Ba và cái Máy Đánh Chữ Con kính tặng Ba nhân ngày Father's Day
Có thể nói bất cứ ai đọc được bài viết nầy cũng đã cho mấy đầu ngón tay của mình đụng bàn phiếm máy vi tính. Thời buổi hiện đại cái gì cũng dể dàng cho đời sống con người. Con nít 5-6 tuổi bây giờ chưa chắc thấy được máy đánh chữ gõ bằng tay mà dân Tân Châu Quốc năm mươi năm trước đã từng nâng niu, yêu quí như người ta nâng niu, yêu quí máy vi tính bây giờ.
Vào khoảng 7-8 tuổi, khi còn sống trong căn nhà ngói đỏ, khi đã bắt đầu hiểu biết, tôi thường thấy Ba hay ngồi đánh máy. Ngôi nhà ngày xưa có căn phòng khách phía trước, khi bước vào cửa chính, từ trong cùng của bên tay phải là bàn làm việc của ba. Tôi không nhớ bàn máy đánh chữ hiệu gì, hình như là Olympics thì phải. Nó không như loại máy đánh chữ hiện đại bây giờ, phải nhấn thật mạnh lên bàn phiếm để cò máy mới gõ chữ vào “ru băng” mực in vào giấy. Nếu gõ trật thì chỉ có cách lấy cục tẩy bôi bỏ chữ rồi đánh lại. Mỗi khi xài xong, ba hay để vào góc bàn rồi lấy miếng nylon đậy lại cho khỏi đóng bụi.
Tôi không biết ba đánh gì, chỉ biết công việc trong trường quá nhiều nên làm ba bận rộn. Mỗi tháng tôi phải phụ ba làm sổ, cộng điểm, và xếp hạng cho từng người học trò của ba. Dần rồi tôi cũng bắt đầu học gõ, phải nói là phá thì đúng hơn. Một hôm ba thấy tôi mần mò gõ bậy bạ, ba đến bên cạnh bắt đầu chỉ dạy tôi cách xài máy và cách đánh máy. Nào là cách canh lề, cách xuống hàng, làm thế nào gõ cho đều vì nếu không biết thì sẽ có chổ đậm, chổ lợt nhìn không đẹp. Tôi học đánh máy từ đó và phải nói đến bây giờ, cách tôi gõ bàn phiếm cũng giống như những gì ba chỉ dạy cho tôi ngày xưa.
Năm tôi lên đệ ngũ, đến gần Tết, lớp chúng tôi có Ngô Hữu Mạnh và Phạm Bé Sáu tổ chức tờ báo Xuân đầu tiên cho Trường. Lúc đó chúng tôi không có tiền mướn nhà in Nhất Trí in báo nên phải chịu khó quay “rodeo” (không biết có đúng từ hay không nữa, chỉ nhớ mang máng là vậy). Nhưng muốn quay “rodeo” thì phải đánh chũ lên giấy sáp, xong để từng tờ vào khung cây, giấy trắng bên dưới, giấy sáp bên trên rồi nặn mực lên giấy sáp, lấy cây cọ quẹt qua quẹt lại cho mực thấm xuống giấy trắng, công việc cứ tiếp tục từng bước một cho mỗi trang giấy. Thế là tôi ngồi gõ từng bài lên giấy sáp, Ngô Hữu Mạnh thì quay rodeo, Phạm Bé Sáu thì góp từng trang báo đóng lại thành cuốn báo Xuân đầu tiên của trường.
Mấy năm đầu khi đến xứ cờ hoa, tôi ghi danh học lại trường đại học Virginia, mỗi cuối quí (quarter) phải làm bài nộp, tôi vào thư viện của trường mượn máy đánh chữ gõ bài. Đó là những năm đầu tiên của thập niên 1980s nên máy vi tính chưa được thịnh hành và rất đắt tiền thì làm sao trường có tiền mua, chỉ có máy đánh chữ thôi. Mấy cái máy đánh chữ của trường lúc đó loại điện tử nên rất nhạy, chỉ cần đụng nhẹ bàn phiếm là nó nhảy hai ba chữ một lúc. Mỗi lần gõ một chữ thì nhớ lời ba dạy phải làm sao, ngặt nỗi hai kiểu máy khác nhau nên kết quả cũng khác nhau. Tôi phải vất vả với nó cả buổi trời mới xong một trang giấy. Tôi ngồi mãi đến giờ thư viên đóng cửa mà chưa xong bài, phải năn nỉ ông gác gian cho thêm vài phút, rốt cuộc cũng không xong nên tôi phải trở lại sáng sớm hôm sau tiếp tục gõ cho kịp giờ nộp bài chiều hôm đó.
Mãi đến bây giờ, mỗi khi ngồi xuống trước máy vi tính là tôi lại nhớ đến cái máy đánh chữ của ba và nhớ lại từng động tác ba dạy tôi ngày xưa cách gõ chữ, chấm câu, xuống hàng, canh lề, bỏ dấu… Mấy đưa con tôi thì khỏi nói, tụi nó còn rành hơn tôi thì làm sao tôi dạy nó. Vã lại, những môn học đánh chữ trong trường đã dạy tụi nó rồi, cần gì đến tôi.
New York 06-2009
|