Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 28 Tháng 3 2024, 16:03
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» “TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” - TNP «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1111 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: “TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 7 2015, 20:41
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Nhà dọn về chỗ mới, chủ nhân lu xu bu quá bỏ quên vài món đồ. Tui lượm được đem trả đây. :mozilla_tongueout:
============================================
“TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ”
Phà từ từ tách bến, quay đầu. Đó là chiếc phà nối 2 bờ Tân An và Long An, hai xã của huyện Tân Châu thuộc tỉnh An Giang. Tôi đứng tựa vào lan can bên trái, người và máy ảnh cùng phóng tầm mắt ra xa ghi nhận hình ảnh con sông quê nhà. Thực sự nó chỉ là một con kinh xáng múc – kinh Xáng, vậy mà ai cũng quen gọi nó là con sông, “đi xuống sông”, “ra bờ sông”, “đi tắm sông”, kể cũng lạ nhỉ? Bây giờ bề ngang của nó đã rộng lắm rồi qua bao lần đất lở cả hai bên bờ, nó đã “già” rồi sao? Đứng bờ bên này có gào đến khan cổ như gọi “đò ơi” kiểu hồi xưa thì bờ bên kia cũng không ai nghe thấy. Không như hồi đó… Nhớ nhiều lần tôi đã nghe những người lớn kể lại câu chuyện buồn cười của ba anh em mồ côi nhà nọ. Người anh lớn có gia đình riêng ở bên kia sông, người em trai kế và đứa em gái út sống chung nhà ở bên này sông. Một hôm bà con xung quanh được một mẻ cười khi nghe người em trai ra bờ sông bắt loa tay gọi om sòm qua bên kia sông: “Ê…ê…ê… ông Đực ơi… ơi… ơi! Người ta muốn cưới con út, ông tính làm sa…a…a…ao? Ông chịu gả nó hô…ô…ô…ông?”… Đang thả hồn lang thang về quá khứ, tủm tỉm cười một mình, tôi bỗng giật mình trở về với thực tại khi đột ngột vang lên tiếng chuông nhạc chờ của điện thoại một cô gái đứng gần. Thời gian cô rút được chiếc điện thoại ra khỏi túi để bấm nghe đủ để tôi thưởng thức được mấy câu:
“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà
Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi
Bao năm xa quê ấy trong mơ tôi vẫn thấy
Hôm nay tôi trở về lòng chợt vui thấy sông không già
Sông vẫn in màu mây…”

Tôi lặng người đi. Ôi, ngẫu nhiên mà sao như được sắp đặt trước! Từ lâu tôi rất thích bài này vì tác giả (NS Hoàng Hiệp), cũng người An Giang, như đã nói giùm những người con xa quê như tôi những cảm xúc khi “trở về dòng sông tuổi thơ”. Dù không đi xa, thật xa đến tận miền Bắc, dù không phải lần đầu trở về thăm quê sau mấy chục năm trời xa cách như nhạc sĩ, nhưng mỗi lần đứng trước con sông quê là tôi nghe bài hát như văng vẳng trong tâm thức, và mỗi lần nghe bài hát là nhớ quê nhà da diết, bao nhiêu kỷ niệm cứ thi nhau ùa về. Chiều nay tôi đang ở trong một tâm trạng đặc biệt: làm du khách trên chính quê hương của mình. Tôi đã đến đây, nơi chôn nhau cắt rún của tôi ở đó, phía hạ lưu chỉ một cây số, vậy mà tôi chỉ có thể ghé qua nhà bằng mấy cuộc điện thoại, chỉ thăm lại những người thân yêu trong tâm tưởng. Một chút chạnh lòng. Một chút rưng rức.

Nước vẫn lặng lẽ trôi. Quanh năm suốt tháng chỉ trôi một chiều từ sông Tiền đến sông Hậu. Cũng như dòng thời gian của cuộc đời, vẫn trôi, trôi mãi. Như bao con sông khác, con sông quê tôi chứng kiến bao sự đổi thay thăng trầm của bao thế hệ những cư dân hiền lành chất phác. Chuyện ngày ấy - bây giờ như một điệp khúc mỗi lần có dịp gặp gỡ nhau với người thân, bạn bè, lúc thì rôm rả, cười đến mỏi miệng vì những chuyện ngớ ngẩn của tuổi thơ, khi lại trầm lắng, bùi ngùi nhớ thương người đã khuất. Những chuyện ấy nói hoài cũng không hết, nghe hoài cũng không chán.
Xa xa phía bên phải bờ sông thấp thoáng vài đống chà bắt cá. So với hồi xưa có phải là quá thưa thớt hay không? Hồi đó dọc theo bờ sông nhiều nhà chất chà, đặt bò để bắt cá và mỗi lần giở chà, kéo bò lên thì biết bao là cá, đủ loại trắng, đen. Đến mùa cá linh lên thì khỏi nói, mấy chiếc xuồng rà cá dọc theo sông mỗi lần giở chài lên là phải vác lên bờ rồi treo trên cao mới có thể gở hết cá ra. Nhớ quá cảnh các dì, các chị trong xóm xúm lại mần cá vần công cho nhau, cảnh má tôi và các dì quần vo áo vận mỗi khi rửa cá, chao mắm, và mùi mắm quê hương nghe như thoang thoảng đâu đây. Giờ má và các dì rủ nhau lần lượt trở thành “những người muôn năm cũ” hết rồi! Cá giờ cũng không còn nhiều nữa!
Đây là “con sông tôi tắm mát” thuở ấu thơ. Hồi đó ở quê làm gì có nước máy, hiếm nhà nào có nhà tắm, nhà vệ sinh. Vì vậy từ tắm giặt đến tưới tiêu ruộng rẫy đến lấy nước sinh hoạt, tất tần tật đều trông cậy vào nước sông. Mỗi chiều con sông trở nên náo nhiệt hơn khi nhà nhà sau buổi làm đồng cùng xuống sông tắm táp, kỳ cọ cho nhau. Bọn trẻ chúng tôi tha hồ bơi lặn, giỡn hớt với nhau. Đó là những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ hồn nhiên. Nhưng trong tôi cũng đọng lại những ký ức hãi hùng về những cuộc mò tìm xác trẻ chết đuối khi tắm cùng chúng bạn hay xuống sông móc đất sét nắn đồ chơi. Phúc từ đó mà họa cũng từ đó. Bây giờ đời sống bà con ở đây được cải thiện nhiều. Nhưng nhớ có lần về quê tôi rủ mấy đứa cháu đi tắm sông thì cha nó can, nói đừng có mong tắm mát, nước sông không còn trong lành như xưa nữa bởi bị nhiễm hóa chất từ đồng ruộng, từ mấy bè cá ven sông. Ôi, phải chăng cái gì cũng có cái giá của nó? Niềm vui về cuộc sống tiện nghi như không được trọn vẹn.

Qua sông này hồi đó chỉ có một chiếc đò chèo chở được vài chục người đã khẳm mẹp gọi là “đò chủ”, về sau còn có thêm một chiếc “đò tư” nhỏ xíu để đón ai cần đi gấp và chịu tốn thêm tiền. Bến đò nằm cách đây khoảng non trăm mét, đường lên xuống làm bằng đất, mùa mưa thì rải thêm trấu cho đỡ trơn trợt. Đơn sơ và bất tiện vậy mà nó đã miệt mài ròng rã nối hai bờ suốt hàng chục năm, dù lúc mặt sông phẳng lặng hiền hòa hay mùa lũ cuồn cuộn hình thành những vực xoáy như những “chiếc cối xay” khổng lồ và hung hãn. Nó đã đưa mấy chị em bạn dì của tôi qua lại để thăm ngoại và vui chơi với nhau - nhưng dường như thăm người thích một mà được đò chở đi thì thích tới mười (thì ra tôi đã có máu phiêu lưu từ lúc nhỏ?). Nó cũng đưa bọn trẻ chúng tôi tối tối qua bên kia sông để coi cải lương khi có gánh hát “bồ tèo” về diễn trong nhà lồng chợ. Thầy cô giáo và bọn học trò chúng tôi đương nhiên chỉ đi đò chủ vì được miễn phí. Bên kia sông là chợ Tân An, các cơ quan hành chánh xã và trường Tiểu học - ngôi trường duy nhất có đủ 5 khối lớp, mỗi khối chỉ có một lớp, vậy mà chứa tất cả học trò của mấy xã lân cận. Một lần bọn tôi sợ trễ giờ học nên đã xuống đò tư và đò bị chìm khi gần đến bờ bên kia. Lóp ngóp, vùng vẫy để giữ được mạng sống, tôi đành buông bỏ cái cặp sách. Cuối cùng tôi cũng bò được lên bờ và ngạc nhiên, mừng rõ khi thấy cái cặp của mình đã nằm ở đó! Nghe nói “thằng bạn thần tượng nhưng không quen” của tôi đã vớt nó lên. Cảm động mà không dám gặp để nói lời cảm ơn, sao mà kỳ vậy? Lần chìm đò ướt như chuột lột đó có cả cô bạn tôi vừa tái ngộ trên đường đi tham quan, khi đoàn ghé thăm cơ sở dệt chiếu xuất khẩu Tân Châu Long của bạn ở ấp Long Thạnh, xã Long An. Hồi học lớp Nhất (lớp Năm bây giờ), ngày nào bạn cũng ghé rủ tôi, cho tôi quá giang xe và bao giờ cũng giành chở tôi vì bạn bảo tôi ốm yếu hơn bạn. Hôm đó khi bò được lên tới bờ bạn gọi tên tôi inh ỏi, mừng rỡ khi tìm thấy tôi và chúng tôi đã ngồi ôm nhau, truyền hơi ấm cho nhau. Học chung nhau từ Tiểu học đến Trung học, ra đời mỗi đứa mỗi ngã, rồi trôi vào những cơn lốc xoáy của cuộc đời, việc gặp nhau thật hiếm hoi, nhưng qua người thân tôi biết cuộc đời bạn trải qua nhiều vất vả gian nan. Lần gặp nhau gần nhất cách đây vài năm bạn rủ tôi có dịp ghé qua chỗ bạn. Cuộc tái ngộ hôm nay thú vị quá, dù là trong chớp nhoáng. Quả là quen nhau là duyên mà tái ngộ cũng là duyên. Mừng biết bao khi biết bạn đã ăn nên làm ra. Sự thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong gia đình hiện rõ trong nét mặt vui tươi hồng hào, ánh mắt sáng ngời của bạn. Tôi tự hỏi những người bạn ngày xưa từ lâu không gặp của tôi có mấy người cuộc sống thuận buồm xuôi gió và bao nhiêu người vẫn còn vất vả với miếng cơm manh áo? Các bạn ơi! Hi vọng một ngày nào đó chúng mình sẽ gặp nhau để tha hồ tâm sự và chia sẻ hết cho nhau những chuyện vui buồn.

Chiếc phà từ phía bờ bên kia vừa qua mặt. Bây giờ phà qua lại nơi đây có nhiều chiếc, có phao cứu sinh, chở được cả ô tô lớn, bến đậu sạch sẽ, an toàn. Rồi sắp tới đây, những chiếc phà này sẽ hoàn thành sứ mạng lịch sử như những chiếc phà Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên,… Công trình cầu Tân An đang thi công và sẽ hoàn thành trong vài năm tới, tạo thành một hệ thống giao thông mới, hoàn chỉnh kết nối trung tâm thị xã Tân Châu đến các xã biên giới và nước bạn Campuchia, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tuyến biên giới An Giang. Tôi mong rằng những tiện ích chiếc cầu mang đến sẽ không làm mất đi mà còn tôn thêm vẻ đẹp của con sông, mong rằng cái được sẽ nhiều hơn cái mất để cuộc sống người dân quê tôi thực sự ngày càng được cải thiện, để những người con xa xứ còn mãi tự hào về con sông quê hương mỗi khi nhớ về.

Chiều nay tôi "trở về dòng sông tuổi thơ", dòng sông mãi ngự trị trong tim tôi. Cảnh quang hai bên bờ và cả dòng sông đều thay đổi nên tôi đang đứng trên dòng sông thân thương mà lòng vẫn mang đầy một nỗi nhớ. Ôi, “những năm tuổi thơ đã đi về đâu? Để mình tôi nhớ nhung bây giờ”.
Tháng 5 năm 2015 – Phan Thị Nga


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: “TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 05 Tháng 7 2015, 18:20
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 51
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Miền Tây là vùng sông nước, đi từ Sài Gòn về tới Cần Thơ, Tân Châu qua không biết là bao nhiêu cây cầu. Dân miền Tây như cô giáo, ai cũng có một vài con sông "quê huơng" để mà hoài niệm. Nhưng kỹ niệm kiểu chìm đò sao nguy hiểm quá! Chắc cô giáo biết bơi há?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: “TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” - TNP
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 7 2015, 19:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 68
Sinh nhật: 01-01-1956
Ngày tham gia: 13 Tháng 4 2013, 07:31
Bài viết: 3142
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ai cũng có những kỷ niệm về dòng sông quê, nhất là dân Tân châu tụi mình. Không biết ở chỗ Ốm có hông chớ ở quê tỷ con sông hơi nhỏ nên cái cảnh nói chuyện qua sông ngày nào cũng có. Hồi đó thấy mấy đứa con trai đu đò ra tới giữa sông rồi bơi vô tỷ hết sức là hâm mộ. Tỷ còn nhớ mình đi tắm sông trước khi lên là ráng xước đuôi gà cho thiệt là đẹp, Ốm có như vậy hông?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» “TRỞ VỀ DÒNG SÔNG TUỔI THƠ” - TNP «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 189 vào ngày 02 Tháng 1 2023, 21:18

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu