Vô chơi trong trang web này, BD mới biết được Ngày Thành Lập Trường là ngày 01/10/1964 và ngày mai là tròn 44 năm kể từ ngày ấy.
Để tưởng nhớ đến Người Hiệu Trưởng Đầu Tiên Của Nhà Trường - Thầy Dương Văn Út, BD xin lục lọi lại mấy bài viết cũ trên D Đ này để gởi lại cho mọi người đọc.
Còn một số bài nữa, nhưng BD chưa tìm ra. Khi rảnh, BD sẽ tiếp tục.
Và nhân đây, BD cũng mời mọi người tiếp tay giùm (cả bài viết và hình ảnh) tanchau trong "THẦY HIỆU TRƯỞNG DƯƠNG VĂN ÚT" {L_WROTE}:
THẦY HIỆU TRƯỞNG DƯƠNG VĂN ÚT
Nghiêm! Cả lớp đứng dậy theo tiếng hô dõng dạc của anh lớp trưởng, thầy Hiệu Trưởng bước vào, theo sau là một người chống nạng, bị liệt nửa thân người. Trong suốt thời gian dưới mái trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tân Châu, cả đệ thất, đệ lục, hàng năm thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út vẫn làm công việc này. Thầy đưa người bị liệt nửa thân đi từng lớp, hùng hồn, mạnh dạn với thái độ cứng rắn, thầy minh chứng những âm mưu tiêu diệt nhân tài nước Việt của người Pháp.
Dáng gầy, dong dỏng cao, thầy không dạy môn lịch sử, thầy dạy môn Pháp Văn. Nhưng có lẽ thầy là người đầu tiên gieo vào lòng chúng tôi những mầm yêu quê hương, giống nòi và tinh thần dân tộc. Vẫn một bài diễn thuyết, một sự việc mỗi năm một lần, nhưng trong đầu óc trẻ thơ của những cậu học trò tiểu học ngày đó, hình như cảm xúc về quê hương dân tộc cứ lớn dần theo từng năm. Để chúng tôi luôn tự hào, thán phục chiến thắng vẻ vang của quân Tây Sơn mùa xuân Kỷ Dậu, để chúng tôi từng ao ước được ở trong đoàn quân tổ ba người, luân phiên võng nhau thần tốc về Thăng Long tiêu diệt quân Thanh xâm lược của Tôn Sĩ Nghị, để nghe được tiếng reo hò của toàn dân hoà lẫn tiếng chân mình hiên ngang tiến vào kinh đô.
Còn những buổi chiều lén mẹ ra bãi cát đầu kinh Vĩnh An tập trận cờ lau, ngày ấy cạnh bãi cát vẫn còn những bụi lau. Thấy lòng nao nức, thấy mình thật sự anh hùng. Sau những buổi tập trận thường là tắm sông thoả thích, nhảy xuống dòng thủy triều dâng dần theo con nước lớn, trong cái trí óc trẻ con, chúng tôi lại nghĩ Ngô Quyền sao mà quá hay, quá mưu lược, chỉ với con nước lớn, nước ròng đã làm nên trận Bạch Đằng lịch sử, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Chúng tôi lại hì hục cấm những ngọn lau lên bãi cát mà tưởng như mình đang ở trên khúc sông lịch sử ngày đó với những cây cọc nhọn giáp sắt.
Thầy còn là bạn của ông nội, ở nhà anh em chúng tôi vẫn gọi thầy bằng ông. Ở trường thầy đạo mạo nghiêm chỉnh bao nhiêu thì gặp thầy ở nhà vui vẻ cởi mở bấy nhiêu. Thầy thường sang nhà chuyện trò với nội tôi, những câu chuyện kéo dài hàng giờ. Tôi thường ngồi quanh quẩn đâu đó, hoặc núp sau tấm màn cửa phòng khách lắng nghe chuyện càn quét của lính Tây ở quê ngoại, nơi mà quê hương mình được người Pháp qui định là vùng bắn phá tự do. Ở cái tuổi trẻ con ngày đó, tôi rất sợ những chuyện thầy kể về những người theo Pháp, trùm bao bố chỉ mặt những người chống chính quyền Pháp trên bến tàu cầu đúc chợ Tân Châu. Tôi đã sợ hãi những người này như những bóng ma, quỉ dữ, và đêm đó, anh em chúng tôi chui cả vào một giường cho đỡ sợ. Càng sợ bao nhiêu thì chúng tôi lại lâng lâng cái cảm giác như được chứng kiến tận mắt ngọn lửa hồng Nhật Tảo khi mà Nguyễn Trung Trực oai hùng đốt tàu giặc, những bài học lịch sử ngày ấy không thể nào quên.
Đó là những hình ảnh vẫn ở mãi trong ký ức mỗi khi tôi nhớ về thầy Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học Cộng Đồng Tân Châu đáng kính ngày nào. Chưa bao giờ thầy dạy chúng tôi phải yêu nước như thế nào, chưa bao giờ thầy dạy chúng tôi phải làm gì để chứng tỏ lòng yêu nước. Nhưng chính thầy là người đã nung nấu cái tinh thần yêu nước cho những cậu học trò tiểu học ngày đó. Có lẽ thầy hiểu rằng cái yêu nước được thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau, tùy hoàn cảnh, địa vị của từng cá nhân, từng thời kỳ lịch sử. Trong phạm vi hạn hẹp của trang diễn đàn này, tôi thiết nghĩ lòng yêu nước phải được thể hiện trước tiên ở sự quí trọng và đoàn kết giữa bạn bè, tình yêu quê hương xứ sở. Chung lưng góp sức cùng làm quê mình trở nên giàu mạnh, phồn vinh cũng là một cách. Tôi lại nhớ bài giảng về lòng yêu nước của vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, quên thù nhà để lo nợ nước, cùng Trần Quang Khải làm nên nghiệp lớn. Ấy thế mới đáng danh là người anh hùng, ấy thế mới là một kẽ sĩ yêu nước chính hiệu con nai vàng.
“Viết với tất cả lòng kính trọng thầy Hiệu Trưởng Dương Văn Út”
“tanchau”
Ngoc La trong "BAY VỘI VỀ ĐÀN" {L_WROTE}:
VỚI THẦY DƯƠNG VĂN ÚT
Năm Đệ lục (lớp 7), bọn tôi học Pháp văn với thầy Út. Bọn tôi truyền tai với nhau rằng thầy rất giỏi Pháp văn vì hồi xưa thầy học trường Pháp. Và đúng như vậy, Thầy đọc và nói rất hay, rất lưu loát. Nhớ nhất là tính thầy rất phóng khoáng, lạc quan, hay kể chuyện vui, qua đó giáo dục nết ăn, nếp ở cho bọn trò nhỏ. Có những chuyện Thầy kể đến giờ tôi còn nhớ như in. Do Thầy bận việc quản lý trường Nam TH nên có những tiết Thầy không lên lớp được mà giao bài cho bọn mình tự chép lên bảng, sau đó (cuối tiết hoặc tiết sau) Thầy mới giảng và cho làm bài tập. Khi thấy đã muộn giờ, thầy, với cặp da vàng kẹp nách, bước vội vào lớp và hỏi «Học tới đâu rồi các con?». Thầy lại hay quên nên có khi bọn tôi, do ham nghe thầy kể chuyện, đã giả bộ nói với thầy rằng bài Grammaire đó thầy giảng rồi. Được thầy kể chuyện nghe là sướng mê tơi rồi (nháy mắt cười hí hí với nhau), còn bài vở có hiểu hay không...cứ để đó! Lí lắc quá phải không các bạn? Ngày đó nếu thầy mà biết được thì chắc thầy cũng cười hì hì và tha thứ? À, bọn mình còn thích thầy kể chuyện còn do ở chỗ sau khi kể cho bọn mình cười, thầy cũng cười thoải mái...nhưng ngộ nghĩnh một điều là thầy cười thì «tiếng trống», mà thầy nói thì «tiếng mái». Nghe thầy cười tiếng trống bọn mình càng cười già. (Xin vong linh thầy tha lỗi, bọn con còn con nít nên vô tư thế chứ không có ác ý gì Thầy ơi! Bọn con nay vẫn biết dạy con cái là không được cười những tật bẩm sinh của người khác mà)
Có lần, vì mê nghe thầy kể chuyện nên bọn mình nhiều đứa há hốc mồm. Thấy vậy, Thầy ngưng lại và nói: «Mấy con há hốc mồm như vậy nguy lắm nhe!» - «Sao vậy, thưa Thầy?» - «Ừ, muốn biết sao thì nghe thầy kể thêm chuyện này nè...
«Ngày xưa, trong một gánh hát bội....(1)...»
Lần khác, thấy bọn mình đọc bài lecture không đều, cứ ê a đứa trước đứa sau,Thầy cười và bảo: «Các con đọc nghe “lỏn tỏn” quá! Biết lỏn tỏn là gì không? Các con nghe thầy kể chuyện này rồi sẽ biết...
Có một cậu bé đi chợ mua dép...(2) ...»
Các bạn hãy giúp mình kể tiếp hai câu chuyện trên nhe các bạn, mình chờ đấy.
Thầy còn có cái độc đáo nữa là dạy bọn mình các bài văn vần bằng tiếng Pháp và cách diễn tả bằng điệu bộ khi đọc. Đứa nào cũng phải thuộc, Thầy chỉ định là phải lên diễn. Thầy dạy 2 bài, trong đó có bài “Le bon écolier”. Hồi đó được thầy dợt bài này quá kỹ nên đến giờ tôi vẫn còn nhớ được nhiều. Để tưởng nhớ Thầy, tôi xin chép lại, nếu có sai và thiếu, các bạn sửa và bổ sung dùm nhe.
Le bon écolier
Maintenant, je vais à école.
J’apprends chaque jour ma leçon.
Le sac qui pend à mon épaule
Dit que je suis un grand garçon
L’an passé cela va sans dire.
J’étais petit, mais à présent
Que je sais compter, lire, écrire.
C’est bien certain que je suis grand
Quand le maître parle
J’écoute, et je retiens ce qu’il me dit.
Il est content de moi sans doute
Car je vois bien qu’il me sourit.
(đến câu cuối này là phải đặt ngón tay trỏ lên mép miệng và … nghiêng đầu cười duyên)
Vô thường Niệm trong “ĐÔI DÒNG GIAO CẢM” {L_WROTE}:
........................................................
Ðầu tiên là ký ức về một ông thầy giáo già thích kể chuyện đời xưa.. Mời các bạn nghe lại :
"tính thầy rất phóng khoáng, lạc quan, hay kể chuyện vui, qua đó giáo dục nết ăn, nếp ở cho bọn trò nhỏ."
Dù có cắt đi cái tít nằm ở đôi hàng trên những dòng này trong bài viết của Ngọc La, bạn nào từng học qua với nhà giáo già đáng kính đó lại không nhận ra ngay thầy Dương Văn Út? Thầy có biệt tài kể chuyện đã đành, mà chuyện nào của thầy cũng mang tính ôn cố tri tân. Bao giờ thầy cũng kết thúc buổi kể chuyện bằng cách chỉ rõ cho bọn học trò nhỏ đang độ tuổi con, tuổi cháu của thầy đâu là bài học luân lý rút ra được từ câu chuyện kể. Ðó là những bài học công dân gíáo dục (bây giờ, đang ở trên đỉnh cao trí tuệ loài người, môn học này có tên là gì hả các bạn?) tuyệt thú. Nhẹ nhàng mà thấm sâu, đọng lại mãi trong tâm hồn chúng ta. Cần quái gì những từ ngữ đao to búa lớn tràng giang đại hải mà khó nuốt còn hơn bả mía khô?
Nhưng thôi, chúng ta hãy xem cái cách Ngọc La miêu tả những đứa học trò đệ thất, đệ lục ngày ấy say sưa tiếp thu các bài học công dân giáo dục đầy tính sáng tạo của thầy Dương Văn Út như thế nào:
"Có lần, vì mê nghe thầy kể chuyện nên bọn mình nhiều đứa há hốc mồm."
......................