Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 11:26
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Món quà xuân «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1362 | Trả lời: 5)
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân
Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 1 2022, 01:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Tuyến xe buýt từ phà Bến cát đến công viên Văn Lang có lẽ là tuyến ít hành khách nhứt, xe cũ nhứt và đường xá tệ nhứt! Trong xe chỉ có vỏn vẹn ba hành khách mà thôi! Kha ngồi một mình ở băng ghế cuối và hai cô gái trẻ ngồi tận băng đầu. Tuy kẻ đầu sông kẻ cuối sông, nhưng cuộc trò chuyện của họ vẫn lọt vào tai chàng không rơi ra ngoài đến một tiếng.
Cô mặc áo xanh hỏi cô mặc áo tím:
-Bộ mầy nghĩ học luôn hả?
Cô gái áo tím đáp bằng giọng buồn hiu:
-Máy đâu mà học? Cho dù có máy đi nữa mỗi tháng kiếm đâu ra hai trăm năm chục ngàn đóng tiền mạng?
Cô áo xanh chép miệng:
-Sao không xin chú hai, thím hai sắm cho mầy một cái?
Giọng cô áo tím buồn buồn:
-Sắm được là ổng bả sắm cho tao rồi, đâu cần xin!
Cô áo xanh lại hỏi, giọng còn buồn hơn:
-Nghỉ học thì mầy làm cái gì?
Cô áo tím lắc đầu:
-Có cái giống gì đâu mà làm? Mấy cái quán ăn đóng cửa hết rồi đâu có ai mướn rửa chén, chợ cũng vậy, ế nhệ nên ai mà cần người phụ lặt rau, làm cá!
Cổ thở dài một cách ngậm ngùi rồi nói thêm:
-Nghe nói chuyến xe buýt nầy còn chạy có hôm nay nữa là thôi luôn đó!
Cô áo xanh thảng thốt:
-Vậy là tao với mầy cũng hết gặp nhau sao?
Cô áo tím gật đầu. Lát sau mới nói bằng giọng e dè:
-Mầy hỏi dì út coi bả có mướn người làm hông? Nghe nói chị Nở xin nghĩ để đi về quê hả?
Cô áo xanh thở dài, đáp:
-Dì út tao cho chỉ nghĩ chớ chỉ đâu có xin! Tại cái dịch nầy nên dỉ không dám mướn người làm, với đâu còn nhận đồ may nữa mà mướn.
-Sao dỉ không nhận đồ nữa?
-Sợ lây, mà có nhận cũng không ai đem tới! Thời buổi nầy tiền còn không đủ để đong gạo, lấy đâu ra mà mua vải may áo mới! Hay là mầy tới nhà tao ở đi nghen, đặng xài ké cái máy của tao.
Không để ý đến cái lắc đầu phản đối của cô áo tím, cô ta nói tiếp bằng giọng hào hứng:
-Để tao xin ổng bả còn mầy thì xin phép chú thím hai.
Cô áo tím rút vai:
-Mấy ông anh mầy ba mươi lăm quá trời, tao hổng dám ở đâu!
Cô áo xanh nghe bạn đáp như vậy thì coi bộ giận, đang ngồi sát rạt bèn xích ra xa một chút.
Cô áo tím làm ngược lại, nhích sát vào, rồi cầm tay cô áo xanh mà hỏi:
-Bộ mầy giận tao hả? Nói cho mầy biết, hai ông anh mầy ông nào cũng dê tao hết đó! Ông anh hai còn dám đưa tay tính rờ ngực của tao nữa chớ! Bữa đó tao sợ quá chạy gần chết, tuột một chiếc dép mà không dám dừng lại lấy, báo hại về nhà bị bà má chửi te tua!
Cô áo xanh cự:
-Sao mầy không nói liền với tao đặng tao mét ông già đập cho thằng chả một trận? Hèn gì cái hôm đổ bánh xèo tao đợi hoài mà hổng thấy mầy tới!
Cô áo tím đưa tay áo quẹt ngang mắt, rồi nói bằng giọng nghẹn ngào:
-Chắc tại ảnh thấy tao nghèo nên xem thường mới dám làm như vậy? Với chị Nhàn, bạn gái ảnh đó, ảnh cư xử lịch sự lắm mà!
Cô áo xanh nói bằng giọng cương quyết:
-Mầy đừng có lo, cứ tới nhà tao ở đặng học chung. Tao với mầy ở cùng một phòng, hể mình đi đâu thì cũng đi hai đứa, như vậy khỏi lo ổng trổ mòi.
-Ba má mầy dễ gì chịu, sợ tao lây bịnh cho mầy. Có khi còn cấm mầy tới nhà tao nữa đó!
Cô aó xanh bỗng nức lên một tiếng, khóc hu hu rồi nói:
-Sao tao thương mầy quá Hiền ơi! Học giỏi như vậy mà nghĩ ngang thiệt là uổng! Phải chi tao có đủ tiền là mua cho mầy một chiếc máy vi tính liền rồi lấy tiền ăn sáng cho mầy trả phí quai phai.
Câu nói đó bỗng bám vào đầu Kha rồi không rơi ra nữa, chàng chợt nhớ đến cái máy cũ của mình. Hôm trước cô em bà con bạn dì của chàng về chơi hơi lâu nên mang theo máy tính, thấy ông anh của mình vẫn còn xài cái máy cổ lỗ sĩ thì để lại cho chàng mà không chịu xách theo. Từ bấy đến nay, cái máy cũ bị xếp xó chưa được mở ra lần nào. May mắn làm sao có người đang cần, mình đem nó cho cô gái nầy thì được phước gấp đôi cái việc góp tiền xây chùa.
Nghĩ vậy nên khi hai cô gái xuống trạm kế tiếp Kha lẽo đẽo theo sau. Chàng bước lui về phía sau khá xa để không bị phát hiện. Hai cô gái vẫn vừa đi vừa noí chuyện râm ran.
Chàng bỗng nghe cô áo xanh hỏi lớn:
-Thiệt hả?
Cô gái áo tím gật đầu rồi cả hai ôm chầm lấy nhau, họ dừng lại khóc cho đã đời rồi mới đi tiếp, thế là khoảng cách còn ngắn ngủn, Kha định đi thụt lùi thì nghe cô áo xanh nói:
-Thôi đi lẹ lên đặng tao ghé chợ nữa?
-Chi vậy?
-Đặng tao mua cho thím hai một thùng mì Hảo Hảo.
Cô áo tím lắc đầu nguầy nguậy:
-Khỏi, khỏi, má tao bả không có lấy...
Cô aó xanh gạt phắt:
-Tao có cách làm cho thím hai phải lấy, để rồi mầy coi!
Kha không đi theo họ vô chợ mà ghé vào xe nước mía đậu dưới táng cây trứng cá.
Chàng dừng lại ở khoảng cách hai mét đúng như qui định rồi hỏi cô gái bị cái nón lá và khẩu trang che mất tiêu mắt mũi miệng:
-Sao không thấy bàn ghế gì hết vậy cô?
Cô gái ngồi sau xe nước mía đáp:
-Nhà nước bắt bán đem đi chớ không được ngồi tại chỗ uống nên dẹp hết bàn ghế rồi anh ơi!
