Cụm từ "mất sổ gạo" có lẽ tôi biết từ mấy chục năm rồi, từ cái thời bao cấp, còn cắp sách tới trường. Cụm từ nầy diễn tả vẻ mặt của một người trong những người quen với mình, nhất là bạn bè khi có việc gì buồn. Thí dụ như, buổi sáng vào cơ quan thấy một anh chàng ngồi với khuôn mặt buồn bã, ruồi đậu chót mũi cũng không buồn đuổi, không cần biết lý do vì sao anh ta buồn, chúng tôi sẽ thì thầm với nhau: "không biết bị cái gì mà nhìn mặt nó như bị mất sổ gạo..."
Kể lại chút chuyện ngày xưa để rành rọt thêm về cụm từ nầy. Thời bao cấp ngoài cái hộ khẩu ra, mỗi hộ còn cần phải giữ kỹ thêm một cuốn sổ có tên là sổ phân phối lương thực, gọi vắn tắt là sổ gạo. Cuốn sổ nầy có số nhân khẩu y chang bên sổ hộ khẩu, cái khác là có ghi thêm rõ ràng tiêu chuẩn lương thực của từng thành viên trong gia đình được phân phối lương thực hằng tháng. Cụ thể như gia đình tôi, ông già là công nhân cạo giấy thì được mỗi tháng 16 kg gạo. Bà già là nội trợ thì ăn ít một chút 14kg/ tháng. còn lũ nhóc như bọn tôi tùy theo tuổi mà định mức ít tuổi nhất là 9kg cho đến 12kg cho mỗi đứa. Hằng tháng có 4 lần đi lãnh lương thực, thường là vậy, mỗi tuần 1 lần. Từ sớm tinh mơ, tôi cầm cuốn sổ nầy ra sắp hàng trước cửa phòng chứa lương thực. Thường khi ra tới đó là có cả dãy người ngồi sắp hàng sẵn rồi, có người cử đại diện cho mình là cục đá xanh trong hàng. Ngồi mấy tiếng đồng hồ chờ cho đến lúc mặt trời qua khỏi ngọn cây thì mấy mậu dịch viên tà tà tới mở cửa và réo tên từng người vào lãnh. Cứ định lượng theo sổ mà nhận, có gạo thì lãnh gạo, không gạo thì có khi là bột mì hay khoai v.v... Cái ăn hằng ngày chỉ trông chờ vào tiêu chuẩn lương thực nầy, muốn nhận lương thực thì phải có sổ gạo mới nhận được, bởi vậy để mất sổ là ôi thôi! đói rả họng ra. Ngoài chợ đen người ta vẫn có gạo mua bán lén lút nhưng làm gì có tiền để mua? Nên để mất sổ gạo là một đại họa như thiên tai địch họa v.v... Nhà tôi thì chưa mất sổ lần nào vì tôi giữ nó rất kỹ, mỗi lần đi lãnh lương thực là tôi nhét nó trong người, chốc chốc sờ kiểm tra coi còn hay mất, vật bất ly thân mà, về đến nhà là má tôi lấy lại coi tới coi lui kỹ lưỡng xong cất vô tủ khóa kỹ. Nhà hàng xóm vô tình làm mất cuốn sổ, chà chà! giờ nhớ lại thấy mà tội cho họ, hằng mấy tháng trời chạy vạy, lạy lục, xin xỏ làm sổ khác trần ai khoai củ mới được. Để có cái bỏ bụng, cả vợ lẫn chồng chạy năn nỉ gảy lưỡi để mượn từng kg gạo về ăn, bán cả tủ giường để mua gạo chợ đen cho sấp nhỏ ăn. Ngày biết mất sổ, bà vợ khóc còn hơn cha chết, cả nhà ủ rủ, không khí ảm đạm bao trùm ngôi nhà đứng ngoài xa còn thấy. Mô tả như vậy mới biết cái nạn mất sổ gạo ghê gớm như thế nào, bởi vậy không gì buồn hơn là mất sổ gạo. Từ đó trong đám bạn bè bọn tôi thằng nào có gì buồn đều bị chọc ghẹo như vậy.
Lần đầu tiên tôi bị tụi nó chọc mất sổ gạo là vì bị bò đá cho leo cây, (người ta thường bảo bị bồ đá, đau như bị bò đá, nên rút gọn lại việc bị leo cây thành bò đá cho đỡ tốn công viết). Leo cây mà là leo cây mỡ mới chết. Leo cây cũng có nhiều loại cây để leo, nhẹ nhất là leo cây cột khung thành đá banh, cây nầy thì thấp, leo cái rột rồi tuột xuống nhẹ nhàng. Cây nầy dành cho trường hợp hẹn nàng rồi, nàng vẫn nhớ lời hẹn, lúc chuẩn bị ra điểm hẹn nàng vì một lý do chính đáng nào đó ... không đến, chẳng hạn như: "Ba em bị bệnh hay xe đạp em bị đứt sên v.v...". Đây là trường hợp nhẹ nhất nên không đến nỗi rơi vô dạng mất sổ. Nặng hơn một chút là leo cột điện, cột điện thì cao nhưng leo lên tuột xuống chỉ mệt, chưa sao. Trường hợp nầy là nàng không đến điểm hẹn vì một lý do khách quan, chẳng hạn như vừa chuẩn bị đi thì trời đổ mưa, sợ ướt áo lộ nội y nên nàng đành cho mình leo cây, leo kiểu nầy cũng chưa đến nỗi như mất sổ. Còn tôi là nặng nhất, leo cây cột điện bằng sắt có trét mỡ, leo lên trầy trật, tuột xuống cái ào, không bong gân cũng lọi khớp là vì nàng hẹn rồi lại quên. Nàng hẹn mình rồi xong lại hẹn với thằng khác, thằng nầy ngon lành hơn nên nàng tung tăng đến điểm hẹn với hắn bỏ mình chò hỏ một mình dưới cây mà trông ngóng mỏi mòn. Bởi vậy 100% tôi bị coi như mất sổ gạo, ngày hôm sau mấy thằng bạn cà chớn hè nhau cười chọc quê, tụi nó bảo hôm qua thấy con bồ mầy ngồi ôm eo ếch ... tôi thiếu điều muốn độn thổ. Buồn vì nàng cho leo cây hết 5 phần, 5 phần còn lại là bị mấy thằng quỷ sứ chọc, tụi nó cười hở hết răng mà không sợ gió vào đau bụng.
Trong suốt bao năm qua, thỉnh thoảng tụi tôi vẫn xài cụm từ nầy, không hiểu sao nó như ăn sâu ở ẩn đâu trong tiềm thức của mình. Bây giờ mà nói "mất sổ gạo" mấy cô cậu thanh niên nào có biết, ngơ ngác tưởng mấy tên già xài tiếng lóng. Có lần trong lúc ăn nhậu, quỡn việc, nhắc lại. Có thằng bạn càm ràm đề nghị phải đưa cụm từ nầy vào tự điển tiếng Việt, không thì hậu thế mai một chút xíu cái hồn của tiếng xứ mình. Mấy thằng xỉn hè nhau tra từ điển, không có viện ngôn ngữ nào lưu cụm từ nầy, chuyển qua tiếng Anh tụi nó đề nghị ghi bằng là Lost rice Books hay rice lost books hoặc Rice books is lost? Cuối cùng hội say xỉn nhất trí giao cho thằng bạn có ăn học nhất lo vụ nầy, đưa cụm từ "mất sổ gạo" vào từ điển Việt Nam. Công việc được tiến hành cho đến khi tàn cuộc nhậu, qua hôm sau hẹn chầu sau tính tiếp.
Thường thì đám phàm phu tục tử như bọn tôi chỉ buồn như mất sổ gạo ở hai chỗ, một là túi bị viêm hai là bị bồ đá. Giờ già rồi, bồ bịch gì đâu mà đá thành ra chỉ còn một lý do là viêm màng túi, bởi vậy để tránh việc bị người khác nhận xét bản mặt mình đau khổ như mất sổ gạo nên cần phải chi tiêu có tính toán, sao cho túi mình đừng bị viêm. Thành ra đi ăn nhậu, chơi bời với bạn bè khi kêu tính tiền mình giả bộ đau bụng chung vô nhà vệ sinh, chờ ai tính xong mình thảnh thơi đi ra. Không thì cứ thả hồn theo mây gió, hay như đang bận ngắm nhìn mấy áp phích quảng cáo bia bọt treo trong quán để lơ đi việc tính tiền.
Tính kỹ như vậy mà có khi cũng bị tổ trát, như mới đây tuần rồi được bạn bè mời họp mặt. Trước khi đi ngồi tính tới tính lui thấy trong bọn năm người có mỗi mình mình là đấng mày râu, coi như gươm lạc giữa rừng hoa. Mà thói thường thì ít là hiếm, hiếm thì phải được ưu tiên, cũng không mong nhiều nhỏi gì, chỉ cần một suất ăn chiều ngon ngon một chút và ly cafe đá, tất cả miễn phí là tốt rồi. Nên tôi mạnh dạn lên đường với hy vọng mình có vé ưu tiên, một công đôi việc, trước là vui với bạn hai là ăn chùa một phen. Cuộc gặp khởi đầu một nàng than bị bệnh, bệnh mà đòi ăn bún cá Châu Đốc? Chắc bún cá ăn giải cảm chăng? một nàng đòi ăn phở mà phải là phở Hòa đường Passteur, tui vốn khoái Phở (đàn ông thường vậy mà) nên hùa vô xúi liền, hai nàng kia OK cái rụp. Cả bọn hiên ngang vào quán kêu tíu tít nào là tô tái nạm, nào là tái gân, rồi tái cùi chỏ gì gì đó. Nàng bị bệnh hóa ra cần phải tẩm bổ sau cơn bệnh, chơi thêm tô lá sách cho đủ bộ rồi thêm bánh dầu chấu quãy nửa. Các nàng vừa ăn vừa tám, hết chuyện nọ rồi xọ qua chuyện kia, xỉa răng cũng tám, chuyện tám dường như bất tận vui như pháo tết. Đến lúc chủ quán đem bill ra vẫn ngồi tám tỉnh bơ, mà cái thằng tính tiền cũng ngộ, 5 người ngồi chần dần đưa ai không đưa cứ nhè tui mà giơ cái bill vô mặt. Tui tính giở bài ruột ra xài, giả bộ đứng lên hỏi toilette ở đâu rồi chuồn, nó bảo toilette giờ đang có người, chú tính xong cho cháu rồi vô vì nãy giờ đứng chờ mỏi cẳng quá rồi??? Có trong chăn mới biết chăn có rận, có trả tiền mới thấy đồng tiền dính liền khúc ruột ra làm sao. Ôi! tổ trát mình rồi.
Ai vui không biết ra làm sao, tui trên đường ra quán cafe cứ khấn: lạy trời tới vụ cafe, đứa nào tính tiền đừng có nhè con mà đưa bill nữa nha ông. Cũng may còn gỡ gạc được ly cafe với miếng bánh chuối, hên thiệt! Cuộc vui cũng đến lúc chia tay, đường về ngập tràn ánh sáng đèn đường xanh đỏ chói lòa. Qua cầu Saigon nghe gió mát thổi ngang tai, nhìn dòng sông buồn bã trôi lững lờ dưới chân cầu sao mà cám cảnh của mình. Giờ nầy mà có thằng bạn cà chớn nào của mình tình cờ gặp, chém chết cũng bảo đảm rằng nó sẽ hỏi: "Ê! làm gì mà giống mất sổ gạo quá vậy mậy?".
|