Những ngày cận tết, các bà, các mẹ, các chị trong xóm ai cũng hối hả lo chuẩn bị đón Tết. Nào là lo quét tước dọn dẹp nhà cửa. Nào là gói bánh tét, làm bánh mứt, dưa chua. Ngoài những việc đó họ còn phải xuống sông gánh nước đổ cho đầy lu, đầy hũ, lại còn để tưới đường đi trước cửa cho bớt bụi bặm. Nhớ một ngày sắp Tết năm nọ, buổi chiều chị hai tôi gánh nước tưới đường ướt rượt làm một ông chạy xe Honda 67 đi ngang bị trợt ngã sóng soài, áo quần bê bết bùn đất. Vừa gánh đôi thùng lên tới mé đường thấy cảnh đó chị hai rụng rời chân tay, đặt đôi thùng xuống đất mà mặt mày tái xanh, miệng lắp bắp nói không thành lời câu xin lỗi. Thấy vậy, ông hạ xuống cơn giận dữ đang bừng bừng và nói: “Thôi lỡ rồi, không sao đâu! Lần sau đừng tưới quá ướt như vầy nữa nghen!”. Người dân quê tôi thiệt thà, chân chất, hiền hòa như vậy đó!
Bao giờ người phụ nữ cũng vất vả nhất cho cái Tết truyền thống, nhất là ở nông thôn. Làm sao quên được hình ảnh má tôi ban ngày lui cui phơi lá chuối, tối chong đèn dầu nấu đậu làm nhưn, ngồi chăm chút cho nồi thịt kho nước dừa. Rồi hình ảnh chị hai tôi ngồi sên mứt đến mặt mày đỏ lơ đỏ lựng… Vậy mà ai cũng vui vẻ, không hề có một lời than vãn!
Còn ba tôi thì dù rất bận rộn với tiệm hàng xén vẫn cặm cụi ngồi vẽ những lá bùa nêu cho bà con hàng xóm, vui vẻ viết liễn cho những ai có nhu cầu. Những câu đối trên liễn là do ba tôi tự nghĩ ra. Khi được những câu đối hay, ba thích chí đọc to lên cho mọi người cùng nghe. Tất cả những việc đó ba chỉ làm giùm bà con chứ không lấy tiền công. Ba thường nói nghèo chết bỏ chứ ba không bán chữ, vì đời cha bán chữ thì đời con cái sẽ học dở và nghèo lắm. Lúc nào ba cũng coi trọng sự học của con cái. Nhờ vậy mà chị em tôi ai cũng cố gắng học hành đàng hoàng và đạt được những thành tích nhất định.
Ngày ba mươi Tết năm nào nhà tôi cũng phải chạy đua với thời gian để dứt điểm mọi việc. Mệt mỏi là vậy, nhưng như cái lệ, đêm giao thừa cả nhà tôi đều thức đầy đủ đến đúng nửa đêm. Sau khi cúng kiếng, ba bắt mỗi đứa phải viết cái gì đó để khai bút đầu năm rồi mới đi ngủ. Sáng mùng một, tất cả phải dậy sớm, trước hết thắp nhang lạy bàn thờ tổ tiên rồi chúc tết ba má. Khi đó má mặc bộ áo dài đẹp nhất, ba mặc cái áo dài đen đầu đội khăn đóng, cả hai ngồi bên nhau trên chiếc chõng tre, con cái đứng xếp hàng khoanh tay mừng tuổi. Chị hai tôi đại diện nói: “Năm cũ bước qua năm mới, chúng con kính chúc ba má mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, mua may bán đắt…”. Rồi ba má lì xì cho mỗi đứa.... Chúng tôi tự hào là ba má đã luôn chú ý giáo dục con cháu coi trọng nền nếp, lễ nghĩa trong đối nhân xử thế, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết. Xong thủ tục đó thì chúng tôi mới được tự do đi chơi
Bọn con nít như chúng tôi thì vô tư lắm, trông Tết từ khi nghe tiếng chim tu hú lần đầu. Làm sao không trông Tết cho được khi Tết là dịp được mặc bộ đồ mới đi chơi, được coi múa lân, được người lớn lì xì, được đi xe lôi xuống chợ quận để dạo “vòng lớn vòng nhỏ”, để coi lân leo cây, rồi ăn khô mực, khô rọc nướng, được chơi bầu cua cá cọp bói hên xui... Năm nào cũng vậy, chúng tôi lũ lượt kéo nhau ra đường đi dạo dài dài trong xóm để khoe quần áo mới. Mấy ngày mùng một, mùng hai, một trong những mục chúng tôi rất hứng thú là cả bọn rủ nhau lần lượt ghé từng nhà, từng nhà trong xóm, trước lạy bàn thờ ông bà, sau khoanh tay chúc Tết chủ nhà. Chủ nhà rất vui và lì xì cho mỗi đứa vài đồng bạc cắc hay cái bánh, miếng mứt, bọn tôi cám ơn rân trời. Những buổi sáng nào trời lạnh thì cùng nhau gom lá khô đốt đống un hơ cho ấm, đem bánh phồng ra nướng rồi bẻ rôm rốp chia nhau ăn tại chỗ, vui ơi là vui! Ôi nhớ biết bao những đứa bạn thời tóc còn hớt bom bê, hớt cua mà giờ này có đứa đã thành người thiên cổ, có đứa không biết đã lưu lạc đến tận nơi nảo nơi nao!
Xa quê đã mấy chục năm, sau này từ lúc ba má qua đời, tôi hiếm khi về quê nhà vào dịp Tết. Tôi đón Tết ở quê hương thứ hai của mình. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi nơi mỗi khác. Nhưng mỗi lần Tết đến là những ký ức về chuyện xưa, người xưa có dịp sống dậy trong tôi vô cùng mãnh liệt. Chúng cứ như đan xen, hòa lẫn với nhau, cho tôi một cảm giác ấm áp. Ấm áp ở trong lòng. Ấm áp lan tỏa khắp nơi. Từ những người thân quen. Từ những người mới quen, cả những người chưa quen.


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» TẾT QUÊ VÀ NHỮNG NỖI NHỚ «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 4 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 4 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 4 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu