Buổi chiều, Tâm thay đồ xong liền gõ cửa phòng má, gọi: -Má dậy chưa ? Má đáp: -Dậy rồi! Chi vậy? Tâm xô cửa bước vào, chưa kịp nói gì thì má đã mét: -Hổng biết thằng cha, con mẹ nào độc ác quá! Phản hồi mà như chửi vô mặt má vậy! Giọng má uất ức y như đứa con nít bị ai cướp lấy món đồ chơi yêu quí. Tâm an ủi: -Ai làm du tuýp mà không bị! Con đường đó bị đặt mìn đầy nhóc, nổ banh xác có ngày má ơi! Bỏ quách cho rồi! Má cự nự: -Mình làm họ hông thích thì đừng có coi nữa, mắc gì mà… Tâm an ủi: -Thôi kệ! Họ ngu thì tạo khẩu nghiệp, mai mốt chết đọa địa ngục ráng chịu. Câu an ủi của Tâm có lẽ khiến má vui lên một chút. Tâm hối: -Lẹ lên má! Con đói muốn xỉu rồi! Má nhớ ra bèn gật đầu: -Con ra cho má thay đồ! Tâm bước ra nhà ngoài, móc chiếc khăn ra lau cái bọc ba ga để má ngồi không dơ áo. Má mặc diện hơn mọi ngày, quần tây trắng với chiếc áo sơ mi chấm bi đen trắng, chiếc điện thoại vẫn khư khư trên tay. Tâm chợt nghĩ con người ta đang bị săn đuổi tứ phương! Má Tâm trước giờ sống rất thanh thản, từ ngày Tâm ngu muội đem tặng má chiếc điện thoại thông minh, má bỗng tập trung tất cả sự chú tâm vào nó, lúc nào cũng dán mắt vào cái tên mặt mỏng đó, bỏ rơi thằng con cái một. Tâm thở dài tự nghĩ: -Cái tên công nghệ thông tin nầy võ công ngày càng thâm hậu. Nó đã bộc lộ tính thương mại, mục đính chính của nó là quảng cáo, sức bành trướng thật là đáng sợ! Nó thao túng mọi ngành, mọi giới! Chẳng có nơi nào mà nó không len lỏi vào. Ngoài đường rồi bây giờ vô tận nhà, lên giường, chui vô tới cầu tiêu luôn, hết đường thoát! Tâm bỗng rầu rĩ ngang xương! Tư tưởng đó đeo dính trong đầu đến độ lúc dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, đèn xanh bật lên Tâm vẫn chưa hay. Những người phía sau nhứt loạt bấm còi. Má đấm lưng Tâm: -Chạy đi! Người ta chửi kìa! Tâm nhấn mạnh bàn đạp khiến tay lái bị lệch ngang, chiếc xe từ sau chạy tới lướt sát bên cạnh rồi va vào ghi đông một cái bốp khiến Tâm lảo đảo. Ngay lập tức có tiếng quát to: -Đồ cái thằng cô hồn! Chạy vậy đó hả? Tâm ấp úng: -Xin… xin lỗi! Má thở dài: -Dân Sài gòn chắc nóng tánh nhứt nước mình! Rồi hỏi: -Quán bánh xèo đó xa hông? Tâm đáp: -Mình qua ba cái ngã tư, quẹo tay phải chạy một hồi là tới. Má cằn nhằn: -Để dành tiền mà sắm chiếc Honđa, có bao nhiêu cứ đem mua tùm lum. Ba cuốn sách đó trên mạng thiếu gì rinh về làm chi cho mất tiền còn chật nhà, chật cửa. Tâm không dám nói với má là mua để ủng hộ những nhà văn mà mình ưa thích, sợ má lại chê dở hơi. Tâm hỏi: -Má đang quay hả? Má đáp: -Ai mà dám quay ngoài đường, rủi gặp tụi giựt đồ chạy ngang xớt một cái là tiêu, mất cái điện thoại hổng nói gì, có khi còn té xe rồi bị thương, mang tật nữa! Lại đến một ngã tư, đèn đỏ lại bật lên. Tâm dừng xe cạnh một cô gái, Tâm đoán là vậy bời bộ móng tay dài ngoằng được sơn và gắn kim cương giả lên đó. Tâm suy nghĩ: -Mang bộ móng như thế nầy thì làm cái giống gì được hà trời? Thậm chí ngứa cũng đâu có gãi thoải mái. Mà nghe chị tư nói nó đâu có rẻ, tới bạc triệu lận! Tâm liếc nhìn xem cô ta mặt mũi ra sao. Cái khẩu trang màu đen che mất nửa khuôn mặt, bên trên là chiếc nón bảo hiểm. Thế nhưng bằng vào chiếc xe cả trăm triệu cô ta đang đi, Tâm đoán đây là một phụ nữ đẹp bởi thời buổi nầy cái giàu và cái đẹp khoác vai nhau cặp kè như bạn bè muối mè rau muống. Đèn xanh bật lên, cô gái cho xe vọt một cái ào, bỏ lại sau lưng một mùi thơm thoang thoảng. Tâm cấm đầu cấm cổ mà đạp như thể cố tình đuổi theo, được vài trăm thước liền thắng lại cái ét. Tâm kêu: -Chết cha! Má hỏi: -Cái gì vậy? Cán trúng đinh hả? Tâm chỉ vô tấm bảng trước một cánh cửa sắt sơn màu xám đóng kín mà nói: -Má coi nè! Má lẩm bẩm: -"Nghĩ bán về quê, mùng sáu khai trương". Rồi hỏi: -Vậy là về nhà nấu mì gói ăn phải hông? Tâm lắc đầu: -Kiếm thứ gì ăn đại, con đói bụng lắm rồi! Má chỉ tay vào cái tủ bánh bao đằng trước, nói: -Mua bánh bao đem về ăn cho gọn! Tâm tuân theo răm rắp, lại đạp xe nhanh nhanh rồi thắng lại. Người bán, một cô gái khoảng hai mươi, không rời mắt khỏi điện thoại đang cầm trên tay, hỏi: -Mấy cái? Tâm đáp: -Hai! Cổ hỏi tiếp, vẫn không thèm nhìn Tâm: -Mười lăm hay hai chục. Tâm và má đáp một lượt: -Mười lăm! -Hai chục! Cô gái mặc nhiên chấp nhận yêu cầu của Tâm, đưa hai cái bánh rồi nói: -Bốn chục! Má thở dài: -Vậy là không có làm cờ líp bánh xèo được rồi! Tâm an ủi: -Để con chở má lại chợ hoa, ở đó đẹp lắm, mặc sức mà quay! Má kêu lên: -Bộ con tính chở má ra Nguyễn Huệ hả? Xa lắm đó! Tâm lắc đầu: -Chợ hoa nhỏ ở khu vực nầy thôi! Rồi chỉ tay: -Đằng kia kìa! Tâm dừng lại trước một dãy chậu xếp hàng ngay ngắn đặt trên lề, một người đàn ông đang ngóng khách, thấy Tâm thì lật đật chạy ra tới lề đường mà đón, thiếu điều níu xe lại. Ông ta mời: -Mua mai chưng đi cậu! Năm mới chưng mai cho may mắn suốt năm. Tâm chỉ định cho má xem để quay thôi chớ đâu tính mua. Người đàn ông hình như biết Tâm định bỏ đi nên khẩn nài: -Ghé vô coi qua đi cậu, biết đâu nhờ hơi hám của cậu mà… Rồi than: -Từ sáng tới giờ ai cũng dòm một cái rồi bỏ đi, hổng hỏi han gì ráo! Kiểu nầy chắc không đủ trả tiền xe chở đi chở về. Năm nay dám lỗ thắt họng chớ hổng chơi! Tâm an ủi: -Tại có cô vít nên ai ai cũng gặp khó khăn, kiếm tiền hổng ra thì lấy đâu mà mua sắm! Ông ta thở dài: -Tui cũng biết vậy nên năm nay làm ít lại, vậy mà rồi cũng còn ê hề! Nói cậu thương chớ từ ba hôm nay không bán được một gốc mai nào! Cậu làm ơn mở hàng lại giùm, cứ coi cho mãn nhãn đi, hổng mua thì trả đại một tiếng chớ đừng có bỏ đi liền mà tụi nó tủi! Tâm nghe vậy liền chỉ tay vào cây mai trước mặt rồi hỏi: -Chậu nầy bao nhiêu vậy chú? Ông ta không trả lời liền mà khen vồ, khen dập: -Cậu đúng là dân sành điệu! Nội đây nó là gốc đẹp nhứt đó! Cậu coi cái bông nó nè! Bự ghê chưa? Nhiều ghê chưa? Cả ngàn nụ chớ đâu có ít! Nó nở một cái là cả nhà cậu vàng rực luôn! Đúng là người có mắt! Tâm nghe ổng khen nhưng không khoái chút nào bởi biết đó là lời đãi bôi. Chàng bỗng bức rức vì mang cảm giác mắc nợ ông ta. Tâm chỉ muốn trả phắc đặng đi cho rồi nên nhắc lại: -Bao nhiêu vậy chú? Ổng đáp: -Ba triệu rưởi! Tâm hết hồn: -Cây mai lùn tịt mà mắc dữ vậy? Ông ta giải thích: -Cái giá nó nằm ở cái gốc. Gốc càng lớn thì giá càng cao. Chớ cái ngọn thì nhầm nhò gì? Cậu là dân chơi chắc biết quá mà! Thật ra cái gốc mai đó cũng đâu có to lắm, chỉ lớn bằng ngón cẳng cái. Ông ta lại gật gù: -Cậu đúng là có con mắt của dân chơi mai chuyên nghiệp: Ổng cứ nhắc hoài hai chữ "có mắt" với "dân chơi" khiến Tâm nhột nhạt. Tâm định mở miệng cự rằng mình là dân thiệt chớ hổng phải dân chơi gì ráo thì bị má nhéo vô hông một cái, rồi giục nhỏ: -Đi đi con! Ông ta nghe thấy, liền hỏi bằng giọng ngạc nhiên: -Hai người là má con sao? Tui tưởng là hai chị em đó chớ! Lời khen làm má đẹp ý biết bao, Tâm đoán vậy vì nghe má đáp: -Cám ơn anh! Rồi nói tiếp: -Con trai út của tui đó! Người đàn ông lại chắt lưỡi: -Sao lại có người trẻ dữ vậy? Đẹp dữ vậy? Rồi năn nỉ: -Cô trả giùm một tiếng lấy hên đi, không mua tui cũng không đốt phong long đâu, đừng có sợ! Chắc má cũng có cảm giác mắc nợ ông ta nên nói: -Một triệu được hông anh? Ông ta cười như mếu rồi đáp: -Cám ơn người đẹp! Gía đó chưa xứng với cái công tui bỏ ra! Làm ơn trả thêm giùm một tiếng nữa để tui lấy hên đi, người đẹp ơi! Hà tiện làm chi một câu nói! Má bị cái chữ "đẹp" đó khống chế, bèn lí nhí: -Một triệu rưởi nhé! Rồi đấm lưng Tâm như biểu chạy cho lẹ. Ông chủ bán mai tinh mắt lắm, liền nói: -Rồi! Bán cho cô đó! Nói thiệt, cô thì tui mới bán đó nghen! Tâm hết hồn, bởi định ăn bánh xèo thôi nên đâu đem theo tiền nhiều. Chàng vét túi trên, túi dưới ra đếm rồi nói: -Xin lỗi chú! Cháu tính đi ăn thôi nên trong túi chỉ có vài trăm, hay là… Ông ta khoát tay: -Đừng lo! Để tui kêu người chở tận nhà giao rồi lấy tiền luôn thể. Nói xong ổng móc điện thoại ra bấm rồi nói: -Về lẹ! Giao hàng cho khách! Khoảng mười phút sau, một cô gái đi chiếc xe cũ xì cỡ đời Gia long tới, cô ta lột khẩu trang ra nhìnTâm rồi cười một cái. Tâm hết hồn tự nhủ: -Cái cô nầy sao giống chị tư dữ vậy ta! Nhờ vậy mà cái cảm giác bị sa bẩy cũng vơi đi một chút. Cô gái nói: -Em tên Mai, lại bán mai nên ai mua mai của em đều may mắn gấp đôi! Tâm thở ra nhè nhẹ, tự an ủi: -Coi như mình mua làm phước vậy đi! Làm phước thế nào cũng được phước! Biết đâu năm nay mình thi ra trường đậu thủ khoa rồi được giữ lại, khỏi phải bôn ba tìm việc!
|