NGÔI TRƯỜNG QUA KÝ-ỨC THẢO-NGUYÊN
Tháng 10/1964 …
Sau một cuộc hành- trình vất-vả, Duy đến quận-lỵ lúc đèn phố đã lên. Nhà và hàng quán đã khép bớt cửa ra vào. Một bản vọng-cổ được ngân-nga qua giọng một tài tử cải-lương nổi tiếng vọng ra từ một quán cà-phê.
Sáng hôm sau Duy đến trình-diện tại nhiệm-sở chỉ định trong sự-vụ lịnh. Đúng như dự đoán của Duy, trường Duy được bổ dụng đến đây là một trường trung-hoc mới được thành-lập tại quận nầy. Trường mới mở 2 lớp Đệ thất và 3 giáo-sư được bổ-dụng về, song chỉ có 2 người đến nhận nhiệm sở.
Trường chưa có cơ-sở nên học-sinh phải học tạm tại Trường Tiểu-học. Ông Hiệu-trưởng trường tiểu-học nầy kiêm luôn chức vụ Quản-đốc trường Trung-Học mới thành-lập. Duy nhớ hôm đến trình-diện, Ông đã niềm-nở tiếp Duy tại phòng việc, sau khi trao thời-khóa-biểu, Ông ân-cần dặn Duy:
- Nếu có thể, thầy bắt đầu giùm ngày mai, các em từ ngày khai giảng đến nay còn trống giờ rất nhiều. Duy đứng dậy chào Ông ra về. Ông đưa Duy ra khỏi phòng việc và dặn thêm:
- Trường mới thành-lập, nhân-viên chưa đủ, phương-tiện thiếu-thốn, tôi rất mong sự giúp đỡ và ý-kiến của thầy. Duy mỉm cười và siết chặt tay Ông.
........ Trống ra chơi điểm 3 tiếng, Duy cho học-trò ra chơi. Chúng ùa ra khỏi lớp và đùa giỡn với các em hoc-sinh tiểu-học trên một khoảng sân rộng.
Duy về quận-lỵ này được hơn 2 tháng. Duy đã dần dần thích-nghi với đời sống giản-dị nơi thành-phố nhỏ bé nầy. Ở đây, Duy không còn tìm thấy những thú vui lôi-cuốn, những gay-go, những phiền-toái trong cuộc sống. Duy cảm thấy yêu-mến đám học trò lúc nào cũng ngoan-ngoãn cúi đầu mỗi lần chúng gặp Duy ngoài phố. Chiến-tranh chưa xóa đi được sự vô tư chưa làm tắt đi nụ cười thơ-ngây của chúng. Chúng chưa ý-thức hay chỉ ý-thức lờ-mờ cuộc chiến qua bản tin-tức hàng ngày đọc ở loa phóng thanh ngoài phố chợ vào mỗi buổi sáng .
……Nhìn hoa phượng đỏ ối trên cành rơi rụng đầy sân trường, các em học-sinh của mình vui đùa trên sân trường trong giờ ra chơi, Duy thấy lòng nôn-nao, rộn rã. Duy sực nhớ chỉ còn không đầy một tuần nữa là đến kỳ nghỉ hè, chấm dứt một năm học nữa.
Duy rất yêu màu đỏ của hoa phượng, một màu đỏ tươi thắm và đẹp-đẻ vô cùng và cũng là một loại hoa gắn liền với học-đường, với đời học sinh của Duy và với mái trường thân yêu mà Duy đang giảng dạy. Mỗi lần hoa phượng nở là mỗi lần nhắc-nhở Duy đến nhiều kỷ niệm đã qua, những kỷ niệm khó quên với thầy, với bạn ngày xưa, với đồng nghiệp, với học trò của mình hôm nay.
Yêu thích hoa phượng nên Duy cũng thích những bài hát về loài hoa này,nói về mùa chia tay dưới mái học đường. Ngày ấy, Duy nhớ là mình thích bài “Nỗi buồn Hoa Phượng”. Bài hát này thường mỗi dịp hè được các em học sinh trong trường yêu cầu một em trong Ban văn-nghệ nhà trường hát thành-công nhất lên sân khấu hát trước khi thầy, bạn cùng nhau chia tay. Duy chợt mĩm cười khi câu mở đầu của bài hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” được một số em nam sinh đùa nghịch hát nhại thành “Mỗi năm đến hè NHÀ EM NẤU CHÈ”, hoặc “Mỗi năm đến hè MÌNH NUÔI CÁ BÈ”.v.v...
Màu đỏ ối của hoa phượng và màu áo trắng tinh-khôi của học trò hòa quyện nhau trong nắng ấm tạo nên một màu chói chang, đẹp mắt trên sân trường.
Vài học sinh cuối cấp (lớp 12) với vẻ măt buồn buồn, ngập ngừng chuyền cho nhau những quyển lưu bút vì trong số này Duy biết có những học trò của minh vì nhiều lý-do sẽ xa mãi mãi ngôi trường thân yêu kể từ mùa hè nầy … THẢO-NGUYÊN
BĐH đăng lại bài viết nầy của Thảo-Nguyên (Thầy Nguyễn-Trọng-Phúc), nhân KỶ-NIỆM 49 NĂM (01-10-1964&01-10-2013) ngày thành lập Trường Trung học Công-lập TÂN-CHÂU, Trường THCL NGUYỄN-CHÁNH-SẮT TÂN-CHÂU nay là Trường PTTH TÂN-CHÂU (AN-GIANG)
|