Thấy Kha chần chừ, cô ta bèn hỏi:
-Anh có mua không?
Kha gật đầu, hỏi:
-Tui đứng đây mà uống có được không cô?
Cô gái chỉ tay vào phía bên kia đường, bảo:
-Anh mua rồi làm ơn đem qua bên bển uống giùm, chớ uống tại đây công an bắt gặp là tui bị phạt nặng lắm đó!
Hồi nhỏ có lần Kha vừa đi đường vừa cạp bắp, má bắt gặp rồi bị rầy tơi tả. Má dạy rằng đàn ông con trai không nên ăn vặt ngoài đường, muốn ăn là phải ngồi quán xá đàng hoàng chớ không có được vừa đi vừa ăn, người ta sẽ chê là con nhà thiếu giáo dục. Kha không khát, chỉ vì muốn bám theo họ để làm quen nên đành phá lệ. Chàng gật đầu:
-Cô cho tui một bịch, nhớ xây trái tắc vô nhiều nhiều!
Cô ta mừng húm, cầm cây mía còn nguyên cả vỏ lên róc rồi cho vô máy cán cho dẹp lép, khô queo. Vừa bỏ bốn trái tắc vào cổ vừa nói:
-Một ly có hai trái tắc thôi, tui cho anh tới gấp đôi lận đó!
Kha cười, cố tình híp mắt để cổ biết mình rất hài lòng.
Chàng vừa nhận bịch nước mía với cái ống hút cắm sẵn là hai cô gái từ trong chợ đi ra. Ngoài thùng mì cắp nách, cô gái áo xanh còn kèm thêm một túi đựng hai hộp trứng gà. Cô gái áo tím thì xách một cái bao khá to, chẳng biết món gì trong trỏng vì chúng bị lớp nhựa đen thui che kín. Họ đi qua mặt chàng sát rạt mà không chú ý, bằng đuôi mắt chàng nhận ra nửa gương mặt của cô gái áo tím với chiếc thẹo nhỏ nằm sát chân mày.
Khi bọc nước mía trên tay Kha chỉ còn lại mấy viên đá lổn nhổn thì hai cô gái ghé vào một căn nhà cấp bốn sát bên cái miểu, người phụ nữ trung niên đang ngồi ngoài hiên với mớ vỏ khoai mì rải rác trên mặt đất ngước mặt lên, thấy họ liền hỏi bằng giọng mừng rỡ:
-Bộ hôm nay con không có giờ học hay sao mà đi theo nó vậy Bích?
-Dạ! Con nghe Hiền nói chú bịnh nên đến thăm, chú đỡ chưa thím?
-Đỡ rồi!
Hiền lấy trong túi áo ra một bao ni lông trắng đựng mấy viên thuốc nhỏ xíu, nói:
-Con có mua thêm thuốc cho ba nè!
Kha định đi tiếp nhưng nhận ra mình đang ở cuối đường, người phụ nữ trung niên thấy chàng đứng lóng ngóng bèn hỏi:
-Chú kiếm nhà ai vậy?
Kha bịa đai một cái tên vừa nhớ:
-Ông thầy giáo Giỏi có ở xóm nầy không thím?
-Hông? Xóm nầy toàn nhà nghèo không hà! Mấy thầy mấy cô ai mà chịu tới cái chỗ như vầy mà ở?

(còn tiếp)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân 2
Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 1 2022, 22:37
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nhớ lời cô áo tím nói chuyến xe chàng vừa đi là chuyến chót, bắt đầu ngày mai tất cả những tuyến xe sẽ ngưng hoạt động, Kha gọi chiếc xe ôm nhờ chở đến nhà người bà con để giao tiền rồi chở tiếp đến trạm xe ban nãy để quay về nhà liền.
Trên xe không có đến một bóng người, chẳng thấy bác tài và nhân viên soát vé đâu nên Kha đứng tần ngần. Một giọng đàn ông từ quán cà phê bên kia đường vọng sang:
-Chờ lâu lắm nghen, có chịu nổi hông? Tui phải đón mấy chiếc phà qua đặng kiếm thêm vài người khách rồi mới chạy.
Kha nghe vậy thì lật đật bước lên xe, đi tuốt tới cái băng ghế sau cùng mà ngồi.
Đã hơn mười phút trôi qua mà chẳng thấy ai đến, bỗng chàng giật thót người vì cô gái áo xanh ban nãy xuất hiện. Vừa bước lên xe cô ta vừa ngó dáo dác, nhận ra Kha là người ban nãy hỏi thăm thím hai về ông thầy giáo tên Giỏi nên cô đứng sửng lại, nhìn chàng giây lát rồi gật nhẹ đầu. Cô gái vẫn ngồi lên băng ghế cách bác tài không xa lắm, vậy là cả lượt đi lẫn về cự ly của họ vẫn giữ nguyên. Khi không mà Kha nhớ lại một bài thơ vui vui:

Trên xe chỉ có ta thôi
Em ngồi băng trước tôi ngồi băng sau
Nhìn em dạ bỗng nao nao
Muốn lên ngồi kế mà nào dám đâu
Ước chi có phép nhiệm màu
Bánh xe sụp hố em văng vào lòng tôi...

Kha chỉ ngâm thầm trong dạ vậy mà cô gái kia vẫn nghe thấy rồi đứng lên đi te te xuống gặp chàng. Tim Kha đập nhanh gấp đôi lúc vượt những mét cuối cùng trong cuộc thi điền kinh mấy năm trước.
Cô gái nhìn chàng và cho dù miệng mũi của cổ đã bị chiếc khẩu trang che kín, thế nhưng Kha biết chắc cô nàng đang cười vì chiếc đuôi của hai con mắt bỗng trở nên cong vút.
Kha mừng như trúng số, chàng lấp bấp:
-Chào cô! Mời... cô ngồi xuống đây, chẳng hay cô cần tui giúp....
Cô gái lắc đầu để ngắt lời chàng, nàng ngồi cách Kha một khoảng rồi mở túi xách đưa Kha chiếc khẩu trang còn nguyên bao bì. Cô ta nói nhỏ:
-Anh không đeo khẩu trang là bị đuổi xuống xe rồi bị phạt nặng lắm đó!
Câu nói ấy khiến Kha giựt mình, chợt nhớ ra ban nãy mình uống nước mía nên tháo bớt một quai của chiếc khẩu trang, giải phóng cái miệng đặng ngậm ống hút, nó chỉ bám tòn teng một bên tai nên rơi mất từ hồi nào chàng cũng không hay!
Kha nhận chiếc khẩu trang từ tay cô gái, mặt đỏ bừng bởi vừa quê vừa cảm động.
Trao chiếc khẩu trang cho Kha xong, Bích liền đứng lên, Kha vét sạch lòng can đảm trong người ra mà xài hết một lần:
-Bích làm ơn nán lại cho tôi nói chuyện nầy.
Việc bị người con trai lạ hoắc gọi tên đúng bon khiến Bích chới với. Nàng hỏi, giọng ngạc nhiên tột độ:
-Anh biết tui sao? Bộ anh là bạn của mấy ông anh tui hả?
Kha lắc đầu, cười một cách bí hiểm, rồi nói:
-Chẳng những biết tên mà tôi còn biết Bích đang nghĩ gì nữa kìa!
Bích hỏi một cách chế giễu:
-Thật sao? Bộ anh có phép thần thông hả?
Kha không đáp mà hỏi một cách trịnh trọng:
-Có phải Bích đang tìm cách để giúp người bạn thân của mình tiếp tục học hay không?
Bích kinh ngạc, cô đang đứng lên liền thả rơi người xuống rồi hỏi:
-Sao anh biết?
Kha cười bí hiểm hơn:
-Chắc Bích đang nghĩ cách xin tiền ba má để mua máy tính cho cô ấy chớ gì? Bây giờ nhà trường đâu dám cho học sinh tới lớp nữa, học online nên không có máy là coi như khỏi học !
Đôi mắt vốn đã to của Bích càng to hơn.Giọng nói của cô bắt đầu nhuốm mùi cảnh giác:
-Anh là công an mật hả? Hèn gì...
Kha biết mình đã đi quá trớn, chàng lật đật thú thật:
-Thật ra ban nãy tôi cũng đi cùng xe với cô, cũng ngồi tuốt dưới nầy nên cô đâu có thấy. Cuộc trò chuyện của hai cô lọt hết vào tai cho dù tôi không cố ý! Tôi có dư một cái máy vi tính nên...
Nói tới đó Kha bỗng dưng ngắc ngứ.
Bích hỏi:
-Anh tính bán bao nhiêu?
Kha lắc đầu:
-Máy cũ xì mà bán cái gì? Tôi ...
Bích vừa nghe đến đó là chộp lấy tay Kha bằng cả hai bàn tay của mình, nói bằng giọng hấp tấp:
-Anh tính cho nó hả? Cho liền đi anh, nó đang cần gấp lắm! Anh biết không, cả năm nay nó phải qua nhà bà cô ruột để xài ké máy. Hổng biết tại sao mà hôm qua bả đuổi nó thẳng tay, biểu đừng bao giờ tới nhà bà nữa, chắc sợ nó đem con Cô vít tới! Con Hiền học giỏi lắm anh ơi, nhứt lớp lận đó! Nó mà học hết năm nay là được chuyển thẳng vô đại học khỏi phải thi cử gì hết! Nếu phải bỏ học chắc nó dám buồn tới tự vận!
Kha hết hồn, hỏi:
-Bộ cổ nói như vậy hả?
Bích lắc đầu:
-Nó dễ gì nói nhưng "em" biết!
Con gái hình như khoái dùng mỹ nhân kế lắm! Họ dùng nó một cách phản xạ, Bích đâu có hay cô đã tự động chuyển cách xưng hô từ chữ "tui" sang "em" một cách êm ru. Để đạt cho bằng được mục tiêu, Bích tả oán thêm:
-Nhà nó nghèo lắm anh ơi! Má nó bán hàng bông ngoài chợ còn ba nó thì bịnh rề rề hoài. Em kêu nó về ở chung mà nó từ chối.
Kha hỏi:
-Sao vậy?
Bích đáp:
-Tại...nó thương ba nó lắm, sợ nó đi là ổng nhớ rồi bịnh nặng thêm!
Phụ nữ là vậy đó, họ luôn tìm cách bao che cho những người thân, cái câu "con hư tại mẹ" ngẫm ra không sai là mấy! Nói tới đó không hiểu Bích thương tâm thật sự hay kỹ thuật chiêu dụ đã đạt đến mức thượng thừa, cô chớp mắt mấy cái, hai giòng lệ liền lăn dài trên má.
Kha chết ngắc liền, nhìn Bích bằng tia mắt vô cùng tha thiết.
Bích hỏi:
-Anh tính chừng nào đem máy lại cho nó ?
Kha ấp úng:
-Ngay bây giờ có được không cô?
Bích gật đầu, bám sát liền:
-Được chớ, được chớ! Anh tính tự tay đem cho hay để em theo anh tới nhà rồi ...
Kha lật đật đáp, đổi ngay cách xưng hô hoàn toàn không phải vì vô tình:
-Em đi theo tới nhà anh cho biết nghen! Rồi anh lấy xe chở em đem máy tới nhà cho cổ luôn, có được không?
Bích lại gật đầu lia lịa:
-Được chớ! Được chớ!
Ngần ngại giây lâu, Bích hỏi tiếp:
-Nhà anh có ai với ai nữa vậy?
Kha đáp:
-Có anh với má anh thôi, má anh bị tai biến năm ngoái, nên nằm xem ti vi với tập mấy bài vật lý trị liệu để phục hồi chức năng suốt ngày.
-Vậy mà anh dám đi bỏ bác ở nhà một mình sao?
Kha đáp:
-Anh đi công chuyện chớ đâu phải đi chơi! Từ hồi má bị bịnh tới nay anh xin đem việc về nhà làm đặng săn sóc má cho tiện, bị bớt lương, mất một mớ tiền nhưng anh đành phải chấp nhận.
-Vậy là Cô vít đâu có ảnh hưởng nhiều tới anh hén?
-Sao mà không? Má anh hai ba thứ bịnh nền, anh lo cho má nhiều lắm! Hôm nào má ăn cơm ít, than không nghe mùi vị gì hết là anh rầu gần chết, ngủ không có được!
Bích chép miệng:
-Anh nói y chang con Hiền! Nó còn cầu xin Quan Thế Âm Bồ Tát phò hộ cho ba nó hết bịnh là nó mua mấy cuốn tập về chép kinh đem phát đó.
Kha nói:
-Bây giờ đâu ai còn chép tay nữa, người ta đem đi phô tô không hà, khỏe re mà cũng đâu có tốn kém nhiều!
Bích lắc đầu:
-Vậy là anh không có hiểu rồi! Mình phải chép mới giàu công đức, các ngài mới cảm ứng chứng minh, lời cầu xin mới hiệu nghiệm đó!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân 3
Gửi bàiĐã gửi: 21 Tháng 1 2022, 22:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Kha gật gù ra vẻ đồng ý. Để giữ Bích ngồi cạnh bên mình, chàng moi óc tìm chuyện để nói, chưa nghĩ ra thì Bích đã cất lời, giọng có chút trách móc:
-Em còn chưa biết tên của anh đó nghen!
Kha mừng húm, nói liền:
-Kha, anh tên Kha, Trần Nam Kha.
Bích xuýt xoa:
-Tên đẹp quá! Em nghe quen quen, hình như có nghe cái tên nầy ở đâu rồi thì phải!
Kha cười:
-Ai nghe anh xưng tên xong cũng nói câu ấy!Thật ra đâu có ai dám lấy cái tên đó đặt cho con mình. Sỡ dỉ em nghe quen vì nó nằm trong cái tích "giấc mộng Nam Kha" mà thiên hạ thường kể đó!
Bích kêu lên:
-Đúng rồi! Mà sao anh được đặt cái tên đó vậy?
Kha đáp:
-Anh cũng đâu có biết! Ba anh ổng dán cái nhãn đó vô sản phẩm của mình xong là chui xuống đất trốn luôn, đâu có dám gặp lại để bị anh cự nự.
Bích hỏi:
-Tại sao mà cự nự, em nghe rất hay mà!
Kha hỏi lại:
-Bộ em chưa đọc qua cái điển tích ấy hay sao?
Bích lắc đầu:
-Em ghét đọc sách lắm!
Kha nói bằng giọng thương hại:
-Vậy là em thiệt thòi nhiều lắm có biết không? Song song với cái thế giới khô khan, trần trụi và có chút nhẫn tâm nầy là một thế giới vô cùng tốt đẹp. Ở đó con người ta ai cũng phát hào quang, đầy lòng nhân ái. Họ sống trong một môi trường trong lành, hoàn hảo, chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi! Suy cho cùng tận trong tâm khảm của chúng ta, dù là người tàn ác nhứt vẫn khát khao được thương yêu và hạnh phúc.
Bích cười, nhấn mạnh:
-Chỉ tưởng tượng thôi thì ai làm không được, đâu cần nhờ đọc sách?
Kha đáp một cách nghiêm túc:
-Sách là những hạt giống quí giá nhứt của vườn ươm tư tưởng đó! không có nó khu vườn của em sẽ nghèo nàn lắm, sẽ...
Bích ngắt ngang bằng một câu hỏi:
-Cái điển tích giấc mộng Nam kha ấy như thế nào?
Kha kể cho Bích nghe rồi nói:
-Vì vậy mà những người mang cái tên ấy đại diện cho những kẻ mơ mộng hão huyền, chằng có chút tài năng lẫn may mắn trợ lực. Đường công danh của họ hết sức gập ghềnh và chi chít ổ gà, họ chỉ gặp toàn thất bại mà thôi!
Bích nói:
-Ba anh đặt cho anh cái tên xui như vậy mà má anh không dám phản đối sao? Anh là do má anh sanh ra, bà phải nắm quyền quyết định chớ!
Kha lắc đầu:
-Má anh học ít xịt hà! Chữ chưa đầy lá mít có biết cái gì đâu mà phản với đối! Với lại nghe đâu ngày trước ba anh có uy lắm, không ai dám cãi ý ổng hết! Ông bà nội anh chỉ sanh được một mình ổng thôi bởi vậy mà cưng chìu hết mức, cho đến nổi để ổng leo tuốt lên đầu lên cổ. Nghe má anh kể lại, ba anh từ nhỏ tới lớn chỉ thích làm theo ý mình, ổng khoái sống tự lập nên hai bàn tay trắng làm nên món nợ khổng lồ. Ông bà nội của anh phải bán ruộng, bán đất mà trả cho người ta, cũng may chưa kịp bán nhà, nhờ vậy mà bây giờ mẹ con anh mới có một chỗ để che mưa tránh nắng.
Bích suy nghĩ giây lâu rồi hỏi:
-Cái tên nầy có ảnh hưởng đến cuộc sống của anh không?
Kha gật đầu:
-Sao mà không? Tại nó mà hai mươi lăm cái đơn xin việc của anh chỉ có một cái được mời phỏng vấn. May là đậu liền chớ không thôi chắc anh đã gia nhập cái nghiệp đoàn bán vé số, mùa dịch nầy chết nghoẽo luôn rồi!
Bích cười, ghẹo:
-Anh là mỹ nam mà, bán vé số hổng chừng trở thành tỷ phú đó!
Kha cũng cười theo:
-Anh cũng biết vậy, nhưng đi suốt ngày thì lấy ai coi sóc cho má?
Bích lại hỏi:
-Coi bộ anh thương má anh nhiều lắm hả?
Kha gật đầu:
-Má đáng thương lắm! Hồi trước má anh nuôi anh bằng cái nghề bán cá, toàn bán cá đồng mới khổ!
Bích ngạc nhiên:
-Sao vậy?
Kha thở dài:
-Cá đồng còn sống nhăn không hà! Người mua bắt mình phải đập đầu cho tụi nó chết rồi đánh vãy, lóc xương có khi còn phải phanh thây chúng ra trăm mảnh họ mới chịu. Má anh sợ tội lắm nhưng khách hàng là thượng đế mà, mình đâu thể nào chống lại.
Dừng lại một lát, chàng kể tiếp bằng giọng bùi ngùi:
-Má cứ nói hoài cái câu "hể con có việc làm, kiếm cơm được rồi là má bỏ nghề liền". Anh vừa đi làm được một năm, má anh đi chùa được vài lần là bị đột quỵ!
Bích bùi ngùi:
-Tội nghiệp cho anh quá! Phải chi...
Cô chưa kịp nói tiếp thì bị Kha chận:
-Cũng may mà má còn sống để anh có dịp trả hiếu! Má anh tuy bị bán thân bất toại nhưng bà không có buồn rầu hay than trời trách đất rồi muốn nghỉ sống đâu! Má nói má ráng sống đặng trả cho hết nghiệp để ra đi cho nhẹ nhàng, chỉ tội nghiệp cho anh là phải chịu cực. Anh nói với má là anh rất sợ phải ở nhà một mình, chừng naò anh có con đàn cháu đống má mới được bỏ anh mà đi, còn không thôi má đi đâu là anh theo đó, kè kè một bên đặng kiện cho tới cùng để đòi lại công bằng cho má! Má mà không được đền bù thỏa đáng là anh náo loạn thiên cung luôn, chừng đó tội má còn nặng thêm!
Bích nhìn Kha bằng đôi mắt long lanh rồi nói:
-Anh có một biệt tài, anh có biết không?
Kha ngạc nhiên:
-Biệt tài gì?
Bích đáp:
-Đó là kể chuyện buồn bằng giọng điệu rất hài hước, khiến cho người ta cười ra nước mắt!
Kha hỏi lại:
-Em nói vậy là khen hay chê? Bởi cái câu "cười ra nước mắt" nầy dùng để chỉ người đang lâm vào tình cảnh trớ trêu, cay đắng vô cùng.
Bích lắc đầu:
-Khen, bái phục luôn, thiệt đó! Em nói hoàn toàn theo nghĩa đen. Anh là người ngay cả trong bất hạnh cũng rút ra được những điều tích cực.
Thế rồi kẻ tung, người hứng, họ luôn miệng tặng nhau những lời có cánh, nghe khoái chí quá nên chẳng ai muốn dừng. Cả hai mãi mê trò chuyện, không nhận ra là xe đã khởi hành và đi được một đoạn khá xa.
Bích bỗng chỉ tay vào một căn nhà bên đường rồi nói:
-Nhà em đó!
Kha ngạc nhiên:
-Giàu quá vậy?
Bích cự liền:
-Giàu đâu mà giàu! Hồi đó em ở cùng xóm với con Hiền. Từ ngày ông ngoại em chết rồi bà ngoại bị lẫn, má em phải về đó để nuôi ngoại, tại cậu của em ổng ở tuốt bên Na uy lận!
Kha hỏi:
-Cậu em đi hồi nào?
Bích đáp:
-Hồi năm bảy mươi lăm! Ổng là lính hải quân nên ngày ba mươi tháng tư là theo tàu đi luôn. Kế đó căn nhà của ngoại em bị trưng dụng làm hợp tác xã, họ lấy lý do là nhà nước đang cần, hơn nữa nhà lớn như vạymaf chỉ có hai người ở là rất phí! Ngoại em lo lót dữ lắm mới lấy lại được đó!
-Sao gia đình em không về đó ở từ trước? Nếu vậy thì ngoại đâu bị tốn tiền.
Bích nhỏ giọng:
-Nói anh đừng cười chớ ông ngoại với ba em kỵ nhau như mặt trăng mặt trời, đâu thể ở chung một chỗ. Má em năn nỉ hết lời nhưng ba tự ái dư xài nên không chịu về. Tụi em khổ biết bao nhiêu vì cái tánh sĩ diện của ổng. Ông ngoại mà không sớm đầu hàng, chắc tụi em phải gia nhập nghiệp đoàn vé số hổng chừng trước anh nữa đó!
Kha hỏi:
-Nhà em bán tạp hóa, thời điểm này chắc hốt bạc mỏi tay hả?
Bích gật đầu:
-Mấy người giàu họ sợ thiếu, sợ đói lắm anh ơi! Nghe đồn sắp giãn cách là họ gom hàng hết ráo! Ba cái món như bàn chải đánh răng, bàn cải chà chưn, cây thụt cầu tiêu mà cũng bán sạch bách! Bán xong rồi đi mua mới té ngữa, thứ nào cũng tăng giá hết trọi! Hình như càng ngày con người ta càng hám lợi, họ khai thác tình hình nầy triệt để khiến người nghèo càng khổ thêm. Sao em nghe nói đời sống văn minh làm cho con người tốt đẹp, em chưa thấy tốt đẹp ở đâu hết chỉ thấy người nghèo bị bóc lột thêm thôi!
Kha đáp bừa:
-Tại bây giờ người giàu còn ít quá, đợi chừng nào ai cũng giàu thì...
Bích ngắt ngang:
-Chừng nào mới tới lúc đó?
Kha so vai:
-Anh cũng không biết nữa!
Bích buồn hiu, không khí sôi nổi tạm lắng dịu. Bích đột ngột hỏi:
-Gần tới nhà anh chưa?
Kha đáp:
-Còn chừng vài trạm nữa lận.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân 4
Gửi bàiĐã gửi: 25 Tháng 1 2022, 22:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nhà Kha nằm trong con hẻm ngắn và hẹp. Bức tường rào bằng trúc cao ngất nghểu che mất tiêu mái ngói rêu phong. Kha vừa tra chìa vào ổ khóa sét sẹt vừa gọi to:
-Má ơi! Nhà mình có khách.
Ban nãy đứng bên ngoài đã Bích tưởng tượng đủ thứ thế nhưng ngôi nhà trước mặt vẫn khác rất xa với những điều nàng vẽ trong đầu.
Căn nhà ngói xưa nầy đã cũ kỷ lắm rồi. Đa số các căn nhà ở Sài gòn đều mang dạng ống, có những căn do lấn chiếm hẻm mà có, ngang chưa đến hai mét nhưng dài thậm thượt. Nhà của Kha thì trái ngược hoàn toàn, nó có bề ngang rất rộng nhưng chiều dài ngắn ngủn, đã vậy còn nhín đất ở để chừa hai khoảnh sân, một trước, một sau!
Bích hỏi:
-Ủa vách nhà sao chỉ còn có một tấm vậy?
Kha chỉ tay vào tấm sáo đã được cuốn lên cao, nói:
-Vách đó!
Rồi giải thích:
-Cái năm má anh bịnh phải tháo gỗ của tấm vách nầy ra bán bớt. Cũng may nằm giữa hai căn nhà lầu nên cũng kín chớ không đến nỗi nào! Anh định mua tôn vừng nhưng sợ nóng, bởi vậy lấp cái tấm sáo nầy vô. Ban ngày cuốn lên cho sáng, tối mới kéo xuống cho kín.
Bích lại hỏi:
-Bộ anh hổng sợ bị ăn trộm sao?
Kha lắc đầu:
-Nhà anh nghèo nhứt xóm, ai không biết mà trộm?
Bích nhìn quanh rồi hỏi:
-Má anh đâu sao em không thấy?
Kha chỉ tay vào căn phòng có tấm màn bằng vải bay lất phất, nói:
-Má anh nằm trong trỏng.
Rồi hỏi:
-Con vô được chưa má?
Có tiếng má Kha đáp lại:
-Được rồi!
Kha hỏi tiếp:
-Con dắt Bích vô chào má được hông?
Má Kha vội ngăn:
-Con vô một mình trước, làm chuyện nầy giùm má cái đã.
Kha chỉ tay vào chiếc ghế sa lông kiểu cổ, những đóa hoa hoa bằng xa cừ trên đấy được cẩn rất đẹp nhưng bị rơi mất vài cánh, chàng bảo Bích:
-Em ngồi đây chờ anh một chút nghen!
Bích đáp:
-Dạ!
Rồi nói tiếp:
-Anh có cần em tiếp một tay thì cứ nói nha!
Kha gật đầu, vén màn bước vào phòng rồi trở ra với một cái xô có nắp đậy kín. Bích nghe tiếng giật nước thì hiểu ngay và nghe thương Kha quá!
Má Kha lại là một bất ngờ còn lớn hơn cái bất ngờ trước. Dù bị bệnh nhưng nét mặt bà lại hết sức an nhiên, bà đón Bích bằng một nụ cười rất tươi, nói:
-Xin lỗi nghen! Dì Ba không đeo được khẩu trang, cháu đứng lùi lại thêm vài bước nữa đi đặng mình nói chuyện cho thoải mái! Cháu là bạn của thằng Kha hả?
Bích làm theo lời dì, lùi ra sát cửa phòng rồi đưa mắt quan sát. Bên cạnh chiếc giường sắt nhỏ mà dì Ba đang nằm là một chiếc bàn bằng nhựa màu trắng, trên bàn là một tô cơm còn nguyên với cái muỗng ghim trên đó, Bích hỏi:
-Bộ dì chưa ăn cơm hả dì? Giờ nầy trễ quá rồi, dì hổng nghe đói bụng hay sao?
Dì Ba lắc đầu:
-Nằm hoài nên ít có đói lắm cháu!
Bích nhìn vô mâm cơm, thấy chỉ có hai miếng tàu hủ muối xả chiên với dĩa đậu cô ve xào, vài trái chuối sứ để bên cạnh thì hỏi:
-Bộ dì ăn chay hả dì?
Dì Ba lắc đầu:
-Tại hồi trước dì làm nghề bán cá đồng, ngày nào cũng đập đầu cả chục con nên bây giờ không dám đụng tới nó nữa. Thịt kho có mà dì ăn hết vô, mới biểu thằng Kha đi mua tàu hủ về muối xá chiên đặng đổi món.
Bích chép miệng:
-Dì ăn như vầy thì đâu có đủ dinh dưởng, làm sao mà phục hồi sức khỏe?
Chỉ tay vào chiếc hộp to trên cái bàn đặt sát giường, dì Ba bảo:
-Con cháu dì ở bên Úc có gởi sữa về cho dì. Nó nói sữa nầy bổ lắm, uống vô khỏi ăn cũng được.
Kha bưng cái máy vi tính bước vào đưa cho Bích, chàng nói:
-Chắc anh phải nhờ Bích trao giùm. Coi bộ má anh bữa nay ngán cơm rồi, anh phải đi vo gạo nấu cháo cho má ăn để kịp một cữ thuốc!
Bích hăng hái:
-Để em làm cho.
Rồi không chờ Kha từ chối đi thằng ra nhà sau liền.
Chưa đầy ba mươi phút Bích đã bưng mâm cháo lên, Kha ngạc nhiên:
-Em nấu cách nào mà nhanh vậy, dạy anh với!
Rồi ghé mắt vào tô cháo, khen tiếp:
-Cháo chín nhừ mà còn kịp kho hột gà nữa!
Bích đáp:
-Em nấu từ cơm nên nhanh lắm! Thôi anh cho dì ba ăn đi, em đem máy tới cho con Hiền rồi hôm nào rảnh em chở nó tới thăm anh với dì ba.
Dì ba nghe mến cô gái nầy quá, dì nói:
-Ở lại chơi thêm một chút nữa đi cháu. Cái nhà nầy hèn lâu mà chưa có khách, hai mẹ con ngó mặt nhau hoài cũng phát chán.
Bích nghe vậy thì nói:
-Dạ!
Rồi nói:
-Để em đút cho dì, anh cũng ăn cơm đi!
Dì Ba nghe vậy thì vui ra mặt, liền bảo Kha:
-Con bưng mâm ra ngoài kia mà ăn, để cháu Bích ở đây với má
Kha bèn lập tức bưng mâm cơm đi, dì ba biểu Bích:
-Con để cái mâm xuống đây!
Bích đặt mâm cháo xuống xong liền lòn tay dưới lưng dì ba định kéo dậy. Dì lắc đầu, chỉ vào sợi dây có cột cái tay nắm, bảo:
-Con đưa cái đó cho dì, dì nắm rồi ngồi dậy một mình được.
Kha đặt mâm cơm lên chiếc bàn nhỏ trong bếp rồi ngồi bệt trên nền gạch mà ăn. Chàng đói ngấu nhưng cố ghìm mình, nhai nuốt thật chậm, tập trung vào tai để đón hết từng câu đối đáp giữa má mình và Bích. Chàng nghe dì Ba hỏi:
-Cháu là bạn gái của nó hả?
Bích đáp phắt:
-Dạ, không phải?
Dì Ba ngạc nhiên:
-Hổng lẽ cháu là con trai?
Bích chợt hiểu, thì ra ở những người thuộc thế hệ của dì ba, bạn gái có nghĩa là người bạn thuộc nữ phái chớ chẳng có ý gì hết. Cô gật đầu lia lịa đáp:
-Dạ phải?
Dì Ba thở dài nói bằng giọng buồn hịu:
-Hèn gì dì cứ đốc nó cưới vợ hoài đặng dì kịp thấy mặt dâu với cháu mà nó không chịu. Hồi mới sanh ra nó có đầy đủ như mấy đứa con trai khác sao bây giờ đổi cốt bất tử vậy trời!
Nhìn Bích hồi lâu, dì hỏi:
-Con là con trai thiệt sao?
Bích hoảng hồn:
-Hổng phải đâu dì ba ơi, con là con gái một trăm phần trăm.
Dì Ba nhìn Bích bằng hai con mắt chứa đầy dấu hỏi. Bích giải thích:
-Tại tụi con bây giờ dùng cái chữ "bạn trai", "bạn gái" cho cái người mình yêu, có thể sẽ trở thành chồng hoặc vơ mà thôi!
Dì Ba thở ra một cái khì, dì nói:
-Làm dì hết hồn!
Cả hai cùng cười vang, Kha cũng cười theo có điều không nghe tiếng.
Dì Ba quá vui nên ăn hết ráo tô cháo cùng dĩa hột gà kho. Bích còn ép dì ăn thêm một trái chuối rồi mới cho uống thuốc. Nhìn năm viên thuốc to nhỏ, màu sắc khác nhau Bích thở dài ngao ngán, cô hỏi:
-Dì Ba uống thuốc một ngày mấy lần lận?
Dì Ba đáp:
-Ba lần! Đêm nào mà dì thức hoài thì uống thêm một viên thuốc màu vàng vàng nữa!
Bích vọt miệng:
-Để một lát cháu đem máy tính cho con Hiền rồi rủ nó đi hái dây nhãn lồng với cây chó đẻ cho dì. Dây nhãn lồng thì dì uống cho dể ngủ, còn cây chó đẻ để cho lá gan của dì nó mát lên với lọc máu cho sạch, thuốc tây uống nhiều nóng gan lắm, má cháu nói như vậy đó!
Dì Ba cảm động, chỉ tay vào vạt đất trống cỏ mọc um tùm, dì nói:
-Cháu bứng gốc một mớ đặng dì biểu thằng Kha trồng vô đó cho có mà xài khỏi đi kiếm mắc công!
Bích đáp rất ngoan:
-Dạ!
Tô cơm nguội ngắt, khô queo, miếng tàu hủ muối chiên nhạt thếch vậy mà Kha ăn một cách ngon lành, chàng nói thầm:
-Ước gì ngày nào Bích cũng đến thăm má mình, được vậy chắc má vui, ăn được, ngủ được hổng chừng má siêng tập lên rồi đứng dậy mà đi một mình cũng được!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân 5
Gửi bàiĐã gửi: 28 Tháng 1 2022, 17:29
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Hôm sau, mới sáng sớm mà Kha đã nghe tiếng Bích gọi cửa, chàng lật đật chạy ra đón, thấy Bích hai tay xách hai túi to thì ngạc nhiên quá, liền hỏi:
-Em đem món gì tới vậy?
Câu hỏi của Kha có ý trách móc, Bích đáp:
-Cái nầy là đồ dùng em đem lại cho dì Ba chớ không phải cho anh đâu.
Kha hỏi tiếp:
-Hết bao nhiêu để anh trả cho em?
Bích xua tay:
-Em đâu có mua mà anh đòi trả.
Rồi giải thích:
-Hôm qua em đem cái máy xuống cho con Hiền, có kể chuyện về dì Ba, nó nghe dỉ bị bán thân là mừng húm.
Kha ngạc nhiên:
-Má anh bịnh như vậy đáng lẽ cổ phải rầu giùm, tại sao lại mừng?
Bích giải thích:
-Tại lúc ba nó bịnh hội Hồng thập tự có tới thăm rồi cho đồ nhiều lắm! Có một số thứ ba nó không có cần tới, nó gom hết đưa cho em biểu nhờ dì Ba xài giùm chớ không thôi cứ bỏ lún hoài rồi hư hết thì uổng lắm!
Rồi mở từng túi lấy ra từng món khoe với Kha. Chỉ vào cái túi màu đen, Kha hỏi:
-Trong nầy đựng món gì vậy?
Bích đáp:
-Kềm cắt da với móng, cái nầy là của em, tại em thấy móng tay của dì Ba dài quá nên đem tới để cắt cho dỉ.
Kha nghe vậy thì lặng người đi rồi nói bằng giọng cảm động:
-Anh cám ơn em nhiều lắm! Anh thiệt là tệ, ở suốt ngày bên cạnh má mà không để ý gì hết, em mới đến có một lần là nhận ra liền. Hình như đã mấy hôm rồi anh chưa gội đầu cho má!
Bích nhanh nhẩu:
-Để em làm luôn cho, em gội đầu cho dì trước rồi cắt móng tay, móng chưn sau, làm như vậy móng mềm vì được thấm nước nên dể cắt lắm!
Dì Ba nghe vậy thì mừng rơn, nói một cách không khách sáo:
-Từ hôm con Huệ bán tàu hủ nước đường nghĩ bán tới bây giờ không ai tắm với gội đầu giùm, dì ngặt mình muốn chết. Ngày nào cũng nhúng khăn vô nước nóng để lau mình mà đâu có sạch.
Bích sốt sắng:
-Để con đút hủ tiếu xào cho dì ăn xong rồi tắm với gội đầu cho dì nghen!
Kha hỏi:
-Hủ tiếu ở đâu mà ăn?
Bích đáp:
-Em xào cho cả nhà ăn sáng, sẵn múc đem lại mời anh với dì Ba luôn.
Dì Ba khoát tay:
-Khoan có ăn, con làm ơn tắm trước cho dì cái đã.
Bích bảo Kha:
-Trong lúc em tắm cho dì Ba anh thay drap, áo gối cho dì luôn đi!
Kha gật đầu:
-Tuân lệnh!
Chàng đở mẹ lên xe lăn định đẩy vào nhà tắm thì dì Ba ngăn lại:
-Khoan đã!
Kha hỏi:
-Sao vậy mẹ?
Dì Ba đáp:
-Con cạo tóc cho mẹ đi! Cho cái đầu của mẹ mát mẻ, để như vầy mẹ nực nội, bức rức lắm!
Thấy Kha vẫn còn ngần ngại dì bảo tiếp:
-Con để Bích đẩy má ra ngoài hàng ba cho sáng để làm cho dể, con vô lấy cái tông đơ đem ra đây.
Bích ngạc nhiên:
-Dì có sắm tông đơ nữa sao?
Dì Ba gật đầu chỉ Kha rồi nói:
-Sắm lâu rồi để hớt tóc cho nó đó! Từ ngày dì bịnh tới giờ nó mới đi ra ngoài hớt, bởi vậy mà làm biếng rồi để tóc tai chôm bôm, hồi trước hể dài chừng năm phân là dì đè đầu xuống cắt liền.
Bích nói:
-Dì đừng lo! Để con sẽ thay dì cắt tóc cho ảnh.
Dì Ba tấm tắc:
-Cái tánh của con thiệt là tốt mà còn hết sức giỏi nữa! Phải chi ông trời cho dì một đứa con gái như con chắc dì mừng hết lớn!
Bích nháy mắt với Kha một cách tinh nghịch rồi hỏi:
-Không làm được con gái thì con làm con dâu của dì, dì có chịu hay không?
Dì Ba nhìn Bích một cách dò xét rồi hỏi:
-Con nói thiệt hay nói chơi?
Bích cười, gật nhẹ rồi nói thêm:
-Nhưng mà dì phải cưng con thiệt là nhiều thì con mới chịu đó!
Dì Ba thở dài:
-Dì nằm một chỗ như vầy thì làm sao mà cưng con cho được?
Bích giải thích:
-Được chớ sao không! Dì không cần phải làm chuyện gì cho con hết, chỉ ráng ăn nhiều, tập nhiều, đi đứng, làm lụng được thì coi như cưng con hết mức. Được như vậy là con chịu làm dâu dì liền, con nói thiệt đó, không có gạt dì đâu!
Thật ra ngay lần đầu tiên tiếp xúc với Kha và dì Ba, Bích đã dành cho cả hai một mối thiên cảm chứa chan. Trong mắt Bích, Kha gần như hoàn hảo, cái nghèo là bóng tối khiến lòng hảo tâm của chàng phát sáng như tỏa hào quang. Dì Ba tuy làm nghề bán cá, cái nghề mà ai cũng cho rằng cho dù hiền cách mấy đi nữa mà chặt đầu, mổ bụng tụi nó hoài (cho dù nạn nhân chỉ là mấy con cá) thì cũng trở nên hung ác. Ấy vậy mà dì hiền ơi là hiền! Còn căn nhà nữa chớ! Nói ra chắc không ai tin, nhà cũ xì, cũ mục có cái gì hấp dẫn đâu vậy mà Bích cũng thương cho bằng được!
Dì ba hỏi:
-Con biết cắt tóc sao?
Bích lắc đầu:
-Chưa biết nhưng làm hoài sẽ biết, bây giờ trên mạng người ta dạy đủ thứ hết, cái áo con mặc trong mình cũng học trên mạng mà may đó dì, má con nói con có hoa tay nên làm cái gì coi cũng được.
Kha nghe Bích nói vậy thì lo ngay ngáy, chàng vốn đã bị đem ra làm vật hy sinh rồi, cái cảm giác lúc mang đầu tóc lởm chởm vô lớp rồi bị tụi bạn trêu ghẹo bỗng sống lại và khiến chàng rùng mình. Bích như thấu hiểu tâm trạng của Kha nên nói:
-Để cắt cho dì xong là con cắt luôn cho ảnh, cũng may mà có con Cồ rô na, không ai gặp ai nên có hư cũng không sợ!
Kha bắt lỗi:
-Lần đầu tiên anh mới nghe có người đem may mắn gắn vào cái con Cô vít mắc dịch nầy!
Trước đây dì Ba có nguyện thầm bao giờ có được đứa con dâu ngoan ngoãn dì sẽ xuống tóc, cho dù Bích nói đùa hoặc nửa đùa nửa thât, nhưng dì Ba vẫn khấp khởi hy vọng. Dì quyết định thực hiện lời hứa ngay lập tức để ông trời có muốn trở tay cũng không kịp nữa.

Bắt đầu từ hôm đó ngày nào Bích cũng đến. Không khí và những người trong nhà đã bắt đầu khởi sắc, nhất là ở dì Ba, thì đùng một cái dịch đã theo giáo phái Phục hưng, phục hưng một cách mạnh mẽ rồi tràn vào các hang cùng ngõ cụt ở Sài gòn. Nhà nước ban chỉ thị giãn cách triệt để, đồng thời gom hết mấy người ép không, ép một lại cho ở riêng để tránh lây lan. Thế giặc như nước vỡ bờ, số ép không hôm sau cao hơn hôm trước, chiến dịch săn lùng vắc xin bắt đầu thực thi, giãn cách được thực hiện một cách triệt để.
Dù không nói ra nhưng viễn cảnh Bích sẽ thôi đến khiến cả hai mẹ con dì Ba đều rầu thúi ruột. Ngày mười sáu tháng chín đã tới, thế nhưng Bích vẫn lù lù xuất hiện, có điều đi bộ chớ không cởi xe gắn máy. Kha nghe giọng Bích gọi cửa khẻ khàng thì ngạc nhiên quá đỗi, mừng đến sửng người rồi quýnh quáng chạy ra mở cổng. Chàng hỏi:
-Hôm nay bắt đầu giãn cách, nghe nói công an chặn đường hết rồi, một con kiến cũng chui không lọt, em làm cách nào mà đến tận đây được vậy?
Bích nửa đùa nửa thật:
-Em dùng mỹ nhân kế!
Thấy Kha chẳng chút nghi ngờ cô vội chỉnh lại liền:
-Em đi lòng vòng trong hẽm để tránh mấy cái chốt kiểm soát chớ đâu có dám chạy long nhong ngoài đường lớn cho họ thấy rồi phạt.
Trên tay Bích là một cái túi khá to, Kha hỏi:
-Túi đựng thứ gì mà coi bộ nặng nề quá vậy?
Bích xách te te vô phòng dì Ba rồi lấy ra một chai nước mắm, một chai dầu ăn, mấy gói cháo và mì ăn liền cùng một lốc cá mòi ra khoe. Dì Ba thấy Bích bày đăng đăng, đê đê ra khắp bàn thì lấy làm ngạc nhiên, hỏi:
-Mấy thứ nầy ở đâu mà có vậy, con mua trong siêu thị hả?
Bích lắc đầu:
-Nhà con bán tạp hóa, má con trữ lại nhiều lắm để ăn từ từ.
Thấy dì Ba áy náy, Bích bèn nói tiếp cho dì yên tâm:
-Má con trữ đầy một kho, ăn tới sang năm cũng chưa hết nữa!
Cô cầm lốc cá mòi có ba cô gái cười toe, đưa cho dỉ xem rồi nói:
-Cá nầy là cá biển chớ không phải cá đồng, tụi Thái lan làm sẵn bán cho mình nên ăn không có tội, dì đừng lo! Còn trong cái hộp nầy là hột vịt muối, hôm nào dì ngán cá, ngán tàu hủ thì mình xài nó!


Sửa lần cuối bởi luu tam binh vào ngày 30 Tháng 1 2022, 14:47 với 1 lần sửa trong tổng số.

Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Món quà xuân 6
Gửi bàiĐã gửi: 30 Tháng 1 2022, 14:31
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 73
Sinh nhật: 04-11-1951
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:46
Bài viết: 853
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Đến lần thứ tư thì Kha và dì Ba không phải "bị" mà được Bích cắt tóc. Hôm đó dì ba xoa cái đầu mới tinh của Kha mà nói:
-Vậy là con có cái đầu ngon lành ăn tết mà khỏi mắc công tới tiệm chầu chực, sướng quá hén!
Rồi dì nói với Bích:
-Thấy cháu liều mạng tới săn sóc cho dì, dì lo lắm, rủi cháu bị dính con cô vít chắc dì mang tội lút đầu. Cái nhà nầy mang ơn cháu nhiều quá, dì thiệt bức rức trong bụng hết sức, không biết làm cách nào để trả ơn cho xứng đáng.
Bích xua tay:
-Dì chỉ cần ôm cháu bằng cả hai tay là coi như đã tặng cho cháu một món quà vô cùng quí giá rồi đó! Dì ráng tập cho nhiều vô nghen, mấy bài hôm trước dì có thực hành đều đặn hông?
Dì ba đáp:
-Có!
Bích hỏi tới:
-Dì thấy có khá lên không?
Dì ba gật đầu, Kha đinh nói nhưng dì đưa mắt ra hiệu ngăn lại. Bích trông thấy nên bảo:
-Dì đừng có nản, ban đầu chưa có tác dụng gì đâu, ráng tập cho nhiều mới có kết quả. Đó là những bài tập phục hồi chức năng, ba cháu nhờ tập nó mà không còn ngồi xe lăn nữa đó dì!
Chờ Bích ra về Kha hỏi:
-Sao má không nói cho Bích biết má đã nhúc nhích được cánh tay rồi cho cổ mừng?
Dì ba nói:
-Má tính trong bụng hết rồi, má nhứt định làm cho Bích ngạc nhiên đó!
Kha hỏi:
-Má định làm gì?
Nhà chỉ có hai mẹ con nhưng dì vẫn kêu Kha lại gần rồi kề tai nói nhỏ. Nghe xong Kha giựt mình, hỏi lại:
-Má có làm được hay không?
Dì Ba gật đầu:
-Một mình má thì khó nhưng có con tiếp một tay thì không có trở ngại gì hết!
Kha thở dài:
-Cái chuyện đó con đâu có biết mà giúp!
-Đừng lo chỉ cần má dạy tới đâu con làm theo tới đó là được.

Hai muơi ba tháng chạp, Bích mang lại cho Kha một gói thèo lèo và hai tờ giấy hồng đơn có vẽ cờ bay, ngựa chạy để cúng đưa ông táo. Bích nói với Kha:
-Nhà em tết bận lắm, em phải đứng bán hàng phụ má suốt ngày nên không đi đâu được, chắc phải qua mùng em mới đến mừng tuổi dì Ba. Em có nhờ con Hiền kho thịt tết giùm rồi. Năm nào má em cũng nhờ thím hai, má nó kho giùm hai ký, năm nay má em biểu kho ba ký luôn đặng sớt cho bên anh một phần.
Kha cảm động vô cùng, chàng nói:
-Làm phiền gia đình em nhiều quá anh ngại lắm!
-Ngại cái gì! Ba má của em nghe anh tặng con Hiền cái máy tính thì có cảm tình với anh nhiều lắm! Còn biểu chừng nào hết dịch là mời anh tới nhà cho ổng bả biết mặt đó!
Kha nghe Bích nói thế thì mặt mày rạng rở, Bích bèn hỏi ghẹo:
-Anh có biết trong nhà của em ai ghét anh nhứt hông ?
Kha chới với:
-Ai vậy?
Bích đáp:
-Anh hai em!
Kha hỏi:
-Bộ ảnh biết anh sao?
Bích lắc đầu:
-Không biết mới ghét!
-Sao kỳ vậy?
-Tại ba em cứ đem anh ra làm gương rồi mắng nhiếc ảnh nên ảnh mới ghét anh. Em nói cho anh biết trước để đề phòng.
Kha thở dài, cái ghét phát xuất từ lòng ganh tỵ nầy là cái ghét bá đạo nhứt, dai dẳng nhứt, khó thay đổi nhứt...
Sau ngày đưa ông táo năm hôm, chiều hai muơi tám tháng chạp Kha đạp xe đến nhà Bích, trên ghi đông treo lủng lẳng bốn đòn bánh tét. Bích trông thấy Kha đến thì ngạc nhiên quá đổi, hỏi dồn:
-Dì Ba khỏe hông? Bộ có chuyện gì quan trọng lắm sao mà anh tới đây kiếm em vậy?
Kha đáp:
-Má anh khỏe lắm! Má sai anh đem bánh tét lại tặng để ngày mai em cúng giao thừa.
Thấy Bích cầm mấy đòn bánh một cách thản nhiên, kha bèn nói:
-Bánh nầy má anh gói đó!
Bích trợn tròn hai mắt, hỏi lại:
-Anh nói thiệt hả? Bộ tay của dì...
Kha gật đầu:
-Nhờ em đó!
Bích ôm chặt bốn đòn bánh vào người, mắt rơm rớm:
-Anh biết không đây là món quà ý nghĩa nhất đối với em từ trước đến giờ!
Kha gật đầu. Bích tiếp:
-Anh nói với dì Ba là em không có nuốt những lời đã hứa với dì đâu!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Món quà xuân «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu