|
Member V |
|
Tuổi: 74 Sinh nhật: 00-00-1950 Ngày tham gia: 21 Tháng 11 2007, 12:07 Bài viết: 287 Quốc gia:
|
Nhà thơ Hoàng Cầm qua đời
9h30 sáng nay (6/5), thi sĩ "Lá diêu bông" đã nhẹ bước vào cõi hư không, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam.
Hoàng Cầm sinh năm 1922. Ở tuổi xấp xỉ 90, vì một cú ngã dẫn đến bại chân, nhiều năm qua, ông hoàng thơ tình Việt Nam chỉ còn quanh quẩn nằm ngồi trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư. Tối 2/5, bệnh trở nặng, ông được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu. Hơn 3 ngày sau, tác giả Bên kia sông Đuống qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.{L_ATTACHMENT}:
Nha van Kim Lan va nha tho Hoang Cam.jpg [ 44.35 KB | Đã xem 1863 lần ]
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Kim Lân năm 2003. Cả hai giờ đều đã là "người của muôn năm cũ". Ảnh: Nguyễn Đình Toán. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hôm 3/5, ông cùng Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và một số bạn văn nữa vào viện thăm Hoàng Cầm. "Lúc này, nhà thơ không nói được nữa, tuy ánh mắt vẫn còn tỏ vẻ nhận ra mọi người. Tay ông dường như đã lạnh".
"Tôi đã lường trước được chuyến đi cuối cùng của Hoàng Cầm. Nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng, đau xót. Đối với tôi, Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn với những tác phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, nhưng lại có đóng góp rất quan trọng trong công cuộc cách tân thơ ca Việt Nam. Thơ ông ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thi sĩ Việt Nam", Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.
Hiện tại, thi hài nhà thơ đang được quàn tại phòng lạnh Bệnh viện 108. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Hội và gia đình nhà thơ đang bàn bạc về ngày giờ và địa điểm tổ chức tang lễ cho Hoàng Cầm. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất của Hội Nhà văn. Ông không chỉ là tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước mà còn là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại".
Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936 - 1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.
Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...
Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật.Từ http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/05/3BA1B8E7/================================== Một bài viết cũ về ông: Hoàng Cầm: 'Trời bắt tội tôi yêu sớm'
Cậu bé ngày nào mải miết đi tìm lá diêu bông vì trót thương thầm nhớ trộm người chị xứ Kinh Bắc, giờ đã thành ông lão tuổi 84. Dấu ấn thời gian đổ cả vào mái tóc bạc trắng của ông để giữ lại vẹn nguyên đôi mắt tinh anh và một tâm hồn thi nhân rộng mở. Thi sĩ Hoàng Cầm trò chuyện với VnExpress.{L_ATTACHMENT}:
HoangCam.jpg [ 7.88 KB | Đã xem 1871 lần ]
Nhà thơ Hoàng Cầm - Thưa ông, chàng trai trẻ Hoàng Cầm đã đến với những vần thơ tình như thế nào?
- Tôi sớm viết thơ tình vì trời "bắt tội" tôi yêu sớm. 8 tuổi đã biết say mê. Nàng thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần.
Từ đó trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị. Tôi hiểu đó là thứ tình cảm gái trai thật sự chứ không phải là tình chị em con trẻ. Trước, mỗi thứ bảy tôi mới về thăm nhà một lần thì từ khi biết chị, cứ đều đặn đến thứ tư và thứ bảy là tôi mua vé tàu về quê. Rồi tôi lẽo đẽo đi theo chị, chỉ để ngắm thôi. Hai chị em cứ quyến luyến nhau như thế cho đến ngày chị đi lấy chồng. Chị tên là Vinh, là người con gái đã gợi hứng cho bài thơ Lá Diêu Bông của tôi.
- Cuộc đời ông có khá nhiều "lá diêu bông" bay qua. Tại sao không có chuyện tình nào kéo dài?
- Khi yêu nhau, ai chẳng muốn có một tình yêu bền vững. Tôi cũng muốn tình yêu của mình được lâu dài chứ, nhưng hoàn cảnh và số phận vốn mang nhiều điều éo le, bất trắc. Khi một mối tình đi qua, cũng có nhớ, có tiếc thương, khổ đau... đủ cả. Nhưng số tôi vốn đào hoa, luôn luôn được sống trong trạng thái yêu và say mê. Thời gian dành để bâng khuâng và buồn đau quá ít. Bóng hồng này đi qua chưa lâu lại đã có bóng hồng khác tới.
- Ngày xưa, ông thường tỏ tình như thế nào?
- Ngày còn là cậu bé, say mê chị Vinh, tôi viết những vần thơ tình đầu tiên để mỗi dịp về quê lại dúi ngay vào tay chị. Những lần như thế, chị lại thận trọng đút vào túi áo. Tôi biết là chị Vinh hiểu rõ tình cảm của tôi.
Còn những mối tình về sau là do các bà ngỏ lời trước. Cũng có những lúc vì nguyên nhân này nọ tôi phải từ chối nhưng thường thì họ cứ tỏ tình là tôi đồng ý luôn.
- Trong cuộc đời mình, mối tình nào khiến ông phải hối tiếc, ân hận?
- Đấy là chuyện tình với cô Ninh. Mối tình này ập đến khi tôi đã có vợ con đề huề. Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên không xuất phát từ tình yêu mà do mẹ thày sắp đặt và ấn định ngày cưới từ khi 17 tuổi.
Ninh là một người xinh đẹp, sắc sảo, con gái của một gia đình địa chủ giàu có, chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Nhưng đến năm 1942, trong những ngày về Tiên Du (Bắc Ninh) với ý định nhờ Ninh đóng vai Kiều Loan, tôi mới thực sự mê cô ấy. Sau 3-4 chuyến đi đi về về giữa Hà Nội và Bắc Ninh, tôi đã chinh phục được cô Ninh. Ngày đó Ninh đẹp, thông minh, có nhiều gia đình thanh thế giàu có dạm hỏi. Nhưng mà Ninh từ chối hết để nhận lời tôi. Bởi vì tôi ngâm thơ rất hay, nhất là những đoạn trong kịch thơ Kiều Loan. Tôi còn đẹp trai nữa, nhất là khi diện complet, đi giày tây vào thì trông oách lắm. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại lặn lội từ Hà Nội về Bắc Ninh thăm Ninh. Ban ngày chúng tôi xuống làng chơi, còn ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng thì đi dạo với nhau, lãng mạn vô cùng.
Nhưng con gái có thì, cũng đến lúc Ninh phải lấy chồng, mà không thể lấy một người đàn ông đã có vợ con như tôi. Năm 1944, cô ấy rủ tôi bỏ trốn vào Sài Gòn nếu còn muốn duy trì mối tình oái oăm này. Đó là những tháng ngày tôi phải đấu tranh với bản thân rất quyết liệt. Bỏ đi là hành động đúng theo tiếng gọi của trái tim nhưng con người ta đâu chỉ có một tình yêu, mà còn biết bao mối quan hệ ràng buộc. Tôi còn bố mẹ già, vợ và con thơ. Đó là chưa kể, cuối năm đó hàng triệu người Việt Nam đang lâm vào cảnh chết đói. Trong lúc cả đất nước đang phải chống chọi với cái chết, tôi đâu đành bỏ tất cả vì hạnh phúc riêng tư. Chúng tôi chia tay nhau. Về sau cô ấy lấy chồng ở Hà Nội. Ông Trời cũng éo le. Trong những ngày tháng ăn ở với tôi, cô ấy không có mang. Nhưng khi lấy chồng, cô ấy đẻ một mạch 7-8 đứa con. Đến lần sinh nở cuối cùng thì cô ấy bị băng huyết và chết khi mới gần 40 tuổi. Đó là một cuộc tình vừa gây thương tiếc, vừa ân hận dẫu rằng nếu có quay ngược thời gian, tôi cũng không thể làm cách nào khác được. Cuộc chia tay ấy là tất yếu, như định mệnh vậy.
- Những mối tình thực trong cuộc đời ảnh hưởng thế nào đến thơ ca của ông?
- Thơ tôi thường nảy sinh từ những mối tình có thật trong đời. Tôi liên miên sống trong tình yêu, có những mối tình trở nên ám ảnh, khiến cho những bài thơ của tôi bật ra một cách tự nhiên và kỳ lạ như từ trong vô thức. Cũng có những bài thơ tôi làm có ý thức hẳn hoi nhưng cũng bắt nguồn từ những tiếc nhớ, yêu thương rất đỗi thật lòng dành cho một người phụ nữ nào đó.
- "Nhớ mưa Thuận Thành/Long lanh mắt ướt/Là mưa ái phi/Tơ tằm óng chuốt/Ngón tay trắng nuột/Nâng bồng Thiên Thai..." (Mưa Thuận Thành). Đấy là những câu thơ rất giàu nhạc điệu, nghe như chính tiếng mưa rơi. Vậy theo ông, nhạc điệu có vai trò như thế nào trong thơ?
- Nhạc điệu có vai trò rất quan trọng trong thơ tôi. Tôi học được điều này từ Verlaine (nhà thơ Pháp). Khi bàn về thơ, ông cho rằng: "Nhạc điệu trước hết". Tôi luôn chăm chút đến nhạc điệu trong những vần thơ của mình. Và trong thơ tôi, nhạc điệu cũng vang lên một cách rất tự nhiên chứ không phải gượng ép, chắp nối. Nó như là thứ đã hình thành sẵn trong lòng mình.
- Trong số các tập thơ của mình, ông thích nhất tập nào?
- Về Kinh Bắc. Tôi từng nói với các nhà phê bình là muốn nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, chỉ cần mỗi tập thơ đấy thôi cũng đủ. Còn những thứ khác, có cũng tốt còn không thì cũng không sao. Tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm nằm cả trong Về Kinh Bắc.
- Ông nghĩ thế nào về thơ trẻ ngày nay?
- Thú thật là bây giờ tôi ít đọc hơn. Phần vì ốm đau, phải nằm một chỗ nên ít có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với báo chí; phần vì tôi cũng tránh đọc. Bởi tôi không đọc thơ một cách dửng dưng mà phải suy nghĩ nhiều nên rất mệt.
Khi làm thơ về tình yêu, tôi không ngại bất cứ điều gì cả, kể cả việc đề cập đến tính dục. Còn hiện tượng nhà thơ, nhà văn trẻ viết về sex dung tục như hiện nay thì đó là những người không mang tâm hồn thi sĩ thực sự, có thể chỉ vì họ muốn nổi tiếng bằng cách tạo nên một điều gì khác lạ. Nhiều khi gặp những câu thơ hay những câu văn "gợn", tôi thường bỏ đi mà không đọc tiếp nữa.
- Ông có ấn tượng như thế nào với những nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Văn Cao...?
- Thực ra, khi tôi mới vào nghề văn, những người như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... đã rất nổi tiếng. Tôi cũng thích làm bạn với họ lắm nhưng không dám vì thấy mình còn quá non nớt. Nói chung đối với những tác giả này, lúc bấy giờ tôi rất phục nhưng chỉ dám "kính nhi viễn chi".
Văn Cao là bạn thân của tôi, nhưng thơ tôi và thơ ông khác nhau nhiều lắm. Tôi chú trọng đến nhạc điệu, trong khi Văn Cao không cần đến âm điệu, không cần đến vần. Thơ ông giàu ý tưởng, tư tưởng. Văn Cao là người thâm trầm, ít nói nhưng có rất nhiều tâm nguyện sâu xa. Từ http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2006/02/3B9E6C53/
|
|