Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 26 Tháng 11 2024, 16:37
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Quê Ta: An Giang Mùa Nước Nổi «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1053 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: Quê Ta: An Giang Mùa Nước Nổi
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 3 2008, 02:25
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 22-09-1982
Ngày tham gia: 01 Tháng 1 2008, 02:07
Bài viết: 998
Quốc gia: United States (us)

Người tạo chủ đề
Đồng hương mình viết về An Giang thì hay lắm rồi, hôm nay thay đổi bầu không khí "văn chương Tân Châu" phuchau trích một bài báo cũ của Bùi Thu Hiền (Cần Thơ, Việt Nam) để xem tác giả nơi khác tả về "Quê ta" như thế nào. Mời các bạn cùng xem.

Hình ảnh
Chiều tím Thất Sơn

An Giang Mùa Nước Nổi

An Giang là tỉnh đầu nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long trực tiếp đón lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ xuống hằng năm. Một ngày đầu tháng 8 Âm lịch, tôi ngược dòng sông Hậu lên vùng Châu Phú, tỉnh An Giang, có mặt tại cánh đồng Thạnh Mỹ Tây. Dân cư sống tập trung ở hai bên bờ các con sông, kênh và rạch trên những ngôi nhà sàn được cất khá cao. Không khí tại các khu dân cư này thật rộn rã và tấp nập ghe xuồng qua lại dưới sông còn trên con đường quê vốn nhỏ hẹp càng nhộn nhịp người và xe qua lại đem cá đem cua ra chợ bán. Và nụ cười như luôn chực hờ sẵn trên môi mỗi người, gặp nhau thăm hỏi nhau vài câu về chuyện cá tôm.

Ông Ðỗ Văn Tám, 55 tuổi, tại kênh 7 - xã Thạnh Mỹ Tây, vừa cặp xuồng vào bến sông đã vui vẻ tiếp chuyện với tôi. Ông Tám thông báo về “mực nước ngoài đồng hôm nay” cho bà con hàng xóm biết:

- “Sáng nay, tôi vừa ra đồng, đứng xuống đo, nước đã ngập lút đầu tôi! Năm nay nước lên nhanh quá!”

Khác với những cư dân vùng khác, người dân địa phương nơi đây không quan tâm lắm đến các “bản tin khí tượng thủy văn” trên đài truyền hình, họ tính “con nước lên-xuống” theo năm nhuận, theo con trăng và dựa vào một số hiện tượng tự nhiên khác. Ông Tám cũng nói thêm:

- Hổm rày, mấy ổng xả đập nước trên kênh Vĩnh Tế để thoát lũ! Nếu không, nước thoát chậm thì mấy anh bạn Miên trên Nam Vang (Campuchia) sẽ bị ngập chết! Từ rày sắp tới nước sẽ lên nhanh cho mà thấy!

Khi nghe tôi đề cặp đến vấn đề “đê bao ngăn lũ” ông Tám cùng người dân tại địa phương cùng có chung ý kiến:

- Chính quyền địa phương đã nhiều lần gọi chúng tôi lên họp trên huyện, xã. Mấy năm nay rồi! Nhưng, người dân ở đây không ai chịu “đê bao khép kín” đâu! Nhà nước muốn chúng tôi làm thêm “lúa vụ ba”. Người dân ở đây bao đời nay đã quen với mùa nước nổi, có cua có cá và có cả phù sa! Làm cái gì cũng phải tính toán và nghĩ cho xa cho rộng.

Ông Tám nói thêm về “lợi trước mắt hại lâu dài” từ cái đê bao khép kín:

- Cái đê bao ngăn lũ ấy mới vừa nghe và thấy qua thì có vẻ nó ngăn được lũ thật! Nhưng “hậu quả” như thế nào thì hãy đến vùng cù lao Chợ Mới mà xem là sẽ rõ, nó nhỡn tiền sờ sờ ra đó. Ðất ruộng do nằm gọn trong đê bao khép kín nên người dân được sản xuất thêm lúa vụ ba. Một năm sản xuất 3 vụ, nếu lúa trúng và được giá thì không nói gì đi ! Nhưng về lâu về dài, dư lượng phân thuốc hóa học đã làm cho toàn bộ diện tích đất ruộng trong vùng này bị “nhiễm độc” nặng nề. Mùa này, nước không tràn vào đồng được thì làm sao đất được rửa phèn và giải độc cho được! Ðất vốn thiếu dinh dưỡng trầm trọng lại không được phù sa bồi đắp hằng năm nên cứ như một quy luật tiền định “mùa sau thất hơn mùa trước”. Bà con nông dân chúng tôi ai mà không muốn làm thêm lúa vụ 3, nhất là những lúc giá lúa lên! Thấy mà ham chết đi được! Nhưng suy đi nghĩ lại, nhìn xa trông rộng một chút mới thấy hết được cái lợi cái hại.

Vài năm trở lại đây, hai bên bờ của con sông đắp Tiền và sông Hậu liên tục xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng, nguyên nhân do việc khai thác cát trên sông và một phần nặng nề cũng tại “cái đê bao” ấy! Thay vì nước lũ được chảy tràn vào đồng sẽ làm giảm áp lực cho các con sông. Ðê bao ven hai bên bờ sông đã bó hẹp dòng chảy khiến sức nước mạnh và ngày càng siết hơn, gây sạt lỡ ngày càng trầm trọng hơn. Bà con nông dân thường nói vui về vấn đề này: “Ngày xưa, dòng sông bên lở bên bồi”/ “Sông nay, hai bên đều lở hết rồi”.

Tại vùng đồng nước Thạnh Mỹ Tây này, ghe xuồng được xem là phương tiện đi lại quan trọng nhất nên mỗi nhà có từ một đến hai chiếc xuồng máy. Người đàn ông thường phụ trách công việc nặng nhọc như đóng xuồng, sửa chữa ghe xuồng, ra đồng đặt lợp, giăng lưới, đổ dớn... Còn chị em phụ nữ và trẻ con ở nhà cũng có công việc làm để tăng thu nhập cho gia đình trong những ngày nước nỗi này.

Chị Nguyễn Thị Tèng, 37 tuổi, đã nói về mùa lũ với vẻ mặt phấn khởi: “Tháng nước nỗi này, đàn bà tụi tui không cần ra đồng, ở nhà ngồi làm lưới, đan lát thêm mỗi ngày kiếm được 40,000-50,000 đồng. Chồng tôi ra đồng, mỗi ngày kiếm hơn 50,000 đồng từ tiền bán cá linh và cua đồng. Tháng này sống khỏe hơn tháng làm lúa nhiều lắm! Có cá ngon ăn không hết lại có thêm tiền xài, đóng tiền học phí và mua sắm đồ đạc cho tụi nhỏ đi học.

“Gia đình chị Tèng cũng như bao gia đình khác trong vùng này, tất cả đang tất bật với công việc của mình, đặc biệt đa số các em học sinh ở đây một buổi đến trường, buổi còn lại ở nhà hoặc ra đồng phụ giúp cha mẹ được rất nhiều việc.

Lúc trưa, tôi trở lại nhà ông Tám như đã hẹn trước. Ông hỏi tôi có biết lội (biết bơi ) không, nếu biết ông sẽ cho tôi theo ra đồng “đổ dớn”. Ông kêu tôi :

- Cháu hãy đi ra đồng xem cảnh người dân nơi đây kiếm cua kiếm cá dễ như thế nào, cháu sẽ hiểu tại sao dân nơi đây lại gắn bó với “con nước” mùa này mà không ai muốn làm đê bao đâu cháu à!

Ðúng 1 giờ trưa, tôi được ra đồng đi “đổ dớn” với hai vợ chồng con trai ông Tám, cùng đứa cháu trai. Chiếc xuồng máy chạy sát bờ sông, quẹo vào con kênh đi vào đồng, một biển nước mênh mông màu trắng bạc hiện ra trước mắt xa xa là những ngọn núi vùng Thất Sơn đứng sừng sững. Một bức tranh sơn thủy hữu tình giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ghe xuồng chạy qua chạy lại trên đồng nhiều và bình thản như người ta xách giỏ đi chợ.

Vài chiếc xuồng nhỏ tập trung thành từng nhóm ven bờ ruộng, họ đang cặp sát vào mấy bụi cây bông điên điển. Chị Út, con dâu của ông Tám cho biết: “Hái bông điên điển hơi cực một chút, hái suốt buổi chỉ được 2-3kg, mỗi kg giá 5,000/đồng, dù ít nhưng nếu siêng đi hái cả ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng”.

Ra xa một chút, những cây gáo đứng thẳng hàng khá lẻ loi giữa cánh đồng ngập nước, có rất nhiều người đang cầm cây chỉa bắn lên cây gáo. Thằng Tọt con trai chị Út nói cho tôi biết: “Người ta đang bắn chuột. Chuột ở trên cây gáo nhiều lằm! Vì nước ngập nên nó sống trên cây gáo! Chuột trốn ở trên đó mập ù à...” Chuột đồng là một trong những món ăn ngon, tuy nhiên có một số người (như tôi) không ăn thịt chuột được vì bị ám ảnh con chuột cống lang ở thành phố. Thằng Tọt hỏi tôi biết ăn thịt chuột không chút nữa nó sẽ đi bắn cho tôi vài con, tôi chỉ biết lắc đầu nguầy nguậy.

Càng ra xa, sóng càng to. Hai bên mạn xuồng bị sóng đập dữ dội, anh Út cho tôi biết:

- Người dân ở đây không dám ra đồng vào lúc trời mưa, sóng to lắm! Nếu xuồng nhỏ sẽ bị sóng đập lật úp như chơi. Nên ở đây nhà nào cũng sắm 1-2 hai chiếc xuồng to và ván phải dày, tốt... để xài được lâu! Trước khi lũ về vài tháng người ta phải đem xuồng ra sân đê trét chai phơi nắng hay sửa lại sơ sơ là có thể xài được!

Anh Út cho xuồng dừng lại bên những cây cọc tràm giăng lưới, chị Út khòm người thò tay xuống nước kéo lên một cái giỏ lưới rất to đầy cá và cua. Cá được trút vào xuồng, toàn là cá linh, lâu lâu được hai ba con lươn, còn cua càng kình thì nhiều vô kể. Cua càng kinh được đựng riêng trong một cái thùng thiếc để cua không thể bò ra được. Chị Út:

- Mới tháng này, cá chưa nhiều, nhưng mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, có hôm nhiều thì được thì bán hơn một trăn ngàn, nhất là càng cua (càng kình) được15,000đồng/kg. Có bao nhiêu người ta cũng mua hết! Thấy mà ham! Nhưng mỗi ngày chỉ đi đổ 1 lần thôi chứ đổ hoài riết cũng không có nhiều!

Một vài chiếc xuồng đang đậu gần đó, người ta bắt những con ốc bươu vàng đang bám tre. Ốc bươu vàng nhiều vô kể, bắt hoài bắt không hết. Loài ốc này không ai ăn, người ta bắt rồi đem bán cho những người nuôi cá. Ốc này thường được những người nuôi cá tra, ba sa mua về xay ra làm thức ăn cho cá.

Ông Tám cùng gia đình mời tôi ở lại dùng bữa cơm chiều với gia đình ông, tôi thật khó lòng mà từ chối được, vì theo lời chị Út:

- Cô phải ở lại ăn bữa cơm này với gia đình tui, lâu lâu cô mới có dịp tới đây, phải ăn canh chua cá linh nấu với bông súng, bông điên điển rồi cô sẽ không bao giờ quên mùa nước nổi. Còn nhiều món khác nữa nè cá lóc đồng kho tiêu, rắn mối nướng, cua đồng,...

Xuôi theo dòng sông Hậu tôi về, trời chiều càng tô màu cho nước sông thêm đỏ nặng - màu phù sa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Quê Ta: An Giang Mùa Nước Nổi «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu