Cái tin vợ, con gái, con rể sắp cùng về đón tết khiến ông Năm mừng đến phát khùng. Ông bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bận bịu túi bụi đến bỏ cả nghỉ trưa. Ngoài việc báo cho ông biết ngày về bà còn ra một loạt chỉ thị. Nào là quét ván nhện bám trên nóc nhà; nào lau tủ thờ; nào giặt mùng mền chiếu gối; nào chùi cho mấy cái nồi thiệt trắng …ông còn phải giải quyết dứt điểm mấy con chuột. Nhứt là mấy con chuột! Nhứt là mấy con chuột! Bà nhấn mạnh: -Con Mùi nó giống tui, sợ chuột dữ lắm luôn! Nó khoái ra vườn lùng sục ba cái trái ổi, trái mận lắm! Gặp cả bầy chuột ông nuôi, rủi mà tụi nó xổng chuồng chạy ào ra chắc nó sợ tới mất thở. Rồi bà bỏ nhỏ: -Ông bán hết tụi nó đi! Dọn rửa cái nền cho thiệt sạch rồi bỏ trống đó. Đợi ra ngoài ngày, hai vợ chồng con Mùi nó đi rồi thì mình nuôi trở lại. Vợ muốn là trời muốn nên ông Năm tuân theo răm rắp. Ông đem bán đổ bán tháo mấy con chuột cho cô Nhà, rồi chùi rửa, khử sạch cái mùi chuột theo ý của bà. Bà Năm tuy dặn dò cẩn thận nhưng vẫn không yên trong bụng. Bởi vậy khi về tới nơi, vừa đẩy cánh cửa cổng bước vô nhà, bà vừa hồi họp. Cảnh tượng trước mắt khiến bà vô cùng ngạc nhiên. Việc đầu tiên đập vào mắt bà là con đường nhỏ từ cổng vô nhà đã được lột xác. Trước đây nó thấp chũm, cỏ mọc rậm rịt bây giờ đã được tráng xi măng láng mướt. Hai bên lề mấy bụi hẹ tây, lúc bà ở nhà hãy còn chưa mọc, giờ đang trổ bông đầy nhóc, màu hồng nổi bật trên đám lá xanh trông vô cùng bắt mắt. Cây mai, vị lão thành có tuổi đời cao nhứt, vẫn còn đứng uy nghi giữa sân. Nó đại diện cho đám cây cối trong vườn, dang rộng tất cả mọi cánh tay ra chào đón họ. Từng chùm, từng chùm hoa mai chưa nở, bám đầy từ nách đến đầu ngón tay, mỗi chùm có đến cả mấy chục bông. Một số rất ít đã khoác áo màu vàng tươi, mỏng tanh, đang cười mơn với bà. Vị trầm trồ: -Con chưa từng thấy cây mai nào trổ bông đều và nhiều như vầy. Rồi hỏi: -Nó nở đúng giao thừa không ba? Được gãi đúng chỗ ngứa, bác Năm trai nói thao thao: -Đúng chớ sao hông? Cây mai nầy ba trồng lâu rồi, có tới trên hai chục năm chớ đâu có ít nên biết ý nó lắm! Hổng phải nói quá chớ ba muốn nó nở lúc nào là nó nở lúc nấy. Bác Năm gái xác nhận: -Ổng canh trúng phóc hà con ơi! Bà con gọi ổng là Năm Mai mà! Tại cây mai nhà mình đẹp nhứt cái xóm nầy đó con! Họ lượm hột đem về trồng mà đâu có được như mình. Bước vô nhà, bà càng hài lòng hơn vì nhận ra các mệnh lệnh của mình được thi hành vượt mức mong đợi. Có cái bà hổng dặn ông cũng làm, chẳng hạn như cái tủ thờ được đánh vẹc ni bóng ngời. Bộ lư cũng sáng trưng. Mấy bức ảnh được lau cẩn thận, không một hạt bụi nào còn bám vào khung kính. Ti vi, thành viên mới nhứt, được đặt một cách trang trọng trên cái bàn ở giữa nhà. Nó được một tấm ren rất đẹp trùm kín mít, trông chẳng khác nào cô dâu trong ngày cưới, lần đầu tiên bước chân vô nhà chồng. Bà bước tới nâng nhẹ tấm ren lên xem, ngó thật kỹ rồi nói một mình bằng giọng hài lòng: -Cái nầy giống hệt cái của con Mùi. Rồi không bước thẳng vô buồng, vô bếp… mà bồng thằng cháu quay trở ra vườn để xem cái điều bà quan tâm nhứt. Đó là tìm kiếm bầy chuột, coi chúng đã được ông giải tán chưa. Cái chuồng trống rổng khiến bà thở ra một cái khì, người nhẹ nhàng như có thể bay lên được. Những con chuột đã mang theo tất cả dấu vết, hơi hướng của chúng . Khu vườn cũng được quét dọn đâu vào đấy. Lá khô được gom và vun thành đống chờ đốt. Những bụi cỏ dưới mỗi gốc cây đã được nhổ sạch bách. Vạt đất trồng rau, đứa con cưng của bà, những tưởng vắng mẹ sẽ bị bỏ bê rồi xác xơ, tiều tụy, ngờ đâu xanh tốt hơn bao giờ hết. Bà đoán rằng chúng trông ngon lành như vậy là nhờ có chuột góp công, nên trong niềm vui có đôi phần ngán ngẩm. Đặc biệt là đám rau răm và hành lá. Chúng tốt hơn nên chơi lấn sân bọn kia, điều nầy cũng dễ hiểu thôi vì cả ông lẫn bà đều thích món cháo cùng gỏi gà, gỏi vịt. Bà bỗng phân vân tự hỏi, không biết mình có dám đụng tới chúng hay không. Mắt bà bị chận ngang bởi hai luống hoa chạy song song một vàng, một đỏ. Đó là vạn thọ và mồng gà. Vạn thọ năm nay thân cao, bông lớn, lá dày hơn năm ngoái. Bà vừa đụng vào là chúng liền phóng thích ra một mùi thơm hăng hắc. Mồng gà thấp hơn. Những cái bông vạm vở, mập mạp nầy có cuống rất to, khoác tấm áo nhung dầy như thảm màu đỏ bầm. Các nếp gấp uốn lượn song song khiến chúng mang một vẻ đẹp khác hẳn đồng loại. Bà Năm bỗng nghe lòng bùi ngùi, thì ra bấy lâu nay bà nhớ chúng quá chừng mà đâu có biết! Bà đứng lặng, đưa mắt nhìn khắp nơi, ngắm nghía đã đời, cho tới khi bị thằng cháu o e phản đối mới chịu bỏ vô nhà. Trông thấy Mùi đang đứng trên ngạch cửa sau nhìn ra vườn bà nói: -Ba mầy ổng bán hết mấy con chuột rồi, ra ngoải chơi đi, hổng có sao đâu! Mùi hỏi: -Cái võng còn ngoài đó hông má? Bà đưa tay chỉ về một phía rồi nói: -Còn chớ sao không. Ổng thiếu võng thì chịu đâu có nỗi. Mầy có cái máu của ổng trong mình nên cũng giống y chang. Rồi nói thêm: -In là ổng mới giăng thêm một hai cái gì đó nữa. Mùi nghe vậy thì lật đật bước ra vườn. Bà kêu lại, đưa thằng cháu cho cô rồi nói: -Nè! Giữ nó đi, để tao đi thay đồ đặng ra hè chặt lá chuối. Mùi quay lại, cô vừa bồng con, vừa gọi chồng: -Anh Vị ơi! Đi thăm vườn hông? Vị đi lại sát bên vợ rồi kề miệng vào tai Mùi mà hỏi: -Còn chuột không em? Mùi lắc đầu, nhìn chồng chăm chú rồi hỏi: -Ba bán hết rồi! Bộ anh cũng sợ chuột nữa sao? Vị nhúng vai: -Ghét chớ không phải sợ. Rồi nói một cách cà rỡn: -Anh chỉ thương con dê mà thôi! Mùi cười trước câu bông lơn của chồng, nhờ vậy mà gương mặt cô rạng rỡ hẳn lên. Bác Năm gái vừa đội cái nón lá trên đầu, chưa kịp đi bước nào, đã thấy bác Năm trai cầm độ mười mấy tàu lá chuối trên tay, khệ nệ đi vào. Thấy bà, ông chìa ra khoe rồi hỏi: -Bây nhiêu đủ chưa? Bà lẩm bẩm: -Một tấm lá gói được gần hai đòn bánh. Đâu đưa đây coi. Rồi bà đếm: -Một, hai, ba…đủ rồi, còn dư nữa đó! Ông đưa lá cho bà xong là quay lưng bỏ đi, bà hỏi: -Ông đi đâu đó? Ông đáp: -Tui đi nựng thằng cháu! Nó đâu rồi? Bà đáp: -Vợ chồng con cái tụi nó ra ngoài vườn rồi, không có trong nhà đâu. Hồi nảy ông đi vô bộ hổng thấy sao? Ông không đáp, không hỏi thêm mà đi te te ra vườn. Mùi đang ngồi ôm con trên võng, thấy ông chìa hai cánh tay ra đòi bế cháu, liền nhìn chúng rồi tưởng tượng đến cảnh ông tóm từng con chuột thảy vô lồng thì do dự, một lát mới chịu trao. Ông Năm bồng thằng cháu trên tay, thằng bé mở to mắt nhìn ông ngoại rồi cười toe. Nụ cười của nó khiến ông nghe lòng vui sướng lạ, cúi hun trơ trấc lên mặt, lên cổ thằng nhỏ. Mấy sợi râu lô nhô của ông đâm vào khiến nó khó chịu nên khóc ré lên. Chỉ chờ có vậy là Mùi giật thằng nhỏ lại liền. Thấy ông mặt mày bí xị, cô an ủi: -Chắc nó buồn ngủ lắm rồi nên mới cự nự như vậy đó! Ông Năm nhìn thằng cháu đang bám mẹ dính khắng băng cả hai tay, còn quay lại nhìn ông bằng tia mắt đẫm lệ thì thầm trách mình đã làm cho nó sợ. Ông ngó quanh rồi hỏi: -Tía nó đâu rồi? Mùi chỉ tay lên trên cao, phía cuối vườn: -Ảnh đang hái ổi. Ông Năm nhìn theo rồi nhận ra Vị đang ngồi trên cháng ba cây ổi. Y đưa lưng về phía họ nên không biết ông già vợ đang nhìn. Thấy cái cùi chỏ của Vị nâng lên, hạ xuống ông biết ngay là chàng đang ăn ổi. Ông mở miệng định kêu nhưng vội ngậm lại liền, sợ thằng rể quý giựt mình rồi rơi tỏm xuống đất. Bác Năm trai đứng tiu ngỉu một lát rồi bỏ vào nhà đi tìm vợ. Bác Năm gái đang rọc lá chuối. Cây dao bén ngót khiến mấy tấm lá buông tay ngọt xớt, không bị rách miếng nào. Bà biết ông đã mài hết bộ dao cho dù bà quên dặn. Bác Năm gái bỗng nghe thương chồng tha thiết. Ông đứng bên cạnh nhưng vẫn làm thinh, bà rọc lá xong quay lại, thấy ông đang nhìn mình đăm đăm thì giựt thót cả người, cau mày lại rồi quở: -Làm cái gì mà đứng im ru vậy? Làm tui hết hồn. Ông không nói gì, bưng cái nia đựng mấy tấm lá chuối đã rọc ra phơi. Khi trở vào, thấy bà lấy trong thúng ra mấy món đã dặn mua, ông hỏi: -Tui mua như vậy có đúng hông? Đủ chưa? Bà kêu tên từng món: -Nếp, đậu xanh, nấm mèo, lạp xưởng, tôm khô, hột vịt muối. Còn thiếu thịt heo thôi hà! Ông gật đầu: -Tui chờ bà về mới mua thịt. Chừng nào bà xài tới nó? Bà đáp: -Mơi! Ông mua cho sớm, thịt còn nóng mới ngon. Hôm sau cả nhà ông Năm xúm xít lại gói bánh tét. Bà phân công; Mùi xếp lá, đong nếp cho nhưn vào sẵn; Bà giữ nhiệm vụ khó khăn nhứt là gióng bánh; Ông nức bánh. Vị cũng hăng hái xắn cao tay áo lên để giúp, nhưng thiếu kiến thức mà thừa nhiệt tình nên chẳng những không giúp được gì mà còn gây trở ngại. Lát sau, ý thức được sự vô dụng của mình nên Vị xung phong bồng con cho vợ làm. Tối hôm đó cả nhà quay quần bên nồi bánh tét. Sẵn lửa than ông Năm thảy vào đó mấy con khô cá lụn vụn. Ông đem chai rượu chuối hột ra uống với thằng rể. Vị uống được vài chung thì buồn ngủ quá bèn xin kiếu. Bà Năm nhường cho con gái và rể cái long sàn của mình. Ông đành ra bộ ngựa nhà trước, bà nằm tấm ván nhà sau. Thế là chàng ở đầu sông thiếp cuối sông. Bữa cơm mùng một nhà ông Năm thịnh soạn gấp đôi Năm ngoái. Nào thịt kho hột vịt, nào canh hủ qua dồn thịt, nào gỏi gà xé phai. Thêm vào đó là mấy món của Mùi mang về như gà rút xương nhồi dăm bông, nem chua, nem nướng, giò thủ, hột vịt bắc thảo, chả lụa, mắm tôm chua, củ kiệu... Bác Năm trai tiếc hùi hụi vì thiếu cái món thịt chuột cây nhà lá vườn của mình. Cho dù ông cố đưa nó vào danh sách nhưng bà kiên quyết gạt phắt ngay từ đầu chẳng chút nương tay. Ông bỗng bất mãn như thể chính mình bị rẻ rúng. Đồng thời cảm thấy có lỗi với bầy chuột như thể đã cư xử quá bội bạc với ân nhân của mình. Mai mốt làm sao mà dòm mặt tụi nó ! Hai ngày sau vợ chồng Mùi giao con lại cho bà Năm để đi du lịch. Bà Năm nghe con gái đi Thái Lan không tốn tiền thì vui lắm, hãnh diện lắm, nên bồng cháu qua khoe với cô Sáu: -Cô biết hông? Con Mùi nó làm việc giỏi lắm, được ông chủ thương lắm. Bởi vậy ổng mới thưởng hai cái vé máy bay cho hai vợ chồng nó đi Thái Lan chơi đó! Cô Sáu mỉa mai: -Hèn chi nó mới chịu khó đem con vìa gởi, chớ hông thôi…dễ gì… Phút giây mong đợi của ông Năm đã điểm. Rút kinh nghiệm từ thằng cháu ngoại ông lật đật cạo râu thật kỹ rồi tắm rửa kỳ cọ đến lớp da đỏ hực. Buổi trưa hôm ấy bà Năm đang nằm trong buồng để dỗ cho thằng cháu ngủ. Ông Năm rón rén leo lên giường mà không tạo ra một tiếng động nào, rồi nằm sát sau lưng vợ. Mãi đến khi ông vói tay ôm bà mới hết hồn. Bà muốn gạt ra nhưng sợ thằng cháu giựt mình nên nằm yên chịu trận. Được thể ông lần tay mở từng cái nút bấm trên chiếc áo bà ba của bà. Bà không nhìn lại mà gắt nho nhỏ: -Cái ông nầy! Ban ngày ban mặt mà…Đợi tới tối đi! Ông cự : -Nhà chỉ có tui với bà thì ban ngày cũng như ban đêm. Bà biết bà đi bao nhiêu lâu rồi hông? Gần nửa năm rồi đó! Hai đêm nay tui dằn thiếu điều bứt néo ! Trong giọng nói của ông chứa đựng ba phần hờn dỗi, bảy phần thống thiết khiến bà không nở hất cái bàn tay đang đặt trên ngực của mình. Bà chờ cho thằng cháu ngủ yên rồi từ từ quay lại. Đây là lần đầu tiên ông được ngắm từng ngóc ngách trên thân thể vợ đến mãn nhãn. Ôi! Ông thầm cám ơn bầy chuột không biết để đâu cho hết. Nếu không có tụi nó ông làm sao biết được mình sỡ hữu một món quà quí giá đến mức nầy. Sự nồng nhiệt của ông đã khiến bà xúc động. Bà bỗng nhận ra cái chuyện nầy nó đâu có quá tệ như người xưa đã nói. Lần đầu tiên bà đáp ứng lại ông. Họ như hai đứa bé nắm tay nhau đi vào miền đất vô cùng bình yên, xinh đẹp. Một tuần sau Mùi về nhà. Cô ngạc nhiên khi thấy gương mặt của ba má mình rạng rở, căng tràn như thể có một dòng sông hạnh phúc đang chảy ngấm ngầm bên dưới. Khi Mùi hỏi bà: -Má có tính về với tụi con luôn hông? Thì bà đáp một cách bẽn lẽn: -Hay là con để thằng nhỏ lại đây cho má nuôi đi. Chừng nào muốn đưa nó vô nhà trẻ thì về rước! Mùi ngạc nhiên, hỏi nhỏ: -Bộ má hết sợ mấy con chuột rồi sao? Bà đáp: -Tụi nó hiền thấy mồ! Có gì đâu mà sợ? Bác Năm trai nghe vợ nói vậy thì mừng hết lớn! Ông cười tủm tỉm rồi nói với mình một cách dí dỏm: -Nhờ mấy con chuột!
HẾT
|