Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 29 Tháng 3 2024, 12:20
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM - Dạ Lý «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 98 bài viết ] [ 2 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6 ... 10  Trang kế tiếp
Người gửi Nội dung (Xem: 19578 | Trả lời: 97)
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 1 2015, 22:27
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
Nó là một nhánh sông nhỏ thôi, nhưng với tôi nó là vùng trời bao la của đời sống quê tôi. Hằng ngày tôi để ý, chiêm ngưỡng tất cả sinh hoạt trên dòng sông. Tôi thương con nước lớn, yêu con nước ròng, làn gió mát thoảng len qua cửa sổ ru tôi chìm vào giấc ngủ ngon. Yêu kỷ niệm lặn xuống nước mò lon sữa bò để bắt mấy con cá bống, sợ xuống sông ban đêm vì bị nhát ma da - con ma da kéo giò người ta. Ma da là con gì? có thật hay không? nhưng cũng đã làm tôi không dám xuống sông vào ban đêm, cũng không dám hỏi ai để nghe giải thích con ma da nó ra làm sao. Tôi để ý mấy chiếc ghe đậu dưới sông, không biết ghe từ đâu đến? có khi thấy ghe đậu vài ngày rồi đi đâu mất biệt, cuộc sống của những người trên ghe chắc ít nhiều khó nhọc, nhưng vào buổi chiều trên ghe, ở ngoài sau bếp cái cà ràng bập bùng lửa, từ xa tôi không biết họ nấu món gì? vài chục phút sau vợ chồng cùng một hai đứa con mang thức ăn ra ngoài trước ghe ăn cơm, họ vui vẻ, thảnh thơi với buổi cơm chiều. Nhiều khi tôi muốn được ăn cơm trên ghe như thế vì tôi thấy giống như một buổi picnic ở ngoài trời. Khi màn đêm buông xuống, mọi sự sinh hoạt trên ghe đều im tiếng, họ đi ngủ rất sớm, nhiều đêm khuya từ trên lầu tôi nhìn xuống sông, những chiếc ghe như những con cá đen khổng lồ đang nằm ngủ trên nước. Mùa nước cạn rác rưới đều được gom lại rồi mang xuống sông đổ, mùa nước nổi thỉnh thoảng nhà ăn trái cây rồi tiện tay vụt mạnh xuống nước - cha tôi không cho làm như vậy vì ông nói - ghe, tàu, người ta ở dưới sông, quăng rác như vậy trúng nhà người ta, làm như vậy là không tốt. Mùa nước nổi, hễ khi mấy chiếc ghe lớn chở thóc gạo neo đậu trước nhà tôi là bị cản tầm nhìn qua con đường bên sông, nghĩ lại cũng mắc cười - là buổi chiều thì tôi quan sát sinh hoạt ở dưới sông, buổi tối thì vừa học bài vừa nhìn cảnh người qua lại bên kia sông.

Mùa nước cạn, có lúc tôi muốn con sông thiệt là cạn nước để tôi sắn ống quần rồi đi ngang qua bờ bên kia. Khi còn là con nít, dòng sông coi vậy thấy nó lớn lắm, cái dốc bên kia sông cao hơn, bên đó có những cây đống cọc đen, không biết họ đóng xuống đáy sông từ hồi nào, nhưng khi nước thật cạn thì các cây cọc lồi lên. Ở ngoài bãi cát thì dễ dàng đi qua lại hai bên bờ khi nước cạn, nhưng thời đó làm con gái cái gì cũng nhát, mắc cỡ, dù là con nít cũng vậy nên ít khi nào tôi dám ra bãi cát, nhiều lúc tôi mê coi người ta quăng lưới đánh cá, tôi đi ra bãi cát đứng tuốt ở trong này mà nhìn ra sông chứ cũng không dám ra mé nước. Mùa cá linh, nhiều người đi dọc theo bãi cát quăng lưới rồi kéo lên, lưới vừa ra khỏi nước là nhấp nhô ánh bạc của vãy cá linh. Tụi con nít trai kéo lại coi người ta gỡ cá linh, tôi chỉ nhìn từ xa, phải chi tôi là con trai - chắc bây giờ tôi có thể kể thêm nhiều câu chuyện.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM - Dạ Lý
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 1 2015, 07:43
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Hồi đó tỷ ao ước được sống trên ghe, lý do thật là đơn giản, tỷ rất ghét rửa chén , nên sẽ làm cái cằn xé cho chén dơ vào đó rồi nhúng xuống nước, nước chảy sẽ làm chén sạch khỏi rửa. Tỷ cũng không biết gánh nước , gánh lần nào cũng té làm móp thùng, ở ghe chỉ cần vói tay xuống là múc nước lên xài ngay, khỏe re.
Viết thêm nữa đi muội, tỷ ghiền đọc bài của muội rồi đó!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 1 2015, 23:27
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề

Ăn bánh kẹo nhiều sẽ bị đau bụng, sình bụng, ... tụi con nít bọn tôi thường nghe như vậy, nhưng làm gì có bánh kẹo nhiều để ăn cho tới khi bị như thế. Do ở gần chợ vào buổi sáng có bán đủ thứ, và có những dãy phố bán hàng, có lẽ vì vậy mà trên con đường của xóm tôi dạo đó ít có bán bánh kẹo cho tụi con nít. Lâu lâu có người đẩy xe ngang bán bánh lỗ tai heo, bánh tây lạt, ... hoặc xe kẹo kéo, thích nhất là xe cà rem có quay số. Thập niên sáu mươi, ngoài giờ học, giờ nghỉ những thú vui thường là trò chơi dân gian tự sáng chế, tụi con gái thì bị hạn chế hơn, tôi may mắn là chơi thân với nhỏ bạn là hàng xóm nên cả hai như hình với bóng, hồi khoảng 6 -7 tuổi hai đứa tôi buổi chiều còn lên sân bóng rổ chạy chơi, hoặc chơi nhà chòi ở cái bậc cửa Chi Thông Tin. Tới khoảng 8 tuổi là hai đứa cũng ít lên đường chơi, mà chỉ chơi ở con hẻm bên nhà nhỏ ấy, hoặc tắm sông.

Năm 10 tuổi, lúc này hai đứa khá lớn rồi - lúc đó kẹo Xăn-Gum (Chewing Gum) đang là món kẹo rất thịnh hành, tụi tôi mua kẹo nhai rồi tập thổi thành cái bong bóng. Hầu như tiền được cho là hai đứa tôi đi mua xăn-gum nhai. Ở một góc đầu đường dãy nhà Tuấn Ký, có chiếc xe bán vé số, vài bánh kẹo của Mỹ, đó là nơi tôi thường đến mua 1 hoặc 2 miếng kẹo xăn-gum. Không nhớ làm thế nào mà hai đứa biết ở cuối con đường bán trầu cau, vừa quẹo trái, có một tiệm bán bánh kẹo, phần lớn là bán sỹ (hình như tiệm này kế bên chỗ bán kim may chỉ để thêu) Tiệm có bán loại kẹo xăn-gum rất mới, viên kẹo hình vuông, được gói riêng từng viên trong cái bọc ny lon có nhiều màu sắc khác nhau, kẹo được bán bằng một chuỗi dài 10 viên, độ dài khoảng 3 tấc. Vì là kẹo mới cho nên chưa được bán lẻ, hai đứa tôi hùn tiền lại ra đó mua, người ta chịu bán cho bọn tôi 1 xâu, ăn nhín nhín thì hai đứa dùng được 1 tuần lễ, cái bậc thang nơi nhà nhỏ bạn là nơi hai đứa tôi vào buổi trưa ngồi nhai và thổi thành bong bóng. Một hai tuần lễ sau, tụi con nít trong xóm để ý thấy hai đứa tôi có loại kẹo mới, với chuỗi dài và nhiều sắc màu, nên hỏi mua ở đâu, hai đứa tôi chỉ chỗ cho tụi nó ra ngoài chợ mua, nhưng tụi nó nhát không dám đi mua rồi năn nỉ bọn tôi bán kẹo lại cho tụi nó. Mới đầu nghe nói cái từ " bán kẹo " hai đứa tôi đâu có chịu, vì đâu có tư tưởng bán để kiếm tiền lời nên từ chối. Rồi tụi nó cứ năn nỉ bán, không chịu bán thì tụi nó đòi coi mấy viên kẹo hoài nên cuối cùng nhỏ bạn tôi nói thôi mình bán cho tụi nó đi. Lần đầu bán bằng giá tiền mua, tụi nó đòi mua nữa nên bạn tôi bàn với tôi mình phải bán có lời vì công mình chạy ra tiệm mua nữa. Mấy đứa mua vui lắm, vì giống như cái bậc thang là một gian hàng bán kẹo. Hai đứa tôi bắt đầu ra tiệm tìm mua loại kẹo khác, chủ yếu là kẹo nào gọn, có gói riêng và phải nhiều màu sắc hình vẽ. Mới đầu bán kẹo chỉ là một trò chơi khi nào sau giờ học, khi hai đứa tôi rảnh ngồi ở cầu thang thì mấy đứa kia mới tìm đến mua. Tôi thì nhớ, không phải vì tiền lời mà hai đứa tôi ham bán, mà vì vui, cả đám xúm xít vây quanh coi hôm đó tụi tôi bán cái kẹo mới, rồi từ từ hai đứa mua thêm kẹo Bạc Hà. Tất cả kẹo bán được để trong một cái hộp giấy, sau đó hai đứa bắt chước người ta đi mua cái xịa nhỏ, trên xịa lót mấy tờ giấy báo nhật trình, phía dưới tờ báo tụi tôi để tiền - giống như mấy bà bán hàng rong ở ngoài chợ. Mắc cười là hai đứa tôi không để ý mình có bao nhiêu tiền ở dưới mấy tờ báo đó, khi hết kẹo thì lấy tiền ra chạy đi mua, bán được bao nhiêu cũng bỏ tiền ở đó. Mấy chị của bạn tôi thấy hai đứa tôi bán cũng không nói gì, vì thời điểm đó công việc buôn bán của gia đình hai đứa cũng rất là bận rộn.

Năm đó hai đứa tôi đang học lớp Năm, phải là năm cần tập trung học để thi chuyển cấp vào lớp Đệ Thất. Buổi trưa tôi qua nhà nhỏ bạn học bài, học chưa được bao lâu thì tụi con nít cũ ở xóm tôi, cộng thêm với tụi con nít ở xóm kế bên kéo đến mua kẹo, mua thì phải bán chứ sao vui quá mà. Con hẻm nhà bạn tôi là con đường dẫn đi xuống bến ghe tàu, có thể đi thẳng ra bãi cát luôn, cho nên các bà mẹ từ phía bên kia sông dẫn con mình đi lên chợ - rồi khi trở về đi ngang chỗ bán của hai đứa, thế là tụi nó đòi mẹ mua kẹo cho nó, vậy là có thêm mối bán. Cái xịa bánh kẹo của hai đứa có thêm nhiều bánh kẹo kể từ khi có các mối của người đi ghe đò. Có lần hai đứa tôi đi học, có bà nào đó đi lại kêu cửa nhà bạn đòi mua bánh để mang về cho con bên kia sông, chị của bạn đem bánh ra bán giùm, đi học về nghe chị kể lại. Nói bán thì nhiều, chứ thật ra cũng chỉ là bánh kẹo lặt vặt cho nên tiền lời cũng rất ít, bán được thời gian ngắn hai đứa tôi chán, không thích bán nữa. Rồi một bửa sau khi học bài xong, buổi chiều gió mát nhỏ bạn nói - tao thấy ở dưới sông - người ta chở trái Trăm từ trên Miên xuống bán chạy lắm, thôi tụi mình đi mua bán trái Trăm đi. Bạn và tôi rất thuận hòa với nhau thế là hai đứa đi ra bãi cát coi người ta bán mua trái trăm như thế nào.

Trái Trăm tới mùa được chở từ trên Miên xuống, trái rất to bằng ngón tay cái, màu tím đậm, ngon ngọt hơn trái trăm của địa phương mình. Người ta dùng chiếc Tắc Ráng chở trăm bán sỹ cho các người mua rồi bán lẻ lại. Họ bán trăm đong cái thùng thiếc, hoặc cái tạ (tròn bằng nhôm, loại để đong gạo, không biết gọi bằng cái tạ có đúng không?) Tụi tôi coi rồi hôm sau quyết định mua trái trăm bán, mà mua chỉ có nửa thùng thiếc thôi. Lần này bọn tôi phải để giấy nhật trình cho nhiều trên cái xịa, kiếm cái lon sửa bò để dùng đong bán, làm một chén muối hột đâm nhuyễn với ớt, cắt giấy hình vuông để khi bán quấn lại rồi bỏ trái trăm vô đó, ... coi như chuẩn bị đầy đủ. Nhưng có một trở ngại đó là trái trăm nó là trái cây nên phải bán cho hết liền chứ không thôi nó mau hư. Mà con nít tụi nó đâu có chịu ăn trái trăm, nó mua có chút xíu rồi thôi, một đống còn lại ế nhệ.

Hên sau, trên sân bóng rổ mấy ngày đó có đội banh chơi vào ban đêm cho nên đèn sáng, và đông lắm. Bạn tôi trời vừa tối là không được ra khỏi nhà, cho nên tôi phải ôm cái xịa lên trên sân bóng rổ ngồi bán một mình. Tôi bán đắt lắm, đong bằng lon sửa bò, thường thì người ta mua lần nửa lon. Bàn tay tôi đen thui như trái trăm, tiền giấy ở dưới cái xịa cũng lốm đốm màu tím của trái trăm luôn. Phải mất hai buổi chiều tôi mới bán hết nửa thùng trái trăm đó. Sau lần bán này hai đứa tôi bỏ luôn vì hết ham, và cũng phải tập trung vào việc học. Việc bán bánh, ít nhiều ảnh hưởng đến chuyện học thi của hai đứa cho nên hai đứa thi không đủ điểm. Sau này hai đứa tôi kể lại chuyện bán bánh kẹo là cùng nhau cười.

Rồi hai đứa tôi cũng phải đếm số tiền mình có được để chia đều. Tôi nhớ không rõ là bao nhiêu nhưng tôi không xài số tiền đó liền, mà tôi đợi đến phiên chợ Tết. Tôi rất thích đôi giày săn-đan có quai chéo bằng da, chị Hai thường mua dép bằng nhựa cho tôi mang thôi. Có một chỗ bán giày Tết đẹp lắm, giày từ Sài Gòn, tôi thấy một đôi bằng da màu xanh dương xậm, gót cao hơn 2 lóng tay, quai chéo ôm cổ chân, hơi rộng hơn bàn chân tôi một chút, nhưng nhờ có lỗ nên tôi có thể thắt chặt quai lại. Đôi giày tốn gần hết số tiền của tôi, và đó là đôi giày da đầu tiên mà tôi có được. Tôi mang mấy ngày Tết rồi cất để dành, đợi đến khi tôi vào lớp 6, mặc áo dài tôi mang đôi giày săn đan đó đi học và xài tới hai năm nó mới cũ và hết vừa, chị Hai lúc đó mới mua đôi giày săn đan khác cho tôi.

Vào lớp 6 ở trường trung học Bán Công, là một bước ngoặt mới, từ giã thời làm con nít, tụi tôi không còn tắm sông nữa, nếu có thì rất ít, chỉ khi nào nước thật trong vào buổi chiều mới ra phía bên nhà bạn tắm một chút. Tôi không còn lội dòng sông quê chọc phá mấy con tép nữa. Một ngày trên đường đi học về, tôi gặp con mèo xiêm trắng, và từ đó con mèo thay thế chỗ cho một dòng sông tuổi thơ. Từ năm này trở về sau, tôi có thể nhớ rất nhiều kỷ niệm ở Tân Châu.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: ĐBVA - Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 1 2015, 10:04
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
Dạ Lý thương. Hình như cô chưa từng viết thư riêng cho em, dù rằng hai cô trò rất hạp ý nhau (bằng chứng của cuộc điện thoại nào cũng dài lê thê) Hôm nay nhất định phải thư cho em, dù mắt cô đang khiếu nại đó. Thư cho em để nói rằng, Dạ Lý cô viết bài hay quá.

Tân Châu và Kỷ Niệm, với hai bài mới nhất, nói về dòng sông nhỏ cùng việc bán kẹo thuở còn thơ. Chao ôi, càng đọc đôi mắt cô càng sáng lên, không dùng dằng làm reo nữa. Không cần bút pháp hoa mỹ, không phải văn chương trau chuốt. Em đã đem người đọc vào thế giới thần tiên của hai cô bé ngay thơ, trong trắng, chơi trò bán hàng của người lớn...một cách tự nhiên. Làm cô nhớ đến ngày nào đó, cùng đứa em nhỏ chun xuống sạp bán vải của người dì, lấy mền phủ kín các góc, giả làm nhà ở, nấu cơm ăn...Lời văn dung dị, làm chiếc xuồng con có đời sống nổi bậc trên sông nước miền Tây ( đâu thua tác giả Nguyễn Ngọc Tư)...Và còn nhiều nữa, nhưng mủi em đang phồng kìa, cô không muốn làm em mất đẹp đâu.

Rất thích thú khi khám phá ra "cô bé khó tánh" nầy, cũng đa tài nhỉ. Cố lên, Dạ Lý của cô.
Thương nhiều.

ĐBVA


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 1 2015, 16:00
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2446
Đọc bài của Xí Muội viết làm NGV tui nhớ nhà quá chừng chừng luôn. Nhớ con Kinh Vĩnh An, nhớ bãi cát, nhớ sân bóng rổ, nhớ Chùa Ông,...

Mấy năm trước NGV có viết một loạt bài "Tìm Dấu Chân Xưa" nhưng phải ngưng viết chỉ vì một lời phê bình của một cựu học sinh trường THCLTC đang làm việc tại Tân Châu. NGV tui chỉ sợ làm phiền gia đình và tất cả các thành viên của trang web.

Anh đang chờ đọc thêm những kỷ niệm của Xí Muội trong xóm mình để nhớ lại Tỷ Á. Anh và Tỷ Á ngày xưa chơi rất thân và có rất nhiều kỷ niệm thời ở trần tắm mưa.

Chúc em một tuần vui vẻ.
Thân mến.
NGV


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM - Dạ Lý
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 1 2015, 17:48
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2242
Dạ Lý kể chuyện đời xưa hay "hết sẩy con cào cào" luôn! :clap: :rse:
Tới luôn bác tài!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: TÔI NUÔI CÁ LIA THIA - Dạ Lý
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 1 2015, 07:44
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Sao cái vụ "bán" nầy mình cũng giống nhau nữa vậy ta, có điều tỷ hổng có bán cho mình. Năm học lớp bảy có một ông già người Hoa, giờ ra chơi hay bưng cái mâm bánh phục linh vô lớp bán. Thấy ổng bán ế quá tỷ tội nghiệp, bèn bưng đi bán giùm, ép mấy đứa bạn mua, tụi nó gọi ổng là "ông ngoại con Diệu".
Viết thêm đi muội !


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 1 2015, 22:04
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
Cô thương kính, em rất vui khi được cô khen và khuyến khích viết về những kỷ niệm xưa ở Tân Châu. Thường được đọc những câu chuyện của các anh chị trên diễn đàn nên em cũng muốn góp phần, và cũng muốn hâm nóng lại trang nhà, tình thân cũ. Như cô hiểu đó, công việc trong đời sống vẫn còn phải lo, chưa biết được nay mai có thời gian để nhớ mà viết hay không? Em cảm ơn cô đã viết vài dòng cho em, mong rằng cô mãi là người " nối vòng tay lớn " mang yêu thương đến cho tất cả mọi người.

Em có biết thoáng qua tên Nguyễn Ngọc Tư, nhưng chưa có dịp đọc văn của tác giả này - hình như là truyện viết tả cảnh miền quê? hôm nay em gởi lên kỷ niệm này, vì có lần cô nói về chị Hạnh của cô.

Thương chúc cô một buổi tối an lành.
Daly.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NGƯỜI CHỊ HỌ (RE: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM) - Dạ Lý
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 1 2015, 22:50
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
NGƯỜI CHỊ HỌ

Bảy tuổi tôi đã nhớ về Chị khi vào một buổi trưa oi bức trên lầu, chị và tôi đùa nhau lấy cái áo đầm của tôi mặc vào đứa em trai hai tuổi, em mũm mĩm, sổ sữa cho nên cái áo vừa khít, chị mặc xong, xoay em trai một vòng cho tôi nhìn rồi cười, tôi phá ra cười, em trai tôi cười theo luôn, em chưa biết khái niệm là con trai mà bị bắt mặc áo đầm, em thấy chị và tôi cười - em cười lây. Chị là con người dì ruột, chị về nhà tôi để chăm sóc bọn tôi khi mẹ mất, anh chị lớn của tôi phải đứng ra lo buôn bán. Chị họ ở nhà làm những công việc hằng ngày, việc rất đổi bình thường của một gia đình sống trong căn nhà trên dòng kinh Vĩnh An ở quận Tân Châu. Chị dáng người cao lớn, đảm đang, tận tụy, và rất là nguyên tắc dù rằng đó là công việc nhà. Chị phải làm như vậy vì công việc nhà là một việc làm tuần tự của hằng ngày. Nếu ai có xem phim Cuốn Theo Chiều Gió - sẽ nhớ một nhân vật bà Mammy là nhũ mẫu của cô Scarlett. Chị Họ của tôi có cá tánh như thế, trong phim bà Mammy chìu chuộng cô thiếu nữ Scarlett theo phong cách của gia đình vọng tộc, còn tôi thì lúc đó là một đứa con nít trong một gia đình buôn bán nhỏ nên chuyện lo sức khỏe, ăn uống, rồi ôm cặp đi học là việc chị cần phải lo. Chị không có thời gian để ngọt ngào, chị tức mình vì với mọi cố gắng lo cho tôi, nhưng do nhỏ xương nhất nhà cho nên tôi ốm nhom, tôi như một con tép đồng - rong riêu, chứ không phải như con tép bạc, chị bực mình cằn nhằn " Nuôi mầy chỉ uổng cơm " rồi thường gọi tôi bằng con ốm. Chị ít nghĩ rằng con ốm của chị - có cá tánh của con ốm, một lối hài làm chị tức mình luôn.

Một buổi sáng khoảng 10 giờ, nghe tiếng chị gọi từ trong bếp ở ngoài sau nhà.
- Ốm ơi ra đây tao biểu.
Tôi đang ở ngoài trước nghe vậy chạy ra ngoài sau bếp, chị đang ngồi trên cái ghế nhỏ, tay đang làm cá, thấy tôi chị nói.
- Tao quên mua hành rồi, mầy chạy ra ngoài chợ mua vài tép hành cho tao.
Nói xong tay chị vẫn tiếp tục đánh vảy con cá lóc. Do lúc đó còn nhỏ, nên tôi rất sợ đi chợ vì đông người, phải chen chúc nên tôi nói.
- Thôi em không đi đâu, vì chợ đông người em chen không được.
Nghe tới đó chị nổi sùng, chị quát lên.
- Giờ này, 10 giờ sáng rồi, hết người ta đi chợ rồi, mầy đi nhắm mắt hả họng mầy cũng không đụng ai.
Tôi lúc đó nổi hứng chọc chị.
- Thiệt hông? em sẽ đi kiểu nhắm mắt hả họng như chị nói, nếu em có đụng đổ hàng gánh của ai, chị phải đền cho người ta nghen.

Tôi nói vừa dứt câu, thì chị chộp lấy chiếc dép nhật ném bay về phía hướng tôi đang đứng, chiếc dép do nhẹ cho nên nó bay gần tới tôi là nó hạ cánh. Tôi cười hi hi nói với chị - đưa tiền cho em đi mua . Nói xong tôi không dám lại gần chị để lấy tiền, mà tôi nói chị thảy tiền về phía tôi để tôi lấy đi mua. Chị không có thời giờ để la tôi nữa, tôi chạy đi mua hành mang về mà cũng không dám lại gần, từ xa tôi thảy bó hành cho chị rồi chạy lên nhà, chị chưa bao giờ đánh đòn bọn tôi nhưng chị lớn tiếng khi la nên tôi tránh.

Buổi chiều khi chị Hai từ quán vải về nhà, chị Hai mới săn sóc tôi và tôi ngủ chung với chị Hai. Ban ngày chị Hai đi bán nên mọi việc ở nhà có chị Họ tôi lo. Chị nấu ăn rất ngon, ngoài việc nhà chị còn có đôi mắt thần tình chuẩn đoán bệnh cho bọn tôi, rồi trị bệnh bằng phương pháp " cạo gió." Hàng xóm của tôi đều khen chị mát tay, cạo gió hay nên thường nhờ chị cạo gió giùm. Riêng, từ anh Tư, anh Năm, tôi và em trai - đều cho rằng " xui lắm " nên mới được chị cạo gió. Chị biết anh em tôi sợ cạo gió nên chị âm thầm rà đôi mắt đoán bệnh rồi chờ buổi trưa rảnh là chị chộp bệnh nhân đè ra mà cạo, phải nói chính xác từ Nạo Gió vì chị cạo sát da luôn, giống như nạo dừa. Đứa nào bị cạo gió thì tất cả đứa khác dọt chạy ra khỏi nhà, y như là khi chị cạo gió thì con bệnh trong người đứa đó phải bỏ chạy, rồi nhập vô mình đứa khác - rồi đứa đó sẽ là đứa kế tiếp bị chị đè cạo gió. Một buổi trưa, chị nhào tới ôm lấy tôi rồi đè ra cạo, người tôi không có thịt mỡ nên từng làn cạo đau thấu xương, chị kẹp tôi lại bằng đôi chân rồi cạo, tôi la hét om xòm, chị thản nhiên cạo, rồi có lẽ tiếng la của tôi làm chị quạu nên lúc cuối chị la lên -
- Mầy la hả, mầy la, tao sẽ cạo mạnh nữa cho mà coi.

Nói là làm, chị cạo mạnh nữa vì đó là chiêu cuối cùng, rồi buông tôi ra. Tôi như cục bột gạo nếp trước khi dùng để nấu chè xôi nước, nhão cả thân người, rồi chị lau mình thay đồ khác cho tôi. Tôi không còn sức nữa, chìm vào giấc ngủ, khi thức dậy chị cho ăn cháo, bộ đồ tôi mặc màu xanh lá cây đậm - nhìn trong kiếng với các lằn sọc gió trên cổ, trước ngực, tôi giống hệt như trái dưa hấu. Ngày hôm sau, tôi hỏi chị, làm sao chị biết tôi bệnh mà đè ra cạo gió? chị trả lời không cần suy nghĩ - mầy chạy như con chuột nhắt, rồi chuột nhắt ngồi ủ rũ một chỗ - thì có phải là con chuột trúng gió không?

Anh Ba tôi kể lại, có một lần anh từ quán vải về nhà, vừa qua khỏi chùa Ông thì thấy chị Họ chạy từ dưới hẻm lên, sau lưng chị là anh thứ Tư, trên tay anh cầm khúc cây, anh rượt chị, ... anh Ba chạy tới ôm anh Tư lại, hỏi tại sao, thì anh Tư vừa khóc vừa nói - Chỉ cạo gió đau quá. Thì ra do đau quá anh Tư vùng khỏi bàn chân của chị rồi quơ đại khúc cây rượt chị để trả thù nợ Gió, hihi.

Chị còn là chuyên khoa săn sóc da, chị rất ghét bọn tôi ở dơ, em của chị - đứa thì chơi búng vòng, đứa thì chơi thảy cọc, ... tới chiều thì chị nói " mình mẩy tụi bây đóng đất cả đống." rồi trước khi ăn cơm chiều là chị lôi từng đứa ra sau nhà kế bên lu nước, chị bắt đầu dội nước, chà xà bông rồi kỳ mình kỳ mẩy, chị vừa làm vừa cằn nhằn bọn tôi ở dơ, nói tới đâu là bàn tay chị kỳ thiệt mạnh như thể phải cùng âm điệu với giọng nói của chị, anh em tôi đứng không vững, ngả tới ngả lui, ngả hướng nào thì cánh tay của chị như lò xo kéo ngược chúng tôi lại, cảnh tắm giống như một điệu múa nước, có khi chúng tôi nhảy tưng lên vì tới lúc chị kỳ đất ở lỗ tai. Một buổi chiều từ trên nhà ngó xuống sông, tôi thấy chị ngồi trên cầu ván nhỏ tắm cho anh Năm - chị mạnh tay quá, anh la á á rồi nhảy đùng xuống sông, anh lấy tay tát nước lia lịa lên người chị, chị cười hi hi khoái chí.

So với trong nhà tôi là đứa thấp và nhỏ xương nhất, chị Hai thường mua mấy chai thuốc bổ xương màu trắng đục cho tôi uống, thuốc bổ này nó lờ lợ nên không mấy gì hấp dẫn, uống hoài chẳng thấy tôi lên ký, chị đi lại tiệm thuốc bắc mua thuốc tể, viên tròn tròn đen thui, dẻo dẻo có vị ngọt của mùi cam thảo, ăn đâu được vài bửa thì có đứa trong xóm nó thấy nó ghẹo nói - thuốc tể giống phân con dê, nghe vậy là tôi hết mê thuốc tể, bỏ ngang cái rụp. Chị Họ cũng cưng tôi lắm, một hôm thấy chị hầm món gì trong nồi từ trưa cho đến chiều trên lò than, tới chiều chị múc để trên bàn một tô canh rất lớn. Tô canh có mấy khúc thịt khoanh tròn, màu trắng, độ dầy khoảng 1 tấc, và rất nhiều đậu phọng tươi được hầm chung với thịt. Lúc đó tôi ăn ít và cũng khá kén ăn nên thấy món này ngộ quá nên hỏi chị là món gì? chị nói.
- Mầy ốm nhom nên tao mua thịt con trăn hầm đậu phọng tươi ăn cho bổ, tao hầm từ trưa đến giờ với lửa riu riu cho thịt mềm và thấm đậu phọng.

Chỉ cần nghe từ con trăn là tôi không ăn, không đụng vô tô canh luôn. Chị tức la nói - mầy như con cò ma mà còn kén ăn.

Vậy đó mà chị biết tôi thích món cá trèn kho tiêu, nên hễ khi nào chị gặp cá trèn là chị kho cho tôi. Ôi, cái món cà trèn kho tiêu, màu sắc của cái dĩa cá rất đẹp, màu nước màu rất nhạt pha lẫn với chút mỡ vừa đủ để áo nhẹ lên mình con cá trèn - không che hết màu bạc lấp lánh của con cá, điểm trên mình vài hạt tiêu vừa mới xay. Chị để cái dĩa cá kho gần chỗ tôi ngồi, ngày nào có món này là tôi vui lắm, từ từ thưởng thức, ăn chậm chậm, có hôm bị chị quát lên vì mọi người đã ăn xong, chị bắt đầu dọn bàn, mà tôi vẫn còn ngồi đó vét cái dĩa cá, chị la lên
- Lẹ lên con ốm, mầy ăn từ đầu mùa cho tới cuối mùa vẫn chưa xong.

Nhớ đến chị, vừa thương vừa mắc cười, có món ốc bưu xào nghệ, sả ớt, đậu phong rang, nhìn đẹp lắm nhưng tôi không ăn. Món ếch đồng chị làm cũng giống vậy, nhưng tôi ăn, chị nói có khác nhau gì đâu? mà có món mầy ăn có món không ăn. Một hôm thấy chị làm thịt con ếch, chị chặt cái mình thì hai cái chân ếch nó giựt cao lên, thấy sợ thiệt.

Tánh của chị hay la, nhưng chị em chúng tôi không lấy đó mà hờn giận chị, chỉ ngán cái tánh vô cùng kỹ lưỡng, ngăn nắp và đôi mắt diều hâu có thể bắt lấy từng tính hiệu sự việc gì. Vì một buổi trưa tôi đi xuống sàn nhà coi mấy con gà mới nở của anh tôi nuôi, tôi rờ mấy con gà con sau đó đi lên nhà thì để ý trên người có mấy con gì nhỏ xíu màu đỏ đỏ bám trên áo, tôi vừa đi lên con hẻm vừa lấy tay phủi phủi, bỗng nghe tiếng chị hét lớn lên - mầy đứng lại, đứng đó. Chị đang ngồi làm bếp ở phía sau, vậy mà chị thấy tôi như thế chị biết chuyện gì, tôi đứng lại chờ chị, chị vô nhà rồi trở ra đi xuống con hẻm, tay chị lôi tôi chạy nhanh xuống sông, thiệt tình hồn vía tôi bay hết vì tôi không hiểu việc gì đang xãy ra với mình. Chị bắt tôi đứng dưới mặt nước ngập tới cổ, cỡi bộ quần áo máng lên chiếc cầu ván, rồi bắt đầu chị chà xà bông, chị tàn sát từ chân tóc, tới lỗ tai, vừa làm chị vừa nói một hơi.
- Tao đã nói với anh Ba của mầy rồi, đừng có đem cái ổ gà vô để ở phía trong chỗ không có nắng, vì nơi ẩm và thiếu nắng ổ gà sẽ sinh ra con Mạt Gà. Rồi mầy coi con mạt gà chúng sẽ lan khắp lên nhà, sẽ cắn, hút máu cả nhà, ... tao nói rồi mà nó có nghe đâu.

Chị bắt tôi ngâm nước khá lâu, rồi chạy lên lấy cái khăn xuống quấn cho tôi, bộ đồ chị không mang lên nhà. Sau buổi cơm trưa đó chị nấu một nồi nước sôi, chị bỏ bộ đồ của tôi vô đó nấu. Chiều đó anh Ba tôi phải mang cái ổ gà ra ngoài và dùng xà bông quét rửa sàn nhà, còn chị thì dùng thùng xà bông với bàn chãi chà nguyên cái nhà ở phía trên. Lần đó tôi sợ thiệt là sợ con mạt gà vì cái từ cắn, hút máu.

Thuở đó chưa có nước máy, nên phải gánh nước từ dưới sông lên nhà rồi chứa trong thùng phuy, lu bằng sành. Giặt giũ quần áo thì xuống sông, cho nên cũng đỡ việc gánh nước, nhưng có năm mùa hạn gắt, con nước rất cạn, chị không chịu xài nước dơ để nấu ăn, chị đi ra tuốt ngoài bãi cát gánh nước về dùng để nấu ăn. Chuyện chị giặt quần áo cũng có chương trình hẳn hòi, có nghĩa là hình như cách hai ngày là chị tụ tập một hai chị em hàng xóm - mang thau quần áo xuống sàn nhà của tôi mà giặt. Dưới sàn nhà tôi được xây như tầng hầm, có cửa khóa, ở trong là nơi chất chứa đồ thợ mộc của cha tôi, bên ngoài tráng xi măng một khúc rộng - từ đây có thể đi thẳng xuống mé sông. Nhóm giặt đồ của chị thật là vui vào buổi trưa, tôi không nhớ các chị em nói những gì, họ cười nói rôm ra, nhắc lại tuồng cãi lương, ... tôi chỉ nhớ một thứ đó là mấy món ăn dân dã mà các chị mua. Thường thì chùm me chua ăn với nước mắm đường, me có trái non lép chỉ cần chấm quẹt vô chén nước mắm rồi há miệng nhai, có trái già thì phải chẻ ra làm hai, lấy cây dao tách cái hột ra ngoài, dùng muỗng múc miếng mắm đường bỏ vô chỗ trống của hột me, rồi cầm miếng me ăn làm sao đừng để nước mắm nó nhiểu xuống áo, đây là món ăn hầu như lúc nào cũng cần phải có cho nên các chị luôn mua sẳn. Phần tôi đôi khi phải chạy lên đường đứng canh mấy món khác, như càng cua đồng, chùm me nước, ... khi thấy ai bưng bán là tôi kêu mang xuống sàn nhà cho các chị mua.

Mấy món này rẻ tiền, càng cua thì đã luộc sẳn còn nóng hổi, ăn với muối ớt. Me nước thì được kết thành chùm, lựa chùm có nhiều trái chín - màu đỏ hồng. Chị thường cho tôi ăn chùm trái chín, tôi tách từng hột ra ăn, me nước bên trong thịt màu trắng, có hột đen bóng, nguyên cái vỏ me nước tôi đeo vô tay như vòng đeo tay.

Cũng có ngày chị thảnh thơi, chị đi thăm bạn hay thăm bà con vào buổi trưa. Chị bắt tôi đi theo, chị nắm nách thảy tôi lên chiếc xe lôi, tôi không nhớ xe chạy bao lâu. Tới nhà của người bạn ở trong cây số 3 - 4 bên đường đất, nhà bạn chị ở mé sông, chị và bạn ngồi nói chuyện, tôi lẩn quẩn rồi đi ra phía mé sông. Đó là một buổi trưa rất đẹp, đang là mùa nước lên, nước chảy cuồn cuộn, phía sau nhà cây cối rất nhiều, màu xanh um, một thân cây rất to có một nhánh to chĩa dài ra xuống sông, tôi leo lên nhánh cây, ngồi đó nhìn dòng nước chảy, chung quanh rất yên tĩnh, gió rất mát tạo cảm xúc lâng lâng, và tôi cảm thấy đói bụng, tôi muốn được người ta cho ăn cái gì đó. Sau này tôi mới hiểu cảm giác lâng lâng đó chính là cảm xúc sự thanh bình của một làng quê. Có ngày chị và tôi đi đến một con sông, cần phải qua đò, tôi hỏi chị - mình đi đâu? chị chỉ qua bờ sông kia - mình đi qua Kinh Xáng. Đến nhà người quen, tôi được cho ăn bánh, rồi tôi cũng đi khám phá - tôi ra ngoài sau nhà, ở phía sau có một hàng dây leo, lá màu xanh mướt, có cọng dài trên đó có trái nhỏ, tròn, màu xanh và màu tím. Tôi hái trái màu tím mang vô nhà hỏi chị là trái gì, chị nói đó là trái mồng tơi. À, thì ra đó là trái mồng tơi, mà thỉnh thoảng tôi nghe tụi bạn nói có thể hái trái mồng tơi làm mực viết, nhưng trái tím ít quá, sau lần đó tôi rất thích được lên Kinh Xáng để hái trái mồng tơi.

Chị còn có biệt tài làm bánh khá nổi tiếng, bánh bò nướng thật xốp, nổi lên cao. Bánh gan thì thuộc loại số một luôn, rất mịn và thơm lừng. Hai món bánh này chị làm suốt năm, trở thành quen thuộc, thường chị nướng bánh vào buổi tối nên khắp nhà thơm mùi bánh. Làm bánh thì chị không nhờ tôi phụ, nhưng khi gần đến Tết thì tôi trở thành thợ phụ làm mứt cho chị, một công việc mà tôi bị bắt buộc phải làm, thường thì chị không cho tôi vô bếp để coi chị nấu ăn, chị đuổi tôi ra vì chị không có thời gian chỉ dạy cho tôi nấu, chắc có lẽ lúc đó tôi cũng còn quá nhỏ. Tôi không ngủ trưa được, nên tôi phải phụ làm mứt ăn Tết. Chị mua me về ngâm trong thau, rồi bắt tôi gỡ vỏ me, phải gỡ nhẹ tay không cho trái me bị có lỗ. Mứt cà gió thì chị bắt tôi dùng một cây vuông có đóng một số kim cúc, cầm cây bằm bằm vô trái cà gió cho nhẹ, vừa đủ để hạt cà gió và nước chảy ra ngoài. Mứt chùm ruột, là món tôi ghét nhất vì chị bắt tôi bỏ một nắm chùm ruột vô cái nồi gang nhỏ, cầm cái nồi lắc lên lắc xuống cho đều tay, đủ để chùm ruột ra nước chua mà không bị dập nát trái chùm ruột. Mứt mãng cầu chua thì tôi phải cắt giấy kiếng trong thành vuông để sau khi rim xong mứt chị bỏ từng miếng mãng cầu vô giấy kiếng, tôi chỉ cần cuộn hai đầu lại là xong.

Mứt me của chị rất đẹp, trái me căng tròn màu đỏ huyết dụ, nhưng không quá ngọt vẫn còn vị chua của me. Mứt chùm ruột thì thật thơm cũng còn vị của chùm ruột, độ đường chị cho vừa phải. Mứt cà gió cũng không chịu thua kém với hai món mứt trên, tất cả mứt chị cho vô keo kiếng rồi đem dấu tuốt trong tủ, chị không cho ai trong nhà đụng tới mứt, chờ tới đêm giao thừa cúng xong rồi tha hồ mà ăn. Có lần chị làm mứt trái hủ qua, cha tôi nói hết mứt để làm hay sao mà lấy trái hủ qua đắng đem đi làm? tôi nhớ chị bắt tôi mang mâm mứt hủ qua phơi nắng trên nóc nhà hàng xóm, trái mứt màu xanh bên ngoài khoác chiếc áo trắng của đường. Xong chuyện làm mứt, chị mang mùng mền xuống sông giặt để ăn Tết, tôi theo chị xuống sàn nhà, đứng vô thau xà bông dùng chân đạp mùng mền rồi chị mang xuống sông giặt cho sạch. Tôi nhớ lắm những cái Tết thật êm đềm ở Tân Châu.

Chị rời ra riêng khi tôi học lớp 6, chị giỏi giang nên buôn bán rất tốt, khi đi chợ tôi thường ghé nơi chị bán. Hễ gặp tôi là chị cười, lúc này tôi mới để ý chị có ánh mắt và nụ cười rất là hiền hậu, tôi lớn hơn nên chị không còn la như hồi nhỏ, chị nói chuyện rất ngọt. Sau này nhà chị ở gần cái bồn nước, ngang trường Nam, tôi hay ghé nhà chị chơi vào buổi tối, lúc nào chị cũng vui khi gặp tôi. Rồi sau thời gian xa quê, lần nào về thăm chị tôi hỏi chị thích gì, chị đều nói thích lãnh Mỹ A, tôi mua lãnh Mỹ A cho chị may quần. Tôi thương chị lắm, thương chị ở với gia đình tôi trong những ngày khó nhọc, tôi thương chị ra bãi cát gánh nước sạch mang về nấu cơm, ... khi về Tân Châu thăm gia đình chị đều đến gặp tôi, chị bẽn lẽn ngồi bên tôi không nói gì, qua ánh mắt tôi đoán được tình thương chị dành cho tôi rất nhiều nhưng mắc cỡ không thể nói ra, chị ngồi bên tôi không nói nhiều, tôi hiểu ý chị - nên ngồi kế bên lấy tay vuốt nhẹ lưng chị, chị cười nhẹ nhàng. Một lần về thăm nhà, tôi bị bệnh, tôi đòi chị cạo gió cho tôi, tôi muốn sống lại thời làm con nít được chị săn sóc. Không như ngày xưa, bàn tay chị đặt trên lưng tôi thật mềm, từng đường cạo gió thật êm, đúng nghĩa mát tay. Tôi hỏi chị có thích cạo gió cho tôi không? chị gật đầu cười, tôi ôm xiết chị và qua ánh mắt của tôi - chị biết tôi thương chị rất nhiều.

Daly
Mùa Đông 2015


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Dạ Lý - Re: TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 1 2015, 10:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
Anh Bá, Tỷ Lamduyen và chị Bông Diêu thương,

Hổm rày em có cảm hứng cộng thêm mấy ngày nghỉ lễ nên bay về tổ ấm nhớ về kỷ niệm xưa. Lại được anh chị ủng hộ làm em mừng quá, thật sự mà nói khi ngồi gõ nhớ về kỷ niệm - em là người được vui trước nhất, có lúc em không đánh máy được vì cười, những hình ảnh vui hiện về trong đầu em thật rõ, em có lời nhiều quá. Cám ơn anh chị luôn luôn tạo niềm cảm hứng cho em.

Love.
DL.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 98 bài viết ] [ 2 tập tin đính kèm ] Chuyển đến trang Trang vừa xem  1, 2, 3, 4, 5, 6 ... 10  Trang kế tiếp

» TÂN CHÂU VÀ KỶ NIỆM - Dạ Lý «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu