Lưu Tâm Bình
Từ ngày vợ mất căn nhà trở nên quá rộng. Thời gian cũng ngày một dãn dài như cái sợi lưng thun. Ông cứ nhìn đồng hồ mà trông cho tới chiều để xách gậy đi dạo một vòng. Thực ra ở cái tuổi nầy ông cũng chưa cần đến gậy, nhưng nghe tiếng khua lộc cộc của nó ông có cảm giác như đang đi bên cạnh một người. Mỗi buổi chiều nếu trời không mưa ông đều đi dạo, điểm đến là cái quán cà phê ở mút con đường mòn. Cái quán đó của một cặp vợ chồng trạc tuổi ông, họ bán tạp hóa kèm thêm nên trong nhà để đồ bừa bộn. Ông thường ngồi ở cái bàn dưới gốc cây mận, cách không xa cái chỏng tre nhỏ là nơi họ ngồi ăn cơm. Ông thích đến giờ nầy vì đúng vào bữa cơm chiều của họ. Bây giờ ông đã là khách quen nên hể thấy ông là chủ quán đon đã mời: -Gặp bữa ăn miếng cơm với tụi tui cho vui , anh Hai ! Bao giờ ông cũng từ chối dù đôi khi cái mùi cá kho sao mà nó quyến rủ quá! Vẫn chỉ bà chủ bước ra hỏi ông : -Như thường hả anh Hai ? -Dà! Như thường. Vậy là bả mang đến cho ông một cà phê đen theo cái kiểu :"cái nồi ngồi lên cái cốc". Ông ngồi quay lưng về phía họ nhìn ra đường, móc tờ báo đã đọc nhừ từ sáng ra, giả vờ chăm chú đọc, thật ra đang lắng tai nghe tiếng nhai cơm và câu chuyện của hai vợ chồng họ : -Tui đố ông biết con cá nầy bao nhiêu? Bà vợ hỏi -Chừng hai chục chớ mấy! -Xộ rồi ông ơi! Gần bốn chục đó. -Cái gì mà mắc dữ thần án địa vậy! Hôm trước nghe bà nói chừng sáu chục ngàn một ký mà ? -Đó là cá nuôi, còn đây là cá sông hẳn hoi nên mới mắc như vậy đó! -Sao bà biết đây là cá sông? -Thì cái bụng nó hổng có bự, cái mình nó roi roi, ông ăn mà hổng thấy sao? Thịt nó ngọt và chắc hơn cá nuôi nhiều lắm. Ông chồng cố cãi cho là bà vợ bị lừa. Ông ngồi nghe mà tức thầm trong bụng, cái thằng cha nầy được vợ cưng vậy mà còn bày đặt...Ông chợt nhớ lại và nhận ra đó là phiên bản những bữa cơm của ông ngày xưa với vợ... Hai vợ chồng họ ăn cơm xong thì ly cà phê của ông vừa cạn. Ông chờ họ dọn rửa xong mâm chén rồi mới đứng lên trả tiền ra về. Ngày chủ nhật ông đạp xe đi viếng ngôi chùa nhỏ cách nhà khoảng năm cây số. Một tuần một lần, ông ghé thăm cái hủ cốt của bà đặt trong đó. Mang theo cái khăn tay sạch, ông lau cái hủ thật bóng rồi lầm bầm nói với bà: -Bà bây giờ khỏe dữ nghen! Khỏi phải nấu cơm giặt đồ cho tui, ở đây suốt ngày ngồi nghe kinh, thong thả quá nên cứ cười miết hén ! Tiện tay ông lau luôn mấy cái hủ kế bên. Chùa mới cất, còn nghèo, khoảng chừng vài chục hủ cốt nằm xúm xít với nhau. Hôm ông quyết định cho bà nằm ở đây thằng con bên Mỹ về nó cự dữ lắm! Nó nói ông tiếc mấy chục triệu nên không để bà nằm trong chùa lớn. Ông cũng không thèm giải thích, ở cái tuổi ông tính phô trương đã rơi dần như những manh áo giấy. Thế là hai cha con bất hòa, nó trút hết những nổi bực dọc tồn đọng từ lâu ra hết, nào là:" Ba gia trưởng, độc tài lúc nào cũng bắt má phục tùng, làm tất tần tật mọi việc từ trong ra ngoài ". Nào là: "tại má dồn hết sức chăm sóc cho ba, không có thì giờ lo cho bản thân nên mới bị đột tử như vậy "." Tính ba cầu toàn, đòi hỏi cao má lúc nào cũng phải cố gắng, lúc nào cũng bị ức chế nên mới bị bể mạch máu " ... Ông nghe nó nói mà không cãi lại tiếng nào, thật ra nó đâu có biết chăm sóc ông là niềm vui của bà. Bà thích vừa làm vừa cằn nhằn. Ôi ! cái tiếng cằn nhằn của bà sao mà ông nhớ đến đau lòng. Bà cằn nhằn ông từng chút một. Từ những chuyện lớn lao như ông ghiền thuốc lá, thích nhâm nhi cùng bè bạn cho tới mấy cái chuyện nhỏ như ông quên rửa tay, chậm hớt tóc v...v... Vợ chồng già nói ngọt với nhau mắc cỡ lắm, nên bộc lộ bằng những câu cự nự. Ông nghe riết đâm ghiền nên đôi khi cố tỏ ra trái, chướng cho bà có chuyện mà nói . Lau xong mấy cái hủ ông thắp cho bà một nén hương rồi đi một vòng quanh chùa. Ông nhổ mấy cọng cỏ, lặt những chiếc lá sâu trong mấy chậu kiểng. Mặt trời lên hơi cao, ông đạp xe ra về ghé ngang cái chợ chồm hổm sát lề đường, mua mớ cá mớ rau về ăn đủ trong tuần. Công việc nầy ông rất ngán! Tối chủ nhật, ông ngồi canh điện thoại chờ thằng con gọi về. Hai cha con nói chuyện một tuần một lần. Những câu hỏi và trả lời khô khan. Rặp khuôn như những công thức toán làm người nói và người nghe đều không hứng thú, đâu có như ngày xưa khi bà còn sống, mỗi lần hai má con nói chuyện là cả tiếng đồng hồ. Tất cả những sự kiện lớn lao ông đều dồn vào ngày chủ nhật như: đi thăm bà, đi chợ, đi chùa, giặt và phơi đồ. Ngày chủ nhật ông thật sự bận rộn ngược lại khi bà còn sống. Thuở ấy ngày chủ nhật ông ngủ dậy rất muộn, ra bàn ăn đã thấy bà pha sẵn ly cà phê, chiên cho ông cái trứng rồi đóng cửa đi chợ. Thưở ấy những món ăn ngày chủ nhật luôn làm ông thú vị. Bà hay tạo cho ông sự ngạc nhiên như được gặp lại người bạn rất thân mà ông ngầm mong nhớ. Bây giờ, khi xong công việc ông bới một tô cơm, ăn với thức ăn của ngày hôm qua còn lại. Thức ăn lấy từ trong tủ lạnh ra có khi ông làm biếng không thèm hâm lại, vừa mở ti vi xem vừa nhai... Vậy mà có khi trời còn mưa suốt cả ngày chủ nhật. LTB
|