Tình cờ đọc được trên mạng của nhà văn tôi không nhớ tên: “chốn bình an nhất của đứa trẻ là căn phòng của cha nó!”. Về phần tôi; những ngày còn chạy tung tăng chơi đùa trên đường Nguyễn Công Nhàn, thì chốn bình an nhất của tôi là lớp học của ba tôi. Những năm ba tôi dạy trường Nam tiểu học Tân châu, những ngày trưa hè nóng bức, tôi thích vào lớp của ba để tìm bóng mát hơ dịu cơn nóng cuộc đời.
Nếu người ta nói Mẹ bảo bọc, lo lắng, che chở đàn con thì cha luôn là nền tảng giữ vững gia đình. "Tình cha như nền móng của căn nhà, giá trị của nó là phần nằm sâu dưới mặt đất không ai nhìn thấy". Người đàn ông Á Đông chúng ta không thích để tình cảm lộ bên ngoài, ông luôn nghiêm nghị nhưng lúc nào cũng nghĩ đến tương lai con cái mình. Tình thương của người cha luôn vun bồi cho nền tảng gia đình luôn bền vững lâu dài.
Tôi xa gia đình khi vừa 15 tuổi, tuổi vừa mới lớn để tiếp tục đường học vấn. Khi mới chập chững bước vào đời, tôi lại bị cơn lốc chiến tranh đưa mình vào hoàn cảnh mà đa số thanh niên miền Nam phải ra đi bỏ lại quê hương sau lưng. Trên những đoạn đường chông gai, những hoàn cảnh khó khăn, nếu tôi không có nền tảng vững chắc do ba tôi ươm mầm trong tâm tưởng, có lẽ giờ nầy tôi chỉ là một con người rất bình thường của một cuộc đời nhàm chán. Ba tôi đã cho tôi ý chí mạnh mẽ vươn lên từ vấp ngã gây ra từ cuộc đời. Ba dạy tôi nên bỏ qua những oán ghét, vun bồi những yêu thương, và gieo mầm cho hy vọng. Tôi học từ ba để dạy con tôi sau nầy nên người, giúp ích cho xã hội.
Ngày mai là ngày Hiền Phụ (Father’s Day), mấy đứa con tôi chuẩn bị đưa tôi đi ăn, quà cáp đủ thứ. Tôi ngồi đây nhớ đến ba mình từ bên kia nửa vòng trái đất. Tôi xa ba đã hơn ba mươi năm nhưng những gì ba ươm mầm ngày xưa đã đưa tôi vượt qua khó khăn để trở thành tôi ngày hôm nay. Con cảm ơn ba đã dạy con nên bỏ qua những oán ghét và ganh tị vì tương lai tươi đẹp không kết nối từ những hẹp hòi, ích kỷ mà hình thành những khoan dung, độ lượng.
New York. Father’s Day 2010.
|