|
Member V |
|
Tuổi: 67 Sinh nhật: 00-00-1957 Ngày tham gia: 11 Tháng 12 2007, 10:25 Bài viết: 231 Quốc gia:
|
MỘT "ĐỨA" TRONG "LŨ CÔ ĐƠN"Thênh Thang trong "Viết giùm hai con nhân Father's Day" {L_WROTE}: Khi buồn/khổ/thiếu thốn, thường ai cũng nghĩ là cái buồn/cái khổ/cái thiếu thốn của mình là hơn của người khác. Nhưng thật sự, nhiều người đã cho rằng không nên đem so sánh để kết luận thứ nào hơn thứ nào, vì mỗi thứ đều có sắc thái riêng.
Nhìn đi nhìn lại, bạn bè thân thiết của tôi là… "một lũ cô đơn" (chết chồng, li dị chồng hoặc đôc thân) vì chúng tôi dễ thấu hiểu và thông cảm cho nhau. Đứa này nói một, đứa kia đã hiểu đến hai, ba. Trong cơ quan, tôi thường “cặp kè” với một đứa như vậy. Vô cơ quan, hễ xong việc công là chúng tôi lại nghĩ đến nhau, tìm nhau: “Mày đang ở đâu? Đi ăn sáng/uống nước/chụp hình với tao nè”. Tôi hăng hái đi học thêm AV do hứng thú và nhu cầu mở mang cũng có, do góp mặt phong trào cũng có, nhưng cơ bản nhất là do học xong là chúng tôi lại được vài mươi phút ở bên nhau để tỉ tê tâm sự trước khi “một mình tôi về… một mình tôi về… với... tôi”. Lắm lúc người khác nhìn chúng tôi như ganh tị vì chúng tôi đã quá thiên lệch tình cảm, không chừng có người lại nghĩ chúng tôi là “đồng tính luyến ái” cũng nên! Nhưng mặc kệ, ai nghĩ gì thì nghĩ. Biết làm sao bây giờ khi tình cảm của mình tự nhiên nó như vậy.
Nhớ mấy tuần trước, nhỏ bạn đến nhà tôi để xem nhà bếp mới, tôi hồ hởi mở máy vi tính và cho nó xem hình của hai cha con anh TC.Bá đi thi robot (tôi đã save vô máy làm của vì thấy cháu quá đáng yêu). Tôi nói: - Xem nè, đây là anh Bá-ông chủ trang web của trường tao đó… còn đây là con gái ảnh, học lớp mười. Mầy thấy con nhỏ dễ cưng hông? Bạn tôi nhìn, ậm ừ: - Ừ… ừ… dễ cưng… Rồi nhỏ trầm ngâm. Lúc đó tôi hiểu ngay: bạn tôi đang tủi thân cho mấy đứa con của nó. Chồng nó đã đột tử khi mới 36 tuổi. Một thân liễu yếu từng được chồng cưng như trứng mỏng, nay nó phải gánh vác cả trách nhiệm làm mẹ, làm cha. Trước đó, có lần hai đứa đang ngồi uống nước vào buổi tối, thấy một người đàn ông dắt đứa con trai đi dạo, bạn tôi chép miệng: - Mấy đứa con của tao và mấy đứa con của mầy không còn được cái hạnh phúc đó. Người cha quan trọng quá mày hả?”. Lúc đó thì chúng tôi chỉ biết an ủi nhau thôi.
Nhưng…. bạn tôi kể rằng có lần, khi đứa con nhỏ của nó nhắc và thương tiếc ba thì nó đã hỏi (để xoa dịu con): - Nếu ba con còn sống mà như ba của mấy đứa con Dì TT thì con có chịu hông? Thằng nhỏ đã lắc đầu… Thế đấy! Vậy là mấy đứa con tôi còn bất hạnh hơn nhiều? Một đứa bạn thân khác bị chồng bỏ rơi, khi nó hỏi con câu tương tự, bọn trẻ cũng trả lời y như vậy! Thế mới thật là tội nghiệp cho hai đứa con của tôi!
(Tôi nói điều này ở đây, nói với người khác như vậy, nhưng với chúng tôi luôn an ủi, động viên để chúng đừng tủi thân và trở thành mềm yếu. Chẳng hạn, tôi kể cho chúng nghe nhiều mẩu chuyện để chúng thấy mình vẫn còn may mắn).
Có lần xem xong một chương trình nhạc thiếu nhi, miệng tôi tự nhiên nghêu ngao một giai điệu thật hay (theo thói quen):
“Ba sẽ là cánh chim Đưa con bay thật xa Mẹ sẽ là cành hoa Cho con cài lên ngực Ba Mẹ là lá chắn Che chở suốt đời con…” (Bài hát “Cho Con” của NS. Nguyễn Ngọc Thiện)
Đang hát ngon lành, tôi bỗng giật mình vì tiếng thằng con lớn: “Mẹ đừng hát bài đó, buồn lắm Mẹ ơi!”
Thật vậy, các con tôi không có cánh chim, không có lá chắn của cha... chẳng những như vậy mà... (...)
Chúng tôi không hề ganh tị với hạnh phúc của người khác. Thậm chí, chúng tôi còn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, góp ý kiến để giúp người này, người kia tạo và giữ hạnh phúc hôn nhân-gia đình. Ai hạnh phúc thì mừng cho họ. Hạnh phúc trời cho ai nấy hưởng; bất hạnh nhằm ai thì người đó ráng mang cho hết kiếp nếu con đường giải thoát là bế tắc.
Nhưng, nói thật, đôi lúc chúng tôi thấy hơi tủi thân khi thấy ai đó có người cha, người chồng mạnh mẽ bình thường chăm sóc! (Đối với chúng tôi, quý hiếm thay cái chữ “bình thường”!)
Viết những dòng này tôi cũng không mong ai lên tiếng an ủi, sẻ chia. Vì “cô đơn, lẻ loi, trơ trọi” suốt đời này là thuộc tính của tôi, dù là ở thế giới thật hay ở thế giới ảo. Tôi chỉ muốn trải lòng mình ra như với chính mình.
Vì với tôi, “Tri kỷ là trang nhật ký” mà! Tôi xem trang web này như là trang nhật ký của tôi. ............... Tôi cũng mong những ai có một cuộc sống lứa đôi bình thường, có người Cha, người Mẹ "bình thường" thì hãy ráng giữ lấy và nâng niu. Đừng vì những chuyện nhỏ nhặt, đừng vì quá nông cạn, vì tính vị kỷ quá nặng mà làm khổ những người thân thương của mình. --------------------------------------------------------------------------- Bọn tôi là những đứa yếu ớt và cả yếu đuối, từng được người đời ngợi khen, từng được chọn viết báo cáo điển hình nhân 8/3, được đưa lên báo như những gương mặt điển hình, có đứa còn được đi báo cáo điển hình ở tận thủ đô lận kia. Nhưng từ nay, bọn tôi không muốn ai ca ngợi mình nữa... Sẵn đang lúc buồn, tôi kể thêm về một "đứa cô đơn" mà tôi nhắc đến ở trên.
Một lần đi coi thi lúc mới về trường công tác (1995), tôi quen với nhỏ bạn này. Mới gặp nhau, chưa biết tuổi tác của tôi mà nhỏ đã gọi/xưng "mầy/tao" với tôi, rất thân mật tự nhiên như quen nhau tự thuở nào. Sau đó chúng tôi đã nhanh chóng cởi mở với nhau, kể cho nhau nghe những vui buồn của đời mình. ************ Nhỏ là con gái út trong một gia đình khá giả có 8 chị em gái. Khỏi nói, nhỏ được cha mẹ và các chị cưng chiều hết mực. Nhỏ khá xinh đẹp, duyên dáng, học giỏi, lại con nhà giàu, vì vậy nhỏ là mục tiêu săn đuổi của mấy anh chàng si tình. Cuối cùng, vượt qua những khó khăn trắc trở từ phía gia đình, nhỏ kết hôn với một anh bạn học đẹp trai, cao lớn (1,8m), học giỏi, tháo vát. Do nhỏ hơi "tiểu thư" và không thạo việc nhà nên khi ra ở riêng, có thể nói bất cứ việc gì nhỏ bạn cũng dựa vào chồng, thậm chí đến những việc nhỏ như dắt chiếc xe, làm con cá,... Kết quả của tình yêu của họ là hai đứa con (một gái một trai) lần lượt ra đời. Bằng tình yêu và cũng để chứng minh bản lĩnh của mình với gia đình bên vợ giàu có nhưng có ý thách đố đối với đứa con rể mà sự nghiệp chưa có gì là vững chắc, anh chăm sóc vợ con rất chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ,... tới đời sống tinh thần... Nhưng... Khi đứa con gái lớn 12 tuổi, đứa con trai 7 tuổi, một tối nọ khi nóng lòng chờ anh đi làm về (thời đó chưa ai có điện thoại) thì nhỏ nhận được tin anh bệnh đang nằm cấp cứu ở bệnh viện. Người ta nhắn vậy để nhỏ đỡ bị sốc chứ thật ra anh đã đột tử khi đang chạy xe trên đường về nhà do xuất huyết bao tử (dừng xe lại giữa đường, ói ra máu xối xả và gục chết tại chỗ, được người đi đường đưa vào bệnh viện). Vì anh không đem theo giấy tờ tùy thân nên đến mấy tiếng đồng hồ sau người ta mới xác định được họ tên và cơ quan công tác của anh nhờ một em bé bán vé số. Khỏi nói, nhỏ bạn như người mất hồn và không khóc được tiếng nào. Khi thi thể anh được đưa về nhà chờ tẩn liệm, nhỏ bạn còn leo lên giường nằm kế bên!
Tiễn anh ra đi rồi, sự hụt hẫng, nỗi đau buồn ngày càng thấm. Có lúc như nguôi đi, lúc lại bùng lên dữ dội... Đã hơn 18 năm nay! Có biết bao người đem lòng yêu mến nhỏ muốn cùng nhỏ đi hết quãng đời còn lại, để giúp nhỏ xoa dịu những đau khổ của cuộc đời... Người thân, bạn bè,... người này ngăn cản, người kia khuyến khích,... nhưng rốt cuộc nhỏ vẫn ở vậy, một thân liễu yếu đào thơ vừa làm mẹ vừa làm cha của hai đứa con. Nay cô con gái lớn đã tốt nghiệp ĐH, đã học xong cao học ở Philippine, hiện đang đi làm luận án tiến sĩ ở Australia; cậu con trai nhỏ cũng đã tốt nghiệp ĐH và đã đi làm ở SG.
Có những hôm hai đứa tôi ngồi uống nước vào giác chiều tối, nhỏ nhắc lại những kỷ niệm buồn cũ với giọng đứt quãng, nghẹn ngào. Những lúc như vậy, tôi muốn ôm nhỏ vào lòng mà vỗ về... nhưng tôi chỉ làm được một việc là ngồi nhích lại gần nhỏ hơn và nắm lấy bàn tay của nhỏ - bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, mát dịu không hề già đi theo năm tháng. Im lặng. Hằng ngày nhỏ vẫn lo công việc, vẫn cười cười nói nói, vẫn đi mua sắm, ăn mặc đẹp,... nhưng tôi - chính tôi và hơn hết là tôi - nhìn thấu được những gì ẩn chứa bên trong cái vẻ yêu đời, lạc quan đó của nhỏ. Tôi còn biết, sắp tới một mình "ngồi sui" khi gả con gái, nhỏ lại có dịp tủi thân nữa... Sau này, ngày QTPN 8/3, ngày Gia đình VN 28/6, ngày 20/10, không ai dám "đụng" đến những "đứa" như bọn tôi.
Xét riêng là như vậy, nhưng nếu nhìn rộng ra cuộc đời này thì bọn tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, và một trong những may mắn đó là con cái chăm ngoan và cuộc sống được bình yên. "Cái mất", "cái được" trong cuộc đời này xét ra là chỉ có tính tương đối (?).
|
|