TUỔI CON TRÂU Cửu Long – Trần Công Bá
Tôi sống ở Mỹ thấm thoát cũng đã 41 năm, nếu tính ra còn nhiều hơn những năm sống trên quê hương mình. Tôi có được cái diễm phúc to lớn nhất là còn đầy đủ cha mẹ để thương, để nhớ nhưng không may mắn được gần gủi chăm sóc song thân. Mỗi năm tôi lấy phép thường niên về thăm ba má vài tuần rồi trở về Mỹ “cày” tiếp tục, ráng dành dụm chút ít cho chuyến đi năm tới. Năm nay thì đành bó tay vì đại dịch cúm tàu làm tê liệt kinh tế toàn cầu. Bà con đa số bị “cấm túc” không ai đi đâu được. Tôi may mắn hơn là vẫn còn công ăn việc làm, sở cho làm việc tại gia, coi như bị quản thúc gần 1 năm trời.
Nhớ năm rồi về thăm ba má dịp tết, khi khăn gói trở về Mỹ tôi còn hẹn gặp lại tết năm sau. Bây giờ chỉ còn hai tuần nữa là đến tết mà tình hình cúm tàu vẫn còn bi thảm nếu không nói là tệ hơn năm ngoái. Mỗi ngày nước Mỹ có hơn 125 ngàn ca dương tính, hơn 4 ngàn người tử vong vì con covid-19. Trong khi đó thì thuốc ngừa bị hạn chế vì hãng bào chế dược phẩm không thể cung cấp đủ cho cả thế giới gần 8 tỉ người.
Tôi có mấy người bạn Mỹ cùng sở đã từng tham dự cuộc chiến Việt Nam. Người thì phục vụ trong Không Quân, người thì TQLC, người thì Bộ Binh. Chỉ có hai người cùng đóng quân ở Lai Khê là thân với tôi nhất vì ngày xưa khi trong sư đoàn 5 Bộ Binh, tôi cũng đã từng đóng quân ở Lai Khê, Quận Bến Cát, Tỉnh Bình Dương. Hai anh chàng này từng phục vụ trong Sư Đoàn 1 Hoa Kỳ biệt danh là “The Big Red One” vì con số một màu đỏ ngầu nằm bên cánh tay trái bộ quân phục của họ. Lâu lâu họ hay nhắc đến quốc lộ 13 mà cả 3 năm quân ngũ của họ đã trãi dài trên con đường đầy máu và nước mắt này.
Thình thoảng 6 người trong bọn rủ nhau đi ăn trưa, hay đi bar sau khi tan sở. Chỉ có tôi là da vàng, mủi tẹt, hai người da đen, còn lại 3 người da trắng. Quán bar quen thuộc đặt cho nhóm này là “Cựu Quân Nhân Hiệp Chủng”, The United Veterans. Tuy những câu chuyện chúng tôi lập đi, lập lại hàng chục lần trong bàn nhậu nhưng lúc nào cũng hào hứng vui cũng có mà buồn cũng có. Đôi khi cả bọn ôm nhau khóc cho những đồng đội xấu số hi sinh trong cuộc chiến chúng tôi bắt buộc không được thắng. Người chủ quán đôi khi cũng tham dự vì anh ta cũng là cựu quân nhân chiến tranh Trung Đông. Cứ mỗi lần người chủ quán đến là cả nhóm được một chầu bia miễn phí. Anh ta nói đây là “ủng hộ tiền tuyến”, “supporting the front line”.
Một trong những câu chuyện mà chúng tôi hay nói là đời sống cần cù của người nông dân Việt Nam. Với số vốn ít ỏi nhưng người dân Việt đã phải vừa lo cho gia đình con cái, vừa phải đóng thuế cho người bên kia cuộc chiến. Nhưng con trâu đi cày làm cho những người lính Mỹ tuổi chỉ 19, 20 kinh ngạc nhất. Họ bảo trong cuộc đời của họ chỉ biết con trâu rừng, buffalos mà người dân da đỏ đi săn bắt nuôi sống cả bộ lạc. Họ chưa bao giờ nghĩ con trâu có thể giúp người nông dân cày cấy, giúp đở công việc đồng áng. Họ nói con trâu Việt Nam (water buffalos) nhìn hiền hơn con trâu rừng của Mỹ, đã vậy nó còn tiện dụng hơn, ích lợi hơn trâu rừng Mỹ.
Anh chàng không quân hỏi tôi tuổi con gì vì hắn nghe người Á Đông có 12 con giáp. Tôi nói tất cà những người Việt tị nạn bên Mỹ đều cùng 1 tuổi, tuổi con trâu. Cả bọn trợn mắt nhìn tôi, có cả anh chàng chủ quán bar và bào là họ không tin vì không thể có sự trùng hợp với hơn 1.5 triệu người Việt trên xứ Mỹ. Tôi bắt đầu vừa giải thích vửa hỏi họ: - Các anh cho tôi biết con trâu Việt Nam làm gì? - Thì nó đi cày. - Vậy đời sống của nó có cực khổ không? - Dỉ nhiên là cực khổ vì phải kéo cây cày. - Vậy tôi hỏi người Việt qua đây có phải trắng tay, đi làm cực nhọc để sinh sống trên vùng đất mới nầy không? - Dỉ nhiên, tao thấy người Việt tụi mày làm việc siêng năng nhất trong nhóm di dân.
Tôi kết luận: như vậy người Việt tụi tao ở Mỹ có phải đi cày như con trâu không?
Lúc đó cả đám trong bàn nhậu mới đồng ý nhưng người bạn da đen còn thêm vô: -Tao ước gì tất cả người đen tụi tao cũng làm việc siêng năng như tụi mày thì bảo đảm không còn vấn đề trộm cướp, tệ nạn xã hội.
Tôi vội an ủi anh ta: giống dân nào hay ở đâu cũng có tệ nạn xã hội, không chỉ có người đen.
Từ đó, mỗi lần xong bửa ăn trưa là họ nói:
“TAO PHẢI TRỞ LẠI ĐI CÀY” “I HAVE TO GO BACK PLOWING THE FIELD”
New York - Xuân Tân Sửu 2021
|