Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 11:22
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» TRỐN TẾT «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 713 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: TRỐN TẾT
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 2 2021, 19:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
TRỐN TẾT
Cúng mùng năm tháng năm xong, mợ tư Đủ đã lo tới chuyện đón tết.
Năm nào cũng vậy, mợ dặn trước dì ba Mạnh một con heo vừa phá bầy để đem về nhà nuôi. Dì ba là chị em cô cậu ruột với mợ, nên chịu cho gởi con heo lại, chờ cho cái dấu thiến đã lành, con heo ăn giỏi rồi mợ mới đem nó về.
Mợ tư nuôi heo theo kiểu lấy công làm lời. Nào sàng gạo giùm cho bà con trong xóm để lấy cám, nào nấu nước mắm để lấy cặn. Mợ còn xin thím giáo Thiệt mấy cái tỉnh đựng nước mắm bỏ không (mấy cái tỉnh nầy khi khui bị bể miệng nên chẳng thể bán được), bị thím giáo bỏ bù lăn bù lốc. Mợ đem về đặt ở nhà ông trưởng ấp, để lấy nước cơm vo, đồ ăn dư mà bà con gọi là cặn cơm, cặn cá.
Mấy cây chuối trong vườn hể cây nào đã trổ buồng xong là mợ đốn về, xắt mỏng dính rồi quết cho chúng nhừ tử. Ba cái chuối nát như tương đó được mợ đem ủ trong cái khạp da bò với chút muối, nó phải lên men hơi chua chua đặng heo ăn cho dễ tiêu.
Con heo nào về nhà mợ là có phước hơn mấy con khác! Mợ săn sóc nó còn hơn ba thằng con của mình nữa. Bà con ta hể thấy đứa nhỏ nào mặt mũi lắm lem, thấy nhà ai bê bối là quở "ở dơ như heo", thế nhưng cái chuồng heo và con heo của mợ tư thì sạch bon!
Không sạch sao được vì sáng, chiều mợ đều dọn chuồng rồi rắc tro bếp để khử mùi đều đều, riêng con ột thì mỗi ngày mỗi tắm.
Nhiệm vụ tắm heo được hai thằng con lớn của mợ đảm nhiệm, một thằng nắm sợi dây cột cái giò trước của nó mà kéo, một thằng đi sau quất roi nhè nhẹ thúc nó đi nhanh nhanh. Chúng làm một cách tận tâm, kỳ cọ kỹ lưởng cho tới khi mấy cọng lông mướt mượt, còn lớp da thì đỏ hồng mới thôi. Con heo nhà mợ vì vậy mà sạch sẽ, xinh đẹp nhứt xóm, đúng là một mỹ trư!
Thật ra đó không hoàn toàn là công của thằng No và thằng Nê, hai đứa con của mợ đâu! Trưa nào mà mấy đứa con nít trong xóm không rủ nhau đi ghẹo hà bá! Tụi nó thấy hai thằng kia dắt con ột xuống bến là xúm nhau tắm phụ. Chúng xem việc tắm heo là một thú vui nên giành nhau kỳ cọ cho nó. Mỗi đứa một tay nên con heo sạch bong, sạch bóng. Mợ tư hết sức hài lòng, bèn cho hai thằng con nhập bọn với tụi kia mà tắm thả cửa.
Cái tắm của con ột được cả xóm tiếp tay còn cái ăn của nó thì chỉ do một mình mợ tư phụ trách. Ngay cả cái việc đốn chuối vác vô xắc mợ cũng không nhờ chồng. Mợ lựa cây chuối hột mà xài chớ không thèm dùng những thứ khác.
Vừa cho nó ăn mợ vừa thủ thỉ, nói với nó những lời êm ái như:
-Ăn cho nhiều vô đi con! Cái máng nầy toàn là sú bằng chuối hột với cám nếp không hà! Tao phải đi tuốt trên mương mà sàng cho bà ba hàng sáo cả buổi đặng đem vìa cho mầy đó!
Vừa nói mợ vừa đưa tay gãi đầu, gãi tai, gãi bụng nó. Con heo hình như hiểu ý của mợ, nó táp phầm phập khiến thức ăn văng tung tóe ra ngoài. Mấy con gà mái lợi dụng cơ hội nầy lật đật chạy te te kéo theo bầy con tới mót.
Dì ba Mạnh ghé thăm thấy vậy thì khen:
-Chèng ơi! Chị nuôi kiểu gì mà nó lớn lẹ như trái bí rợ vậy? Phải dè vậy tui xúi chị nuôi thêm một con cho đủ cặp. Tụi nó ganh ăn chắc còn lớn dữ nữa!
Mợ lắc đầu:
-Thôi đi dì ơi! Có một con thôi mà tui mệt cầm canh, hai con chắc lo hổng xuễ.
Dì ba cự:
-Nuôi thêm một con bất quá nấu thêm một lon gạo lức, múc thêm một vùa cám chớ có mắc công, mắc linh gì nhiều đâu!
Mợ lắc đầu:
-Tui đâu có sợ mắc công, có điều tiền đâu mà mua gạo, mua tấm cám cho tụi nó. Một con là hết hơi rồi.
Dì ba nói:
-Thì mượn đỡ bà con, chừng nào gã nó rồi trả lại mấy hồi.
Mợ tư lại lắc đầu, nói:
-Bộ dì hổng biết cái tánh của tui sao? Trên đời nầy tui sợ nhứt là mắc nợ đó! Cái chuyện hỏi mượn tiền thiên hạ tui làm hổng quen, ngại miệng lắm dì ơi!

Năm nào cũng vậy, mợ đợi cho tới cận tết, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu, có khi hai mươi tám tháng chạp mới gả con heo. Mợ đã nhận tiền cọc trước nhưng ráng cầm cự tới ngày đó để nó nặng thêm chút nào hay chút nấy!
Bà con chắc cho rằng mấy con vật cũng mê cái chuyện vợ chồng lắm! Họ gọi tránh là “gả” thay vì “bán” cho dù đó là heo đực.
Đứa con nít nào có tánh hay thắc mắc, hỏi tới hỏi lui hoài thì được giải thích rằng gọi như vậy cho tụi nó mừng, chớ không có rầu vì biết sắp bị bán đem làm thịt rồi buồn mà bỏ ăn, sụt ký.
Mợ thích bán cho ông chệt Dìm hơn hết, bởi năm nào ổng cũng kiến lại cho mợ một miếng nọng với toàn bộ ruột già cùng cái thối linh. Bởi vậy mà nồi thịt kho của mợ béo ngậy, còn món lòng heo khìa nước dừa thì ôi thôi, cả nhà ai cũng mê!
Nhờ tiền bán heo nên nhà mợ cũng ăn tết phủ phê như ai!
Cũng như mấy đứa con nít khác, ba thằng con của mợ nôn nao chờ tết. Có lẽ còn nôn hơn mấy đứa kia bởi nhà họ nghèo nhứt xóm, hầu như tụi nó chỉ được ăn món thịt heo kho tàu mỗi năm một lần vào dịp nầy mà thôi!
Hởi ôi! Năm nay vừa qua rằm tháng mười một, cậu tư bị té gãy chưn vì cây đòn tay trên mái nhà bị mục. Mợ tư phải bán con heo đang nuôi để lấy tiền cho chồng nằm nhà thương, tiền hết sạch mà cậu vẫn còn đi cà nhắc. Bởi cái tánh sợ mắc nợ nên năm nay mợ quyết định đi trốn tết!
Đưa ông táo xong, ngay sáng hôm sau cậu mợ cùng ba đứa con, chất nồi nêu son chảo lên chiếc xuồng, nhắm hướng kinh thần nông trực chỉ.
Ở miệt ấy nước rút trước, bà con gieo sớm nên gặt trước tết. Cậu mợ đem theo hết mấy con vịt, con gà để thả cho chúng tự đi mò cá, mót lúa mà ăn.
Đã gọi là trốn nên mợ né tránh hết thảy mọi người, trời tờ mờ là cả nhà đã xuất hành. Bà con trong xóm chẳng ai hay nên trên cây cầu bằng ván me nước, chỗ mợ buộc chiếc xuồng, chỉ có mấy thằng con nít đang ngồi chò hỏ.
Mặc dù cậu mợ cho mấy đứa con biết trước có một hôm thôi và cấm tiệt không được hé răng, nhưng con nít mà, cái chuyện xa bạn bè, từ giã những trò chơi khiến tụi nó uất ức vô cùng. Chúng đâm ra giận dỗi rồi không chịu nghe lời răm rắp nữa, vừa nghe mợ nói xong là tụi nó chạy đi kiếm bạn bè mà cho hay liền.
Tụi thằng Thiệt, thằng Tròn xúi thằng No, con trai lớn của mợ:
-Mầy đừng có đi cứ ở lại đại đi!
