Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 13:07
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» NUÔI CHUỘT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 13 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 4278 | Trả lời: 12)
Tiêu đề bài viết: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 1 2020, 20:10
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Thấy bác Năm trai thuê người đốn bớt mấy cây xoài, cây mận bị sâu đục thân, bác Năm gái bèn hỏi như cự:
-Sao ông không đi mua thuốc đặng diệt sâu mà đốn bỏ cây uổng quá vậy?
Bác Năm đáp:
-Tui tính làm chuyện khác, phải dẹp cái chỗ nầy đặng lấy đất mà làm chuồng.
Bác Năm gái hỏi:
-Chuồng gì?
Bác Năm trai đáp gọn:
-Chuồng chuột!
Câu trả lời có tác dụng như một trái bom nguyên tử, có điều nó chỉ làm cái thúng lúa bên hông bác Năm gái rơi xuống đất, triệu triệu hạt vàng văng tung tóe.
Bác Năm gái kêu và rên cùng một lúc:
-Chèng phẹt ơi!
Rồi bác làm thinh, không nói thêm một tiếng nào nữa hết.
Mấy hôm sau bác Năm trai đi mua lưới mắt cáo, lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay cái, quay kín khoảng không gian độ chín mét vuông, kể cả trên nóc.
Kinh nghiệm cho bác biết mấy con chuột đều thuần thục cái pháp môn "độn thổ". Muốn tụi nó không đào thoát được thì cái nền phải cứng hơn bộ răng của chúng.
Lúc đầu bác định mua xi măng tráng, nhưng số tiền còn eo hẹp quá. Bác Năm gái đã phong tỏa tài chánh của bác, bà đã vét hết tiền rồi kè kè trong túi, chỉ chừa đủ cho bác sống lây lất qua ngày.
Cũng may là bác đã biết cách nói dối, qua mặt vợ nên có giấu được một mớ.
Để tiết kiệm bác lượm mấy viên gạch từ vô số đống xà bần của các căn nhà đã và đang xây, đem về lót kín mít cái nền, không chừa một kẻ hở nào.
Lần "làm ăn" nầy bác Năm gái không đụng tay vô. Bác không phản đối bằng lời vì biết bác Năm trai rất cứng đầu và cũng không thèm móc lỗ tai.
Bác dùng cách bỏ đi Sài gòn thăm cháu ngoại.
Bà con xung quanh cứ tưởng cả hai vợ chồng họ cùng đi với nhau, bởi thấy cánh cửa cổng của bác Năm được cái ổ khóa bự tổ chảng khóa lại từ bên ngoài.
Bác Năm trai tự giam mình trong nhà. Bác biết công việc mình đang làm hết sức kỳ khu, dị hụ dưới con mắt người khác, nên triển khai một cách âm thầm, lặng lẽ.
Có công mài thì thanh sắt to đùng còn thành cây kim nhỏ xíu, nói gì...
Bác Năm trai hùng hục một mình, không bị vợ cằn nhằn nên công việc chạy ro ro.Mấy ngày sau việc chuồng trại đã xong xuôi, bác bỗng gặp trở ngại về cái khâu gây giống.
Chợ sát bên nhà bán chuột thiếu gì nhưng bác hổng dám chường mặt ra mua.
Bác bèn xách cái lồng, không cầm theo cái xuổng, cũng không dắt chó ra đồng, mà vét hết tiền cho vào túi rồi đi tìm mua mấy chục con vừa đực vừa cái.
Để bảo mật tuyệt đối, bác không đi chợ gần mà chịu khó đi đò qua hai con sông đến một nơi không ai nhận ra mình. Cái lồng được bác bỏ vô cái bao bố thật to để che mắt thế gian.
Người ta hay nói đẻ như gà, nhưng với bác Năm phải gọi là đẻ như chuột mới đúng.
Mấy con chuột của bác không hồi họp vì bị ví bắt, không lo lắng vì ngộ độc thức ăn, không nhói tim vì nghe tiếng chó sủa, không ngột thở vì bị hun khói...
Chúng sống rất an nhiên, tự tại nên lớn nhanh như thổi.
Vốn là người có óc kinh tế, Bác cho chuột ăn bằng các loại rau củ bán ế của mấy người bán hàng bông ở chợ. Các bà, các cô nầy cứ tưởng bác xin về để làm phân bón hữu cơ.
Chuột của bác tuy ăn chay nhưng ú nù, không hề suy dinh dưỡng. Trong thức ăn của chúng có cả những bó hành giập, hẹ úng... Mấy cái thứ nầy nghe đâu có tác dụng như viagra.
Món ăn được dâng tới miệng chẳng cần phải đi tìm. Chúng rảnh rổi quá lại được dùng ba cái thứ thực phẩm kích dục, nên dành toàn bộ thời giờ để mà yêu nhau.
Cũng may mà bác Năm không đủ khả năng tài chánh, bằng không cái chuyện bùng nổ dân số, "chuột mãn" có thể xảy ra nếu cái trang trại của bác được đầu tư ở mức độ vĩ mô.
Việc tìm chỗ tiêu thụ tưởng khó ai dè dễ ợt.
Bác Năm vốn sành tâm lý, nên phát huy tác dụng của bộ đồ bà ba, cái khăn rằn và đôi chưn đất đến mức tối đa. Bác thể hiện hết sức sống động hình ảnh của một nông dân chơn chất.
Để hiệu quả hơn, trước khi đi chào hàng bác còn bôi một mớ bùn lên cái quần đen bị cá chốt rỉa lai, luôn cả cái áo bà ba cũ xì có cái lưng mốc trắng với hai miếng vá trên vai nữa.
Bác ghé mấy cái quán nhậu chào bán sản vật của mình, bằng câu nói hết sức dễ thương:
-Tui có bắt được mấy con chuột, tụi nó cắn nát miếng lúa mới đâm lá. Ở nhà ăn không xuể nên đem tới bán cho mấy cháu. Muốn trả bao nhiêu cũng được.
Thế là ...
Mấy tháng sau...
Bác Năm gái đang ôm đứa cháu nằm trên võng đưa tòn teng, bỗng cái điện thoại trong túi của bác rung lên bần bật. Bác đã được con gái giao cho cái điện thoại cũ nầy, đồng thời chỉ cho bác cái cách xử dụng, cho nên bác móc ra rồi cầm áp lên tai một cách gọn hơ, không còn rớt lên, rớt xuống nữa.
Bác hỏi:
-Ai đó!
Ngay lập tức bác hối hận liền vì nhớ tới lời con gái dặn dò: "Má phải nhìn vô cái màn hình trước rồi hãy trả lời, nếu thấy số lạ hoắc thì đừng có bắt".
Giọng của một người đàn ông khiến bác chới với:
-Bà Năm đó hả?
Bác Năm gái giựt mình một cái đụi, hỏi bằng giọng rung rung:
-Ông là ai mà biết tui vậy?
Ông ta chắc lưỡi:
-Tui nè! Năm Tí nè! Chồng bà chớ ai!
Bác Năm gái hét to:
-Nói dóc, chồng tui đâu có điện thoại, mà cái giọng của ổng cũng đâu phải vậy?
Bác Năm trai cười một cách thích thú, đáp:
-Tui mới sắm nè bà chằng ơi! Điện thoại cầm tay đàng hoàng đó nghen! Nhỏ xíu hà, bỏ trong túi gọn hơ! Tại vô sóng nên cái giọng nghe lạ, bà nhận hổng ra đó đa!
Hai chữ "bà chằng" là tín hiệu để bác Năm gái biết chắc đây là ông chồng của mình chớ chẳng phải thằng cha nào xa lạ.
Bác hỏi tiếp:
-Ông làm cái gì mà có tiền sắm điện thoại cầm tay?
Ông đáp:
-Thằng nhỏ chủ quán nhậu Đồng Quê, nó vừa bán vừa cho nên giá rẻ rề hà. Tui không chịu mua nhưng bị nó ép. Với lại cái chuyện mần ăn của tui bây giờ hổng thể thiếu cái món nầy.
Bác Năm gái hỏi lại, giọng hồi họp:
-Ông làm ăn cái giống gì mà phải sắm điện thoại vậy?
Bác Năm trai đáp:
-Thì nuôi chuột đó!
Bác Năm gái lại kêu lên, cũng đúng bon ba tiếng:
-Chèng phẹt ơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NUÔI CHUỘT (tt)
Gửi bàiĐã gửi: 13 Tháng 1 2020, 10:03
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Bác năm trai hỏi vợ:
-Chừng nào bà vìa?
Bác Năm gái thở dài:
-Vìa sao được mà vìa.
Bác Năm trai ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Bác Năm gái thở ra, lần nầy dài hơn một chút:
-Tui vừa tới là hôm sau nó cho con nhỏ giúp việc nghĩ làm liền. Nó nói con nhỏ đó tánh tình hổng được đàng hoàng, tối ngày lo bẹo hình, bẹo dạng. Bởi vậy nó đi làm mà hổng có yên tâm.
Bác Năm trai cự nhoi:
-Hổng lẽ nó bắt bà thế chỗ người ở hay sao?
Bác Năm gái nói dối để bênh vực cho con gái:
-Vậy thì hổng phải, nó đâu có tệ đến vậy. Tui chỉ giữ thằng nhỏ thôi còn công việc nhà hai vợ chồng nó thay phiên nhau làm hết. Tụi nó năn nỉ tui ráng ở thêm đôi ba tháng nữa đi, bây giờ gần tết kiếm người khó lắm! Đối đế thì chừng thằng nhỏ đủ một tuổi rưởi nó cho đi nhà trẻ rồi tui hãy vìa.
Rồi bác hỏi:
- Hổm rày ông ăn uống ra làm sao, có chịu nấu cơm hông hay ăn mì gói trừ bữa?
Bác Năm trai đáp:
-Tui ăn cơm bụi không hà!
Bác Năm gái rầy:
-Sao hổng chịu khó nấu mà ăn. Sắm cái nồi cơm điện để làm chi? Mấy cái quán cơm bụi họ bán giá bình dân nên mua đồ giạt vìa nấu, ăn hổng có bổ mà còn mang bịnh nữa đó!
Bác Năm trai cự:
-Đó là dân ở chợ chớ bà con nông thôn mình đâu có làm như vậy. Cái quán tui ăn đây nhà người ta trồng rau cải rồi hái mà nấu bán, bởi vậy rẻ mà ngon nữa đó.
Bác Năm gái hỏi:
-Rẻ là bao nhiêu?
Bác Năm trai đáp:
-Tui ăn có mười lăm ngàn một dĩa cơm mà thôi! Cơm sườn mới hai chục ngàn. Hổm rày thịt heo mắc nên cơm sườn tới hai mươi lăm ngàn một dĩa. Cô Nhà cổ than...
Bác Năm gái chặn ngang:
-Cô Nhà nào?
Bác Năm trai giựt mình, lật đật cắt nghĩa:
-Cô Nhà là chủ cái quán cơm mà tui ăn.
Bác Năm gái hỏi bằng giọng kiếm chuyện:
-Cổ than cái gì? Mắc cái giống gì mà phải than với ông?
Bác Năm trai chắc lưỡi:
-Bà đừng có hỏi cái kiểu móc họng. Tui coi cổ như con gái vậy đó. Nhờ cổ than là thịt lên giá nên bán ế nhệ, tui mới biết rồi dụ cổ mua mấy con chuột của tui nuôi đó.
Bác Năm gái hỏi:
-Vậy rồi cổ có mua hông?
Bác Năm trai đáp:
-Mua chớ sao không? Từ ngày có thêm cái món thịt chuột khìa nước dừa Xiêm, cái quán cổ khách nườm nượp luôn. Thậm chí cái chiếc xe đò chở bộ hiền đi đường dài cũng ghé lại. Tui đang lo không đủ chuột để bán cho cổ nữa đó. Nhờ vậy mà tui sắm được cái ti vi cho bà, còn cổ thì cũng sắm được một thằng chồng.
Bác Năm gái không tin vào tai của mình bèn hỏi lại cho chắc ăn:
-Ông mua ti vi rồi sao?
Bác Năm trai đáp:
-Mua rồi, ti vi màu ba mươi hai in lận đó!
Bác Năm gái hỏi dồn:
-Ba mươi hai in là cỡ bao nhiêu vậy ông?
Bác Năm trai lật đật :
-Để tui đi đo thử coi.
Lát sau bác đáp:
-Đúng bon bốn gang của tui đó bà!
Bác Năm gái chắc lưỡi:
-Bự dữ hén! Chắc mắc tiền lắm hả ông?
Bác Năm nói:
-Đồ cũ nên hổng có mắc. Cái ti vi nầy cũng của thằng chủ cái quán nhậu "Đồng Quê". Cái thằng bán lại cho tui cái điện thoại nầy nè. Hai món mà nó tính có sáu triệu hà, bằng với số tiền tui bán chuột cho nó. Thành ra coi như đổi ngang. Cái ti vi hình rõ lắm, bà ráng vìa cho lẹ mà coi.
Bác Năm gái nghe nôn nao trong dạ. Ở nhà con gái cũng có cái ti vi bự lắm, hổng chừng còn lớn hơn cái của bác Năm trai mới mua, nhưng dù sao xem của mình cũng thích hơn.
Bác hỏi tiếp:
-Ông nói nhờ mấy con chuột của ông mà con nhỏ chủ quán cơm, cái cô Nhà gì đó sắm được một thằng chồng, là sao tui hổng hiểu. Đâu ông nói hết nước, hết cái cho tui nghe thử coi.
Bác Năm trai cắt nghĩa:
-Tui có nói cái vụ xe đò ghé quán cho khách ăn, bà có nhớ hông?
Bác Năm gái đáp:
-Nhớ! Bộ có liên can hả?
Bác Năm trai gật đầu, nhớ ra vợ đâu có thấy nên chuyển âm liền:
-Có chớ sao không? Chồng cổ là người tài xế trên chiếc xe đò đó đó!
Bác Năm gái xuýt xoa:
-Chèng phẹt ơi! Cổ hên dữ quá hén! Nghe nói tài xế lương cao lắm đó ông ơi!
Bác Năm trai xì một tiếng dài thòn rồi nói:
-Tiền bạc gì! Tui thấy chưa gì hết mà cổ đã chán rồi.
Bác Năm gái hỏi:
-Sao vậy?
Bác Năm trai đáp một cách dí dỏm:
-Cổ gặp cái thằng tính toán dữ quá! Thì ra nó thấy cổ làm ăn được nên mới ráp vô. Tiếng là làm ra tiền nhiều mà đâu có cho cổ đồng nào. Mới lấy chồng chưa được một tháng mà coi bộ cổ nản rồi. Cổ cứ than với tui hà rằm hoài. Cổ nói nó còn bắt cổ đưa tiền cho nó đem đi nuôi chuột nữa?
Bác Năm gái ngạc nhiên, giọng lo lắng:
-Nó nuôi chuột rồi cổ còn mua của ông hông?
Bác năm cười :
-Còn chớ sao không? Nó nuôi con chuột trong số đề mà !
Bác Năm gái thở dài:
-Chèng phẹt ơi!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NUÔI CHUỘT (tt)
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 1 2020, 01:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Sau tiếng than đó bác Năm gái làm thinh bởi chẳng biết nói gì hơn.
Bác Năm trai bèn hỏi:
-Vậy rồi tết nầy bà có vìa hông?
Bác Năm gái đáp:
-Vìa chớ! Tui phải vìa để cúng rước ông bà, hông thôi bà con chòm xóm quở quang chịu gì nổi ? Tết nầy vợ chồng tụi nó cũng được nghĩ mà.
Rồi bà hỏi:
-Ông có muốn tui đem cái gì vìa cho ông hông?
Ông lắc đầu rồi lại nhớ ra và nói:
-Thôi khỏi đi. Bây giờ tui đã có đồng ra đồng vào rồi, thích cái gì là tự mua thôi, bà khỏi cần lo cho tui. Chỉ làm giùm việc nấu nướng cúng kiến với chưng dọn cái bàn thờ cho hực hở là được rồi.
Bà đáp:
-Mấy chuyện đó thì ông khỏi lo, hể tụi nó được nghĩ ngày nào là tui vìa ngày nấy. Hổm rày tui đi ông có thay nước, đốt nhang mỗi tối hay không?
Chuyện gì ông Năm làm bữa đực, bữa cái chớ cái chuyện cúng lạy là ông không hề xao lãng. Bởi vậy ông đáp bằng giọng giận dỗi:
-Bộ bà chưa biết cái tánh của tui hay sao mà còn hỏi?
Bà lật đật vuốt giận liền:
-Tui hỏi cho có chuyện thôi, chớ ai mà hổng biết ông có hiếu. Mấy chuyện khác thì được chăng hay chớ, còn cái chuyện thờ cúng thì tui biết ông làm đàng hoàng dữ lắm!
Rồi hỏi:
-Ông có trồng cho tui mấy bụi bông vạn thọ chưa?
Ông xì một tiếng thật lớn rồi mới đáp:
-Chờ bà hỏi thì tụi nó đã trổ nụ hết rồi?
Rồi ông nói thêm:
-Ba cái phân cức chuột coi vậy mà tốt lắm nghe bà. Tui lấy bón cho cái luống dưa hấu, nó lên tốt lắm bà ơi! Lá lớn như lá sen còn cái trái thì bự như trái dừa bị vậy đó!
Bà rùng mình:
-Dưa đó ông ăn chớ tui hổng thèm ăn đâu.
Ông quở:
- Cha! Con người ta làm dân Sài gòn rồi nên coi mòi điệu hạnh dữ đa!
Bà nghe quở thì hầm trong bụng nhưng chẳng biết trả đũa cách nào bèn ghẹo gan ông:
-Qua tết tụi nó đi làm thì tui phải xuống đặng coi thằng nhỏ trở lại.
Ông cự:
-Chưa vìa mà tính chuyện đi nữa rồi! Vậy thì thôi khỏi cần! Ở đây tui cúng mình ên cũng được.
Nói rồi ông cúp máy một cái cụp không thèm nghe bà phân trần gì ráo!
Bà định gọi lại cho ông thì thằng cháu thức dậy, nó dụi đầu vô ngực bà rồi mở hai con mắt ra nhìn. Bà cúi xuống hun lên cổ nó, thằng bé cười sằng sặc, tiếng cười đó xua hình ảnh ông bay vèo ra khỏi tâm trí của bà.
Bà nâng đứa bé lên bằng cả hai tay, nghe nặng ì thì biết cái tả đã đẫm nước sắp tràn. Tháo tấm tả ra, bà lau khăn ướt rồi khăn khô, lau đi lau lại hai ba lần mới ưng bụng, rồi không mặc tả mới vào liền mà để nó ở truồng đặng xả hơi một chút.
Bà rất phản đối việc mấy bà mẹ hiện thời cho con mình xài tả giấy. Khi vừa nghe con gái báo tin có bầu, bà lật đật đi mua mấy thước vải về may tả vuông, tả xéo, nào ngờ đâu nó chẳng thèm đụng tới.
Cho tới bây giờ bà cũng còn hành kinh đều đặn, mỗi tháng phải nai nịch một lần bà rầu ghê lắm! Bởi vậy mà thương cho cháu suốt ngày phải đeo cái bọc ướt nhẹp trong mình.
Khi được tự mình coi sóc cháu bà không cho nó đeo tả nữa, chịu khó xi khi cho bú xong. Chỉ trước khi dỗ ngủ bà mới xài tới mà thôi. Điều nầy giúp tiết kiệm số tiền mua tả xuống hơn phân nửa. Con gái bà cảm động và mang ơn má mình ngập lòng tuy không nói ra lời.
Bác Năm nhìn đồng hồ thấy đã bốn giờ, bèn để thằng cháu nằm xuống chiếc chiếu trải trên nền nhà, nhét cái lục lạc vô tay nó, rồi đi hâm bình sữa. Kế đó bà lấy nửa con gà ra trong tủ lạnh ra ngoài cho rả đông để một lát làm món gà xào xả ớt. Bà vừa làm vừa quay lại ngó chừng thằng cháu.
Thằng nhỏ lật một cái vù, chổng cái mông lên cao rồi bò lổm ngổm. Bà lật đật cúi xuống hun cái mông no tròn của nó, rồi lấy cái củi chó mà ví lại.
Cái câu “một mẹ già bằng ba người ở” thiệt là đúng với bà Năm. Bà vừa làm vú em, vừa nấu ăn, giặt giủ vừa coi sóc trong ngoài, chỉ có chuyện đi chợ là không có đụng tới.
Mặc dù con gái và con rể cứ năn nỉ là bà chỉ cần lo cho thằng nhỏ mà thôi, nhưng bà vốn không thích để yên hai bàn tay, lại cưng con, thương rể nên đâu có chịu.
Từ ngày có bà, căn nhà của họ đã trở thành tổ ấm thực sự. Con gái, con rể của bà vừa về nhà là đã ngửi được mùi thức ăn thơm phức. Họ y như cái đồng hồ được lên dây thiều, chạy bon bon trở lại. Hai vợ chồng lật đật đi tắm rữa, thay đồ rồi sà vào bàn ăn. Ăn xong rồi thì sáp vào nựng con, bà Năm nhìn cảnh đó mà sung sướng quá chừng chừng.
Cô con gái đã có thời giờ săn sóc bản thân và chỉnh trang, tu bổ nhan sắc, lấy lại sự tự tin, đối với chồng có phần nồng nàn hơn trước. Chẳng bù với khi bà chưa xuất hiện. Lúc ấy cổ vui thì thôi, quạu lên là cằn nhằn, cử nhử, kiếm chuyện gây gỗ rồi “cấm vận” đức phu quân cả tháng.
Bởi vậy chàng rể thầm cám ơn mấy con chuột của ông già vợ không biết để đâu cho hết. Chàng tìm cách lấy lòng bà Năm bằng cách mua món ngon vật lạ đem về tiến cống đều đều, khiến bà vô cùng cảm động.
Lực lượng hai bên không hề cân đối, phía bên kia là ông Năm với căn nhà ọp ẹp cùng cái chuồng chuột mà chỉ nghĩ đến thôi cũng làm cho bà nổi ốc, nổi ác cùng mình.
Bên nầy là thằng cháu cưng đã bắt đầu quen hơi bén tiếng, đứa con gái đã biết thương mẹ và thằng rể khéo mồm, khéo miệng hể vô bàn ăn là khen tài nấu nướng của má vợ không tiếc lời.
Ba chọi một, không chột cũng què! Đối thủ nặng ký nhứt của ổng chính là thằng cháu hết sức dễ thương. Cái nguy cơ mất vợ đang treo lơ lửng trên đầu mà ông Năm đâu có biết!
Ông Năm trông vợ về một phần để khoe cái thành quả của mình, một phần thôi thúc bởi cái nhu cầu kia nữa. Chẳng biết có phải do ngày nào cũng nhìn mấy con chuột đú đởn với nhau, mà cái lòng ham muốn tưởng chừng đã thui chột bỗng bắt đầu hồi sinh rồi ngày thêm lớn mạnh trong ông.
Hơn nữa sau nầy ông đã đổi món cơm trứng, cơm tàu hủ, cơm cá muối xả chiên… sang cơm thịt chuột khìa vì chúng đồng một giá, riết rồi bắt ghiền luôn
Ngoài ra còn một lý do không kém phần tế nhị là để ủng hộ cho món cây nhà lá vườn của mình. Cái việc ăn khỉa cái món thịt chuột mỗi ngày chứng tỏ với mọi người một cách hùng hồn rằng, nó hấp dẫn hơn các món khác. Ông Năm đang nuôi tham vọng một ngày nào đó cái thương hiệu chuột "Năm Tí" của mình sẽ được phổ biến khắp miền tây.
Ông đâu có biết là chính cái món thịt chuột đó, cái món đã được các nhà học giả và học thiệt xác nhận là bổ thận tráng dương ngang tầm với hải mả và cao hổ cốt ấy, là động lực chính của vấn đề.
Mỗi đêm tiếng rúc rích của mấy con chuột khiến ông liên thưởng đến cái cảnh chúng âu yếm, nô đùa với nhau, khiến ông nhớ đến những ngày ông bắt đầu ve vãn bà.
Ông nghe người rạo rực, bàn tay bất giác lần tìm cái chéo gối, ngón tay cái và tay trỏ của ông se se không ngớt cái góc nhòn nhọn của nó. Ông tưởng tượng tới cái đỉnh tròn mầu nhiệm trên hai trái đồi của bà rồi nhớ quay, nhớ quất.
Ông bất giác mong đợi tết đến y như những ngày còn nhỏ, đếm từng ngày một với lòng nôn nao. Vậy mà bà nỡ lòng nào chưa về đã tính chuyện ra đi cho đành.
Ông chép miệng:
-Lòng dạ đàn bà!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NUÔI CHUỘT(tt)
Gửi bàiĐã gửi: 18 Tháng 1 2020, 19:35
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Thật ra bà Năm đâu có tệ như chồng nghĩ. Cái tin ông vừa báo khiến bà nôn nao trong dạ, chỉ muốn bay một cái vù về nhà để gặp ông ngay lập tức..
Tuy cực lực phản đối mấy con chuột, nhưng việc chồng phát triển sự nghiệp dựa trên chúng và kết quả quá mỹ mãn khiến cho bà không còn thấy khinh ghét tụi nó nữa mà trái lại.
Vừa đút cái bình sữa vô miệng thằng cháu bà vừa nói chuyện với nó:
-Ông ngoại con bây giờ phát tài rồi. Mua được điện thoại cầm tay nè! Mua được ti vi nè! Mai mốt con về thăm quê, bà biểu ông bắt con chuột rồi xỏ lỗ tai cột dây cho con dắt đi chơi nghen!
Tưởng tượng cái cảnh thằng cháu mình đi lủng đủng đằng trước, với con chuột bò từng bước theo sau, khiến bà không khỏi nín được, cười tủm tỉm một mình.
Vậy là bà Năm đã chịu mở lòng ra với mấy con chuột của chồng rồi! Nghĩ tới chúng bà không còn sởn gai óc nữa. Cái nỗi bực bội hổm rày giờ đã bay đi mất.
Thằng nhỏ cháu làm như hiểu và thích cái việc làm chủ một con chuột lắm, nên cũng cười toe.
Việc ông mua ti vi khiến bà cảm động vô cùng, bởi bà biết ông làm điều đó vì bà. Bà nhận ra mình vốn thích coi phim hơn bất cứ thứ gì trên đời. Hể tối đến làm xong chuyện nhà, hết ôm cháu là bà ôm riết cái ti vi.
Tội nghiệp anh con rể, nhiều đêm có truyền hình trực tiếp trận đá banh, anh ta cũng chẳng dám giành lại cái ti vi, vì thấy bà má vợ đang dán mắt vào cái bộ phim đang chiếu.
Anh ta phải quý kính bà lắm mới chịu hy sinh đến mức đó! Thật ra anh ta biết ơn bà má vợ của mình không biết bao nhiêu mà nói! Bà đã cứu anh thoát khỏi sự cám dỗ của cô Ô sin xinh đẹp. Nếu không có bà, chẳng biết giờ nầy anh có giữ được lòng chung thủy với người vợ hổng mấy hiền của mình hay không nữa?
Bằng trực giác và trực tiếp quan sát, anh ta nhận ra tấm lòng thương yêu vô bờ bến của bà dành cho con cháu nên trân trọng hết lòng. Có khi thương bà cũng bằng chang với má ruột của mình.
Hôm nay cô Mùi, con gái của bà Năm về sớm hơn mọi bữa.
Mùi gọi to khi vừa chạm chân xuống đất:
-Má làm gà xào xã ớt hả? Nghe mùi là con bắt đói bụng rồi nè!
Rồi hỏi tiếp:
-Má nấu canh gì vậy?
Bà Năm không đáp mà báo ngay cho con gái biết cái điều mà nảy giờ cứ nhảy nhổm trong lòng mình.
Bà khoe:
-Ba mầy ổng mới mua cái ti vi.
Mùi hỏi lại:
-Sao má biết?
Bà không đáp mà nói tiếp:
-Cái chuyện nuôi chuột đó coi vậy mà có ăn dữ quá!
Cô lại hỏi:
-Sao má biết hay vậy? Bộ cô Sáu nói hả?
Cô Sáu là em chồng của bà Năm, ở cách nhà bà mấy công đất. Nhà cổ mắc điện thoại đầu tiên rồi cho bà con xài ké để thu tiền, mỗi lần nghe phải trả hai ngàn, còn gọi thì mắc hơn.
Trước đây Mùi thường liên lạc với bà bằng cách gọi về nhà cổ. Mỗi lần nghe tiếng cô Sáu hét to "chị Năm ơi, có điện thoại nè!", thì cho dù đang trút bầu tâm sự bà cũng dừng ngang rồi chạy bay đến nhà cổ để nghe.
Bà cười:
-Ổng mới gọi cho tao mà. Điện thoại cầm tay đàng hoàng, mua một lượt với cái ti vi, hai thứ có sáu triệu thôi. Cũng may mà bây đưa cái máy cho tao xài.
Rồi cười và nói thêm:
-Nghe cái giọng hí hửng như con nít, chắc là vui hết cỡ!
Cô Mùi hơi lo lo, cô biết việc giữ bà lại trong nhà mình cho đến hôm nay, ngoài thằng cháu và hai vợ chồng của cô, cái ti vi đã góp công vào không nhỏ.
Bà Năm đâu biết điều đó nên bồi thêm một câu:
-Ổng hỏi tao chừng nào vìa, tao nói đợi tụi bây nghĩ tết rồi tao mới vìa.
Mùi nói:
-Con định mời ba lên đây ăn tết, má coi có được hông?
Bà Năm lắc đầu:
-Chắc ổng hổng chịu đâu! Bỏ bàn thờ với mấy con chuột cho ai mà đi!
Cô con gái chù ụ cái mặt, vậy là cái ý định tết giao con, giao nhà cho bà mẹ để hai vợ chồng đi du lịch như dự định đã phải bị hủy bỏ rồi.
Bà Năm đoán con gái không vui nên nói:
-Đi đâu thì đi, tết phải về cúng đón ông bà. Tao ở luôn trên nầy coi đâu có được. Ba mầy ổng coi trọng cái chuyện đó lắm! Tết mà hổng về, dám ổng đuổi đi luôn chớ hổng chơi!
Mùi chụp lấy câu đó mà bộc lộ ý muốn của mình:
-Đuổi thì má ở đây luôn với con chớ sợ gì?
Bà Năm làm thinh.
Bữa cơm có món gà xào xả ớt và tô canh mướp rau dền mồng tơi, hết sức ngon lành nhưng Mùi ăn một cách uể oải khiến Vị, chồng cô, để ý.
Tối đó anh ta hỏi vợ:
-Bộ có chuyện gì trong công ty hả em?
Mùi lắc đầu:
-Đâu mà có! Em được xếp thưởng một chuyến du lịch Thái Lan dành cho hai người nhân dịp tết nầy đó!
Vị gặng:
-Vậy sao em hổng vui?
Mùi thở dài:
-Tết má phải về quê rồi, ai giữ con cho mình đi đây?
Vị suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
-Hay là anh mời má anh vô?
Mùi nhớ lại thời kỳ má chồng vô Sài Gòn thăm vợ chồng mình thì sợ điếng hồn, liền lắc đầu nguầy nguậy:
-Đừng anh! Em không muốn má bỏ hết công việc vô đây. Mấy ngày tết má bận lắm!
Vị đồng ý liền. Mẹ của chàng có cửa hàng bán giò, chả, bánh dày, bánh chưng. Ngày xưa lúc chàng còn nhỏ tết đâu được đi chơi như chúng bạn, phải phụ giúp mẹ tối mắt, tối mũi. Tết là dịp hốt bạc nên cả nhà cùng nhau dốc sức mà làm. Mẹ chàng đóng vai chánh nên bận gấp đôi người khác. Cúng giao thừa xong là bà mệt nhoài, chẳng thiết gì ăn uống, nói chi đến chuyện vào Sài Gòn trông cháu.
Mùi phụng phịu:
-Phải biết vậy là em lấy tiền chớ hổng lấy cái xuất đi Thái Lan làm chi!
Vị cũng tiếc ngẩn ngơ, thời buổi nầy ai chưa xuất ngoại là còn bị xem là người lạc hậu. Chàng đã thầm mong được một dịp như vầy từ rất lâu vậy mà...
Vị vò đầu bứt tai rồi bỗng kêu lên:
-Anh có cách rồi!
Mùi hỏi:
-Cách gì?
Vị đáp:
-Mình mời ba lên đây ăn tết với má luôn. Ba được đi du lịch Sài Gòn, vợ chồng mình tái hưởng tuần tăng mật ở Thái Lan. Hai bên cùng sướng. Tụi mình còn được tiếng là có hiếu.
Mùi "xì" một tiếng thiệt là dài rồi nói:
-Em nói rồi! Má nói ba hổng có chịu đâu.
Vị hỏi:
-Sao vậy?
Mùi lắc đầu, giọng bực bội:
-Ổng chú trọng cái việc đón rước, cúng kiếng ông bà trong ba ngày tết lắm.
Vị thở dài:
-Vậy là mình bó tay rồi! Tiếc quá!
Mùi nhìn nét thất vọng trên mặt chồng mình thì biết là anh ta mong mỏi chuyến đi nầy lắm nên thấy tội. Cô căng óc ra để tìm biện pháp, cặp chân mày từ từ đâu khít lại với nhau rồi bắn ra một ý tưởng.
Mùi kêu lên:
-Em nghĩ ra cách rồi!
Vị hỏi, nôn nao:
-Cách gì?
Mùi đáp:
-Tết nầy tụi mình sẽ về quê ăn tết với ba má, rồi gởi con lại đó cho ổng bả giữ giùm.
Vị gặng:
-Có được không?
Mùi gật đầu:
-Được! Miễn là mình khéo một chút!
Vị hỏi:
-Khéo như thế nào?
Mùi đáp:
-Ông nội em ngày trước rất có hiếu, ba em cũng vậy. Bà con xứ em coi trọng cái việc thờ phượng dữ lắm! Anh có biết ở quê em ai mà ăn nên làm ra là họ sắm cái món gì trước tiên không?
Vị hỏi:
-Món gì?
Mùi đáp:
-Cái tủ thờ!
Rồi kể:
-Hồi đó ba em còn nghèo lắm! Mục đích của ổng là ráng kiếm tiền để sắm một cái tủ thờ. Em còn nhớ cái năm trúng dưa tết, ngay ngày hai mươi chín là ổng đem cái tủ về liền. Ổng vét hết tiền mà mua, đến độ tết năm đó trong nhà không còn đủ tiền để ăn tết. Má em đâu có dám dắt em về thăm ngoại.
Vị bí xị, hỏi lại:
-Vậy thì sao? Chuyện đó có giúp gì cho tụi mình đâu?
Mùi cười, nhéo tai chồng rồi nói:
-Có chớ sao không? Hai vợ chồng mình phải đóng vai con gái hiếu, chàng rể thảo. Mình làm như cố tình về quê để cúng ông bà, để mừng tuổi cho ba má là chánh, còn cái việc gởi con chỉ là phụ thôi, biết chưa?
Vị nhìn vợ bằng tia mắt trìu mến, đầy ấp một niềm thương yêu dạt dào cùng niềm khâm phục. Chàng bày tỏ lòng ái mộ của mình bằng cách ôm xiết nàng vào lòng mà hun túi bụi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: YDI Re: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2020, 00:10
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 28-03-0000
Ngày tham gia: 13 Tháng 3 2008, 00:12
Bài viết: 843
Quốc gia: United States (us)
Đọc truyện NUÔI CHUỘT này khiến Y tui nhớ chuyện xưa…

Ngày ấy Liên Trại 3 cải tạo ở Chi Lăng dưới sự quản giáo của Quân Khu 9. Liên trại này xưa là Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng của quân khu 4, VNCH.
Toàn liên trại gồm 3 Liên Đội: Liên Đội 3, Liên Đội 4 và Liên Đội 5! Có một liên đội đặt biệt dành cho chị em Nữ Quân Nhân ở chung Liên Trại 3 được gần 1 năm thì giải tán! Thằng bạn NỐI Khổ NGV ở trại 5, thì phải!
Vì liên đội 3 tập trung các thành phận chờ thanh lọc, có các cấp tá, cấp úy cùng vài vị dân biểu và công chức hành chánh.. cho nên kỹ luật tương đối không khó lắm… Chúng tôi thỉnh thoảng được cho ra lao động quanh nội vi khu vực Liên Trại.
Được chọn đi lao động, dù rất cực nhọc và khá nguy hiểm, nhưng đó là một ân huệ: Được ngắm và thở không khí mở rộng cùng đồng bào (dù chúng tôi bị cách ly từ dân rất là cẩn thận)… vậy là vui lắm rồi! Đó là chưa nói khi dọn dẹp các vùng cỏ hoang, nhặt được bao cát nhà binh đem về xổ ra may thành quần áo mà mặc! Đặc biệt là mấy lúc đi dọn dẹp sân bay cũ, khi đã gỡ mấy vỹ sắt PSP thì lộ ra tấm vải bạt để chận sình cát lấm đường bay, mà sau nầy nó là món quá đắt giá của tụi tù cải tạo chúng tôi! Miếng vải đem về giặt sach, chúng tôi may thành các loại túi xách tay đủ kiểu, mà chỉ may cũng rút ra từ vài bạt này! Phong trào may túi phát triển, tạo ra thêm các nghề phụ: như làm chỉ may, làm khung miệng túi vali, quai túi xách,… còn cọng kẽm gai concertina mài làm kim may, tóm lại các quân trang quân dụng thời chiến nay được tận dụng và đơn vị trao đổi thay vì bằng tiền thì bằng đường: đường cát, đương thẻ, đương chảy v..v…
Sâu đó, tình hình an ninh căng thẳng, tiếp tế bị hạn chế, ai lao đông tiến bộ thì 6 tháng được thăm nuôi một lần.. mỗi lần chỉ được 15 phút thôi! Có nhiều ông được vợ ẳm con nhỏ lên thăm, khi gặp nhau vợ cứ khóc thúc thít mà thằng bé thì ị đài liên tục.. dỗ vợ chưa xong thì tới phiên lo cho con…là hết giờ thăm nuôi! Anh chàng xách túi thăm nuôi sau khi được kiểm soát kỹ càng về tới buồng mà mặt thì đỏ au, miệng lầm bầm như tiếc nuối điều chi đó! 6 tháng trời tưới mồ hôi lên đất nẻ để được Lao Đông Tốt trong 15 phút mê ly… Thế mà tay vợ chưa được nắm thì đã hết giờ! Chưa ói máu vì khùng khí chuột là hay lắm rồi. Thăm nuồi thưa dần, thực phẩm thưa dần, đến bữa ăn phải năn nỉ mượn nhau từng thìa muối… Đừng nói chi tới thịt thà… Thuở ấy thit là món nem công chả phụng đối với chúng tôi! Thiếu protein thì sức khỏe sẽ cạn kiệt là điều đương nhiên, nhưng khổ cái là dạo ấy phát sinh đủ loại lác,lang beng, ghẻ ngứa… Kinh khủng nhất là ghẻ ngứa, chúng tôi đặt tên là ghẻ Mã Viện! Người đàu tiên phát động chiến dịch ăn thịt chuột là Ông nha sĩ ĐỖ của liên đội 3… Lúc đầu ko ai tin ông khuyên, vì nghề của ông là nghề nhổ răng, biết gì về dinh dưỡng mà nói không chứng cứ! Nhưng khi cả liên đội gần 80 phần trăm đội viện bị mắc các chứng bịnh trên,thì có một số bạn khác lại được lành lặn, hỏi ra mấy người không bị bịnh là vì họ ăn thịt chuột cống lang, hằng đêm nó bò đầy sân vắng của trại cải tạo… Thế là Nha sĩ ĐỖ trở thành bác sĩ dinh dưỡng của chúng tôi! Nhưng Ông cũng nghiễm nhiên trở thành tên diệt chủng CHUỘT!
Chỉ không đầy 3 tháng, Trại cải tạo Liên Trại 3 vắng hẳn bóng chuột!.. Lần này chúng tôi nãy sinh nuôi chuột thay vì nuôi heo! Thực phẩm nuôi tù cái tạo tuy có thiếu, nhưng thực phẩm cho chuột thì chúng tôi có thừa! Từ con chuột cống lang thân hình ghẻ lở không thua gì chúng tôi, nhưng nuôi tháng sau thôi thì nó đẹp như con chuột đồng… Ban ngày nếu chủ nó đi lao động, thì người bạn giường bên chăm sóc nó.. tối về sang chuồng chủ và ngủ chung chủ… hôm nào chủ nghỉ trưa, họ xỏ lổ tai chuột như xỏ tai heo dẫn lên hội trường khoe nhau, rồi nảy sinh trò đua chuột.. con nào thua sẽ bị bắt xác… Bắt xác để làm chi, các Bạn thừa biết rồi. Các bạn tin nổi không, nhóm tôi 3 thằng tuổi gần bằng nhau vậy mà ăn một con chuột cống lang một tuần chưa hết!

Dạo ấy, chuột không những là cứu tinh đã giải thoát bọn tù chúng tôi khỏi sự xâm lược ghẻ Mã Viện, nó còn là món hàng thời thượng của mấy thằng cải tạo hạng sang có chuột để nuôi, mà chuột còn là bạn đường giúp chúng tôi có nguồn cảm hứng tiếp tục sống và no bụng nửa



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 1 2020, 02:01
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Y tui cứ tưởng nhân vật của mình là kẻ duy nhứt nuôi chuột. Nào ngờ YouDidIt huynh mới là người tiên phong. Bái phục, bái phục...

Đừng chê con chuột hôi rình
Cởi đi lớp áo cái mình trắng phau
Mỡ thơm, thịt rất ngọt ngào
Dân nghèo cũng khoái, người giàu cũng ưa
Ngon nhứt chuột khìa nước dừa
Bụng no miệng vẫn cứ chưa chịu dừng
Chuột ướp xả, gói lá gừng
Lửa than đem nướng tưng bừng mùi thơm
Nướng chao, áp chảo phá cơm
Hai ba bốn chén cứ đơm ào ào
Cho dù phận kém thanh cao
Sống chui nhủi chết liệt vào cao lương

Từ nay đời chuột lên hương...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2020, 02:47
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Truyện về NUÔI CHUỘT nhưng có đề cập đến một thực trạng XH đang khá phổ biến: v/đ con cái sống ích kỷ đ/v mẹ cha.
Về vụ này Ốm nghe rất nhiều vụ. Mới tối qua ốm nghe chị bạn kể một vụ gần nhà của chỉ. 2 vợ chồng trẻ ỷ lại, sanh nạnh việc nội trợ và cả việc chăm sóc con nhỏ của mình cho cha mẹ, lúc nó bận đi làm và cả lúc nó về nhà rảnh rỗi. Mà phải chi họ còn trẻ khỏe cỡ U50, U60 cũng hông nói, đằng này họ đã 70t có lẻ, lại còn mắc bịnh cao huyết áp, bịnh thoái hóa xương khớp rất nặng. Khi tụi nó mua đuoc nhà mới, 2 ông bà những tưởng đuoc ở lại căn nhà cũ của mình, nào ngờ đứa con gái làm áp lưc bằng cách đập đầu đập cổ vô tường đòi chết. All nguoi trong xóm đều lắc đầu ngao ngán. Cha mẹ thuong con cháu và muốn đỡ đần cho chúng, nhưng con cháu cũng phải biết nghĩ cho cha mẹ... Đừng để đến khi cha mẹ không còn thì mới hối hận! Mà suy cho cùng là cũng do cách GD của cha mẹ truoc đây và cách hành xử trong hiện tại: luôn nuông chiều và chịu lép vé truoc con cái.
Cảm ơn Lamduyen tỷ tỷ đã viết truyện hay cho đọc.
Tặng tỷ nè! :rse: :rse: :rse:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2020, 10:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cám ơn Ốm! Chúc Ốm ăn một cái tết rất ư hoành tráng, gia đạo an khang, tiền tài lai láng...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGV - Re: YDI Re: NUÔI CHUỘT
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 1 2020, 15:24
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448
YouDidIt {L_WROTE}:
... Thằng bạn NỐI Khổ NGV ở trại 5, thì phải! ...

Tau từ đồn Giang Cảnh Tân Châu đi thẵng tới Đồng Tâm, Mỹ Tho xong qua Mỹ Phươc Tây, cuối cùng là Vườn Đào. Tụi tau phải xây cất mấy cái láng sẳn sàng đón tụi mầy từ Chi Lăng chuyển qua.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NUÔI CHUỘT(tt)
Gửi bàiĐã gửi: 22 Tháng 1 2020, 03:58
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Cái tin vợ, con gái, con rể sắp cùng về đón tết khiến ông Năm mừng đến phát khùng. Ông bắt tay ngay vào việc dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bận bịu túi bụi đến bỏ cả nghỉ trưa.
Ngoài việc báo cho ông biết ngày về bà còn ra một loạt chỉ thị. Nào là quét ván nhện bám trên nóc nhà; nào lau tủ thờ; nào giặt mùng mền chiếu gối; nào chùi cho mấy cái nồi thiệt trắng …ông còn phải giải quyết dứt điểm mấy con chuột. Nhứt là mấy con chuột! Nhứt là mấy con chuột!
Bà nhấn mạnh:
-Con Mùi nó giống tui, sợ chuột dữ lắm luôn! Nó khoái ra vườn lùng sục ba cái trái ổi, trái mận lắm! Gặp cả bầy chuột ông nuôi, rủi mà tụi nó xổng chuồng chạy ào ra chắc nó sợ tới mất thở.
Rồi bà bỏ nhỏ:
-Ông bán hết tụi nó đi! Dọn rửa cái nền cho thiệt sạch rồi bỏ trống đó. Đợi ra ngoài ngày, hai vợ chồng con Mùi nó đi rồi thì mình nuôi trở lại.
Vợ muốn là trời muốn nên ông Năm tuân theo răm rắp. Ông đem bán đổ bán tháo mấy con chuột cho cô Nhà, rồi chùi rửa, khử sạch cái mùi chuột theo ý của bà.
Bà Năm tuy dặn dò cẩn thận nhưng vẫn không yên trong bụng. Bởi vậy khi về tới nơi, vừa đẩy cánh cửa cổng bước vô nhà, bà vừa hồi họp.
Cảnh tượng trước mắt khiến bà vô cùng ngạc nhiên.
Việc đầu tiên đập vào mắt bà là con đường nhỏ từ cổng vô nhà đã được lột xác. Trước đây nó thấp chũm, cỏ mọc rậm rịt bây giờ đã được tráng xi măng láng mướt.
Hai bên lề mấy bụi hẹ tây, lúc bà ở nhà hãy còn chưa mọc, giờ đang trổ bông đầy nhóc, màu hồng nổi bật trên đám lá xanh trông vô cùng bắt mắt.
Cây mai, vị lão thành có tuổi đời cao nhứt, vẫn còn đứng uy nghi giữa sân. Nó đại diện cho đám cây cối trong vườn, dang rộng tất cả mọi cánh tay ra chào đón họ.
Từng chùm, từng chùm hoa mai chưa nở, bám đầy từ nách đến đầu ngón tay, mỗi chùm có đến cả mấy chục bông. Một số rất ít đã khoác áo màu vàng tươi, mỏng tanh, đang cười mơn với bà.
Vị trầm trồ:
-Con chưa từng thấy cây mai nào trổ bông đều và nhiều như vầy.
Rồi hỏi:
-Nó nở đúng giao thừa không ba?
Được gãi đúng chỗ ngứa, bác Năm trai nói thao thao:
-Đúng chớ sao hông? Cây mai nầy ba trồng lâu rồi, có tới trên hai chục năm chớ đâu có ít nên biết ý nó lắm! Hổng phải nói quá chớ ba muốn nó nở lúc nào là nó nở lúc nấy.
Bác Năm gái xác nhận:
-Ổng canh trúng phóc hà con ơi! Bà con gọi ổng là Năm Mai mà! Tại cây mai nhà mình đẹp nhứt cái xóm nầy đó con! Họ lượm hột đem về trồng mà đâu có được như mình.
Bước vô nhà, bà càng hài lòng hơn vì nhận ra các mệnh lệnh của mình được thi hành vượt mức mong đợi. Có cái bà hổng dặn ông cũng làm, chẳng hạn như cái tủ thờ được đánh vẹc ni bóng ngời. Bộ lư cũng sáng trưng. Mấy bức ảnh được lau cẩn thận, không một hạt bụi nào còn bám vào khung kính.
Ti vi, thành viên mới nhứt, được đặt một cách trang trọng trên cái bàn ở giữa nhà. Nó được một tấm ren rất đẹp trùm kín mít, trông chẳng khác nào cô dâu trong ngày cưới, lần đầu tiên bước chân vô nhà chồng. Bà bước tới nâng nhẹ tấm ren lên xem, ngó thật kỹ rồi nói một mình bằng giọng hài lòng:
-Cái nầy giống hệt cái của con Mùi.
Rồi không bước thẳng vô buồng, vô bếp… mà bồng thằng cháu quay trở ra vườn để xem cái điều bà quan tâm nhứt. Đó là tìm kiếm bầy chuột, coi chúng đã được ông giải tán chưa.
Cái chuồng trống rổng khiến bà thở ra một cái khì, người nhẹ nhàng như có thể bay lên được. Những con chuột đã mang theo tất cả dấu vết, hơi hướng của chúng .
Khu vườn cũng được quét dọn đâu vào đấy. Lá khô được gom và vun thành đống chờ đốt. Những bụi cỏ dưới mỗi gốc cây đã được nhổ sạch bách.
Vạt đất trồng rau, đứa con cưng của bà, những tưởng vắng mẹ sẽ bị bỏ bê rồi xác xơ, tiều tụy, ngờ đâu xanh tốt hơn bao giờ hết. Bà đoán rằng chúng trông ngon lành như vậy là nhờ có chuột góp công, nên trong niềm vui có đôi phần ngán ngẩm.
Đặc biệt là đám rau răm và hành lá. Chúng tốt hơn nên chơi lấn sân bọn kia, điều nầy cũng dễ hiểu thôi vì cả ông lẫn bà đều thích món cháo cùng gỏi gà, gỏi vịt.
Bà bỗng phân vân tự hỏi, không biết mình có dám đụng tới chúng hay không.
Mắt bà bị chận ngang bởi hai luống hoa chạy song song một vàng, một đỏ. Đó là vạn thọ và mồng gà.
Vạn thọ năm nay thân cao, bông lớn, lá dày hơn năm ngoái. Bà vừa đụng vào là chúng liền phóng thích ra một mùi thơm hăng hắc.
Mồng gà thấp hơn. Những cái bông vạm vở, mập mạp nầy có cuống rất to, khoác tấm áo nhung dầy như thảm màu đỏ bầm. Các nếp gấp uốn lượn song song khiến chúng mang một vẻ đẹp khác hẳn đồng loại.
Bà Năm bỗng nghe lòng bùi ngùi, thì ra bấy lâu nay bà nhớ chúng quá chừng mà đâu có biết!
Bà đứng lặng, đưa mắt nhìn khắp nơi, ngắm nghía đã đời, cho tới khi bị thằng cháu o e phản đối mới chịu bỏ vô nhà.
Trông thấy Mùi đang đứng trên ngạch cửa sau nhìn ra vườn bà nói:
-Ba mầy ổng bán hết mấy con chuột rồi, ra ngoải chơi đi, hổng có sao đâu!
Mùi hỏi:
-Cái võng còn ngoài đó hông má?
Bà đưa tay chỉ về một phía rồi nói:
-Còn chớ sao không. Ổng thiếu võng thì chịu đâu có nỗi. Mầy có cái máu của ổng trong mình nên cũng giống y chang.
Rồi nói thêm:
-In là ổng mới giăng thêm một hai cái gì đó nữa.
Mùi nghe vậy thì lật đật bước ra vườn.
Bà kêu lại, đưa thằng cháu cho cô rồi nói:
-Nè! Giữ nó đi, để tao đi thay đồ đặng ra hè chặt lá chuối.
Mùi quay lại, cô vừa bồng con, vừa gọi chồng:
-Anh Vị ơi! Đi thăm vườn hông?
Vị đi lại sát bên vợ rồi kề miệng vào tai Mùi mà hỏi:
-Còn chuột không em?
Mùi lắc đầu, nhìn chồng chăm chú rồi hỏi:
-Ba bán hết rồi! Bộ anh cũng sợ chuột nữa sao?
Vị nhúng vai:
-Ghét chớ không phải sợ.
Rồi nói một cách cà rỡn:
-Anh chỉ thương con dê mà thôi!
Mùi cười trước câu bông lơn của chồng, nhờ vậy mà gương mặt cô rạng rỡ hẳn lên.
Bác Năm gái vừa đội cái nón lá trên đầu, chưa kịp đi bước nào, đã thấy bác Năm trai cầm độ mười mấy tàu lá chuối trên tay, khệ nệ đi vào.
Thấy bà, ông chìa ra khoe rồi hỏi:
-Bây nhiêu đủ chưa?
Bà lẩm bẩm:
-Một tấm lá gói được gần hai đòn bánh. Đâu đưa đây coi.
Rồi bà đếm:
-Một, hai, ba…đủ rồi, còn dư nữa đó!
Ông đưa lá cho bà xong là quay lưng bỏ đi, bà hỏi:
-Ông đi đâu đó?
Ông đáp:
-Tui đi nựng thằng cháu! Nó đâu rồi?
Bà đáp:
-Vợ chồng con cái tụi nó ra ngoài vườn rồi, không có trong nhà đâu. Hồi nảy ông đi vô bộ hổng thấy sao?
Ông không đáp, không hỏi thêm mà đi te te ra vườn.
Mùi đang ngồi ôm con trên võng, thấy ông chìa hai cánh tay ra đòi bế cháu, liền nhìn chúng rồi tưởng tượng đến cảnh ông tóm từng con chuột thảy vô lồng thì do dự, một lát mới chịu trao.
Ông Năm bồng thằng cháu trên tay, thằng bé mở to mắt nhìn ông ngoại rồi cười toe.
Nụ cười của nó khiến ông nghe lòng vui sướng lạ, cúi hun trơ trấc lên mặt, lên cổ thằng nhỏ. Mấy sợi râu lô nhô của ông đâm vào khiến nó khó chịu nên khóc ré lên.
Chỉ chờ có vậy là Mùi giật thằng nhỏ lại liền.
Thấy ông mặt mày bí xị, cô an ủi:
-Chắc nó buồn ngủ lắm rồi nên mới cự nự như vậy đó!
Ông Năm nhìn thằng cháu đang bám mẹ dính khắng băng cả hai tay, còn quay lại nhìn ông bằng tia mắt đẫm lệ thì thầm trách mình đã làm cho nó sợ.
Ông ngó quanh rồi hỏi:
-Tía nó đâu rồi?
Mùi chỉ tay lên trên cao, phía cuối vườn:
-Ảnh đang hái ổi.
Ông Năm nhìn theo rồi nhận ra Vị đang ngồi trên cháng ba cây ổi. Y đưa lưng về phía họ nên không biết ông già vợ đang nhìn. Thấy cái cùi chỏ của Vị nâng lên, hạ xuống ông biết ngay là chàng đang ăn ổi. Ông mở miệng định kêu nhưng vội ngậm lại liền, sợ thằng rể quý giựt mình rồi rơi tỏm xuống đất.
Bác Năm trai đứng tiu ngỉu một lát rồi bỏ vào nhà đi tìm vợ.
Bác Năm gái đang rọc lá chuối. Cây dao bén ngót khiến mấy tấm lá buông tay ngọt xớt, không bị rách miếng nào. Bà biết ông đã mài hết bộ dao cho dù bà quên dặn. Bác Năm gái bỗng nghe thương chồng tha thiết.
Ông đứng bên cạnh nhưng vẫn làm thinh, bà rọc lá xong quay lại, thấy ông đang nhìn mình đăm đăm thì giựt thót cả người, cau mày lại rồi quở:
-Làm cái gì mà đứng im ru vậy? Làm tui hết hồn.
Ông không nói gì, bưng cái nia đựng mấy tấm lá chuối đã rọc ra phơi.
Khi trở vào, thấy bà lấy trong thúng ra mấy món đã dặn mua, ông hỏi:
-Tui mua như vậy có đúng hông? Đủ chưa?
Bà kêu tên từng món:
-Nếp, đậu xanh, nấm mèo, lạp xưởng, tôm khô, hột vịt muối. Còn thiếu thịt heo thôi hà!
Ông gật đầu:
-Tui chờ bà về mới mua thịt. Chừng nào bà xài tới nó?
Bà đáp:
-Mơi! Ông mua cho sớm, thịt còn nóng mới ngon.
Hôm sau cả nhà ông Năm xúm xít lại gói bánh tét. Bà phân công; Mùi xếp lá, đong nếp cho nhưn vào sẵn; Bà giữ nhiệm vụ khó khăn nhứt là gióng bánh; Ông nức bánh.
Vị cũng hăng hái xắn cao tay áo lên để giúp, nhưng thiếu kiến thức mà thừa nhiệt tình nên chẳng những không giúp được gì mà còn gây trở ngại.
Lát sau, ý thức được sự vô dụng của mình nên Vị xung phong bồng con cho vợ làm.
Tối hôm đó cả nhà quay quần bên nồi bánh tét. Sẵn lửa than ông Năm thảy vào đó mấy con khô cá lụn vụn. Ông đem chai rượu chuối hột ra uống với thằng rể. Vị uống được vài chung thì buồn ngủ quá bèn xin kiếu.
Bà Năm nhường cho con gái và rể cái long sàn của mình. Ông đành ra bộ ngựa nhà trước, bà nằm tấm ván nhà sau. Thế là chàng ở đầu sông thiếp cuối sông.
Bữa cơm mùng một nhà ông Năm thịnh soạn gấp đôi Năm ngoái. Nào thịt kho hột vịt, nào canh hủ qua dồn thịt, nào gỏi gà xé phai. Thêm vào đó là mấy món của Mùi mang về như gà rút xương nhồi dăm bông, nem chua, nem nướng, giò thủ, hột vịt bắc thảo, chả lụa, mắm tôm chua, củ kiệu...
Bác Năm trai tiếc hùi hụi vì thiếu cái món thịt chuột cây nhà lá vườn của mình. Cho dù ông cố đưa nó vào danh sách nhưng bà kiên quyết gạt phắt ngay từ đầu chẳng chút nương tay.
Ông bỗng bất mãn như thể chính mình bị rẻ rúng. Đồng thời cảm thấy có lỗi với bầy chuột như thể đã cư xử quá bội bạc với ân nhân của mình. Mai mốt làm sao mà dòm mặt tụi nó !
Hai ngày sau vợ chồng Mùi giao con lại cho bà Năm để đi du lịch.
Bà Năm nghe con gái đi Thái Lan không tốn tiền thì vui lắm, hãnh diện lắm, nên bồng cháu qua khoe với cô Sáu:
-Cô biết hông? Con Mùi nó làm việc giỏi lắm, được ông chủ thương lắm. Bởi vậy ổng mới thưởng hai cái vé máy bay cho hai vợ chồng nó đi Thái Lan chơi đó!
Cô Sáu mỉa mai:
-Hèn chi nó mới chịu khó đem con vìa gởi, chớ hông thôi…dễ gì…
Phút giây mong đợi của ông Năm đã điểm. Rút kinh nghiệm từ thằng cháu ngoại ông lật đật cạo râu thật kỹ rồi tắm rửa kỳ cọ đến lớp da đỏ hực.
Buổi trưa hôm ấy bà Năm đang nằm trong buồng để dỗ cho thằng cháu ngủ. Ông Năm rón rén leo lên giường mà không tạo ra một tiếng động nào, rồi nằm sát sau lưng vợ.
Mãi đến khi ông vói tay ôm bà mới hết hồn. Bà muốn gạt ra nhưng sợ thằng cháu giựt mình nên nằm yên chịu trận. Được thể ông lần tay mở từng cái nút bấm trên chiếc áo bà ba của bà.
Bà không nhìn lại mà gắt nho nhỏ:
-Cái ông nầy! Ban ngày ban mặt mà…Đợi tới tối đi!
Ông cự :
-Nhà chỉ có tui với bà thì ban ngày cũng như ban đêm. Bà biết bà đi bao nhiêu lâu rồi hông? Gần nửa năm rồi đó! Hai đêm nay tui dằn thiếu điều bứt néo !
Trong giọng nói của ông chứa đựng ba phần hờn dỗi, bảy phần thống thiết khiến bà không nở hất cái bàn tay đang đặt trên ngực của mình. Bà chờ cho thằng cháu ngủ yên rồi từ từ quay lại.
Đây là lần đầu tiên ông được ngắm từng ngóc ngách trên thân thể vợ đến mãn nhãn. Ôi! Ông thầm cám ơn bầy chuột không biết để đâu cho hết. Nếu không có tụi nó ông làm sao biết được mình sỡ hữu một món quà quí giá đến mức nầy.
Sự nồng nhiệt của ông đã khiến bà xúc động. Bà bỗng nhận ra cái chuyện nầy nó đâu có quá tệ như người xưa đã nói. Lần đầu tiên bà đáp ứng lại ông. Họ như hai đứa bé nắm tay nhau đi vào miền đất vô cùng bình yên, xinh đẹp.
Một tuần sau Mùi về nhà. Cô ngạc nhiên khi thấy gương mặt của ba má mình rạng rở, căng tràn như thể có một dòng sông hạnh phúc đang chảy ngấm ngầm bên dưới.
Khi Mùi hỏi bà:
-Má có tính về với tụi con luôn hông?
Thì bà đáp một cách bẽn lẽn:
-Hay là con để thằng nhỏ lại đây cho má nuôi đi. Chừng nào muốn đưa nó vô nhà trẻ thì về rước!
Mùi ngạc nhiên, hỏi nhỏ:
-Bộ má hết sợ mấy con chuột rồi sao?
Bà đáp:
-Tụi nó hiền thấy mồ! Có gì đâu mà sợ?
Bác Năm trai nghe vợ nói vậy thì mừng hết lớn! Ông cười tủm tỉm rồi nói với mình một cách dí dỏm:
-Nhờ mấy con chuột!

HẾT


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 13 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang 1, 2  Trang kế tiếp

» NUÔI CHUỘT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu