|
Super Member |
|
Tuổi: 67 Sinh nhật: 24-11-1957 Ngày tham gia: 29 Tháng 6 2012, 12:52 Bài viết: 377 Quốc gia:
|
HÁT NỮA ĐI HƯƠNG - HÁT NỮA ĐI ĐỜI Dạ Lý
(Ảnh chôm trên Fb của Thầy Nguyễn Trọng Phúc)
Cảm hứng viết tiếp theo từ bài : Hát Nữa Đi Hương. Gởi tặng tác giả bài viết. Thương gởi về gia đình tôi.
Sân khấu của nhà tôi được dàn dựng từ khắp mọi nơi trong nhà : phòng khách, nhà bếp, nhà tắm, tầng lầu thượng, ban công, ... các ca sĩ gồm có: chị tôi, anh tôi, em tôi và tôi. Đạo diễn : tự hứng, tự hát. Thời gian : khi tất cả còn thức ( vì chưa có ai trong gia đình tôi ngủ mớ )
Cái thuở mà ở vùng quận lỵ nhỏ bé, nhà tôi chưa có cái " truyền hình ", chỉ có cái radio nhỏ xíu.
Âm nhạc đến với tôi khi còn rất bé qua giọng ca ngọt ngào của chị Hai tôi. Nhà tôi nằm bên bờ kinh Vĩnh An, lại có cái ban công ngó xuống dòng sông. Những đêm rằm, vầng trăng treo lơ lửng, toả ánh vàng xuống dòng nước, gió sông gợn sóng, lấp lánh dãy ánh vàng, ... tất cả thật phù hợp với giai điệu Bolero. Chị mang ra một chồng bản nhạc, mỗi bản làm bằng giấy, khổ lớn, ngoài bìa có hình vẽ, bên trong có từng nốt nhạc. Chị chọn bài và bắt đầu lên giọng ( Đồi Thông Hai Mộ ) - Một chiều rừng gió lộng một chiều rừng, nhớ chuyện bên đồi thông. ( chữ thông chị kéo dài thiệt là dài ) - rồi lấy hơi hát tiếp - Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín, tâm hồn đang trắng trong.
Hát xong bài này, Chị lại ngân vang " Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa, nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai ... "
Quây quần bên chị, chị đã không biết tôi say mê giọng hát ấy. Mà có lúc khi nghe những câu hát Bolero quá dài, thỉnh thoảng tôi nín hơi, quên thở vì mãi mê lắng nghe từng giọng hát. Khi tôi chưa biết đọc chữ, đôi khi chị nghe radio, ca sĩ hát bài mới, chị viết tên bài hát xuống tờ giấy, rồi đưa tiền bảo tôi đi đến tiệm sách mua, vì chị bận ngồi buôn bán. Tôi cầm mảnh giấy nhỏ, chạy u một mạch đến tiệm sách đưa ra tờ giấy mua nhạc. Tôi chờ đợi người bán lựa bản nhạc rồi giao cho tôi. Những lúc đó, tôi khoái coi mấy cái hình vẽ ở ngoài bìa.
Tôi nhớ có lần đi mua bản Thói Đời, ở ngoài bìa có hình vẽ người đàn ông giơ hai tay lên trời, trông rất có vẻ đau khổ ( lúc đó tôi cho rằng bản nhạc gì mà thấy ghê quá !)
Sau này khi chị lập gia đình, anh rễ của tôi đã có thời gian làm việc hành chánh ở Sài Gòn trước 1975 cho nên khi về quê vợ, anh không đưa võng, ru con trai của anh bằng " ầu ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi " như bao nhiêu người bình thường khác. Anh ru bằng bài Ngậm Ngùi, bản ruột của anh " Nắng chia nửa bãi chiều rồi, ... " Đứa con trai của anh, lớn lên, ngày đám cưới của cháu, tôi kể lại câu chuyện ru con này, cháu cười.
Người anh thứ Ba của tôi, có giọng hát rất ồ ề. Và, vì chính anh cũng tự biết mình có giọng hát như thế cho nên hiếm khi anh hát. Nhưng thỉnh thoảng anh bỗng dưng yêu đời, nên anh cũng ê a vài câu - thì bầu trời sau đó luôn chuyển mưa, và rồi phải mưa. Vài lần trùng hợp như thế, cho nên riết rồi trong nhà cứ trêu anh, năn nỉ anh đừng hát nữa.
Ông Trời có mắt thương anh, nên bù lại khi anh có vợ, chị dâu tôi là người có giọng hát thật tuyệt vời. Chị về nhà tôi với cuộc sống của năm 1976, cái truyền hình ở nhà không có điện để xem. Thế là mỗi tối chị hay hát, âm nhạc của chị hát đời mới hơn chị Hai của tôi. Những lúc tôi nằm võng, nghe chị hát Nửa Hồn Thương Đau " nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ ... " giọng chị khoẻ và rất sang, khi nghe giọng hát ấy, tôi lim dim, mơ màng thưởng thức, đôi chân quên đẫy cho chiếc võng đong đưa. Khi chị hát xong bản nhạc - tôi và cái võng cũng lẻ loi một mình luôn. Còn đang " phê " thì chị lại hát tiếp Mùa Thu Chết. " ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết. Mùa thu đã chết em nhớ cho, em nhớ cho ... " Với cái tuổi tròn trăng, tôi cũng chết mê, chết mệt vì giọng hát và lời bài hát.
Người anh thứ Tư, anh đọc sách nhiều hơn hát. Anh là người hài hước nhất nhà. Một lần anh hò một câu làm tôi nhớ mãi : " Hò ơi, thương em anh chẳng dám vô nhà. Đi qua, đi lại hỏi gà bán không? "
Người anh thứ Năm, thì có khuynh hướng khá ấn tượng, tức là anh tự chế riêng lời nhạc. Nhiều buổi tối, tôi ở ngoài ban công học bài. Anh đi qua đi lại hát : " Anh đưa em vô chùa, chùa hôm nay cúng chuối. Anh đưa em vô chùa, chùa hôm nay cúng chè. Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh - chúng ta đua nhau giựt chuối. Thầy chùa nhắm mắt tụng kinh - chúng ta đưa nhau giựt chè. "
Tôi cười, hỏi anh - trời! hết chuyện để làm hay sao, ai lại dẫn người yêu đi vô chùa giựt chè, giựt chuối với thầy chùa ? anh nói - " thì như vậy, chàng và nàng mới có với nhau những kỷ niệm vui. "
Có khi dòng sông với con nước ròng, khí trời oi bức thì anh nổi sùng hát " Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em. Một lần cuối, một lần cuối, rồi cạo ... luôn " Tôi hỏi anh, gì ghê vậy? Anh thản nhiên trả lời - " thì chàng và nàng chia tay, chàng đi lấy vợ, còn nàng thì buồn nên đi tu. "
Chưa hết, thỉnh thoảng về đêm, anh lên tông - Tàu Đêm Năm Cũ - Trời đêm dần tàn, anh lái honda, đưa tiễn người trai lính về ngàn. Nhìn xuống dưới sông, gặp một ông bận xà rông. Ở xa như đàn ông, ở gần như bà bóng.
Nãy giờ kể chuyện của các anh chị tôi. Còn tôi thì sao? viết đến đây, tôi tự cười tủm tỉm, hihi.
Tôi à? thì lớn lên với các bài hát về chuyện tình : Tình Thiên Thu, Tình ( nàng tên Thi ) với Búp Bê Không Tình Yêu, ... Một lần tôi vừa đi, vừa nghêu ngao " tôi như con búp bê bằng nhựa, một thứ búp bê thật xinh xắn." mới hát tới đó thì tôi vấp vào chân bàn, ngón chân cái đau điếng, ngồi xuống ôm bàn chân. Thì anh trai tôi thấy vậy nói " em té phải rồi, vì em là búp bê bằng nhựa, bàn chân bằng nhựa thì đi đứng làm sao vững vàng được "
Trong lúc ngón chân đau thấu trời, nghe anh nói vậy - thế là tôi phá ra cười ngất, cười đến quên đau luôn.
Thời thiếu nữ, tôi luôn hát, hát đủ loại ( trừ vọng cổ ) có khi hát luôn nhạc thánh ca ( học từ nhỏ bạn thân ) Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Tôi hát khi nấu cơm, tôi hát khi giặt quần áo, ủi đồ, hát khi chạy lên - chạy xuống cái cầu thang, hăng nhất là hát trong lúc tắm.
Hát chẳng cần ai khen, sợ ai chê, hát vì thích hát, vì yêu đời. Vậy đó, mà khi ra khỏi nhà thì tôi rất là mắc cỡ, không dám hát. Có lần tôi đến nhà người chị dâu, em trai của chị hát bài Hội Nghị Diên Hồng. Tôi thích lắm, nhưng lúc đó chưa biết cách hát bài này. Thế là anh ấy đòi dạy tôi hát, " Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng ... " anh ấy hát tới lui nhiều lần rồi bảo tôi hát lại, tôi mắc cỡ ngồi im ru, anh kiên nhẫn tiếp tục hát thêm từng câu kế tiếp. Nhưng với bản tính mắc cỡ cố hữu của tôi, tôi cũng không hát cho anh nghe, dù trong đầu đã biết cách hát. Tôi nhớ, anh ngồi hơn một tiếng đồng hồ để dạy tôi bài hát này, tôi nghe tới thuộc lòng luôn. Anh cười cười nói - ngộ ghê, thuở đời có ai là người gốc Trung Hoa lại đòi học hát bài này.
Rồi dòng đời là cơn lốc xoáy, thời gian cuốn tôi đi xa mãi những gì thân thương. Không biết tự bao giờ, tiếng hát sôi nổi của tôi đã chìm dần? tôi nghe nhạc nhiều hơn là tôi cất tiếng hát. Bỗng một ngày, như mọi ngày của cuộc sống. Trong email của tôi, có một người mà tôi không quen biết gởi cho tôi bài viết : Hát Nữa Đi Hương. Tôi đọc, vừa đọc vừa cười. Những lời giản dị nhưng quá dễ thương, nói lên một tâm hồn rất lạc quan yêu đời.
Trong một đoạn viết : " ... giặt một thau đồ tràn trề, nhưng chị lại không thấy ớn vì chỉ cần nghêu ngao chục bản Bolero là xong. Còn khi vào bếp, cỡ 6 bài là có thể dọn cơm được rồi."
Cái câu : " cỡ 6 bài là có thể dọn cơm được rồi. " làm tôi cười đến chảy nước mắt vì quá dí dỏm.
Tôi cười cỡ 5-6 ngày mới bớt cười vì câu nói này. Và chính vì cười nhiều, nên tôi mới có cảm hứng viết tiếp theo đây. Viết để cảm ơn những nụ cười của cuộc đời, của những tâm hồn Hát Nữa Đi Hương.
Dạ Lý
|
|