Bài Luận Văn Cuộc Đời Thái Liên sưu tầm
Thân gởi bài viết này đến tất cả các bạn sinh viên. Hết lòng cám ơn cô L.T.T.H. đã dạy em viết luận Anh ngữ năm 1997. Nhờ sự nhiệt tâm của cô mà hôm nay em chia sẻ những suy nghĩ về bài luận văn cuộc đời.
Bạn thân mến, bài luận văn hoàn chỉnh được viết trên giấy là bài luận có đủ những yếu tố sau:
1- Phần mở bài 2- Phần thân bài 3- Phần kết luận.
Ở phần mở bài (introduction), điều khó nhất và cần thiết nhất là phải viết cho được câu chủ đề (thesis statement) và các ý để khai triển câu chủ đề ấy (supporting points). Phần thân bài (body) là phần triển khai các ý tưởng để bổ túc cho câu chủ đề; phần này gồm nhiều đoạn văn (paragraphs). Cuối cùng phần kết luận (conclusion), đây là phần nói lại câu chủ đề và các ý triển khai theo một cách khác, ngắn gọn hơn.
*********************************** Bạn thân mến, nhìn vào cuộc đời của mỗi người, có lẽ nó cũng chẳng khác gì bao nhiêu khi ta viết đời ta như một bài luận văn. Cách chung mà nói, đời người ai ai cũng trải qua phần mở đầu, phần thân bài và phần kết luận. Thực tế, có những em bé chỉ mới chào đời thì đột ngột chết đi. Chúng ta không có cơ hội để biết câu chủ đề của em. Nhưng phần lớn, ai cũng có khả năng để hoàn tất bài luận đời mình, nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều người vẫn không hoàn tất bài luận văn đời mình.
Có những người loay hoay mãi mà vẫn không viết ra được câu chủ đề (thesis) cho đời mình. Đáng lẽ họ phải viết cho được câu chủ đề bắt đầu từ lúc 18 tuổi, nhưng thật không may, có rất nhiều người đã không viết được câu chủ đề; thậm chí là có người đã 50 hoặc 60 mà vẫn loay hoay không tìm thấy chủ đề, mục đích của đời mình. Đó là bài luận không có chủ đề, ưa viết gì thì viết. Cuộc đời không có lý tưởng, mục đích rõ ràng.
Có những người viết được câu chủ đề rất sớm, nhưng không biết làm sao để khai triển câu chủ đề trong phần thân bài. Cuộc đời họ cứ giữ mãi lý tưởng mà không triển khai những lý tưởng ấy thành những hành động thực tế, hữu đời. Ôm mộng và chết trong mộng. Họ không viết được phần thân bài, và dĩ nhiên, bài luận cũng dang dở, không hoàn tất được. Đây là bài luận không có thân bài.
Có những người lại viết một lúc hai, ba câu chủ đề trong phần mở bài. Vì có quá nhiều chủ đề và mục đích cho đời mình, nên họ triển khai đời mình với nhiều hướng khác nhau. Cuộc đời trở nên xáo trộn, bất an, mất phương hướng. Dù họ có đi tới phần cuối bài luận văn của đời họ, bài luận này cũng chẳng nói lên được điều gì, và cũng không ai có thể hiểu được ý nghĩa của đời họ. Đó là một bài luận lạc đề.
Có những người viết câu chủ đề cho đời mình rất hay và rõ ràng. Nhưng khi bước vào thân bài triển khai nó, gặp thử thách, khó khăn, nghịch cảnh… họ chán nản liền quay trở lại và xóa bỏ câu chủ đề ấy đi và loay hoay tìm một câu chủ đề khác. Nhưng khốn thay, thời gian cho phép để viết bài luận đời mình cũng có giới hạn. Bài luận viết chưa xong thì đã phải nộp. Đó là bài luận chưa có phần kết.
Có những người viết được chủ đề, nhưng phần triển khai chủ đề ấy (supporting points) lại chẳng ăn khớp với chủ đề. Họ như những người nói một đàng nhưng làm một nẻo. Việc làm và lời nói không đi với nhau. Họ chọn cho mình một lý tưởng sống rất đẹp, cao thượng, nhưng cách họ sống thì không phù hợp với lý tưởng đó. Đó là một bài luận không logic.
*********************************** Bạn thân mến, đời bạn cũng cần có một mục đích lý tưởng như một bài luận cần phải có một câu chủ đề. Chính câu chủ đề của bài luận văn sẽ giúp cho bạn không bị lạc đề mà vẫn luôn luôn bám sát "sợi chỉ đỏ". Lý tưởng của đời bạn cũng cần thiết và quan trọng như thế đó.
Thời sinh viên là thời để bạn "viết" câu chủ đề. Nếu chưa viết được câu chủ đề, thì đừng vội buớc vào phần "thân bài". Chưa tìm ra chủ đích, lý tưởng của đời mình thì hãy khoan hành động, và khoan "tự xây dựng" đời mình. Đừng đụng đâu viết đó. Cuộc đời và thời gian không cho phép bạn dễ dàng xóa câu chủ đề và viết lại chủ để khác đâu!
Khi đã tìm ra chủ đề, mục đích lý tưởng của đời mình, bạn hãy mạnh dạn triển khai nó đi. Hãy chia nó ra thành những đoạn đời như là những đoạn văn vậy. Hãy kiên nhẫn triển khai từng đoạn một thôi, và đừng nản chí tháo lui. Cẩn thận hoàn tất từng đoạn này rồi bắt tay vào đoạn khác. Có như thế bạn sẽ không bị lạc đề, mất phương hướng. Hãy cố gắng bổ túc cho mục đích và lý tưởng của đời mình bằng mọi giá. Cũng như mọi câu văn đều bổ túc cho chủ đề của bài luận, thì mọi hành động của bạn cũng hãy phục vụ cho lý tưởng của đời mình.
Cầu chúc bạn đi cho tới phần kết luận. Chúc bạn viết bài luận đời mình thật hay, rõ ràng, trong sáng, sâu sắc, dễ hiểu, logic, và có ý nghĩa.
Huỳnh Quảng
|