Kính tặng Quí Thầy Cô vùng Tỉnh Châu Đốc nhân ngày Nhà Giáo VN 20-11.Bài nầy đã đoạt giải thưỡng nhân ngày Đại Hội Đồng Hương Châu Đốc 2007, tại Atlanta, Georgia, USA.Mùa hè 2006, trong dip về quê thăm nhà tại Tân Châu, tôi có đến thăm Thầy Nguyễn Trọng Phúc. Thầy ngày xưa dạy môn Việt Văn, Công Dân Giáo Dục. Rồi những năm sau cùng của 1975, Thầy lên làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Chánh Sắt, Tân Châu.
Chuyện đời của Thầy rất dài, nhưng đường sự nghiệp của Thầy quá ngắn, nó chấm dứt sau ngày 30 tháng Tư 1975. Thầy phải nghỉ việc về quê Long Thuận, trò đi cải tạo rồi vượt biên. Hai mảnh đời khác biệt nhưng cùng chung số phận. Thầy ở lại chịu nhiều tủi nhục, trò tha hương cuộc sống lưu đày. Ba mươi năm như một giấc mơ.
Tình cờ tìm được bài thơ của Bùi Vĩnh Hưng trên trang web của Trường Chu Văn An, tôi xin chia sẻ với quí Thầy Cô cùng quí bạn. Hình như bài thơ này viết chung cho mọi người trong thế hệ chúng ta. Thế hệ của những người cùng chung số mệnh. Tuy xa quê nhưng niềm thương lúc nào cũng dành cho quê hương yêu dấu. Lúc nào cũng dành dụm thời gian để về thăm những thân thương còn lại. Cái ác nghiệt của thời gian không tha thứ một ai, về thăm Thầy mà trò cũng mang cặp kính lão.
Tấm Bảng thời gian bụi phấn nhòa
Vẫn nghe tha thiết mái trường xa
Ðến thăm thày cũ – ôi ! Nhân dáng
Trò cũng xiêu xiêu cặp kính già.Hơn ba mươi năm rồi, nhìn lại Thầy vẫn phong độ như ngày xưa. Năm năm học với Thầy, từ đệ Thất đến đệ Tam, tuy không lâu nhưng rất nhiều kỷ niệm. Tuy tóc bạc, răng long, nhưng hai Thầy trò tay bắt mặt mừng. Tóc trò đã ngã màu muối tiêu, nhưng tóc Thầy như sương tuyết mùa đông New York.
Năm mươi năm lẻ bao hưng phế
Gặp lại thầy xưa tựa giấc mơ
Thày đưa tay bắt; trò cung kính
Những mái đầu đều đã bạc phơThầy trò kể nhau nghe những kỷ niệm vui buồn ngày xưa dưới mái trường thân yêu. Thấy mải mê nói như ngày xưa Thầy mải mê giảng thơ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du trên bục gỗ. Trò thích thú lắng tai nghe, nghe lại những kỷ niệm từ lâu quá. Từ độ xa quê, trò chỉ ước mong được nghe lại những gì đã mất trong cuộc đời lưu lạc. Những tiếng cười vang dội làm lòng ấm hẳn ra, làm con người xích lại gần hơn.
Chuyện cũ nhắc hoài ngôi trường ấy
Ai còn ai mất với biển dâu
Thầy trò xích lại như bằng hữu
Lễ nghĩa tôn ti vẫn đượm mầuTận cùng trong đáy lòng, tuy không nhắc đến, nhưng ai cũng hiểu, cũng tự hỏi: “Nếu như mà ngày xưa...”. Có gì khác biệt không nếu sự việc xảy ra một cách khác? Có thể Thầy vẫn là Thầy của ngày xưa, vẫn say sưa giảng bài trên bục gỗ; Trò vẫn là trò, nhưng có thể trở về trên đôi nạn gỗ, hay hòm gỗ cài hoa, hay vinh hoa Cậu Tú về làng. Trò dõi tìm câu trả lời không ai biết được sẽ ra sao.
Từ trong sâu thẳm không ai nói
Có chút gì lắng đọng trong tim
Thầy thì quên nhớ lời sau trước
Trò cứ say sưa mắt dõi tìm… Không gian thu gọn lại trong phòng khách của Thầy, đơn sơ nhưng ấm cúng. Thầy sống đạm bạt, đơn giản như những người từng làm nghề giáo. Thầy khoe những tấm hình ngày xưa tuy đã phai mờ, nhưng rất tâng tiu, đây là những quí báu còn lại của cuộc đời Thầy. Cuộc đời nhà giáo, không xa hoa, không quyền quí, nhưng rất đáng trân trọng, rất đáng tôn kính.
Nắng chiều xiên xiên chiếu vào gian phòng Thầy dùng tiếp khách, như muốn nhắc đã đến giờ chia tay. Thầy luôn như ngày xưa, dặn dò đủ chuyện, như lời dạy bảo của người Thầy ngày xưa. Vội uống cạn ly trà còn ấm, như tình cảm nồng ấm Thầy luôn dành cho trò, tuy sau mấy mươi năm xa cách.
Giây phút chia tay hoàng hôn tới
Thày tiễn trò về nụ cười theo
Niềm vui lặng lẽ sau khung cửa
Trò cũng hân hoan một buỗi chiều. Trần Công Bá
New York, mùa Xuân Đinh Hợi, 2007.