Thằng No hỏi lại:
-Cơm đâu mà ăn?
Thăng Thiệt hứa:
-Tao xúc cơm đem lại!
Thằng No ngần ngừ:
-Má mầy thế nào cũng biết! Bả dám bỏ đói mầy luôn chớ đừng nói tới tao!
Thằng Tròn mời:
-Tết mầy ra đây chơi với tụi tao nghen! Lúc đó tao có tiền lì xì rồi, tao bao mầy ăn đá bào thả cửa! Tao nói thiệt đó!
Thằng Bền bồi thêm:
-Tụi mình đi lượm pháo lép để dành, chừng nào tụi con gái xúm nhau nướng bánh phồng, mình thảy vô đống un cho tụi nó chạy tứ tán, vui lắm!
Thằng Thiệt bồi thêm:
-Mình đu xe lôi lên chợ chơi nữa!
Thằng No lắc đầu, giọng buồn thiu:
-Năm nay tao đâu có đồ mới, tết mà mặc quần cũ áo cũ đi chơi coi kỳ lắm!
Thằng Thiệt hỏi:
-Sao mợ tư hổng may cho mầy?
Thằng No đáp:
-Má tao năm nay nghèo lắm! Hổng có tiền mua đậu, mua nếp gói bánh tét nữa chớ ở đó mà mua vải may đồ mới! Có môn tụi bây vô trỏng thăm tao, chớ tao hổng có ra ngoài nầy được đâu!
Thằng Thiệt hứa:
-Được rồi! Để tới bữa đó tao vô thăm mầy, tao đem bánh tét vô cho mầy nữa, mà mầy thích ăn nhưn gì?
Thằng No mười một tuổi rồi, nó đã biết mắc cỡ nên ghé tai thằng Thiệt nói nhỏ xíu! Hổng biết nó dặn dò cái gì mà thằng Thiệt gật đầu lia lịa.

Trưa ba mươi, bà năm cúng rước ông bà xong liền đặt mâm cơm xuống cái bộ ngựa lớn giữa nhà để đủ chỗ cho cả con lẫn cháu ngồi. Kiểm điểm lại thấy thiếu thằng Thiệt bà bèn ra hàng ba dòm một cái rồi tới bên cửa hông ngó dáo dác.
Cái đám chơi tạt lon trước sân cậu hai Đua đã giải tán từ lâu. Những ngày nầy tụi con nít không còn mặn mà với mấy trò chơi nên cái xóm vắng ngắt. Chúng bị mùi khói cầm chưn nên xẩn quẩn trong nhà để chờ được gọi tới vét khuôn bánh, cạo chảo mứt, thanh toán những thứ bị hư, bị khét.
Bà năm lầm bầm:
-Cái thằng nhỏ nầy xấu đói nhứt hạng! Hồi nãy mới thắp nhang là nó hối như giặc, vậy mà bây giờ dọn ra thì cái mặt mất tiêu!
Lấy cục thuốc xỉa đang nhét bên góc miệng ra cầm trên tay, bà cất giọng gọi to:
-Thiệt ơi! Vìa ăn cơm.
Dì út, má thằng Thiệt, đang loay hoay trong bếp -lúc nào dì cũng là người ngồi vào mâm sau chót- đang đếm lại mấy đòn bánh trước khi đem treo lên cây đà ngang. Dì cứ đếm tới đếm lui, mặt thần ra vì nghĩ ngợi. Chợt dì liên hệ tiếng gọi của má mình với việc hai đòn bánh và thằng con trai cùng mất dạng.
Dì chép miệng một cái:
-Chắc nó vô kinh thần nông rồi!

Ở cuối xóm, mợ hai Trơn cũng gọi thằng con ỏm tỏi:
-Tròn ơi! Vìa ăn cơm!
Chẳng nghe tiếng đáp lại, mợ bèn chắc lưỡi quở thầm:
-Ba ngày nầy mà cái thằng quỷ nhỏ đó cũng chạy hà rong hà rổi, hổng có chịu ngồi nhà.
Thằng Trịa đói bụng lắm nên giục:
-Ăn đại đi má! Đừng có chờ nữa, anh hai xách xe đạp đi rồi!
Mở hỏi:
-Đi đâu?
Nó lắc đầu:
-Con không có biết!
Rồi mét:
-Hồi nãy con thấy ảnh lấy bắt ghế lấy một cặp bánh đeo lên cổ rồi mới đi!
Mở kêu lên:
-Sao mầy thấy mà hổng cho tao hay liền!
Thằng Trịa lắc đầu:
-Cho má hay đặng ảnh đập con sao?
Mợ hai bèn lật đật chạy vô bếp ngó lên chỗ treo bánh tét của mình. Chùm bánh tét chuối ở đầu giàn còn có hai cặp thôi.
Mợ nói, giọng nhẹ nhõm:
-Cũng may mà nó lấy hai đòn bánh chuối, bánh đó tía tụi nó ổng hổng có ưa!

Tuốt trên đầu xóm, dì ba bánh bò cũng gọi đứa con trai út:
-Bền ơi! Bền à…
Dì gọi mấy chập chẳng nghe ơi hởi gì hết, trong bụng liền bực bội. Thấy cô con gái lớn lui cui dọn đồ cúng từ trên bàn thờ xuống, dì hỏi:
-Mầy có sai nó đi đâu hông Chắc?
Chắc lắc đầu:
-Hông!
Chợt Chắc đưa tay vỗ trán cái bép rồi nói:
-Hồi nãy con thấy nó lẩn quẩn trong bếp, in là tính lấy thứ gì, thấy con dòm thì lấm lét y như chó ăn vụng bột. Đâu má coi thử có mất thứ gì hông?
Dì ba nghe vậy thì lật đật chạy vô bếp ngó ngược lên cây đà ngang chỗ đang treo mấy chùm bánh tét và bánh ú.
Dì chới với khi phát hiện cái chùm bánh trắng bị mất một cặp, dì rầy Chắc:
-Sao mầy hổng mét liền để tao chặn nó lại! Nó đem hai đòn bánh đi tế mồ tổ ai vậy hổng biết? Phải chi nó lấy một đòn cũng đỡ, đây rồi nhà mình hổng đủ bánh mà ăn.
Chắc cự:
-Ai biểu má cột thành từng cặp làm chi! Nó rút đại đặng chạy chớ đứng đó mà tháo ra là bị bắt tại trận rồi làm sao?
Rồi đoán mò:
-Có khi nó đem cho tụi thằng No đó! Tại năm nay…
Dì ba nghe vậy thì thôi, không cằn nhằn nữa.

Trưa nắng chang chang, con đường cộ chạy dọc bờ kinh giờ nầy vắng teo, chỉ có hai chiếc xe đạp chạy song song. Một chiếc chở đôi, thằng Bền chở thằng Tròn, còn chiếc kia thì thằng Thiệt chạy một mình. Trên cổ mỗi thằng đều có treo lủng lẳng hai đòn bánh tét.
Thằng Tròn vốn tròn nhứt xóm còn thằng Bền thì y như cây tre. Thằng Bền đi ké xe nên phải è cổ ra mà chở. Nó đạp muốn hết hơi, mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy ròng ròng, vừa thở vừa cự:
-Mầy ăn cái giống gì mà nặng thấy bà cố. Tao đạp muốn tuột quần luôn nè!
Thật vậy, cái quần dài cũ xì nên lưng thun đã giản, đang xệ xuống ở mức thấp nhứt, nếu không có cái yên xe giữ lại chắc nó đã phơi thây trên đường từ nãy giờ!
Thằng Tròn cự lại:
-Tại mầy chưa ăn nên cái bụng lép xẹp, làm sao hổng tuột ?
Thằng Bền nói tiếp bằng giọng lo lắng:
-Chắc nhà tao bây giờ đang ăn cơm. Má tao mà hổng thấy chắc chửi um sùm, một lát thế nào tao cũng bị ăn bánh tét nhưn mây!
Nghe tới chữ “nhưn”, thằng Thiệt nhớ ra bèn hỏi:
-Bánh của tụi bây nhưn gì vậy?
Cả hai thằng đều đáp:
-Tao đâu có biết!
Thằng Thiệt nói bằng giọng làm tàng:
-Của tao nhưn ngọt. Hôm bữa thằng No có dặn tao, nó nói có vô thăm thì đem cho nó một đòn bánh tét nhưn ngọt với mứt chùm ruột, nhà tao năm nay không có làm mứt đó bởi vậy tao lấy cho nó hai đòn nhưn ngọt luôn.
Thằng Bền trề môi:
-Làm sao mầy nhìn thấu tới cái nhưn mà biết?
Thằng Thiệt đáp:
-Biết chớ sao không. Tao nghe bà ngoại dặn má tao là đòn nào có cột vải làm dấu trên đầu là nhưn ngọt, làm dấu bên hông là nhưn chuối, còn không làm gì hết là nhưn mặn.
Thằng Tròn chắt lưỡi:
-Tao thấy trong bếp hổng có ai thì lấy đại, chớ ở đó mà lựa, cũng đâu có biết bà má tao làm dấu cái kiểu nào.
Bỗng nghe tiếng vải rách kêu một cái rẹt rồi tiếng thằng Bền rên:
-Chết bà rồi!
Thằng Thiệt hỏi:
-Vụ gì vậy?
Thằng Bền đáp:
-Cái lai quần bị sợi dây sên nghiến!
Rồi nó than:
-Lát nữa vìa tới nhà, đố khỏi bị đòn!
Thằng Tròn an ủi:
-Quần cũ xì, chắc hổng sao đâu!
Thằng Bền lắc đầu:
-Má tao dặn mặc kỹ kỹ, đừng có làm rách đặng để lại cho thằng Vững.
Thằng Thiệt an ủi:
-May mà hôm nay mới ba mươi, tụi mình còn mặc đồ cũ, chớ hông thôi!
Nó bỗng đổi giọng, kêu lên một cách nôn nao:
-Nhà tụi nó kìa!
Rồi vừa chỉ tay vào vệt khói trên đầu chòm cây rậm rịt vừa tăng vận tốc. Cái chòi nằm nép bên cây gáo từ từ nhô lên trước mặt tụi nó.
Thằng Tròn hỏi:
-Mình chạy tới đó luôn hay ngừng ở đây?
Thằng Bền đáp:
-Đạp ba vòng nữa rồi ngừng. Để tao mút chuột kêu tụi nó ra.
Thằng Thiệt hỏi:
-Xa quá tụi nó nghe hông?
Thằng Bền quả quyết:
-Nghe mà! Từ đây tới đó bằng ngoài lộ vô nhà chớ đâu có xa hơn. Ở trỏng tao kêu bằng kiểu đó không hà, lần nào tụi nó cũng nghe hết trọi.
Dù nói thế nhưng nó cũng ráng đạp thêm vài ba vòng nữa.

Tiếng mút chuột chui tọt vô lỗ tai khiến thằng Nê ngưng ngang đôi đũa trên mình con cá trê vàng giầm nước mắm gừng. Nó buông chén cơm đang bưng, kê miệng vô sát lỗ tai thằng No mà nói:
-In là tụi thằng Bền vô kiếm mình đó anh hai!
Thằng No cũng đã nghe ra, bèn không nói không rằng buông đũa rồi cắm đầu chạy miết. Thằng em út thấy hai ông anh chạy cái vù cũng bắt chước làm theo.
Ba anh em nó đua nhau mà phóng như bay, mợ tư liền đi theo coi chuyện gì. Cậu tư, cái chưn chưa lành hẳn nên ngồi nán lại nhưng trong bụng cũng hồi hộp, hoang mang.
Mợ tư đi mấy bước rồi dừng lại. Mợ thấy hai chiếc xe đạp và ba đứa nó rồi! Trên cổ mỗi thằng đều có đeo tòn ten hai đòn bánh tét.
Mợ xúc động đến nghẹn ngào, bởi cho rằng chúng phụng mạng đem bánh vô cho chớ đâu có biết...Bèn trở vô nhà bưng nguyên cái rổ đựng trứng vịt đem ra.
Tụi nó thấy dáng mợ thì quay đầu xe định tháo chạy.
Mợ gọi to:
-Chờ tao một chút!
Rồi chạy nhanh tới chặn xe chúng lại
Mợ sai ba đứa con:
-Tụi bây quơ một mớ rơm mà ôm vìa đây cho lẹ!
Thằng No hỏi:
-Má lấy rơm chi vậy?
Mợ đáp:
-Để bao mấy cái hột vịt chớ còn làm cái giống gì?
Thằng út hỏi:
-Chi vậy má!
Mợ gắt:
-Hổng làm vậy đặng tụi nó đem vìa nhà rồi bể tùm lum là khỏi có ăn đó!
Mợ chia mớ trứng đã bọc rơm ra làm ba, bắt tụi nó cởi áo ra bỏ vô cột túm lại rồi dặn:
-Nhớ nói với má tụi con là mợ cám ơn nghe hông! Năm nay nhà mợ tưởng đâu hổng có bánh cúng ông bà rồi chớ! Đem mấy cái hột vịt nầy vìa nhà rồi nói là mợ gởi đặng ăn lấy thảo!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» TRỐN TẾT «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu