Lễ Vu Lan
Tháng tám năm nay đến trong vội vàng. Bất chợt nhìn lại, tôi đã xa mẹ hơn ba mươi năm. Mẹ tôi còn đó nhưng quá xa xôi, mãi tận bên kia bờ Thái Bình. Trời New York tháng tám mát dịu, nhẹ nhàng những con gió chiều êm mát như tay mẹ vuốt tóc tôi ngày thơ dại. Tháng tám mang những cơn mưa tưới mát cây cỏ sau mùa hè nắng cháy. Và cũng là tháng bảy âm lịch của lễ Vu Lan, mang tình thương đến cho những người may mắn vẫn còn mẹ để nhớ, để thương.
Mẹ là ngọn gió bình yên
Thổi bay hết mọi muộn phiền trong con
Tôi không nhớ rõ hai câu thơ đó của tác giả nào nhưng đã nói hết tình thương mẹ dành cho con. Đối với tôi, 365 ngày thì ngày nào cũng là ngày báo hiếu. Mỗi hành động, mỗi suy nghĩ, mỗi toan tính đều xuất phát từ lời mẹ dạy: phải sống cho phải đạo làm người.
Kinh Phật dạy:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nhé con”.
Kinh Nhẫn Nhục cũng có dạy rằng:
"Ðiều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu."
Nền văn hóa Việt Nam từ hơn bốn ngàn năm luôn nói về Mẹ. Với những lời văn mộc mac, dễ hiểu nhưng đã đề cao được công lao dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Tuy không nằm trong phạm vi văn chương bác học nhưng đã đi sâu vào đời sống con người bình dân qua bao thế hệ.
“Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
“ Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Nguyễn Trãi trong Gia Huấn Ca có dạy chúng ta:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”
Rằm tháng bảy trong ký ức tất cả mọi người Việt Nam cũng là ngày xá tội vong nhân, làm lành, lánh dữ. Xuất phát từ Mục Kiền Liên cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Từ sự tích đó và những đức tính hiền hòa và cần cù lao động của dân tộc Việt mà có bài thơ:
“Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
Tháng Tư cày vỡ ruộng ra
Tháng Năm làm mạ mưa sa đầy đồng
Tháng sáu buôn nhãn bán tràm
Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân
Tháng Tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng
Tháng Mười buôn thóc bán bông
Tháng Một tháng Chạp nên công hoàn toàn!”
Ngày rằm tháng bảy là cúng dường Tam Bảo, cầu cho gia quyến bình an, cầu nguyện cho hương linh cha mẹ và tổ tiên quá vãng được về cỏi an lành. Ý nghĩa đạo hiếu trong Phật Giáo rất sâu sắc và cao siêu vì giá trị rộng lớn của chữ hiếu trong triết lý duyên sinh. Theo quan điểm đạo Phật, hiếu thuận với cha mẹ là phải hiếu thuận với tất cả mọi người. Đó là lý tưởng trong cuộc sống cao đẹp của người Viêt Nam.
Xin kính chúc Thầy Cô cùng các bạn một mùa Lễ Vu Lan an bình, hạnh phúc.
Trần Công Bá
Mùa Vu Lan Phật Lịch 2555Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười