Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:44
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 3132 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 5 2008, 11:56
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN"
(Sưu tầm lịch sử)

Xưa nay, chúng ta đã được học và biết khá nhiều về Tả Quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn thành Gia Định, một công thần nhà Nguyễn. Nhưng thật thiếu sót khi nhắc đến công thần, những người đã giúp Nguyễn Phúc Ánh gây dựng giang sơn, thống nhất nước Việt Nam mà không nói đến đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, tổng trấn Bắc Thành thời bấy giờ. Ông là người chẳng những công lớn hơn, mà xem ra tài đức cũng cao hơn so với Lê Văn Duyệt. Bắc Thành từng là cố đô Thăng Long, nơi qui tụ hiền tài chí sĩ, là một vị trí địa lý quan trọng cả nước. Việc Gia Long chọn ông làm tổng trấn cai quản Bắc Thành cho thấy ông là người thật sự tài đức. Chúng ta thử tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và sự kiện về nỗi oan mà đức Tiền Quân nhà Nguyễn này đã gánh chịu, để rồi dẫn đến một kết cuộc bi thảm cho cả một dòng họ.

*****

Nguyễn Văn Thành là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và là một trong những người có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn (vua Gia Long) - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam (1802-1945).

Thân thế

Nguyễn Văn Thành sinh năm Đinh Sửu (1757), tiên tổ của ông người Quảng Điền, phủ Thừa Thiên, tằng tổ là Nguyễn Văn Toán dời vào Gia Định. Tổ là Nguyễn Văn Tính lại dời đến ở Bình Hòa. Cha là Nguyễn Văn Hiền lại dời vào Gia Định.

Sử cũ ghi:
- Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ.
- Năm 1773, ông cùng cha ra tận đất Phú Yên ngày nay để theo Định Vương Nguyễn Phúc Thuần, chống Tây Sơn.
- Năm 1775, tháng 7 âm lịch, Phú Yên bị đánh úp, cai đội Nguyễn Văn Hiền tử trận.
- Năm 1778, ông theo Nguyễn Văn Hoàng đóng đồn ở Phan Rí. Khi Nguyễn Văn Hoàng mất, Nguyễn Ánh cho triệu ông về.

Đôi nét về sự nghiệp

Năm Bính Ngọ (1786), ông cùng Lê Văn Quân giúp Xiêm đánh tan quân Miến Điện ở Sài Nặc (trên đất Xiêm), vua Xiêm thán phục trở về đem vàng, lụa đến tạ, lại ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định. Nguyễn Ánh triệu chư tướng hội bàn, ông tâu rằng: "Vua Thiếu Khang chỉ một lữ còn dựng được cơ đồ nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc có thể làm được, lính Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp, nếu nhờ binh lực họ mà thành công lại có sự lo sau, không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn". Vua cho phải, việc ấy bèn thôi.

Năm 1787, vào mùa thu, Đại Nam Liệt Truyện ghi: ...trận đánh ở Mỹ Tho, quân ta thất lợi. Hoặc có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ. Thành nói rằng: "Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được, và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế."

Năm 1801, ông lãnh ấn Khâm Sai Chưởng Tiền Quân, Bình Tây Đại Tướng Quân, tước Quận Công.

Ông là người "biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích".
Về tài cầm binh của ông, theo nhiều nhà nghiên cứu thì ông là người "phân tích kĩ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ".

Năm 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi đã từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên được trọng thần để trấn thủ bèn phong cho ông làm Tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân (tức Huế ngày nay). Ban cho sắc ấn trong ngoài mười một trấn đều thuộc vào cả, các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị.

Vào tháng Chạp năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với lực lượng Tây Sơn. Ông đã soạn bài Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong, lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cái cảm tình của một ông võ tướng mà giải bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại, lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn, đây thật là một áng văn chương tuyệt bút của nền văn học Việt Nam.

Năm 1805, ông cho xây dựng Khuê văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội.

Năm 1809, gặp Bắc Thành dân đói, ông dâng sớ tâu: "Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Sau khi các trấn bị thiên tai, nhân dân ngày càng đói lắm, xin bàn cách phát chẩn và cho vay để đỡ túng ngặt cho dân". Vua đều nghe theo.

Năm 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao cử chức tổng tài trong việc soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ (thường được gọi là luật Gia Long). Bộ luật có hai phần, chia làm hai mươi hai quyển, có tất cả ba trăm chín mươi tám điều, ban hành năm 1812, đến năm 1815 được khắc in và định Quốc Sử. Hoàng Việt Luật Lệ là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất lúc bấy giờ.

Học giả người Pháp tên là Philastre khi đến Việt Nam vào giữa thế kỷ 19 là người am tường Hán học, lịch sử, phong tục, tín ngưỡng và các thể chế của nước Nam, đã nghiên cứu, phân tích, so sánh những điểm giống và khác nhau giữa bộ luật Gia Long với các bộ luật Trung Hoa, nhất là với bộ luật nhà Thanh.

Trước khi ban hành, Nguyễn Văn Thành có dâng sớ tâu lên vua Gia Long, trong sớ ông trình bày về việc: "... đặt lại quy tắc khoan hồng và thưởng phạt. Khi xem đến luật triều Thanh, đức Thánh thượng nhận thấy đó là bộ luật gồm đủ các sắc luật của các triều đại trước, nên ban sắc chỉ dạy các quan đem ra bàn bạc, xem xét cùng hạ thần ngỏ hầu chọn lấy những gì khả dĩ soạn thành bộ luật riêng để dùng trong nước... Sách đã dạy: Trừng phạt để về sau không còn phải trừng phạt nữa, đặt ra tội hình để về sau không còn phải dùng đến tội hình nữa. Điều đó há chẳng phải là điều mà Đức Thánh thượng hằng mong muốn hay sao?"

Vụ án có nguồn gốc từ một bài thơ

Năm 1815, người con trưởng của ông là ông Nguyễn Văn Thuyên đỗ hương cống, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh văn thơ với những kẻ sĩ. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm bài thơ tặng, thơ rằng:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác,
Thiện tướng, phương tri Ký-bắc Kỳ.
U-cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao vương minh-phượng cửu thiên tri.
Thư hồi được đắc Sơn trung tể,
Tá ngã kinh-luân chuyển hóa ky.


Dịch nôm là:

Ái-châu nghe nói lắm người hay,
Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh-Sơn tài sẵn đó,
Ngựa Kỳ Ký-bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay-đổi hội cơ này.


Một số người vốn có tị hiềm với ông dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua.

Mọi việc kêu oan của ông đều không được Gia Long minh xét. Ông nói với Thống chế Thị Trung lúc bấy giờ là Hoàng Công Lý : "Án đã xong rồi vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết, không phải là trung”. Ông buộc phải uống thuốc độc tự tử trong ngục vào năm Đinh Sửu (1817), hưởng thọ sáu mươi tuổi. Con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém.

Sách Đại Nam Liệt Truyện còn ghi: "...Thành có văn võ tài lược, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước..."

Năm 1847, Tự Đức nguyên niên, nhà vua truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án và phong chức tước cho con cháu Đức Tiền Quân.

Đền thờ

Tại xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trên cuộc đất cao trong khu rừng sao, ngôi đền thờ đức Tiền Quân được xây dựng từ năm 1820. Toàn bộ khung sườn đền đều làm bằng gỗ sao đốn từ những cây sao già tại khu rừng ấy. Trải qua hơn 180 năm thăng trầm của lịch sử, đền vẫn còn đó dáng uy nghiêm và trầm mặc. Hằng năm vào ngày rằm tháng Mười Một âm lịch là ngày giỗ của ông.

Hình ảnh
Đền thờ Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành

Hình ảnh
Cảnh rừng cây sao chung quanh đền

Ngày giỗ

Vào ngày mười lăm tháng mười một âm lịch năm Bính Tuất, tức là vào thứ tư, ngày mùng ba tháng giêng dương lịch năm 2007 đã diễn ra buổi lễ cúng đình thần, Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, tại xã Tân An. Từ tờ mờ sớm đã diễn ra lễ rước sắc phong thần từ ngôi nhà cổ vào đền Tân An. Trong bầu không khí trang nghiêm và long trọng của buổi lễ cúng thần, các đội tế lễ trong trang phục truyền thống, áo dài khăn đóng, đã ra làm lễ tế. Các khách thập phương từ các nơi gần xa cũng đã có mặt đông đủ tại đình cổ Tân An để thấp hương và cầu an.

Hình ảnh
Rước sắc thần

Hình ảnh
Khách thập phương đến thấp hương và cầu an

Nguồn gốc Khuê Văn Các

Năm 1805, ông cho xây dựng Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là một vài hình ảnh của Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Hà Nội. Về nguồn gốc Khuê Văn Các trong bức ảnh thứ nhất đã ghi rõ như sau:

"Tháng 6, năm Ất Mùi niên hiệu Gia Long thứ 4 (1805) Quận công Nguyễn Văn Thành dựng Khuê Văn Các bên cạnh giếng vuông, trước sân Văn Miếu.
Trần Bá Lãm có thơ ca ngợi:
Mấy lớp cung tường sừng sững cổ kim
Bốn mùa hoa cỏ sum xuê tươi tốt
Thánh triều gây dựng qui mô lớn
Lâu dài mãi với núi Nùng cao, sông Nhị sâu

Trích: Quốc sử di biên

Hình ảnh
Lịch sử Khuê Văn Các

Hình ảnh
Khuê Văn Các bên cạnh giếng vuông

Văn tế tướng sĩ trận vong

Văn tế tướng sĩ trận vong là một bài văn tế được Tiền Quân Nguyễn Văn Thành là đại thần có công lớn trong công cuộc thiết lập và xây dựng triều Nguyễn soạn và đứng chủ tế lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Phúc Ánh với nghĩa quân Tây Sơn vào tháng chạp năm 1802, tại Thuận Hóa. Đây được coi là một áng văn chương tuyệt bút mà Nguyễn Văn Thành đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam.

Nguyên văn

Than ôi! Trời Đông Phố vận ra Sóc Cảnh, trải bao phen gian hiểm mới có ngày nay; nước Lô hà chảy xuống Lương giang, nghĩ mấy kẻ điêu linh những từ thuở nọ, cho hay sinh là ký mà tử là quy; mới biết mệnh ấy yểu mà danh ấy thọ.
Xót thay! Tình dưới viên mao, phận trong giới trụ. Ba nghìn họp con em đất Bái, cung tên ngang dọc chí nam nhi; hai trăm vây cờ cõi non Kỳ, cơm áo nặng dầy ơn cựu chủ.
Dấn thân cho nước, son sắt một lòng; nối nghĩa cùng thầy, tuyết sơn mấy độ.
Kẻ thời theo cơ đích chạy sang miền khách địa, hăm hở mài nanh giũa vuốt, chỉ non Tây thề chẳng đội trời chung; kẻ thời đón việt mao trở lại chốn sa cơ, dập dìu vén cánh nương vây, trông cõi Bắc quyết thu về đất cũ.
Nằm gai nếm mật, chung nỗi ân ưu; mở suối bắc cầu, riêng phần lao khổ.
Trước từng trải Xiêm La, Cao Miên về Gia Định mới dần ra Khánh, Thuận, đã mấy buổi sơn phong hải lễ, trời Cao, Quang soi tỏ tấm kiên trinh, rồi lai từ Đồn Bàn, Nam, Ngãi lấy Phú Xuân mà thẳng tới Thăng Long, biết bao phen vũ pháo vân thê, đất Lũng, Thục lăn vào nơi hiểm cố.
Phận truy tùy, ngẫm lại cũng cơ duyên; trường tranh đấu biết đâu là mệnh số.
Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay; kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.
Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương; mặt chinh phụ khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa trời, soi chừng cổ độ.
Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ.
Đoái là tiếc xương đồng da sắt, thanh bảo kiếm đã trăm rèn mới có, nợ áo cơm phải trả đến hình hài; những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu xem nửa phút như không, ơn dầy đội cũng cam trong phế phủ.
Phận dù không gác khói đài mây; danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.
Thiết vì thuở theo cờ trước gió, thân chả quản ngàn sương đệm giá, những chờ xem cao thấp bức cân thường; tiếc cho khi lỡ bước giữa dòng, kiếp đã về cõi suối làng mây, nào kịp thấy ít nhiều ơn Vũ lộ.
Vâng thượng đức hồi loan tháng trước, đoàn ứng nghĩa dẫn Quảng, Thuận, Nghệ, Thanh cũng vậy, giội ân quang gieo khắp xuống đèo Ngang; mà những người từng thượng trận ngày xưa, dắp tấu công tự ngọ, vị, thân, dậu đến giờ, treo tính tự để nằm trong lá số.
Ngọn còi rúc nguyệt, nơi tẻ nơi vui; dịp trống dồn hoa; chốn tươi chốn ủ. Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản, trăm trận một trường oanh liệt, cái sinh không, cái tử cũng là không; nhưng tiếc cho tạo hóa khéo vô tình, ngàn năm một hội tao phùng, phân thủy có phận chung sao không có.
Bản chức nay, vâng việc biên phòng, chạnh lòng niềm viễn thú. Dưới trướng nức mùi chung đỉnh, sực nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh; trong nhà rõ vẻ áo xiêm, chạnh nghĩ buổi tấm cừu vung trước gió. Bâng khuâng kẻ khuất với người còn; tưởng tượng thầy đâu thì tớ đó.
Nền phủ định tới đây còn xốc nỗi, vu lòng một lễ, chén rượu thoi vàng; chữ tương đồng ngẫm lại vốn đinh ninh, khắp mặt ba quân, cờ đào nón đỏ, có cảm thông thì tới đó khuyên mời; dù linh thinh hãy nghe lời dặn dỗ.
Buổi chinh chiến hoặc oan hay chẳng, cũng chớ nề kẻ trước người sau, hàng trên lớp dưới, khao thưởng rồi sẽ tấu biểu dương cho; hội thăng bình đừng có nghĩ rằng không, dù ai còn cha già, mẹ yếu, vợ góa, con côi, an tập hết, cũng ban tồn tuất đủ.
Hồn phách đâu đều ngày tháng Thuấn, Nghiêu; hài cốt đó cũng nước non Thang, Vũ.
Cơ huyền diệu hoặc thâm trầm chưa rõ, thiêng thời về cố quận, để hương thơm lửa sáng, kiếp tái sinh lại nhận cửa tiền quân; niềm tôn thân dù sinh tử chớ nề, linh thời hộ Hoàng triều cho bể lặng sóng trong, duy vạn kỷ chửa dời ngôi bảo tộ.


Nhận định

Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh cho rằng: " lời đáng ghi vào vàng đá truyền đến muôn đời, khi giống giã như nhịp trống trong quân, khi tơi bời như ngọn cờ dưới nguyệt, khi mịt mù như cơn gió lốc thổi dấu kẻ tha hương, khi lập lòe như đám lửa trời soi chừng chốn cổ độ, khi hùng tráng như tiếng gươm tuốt giữa trận, khi lâm li như vượn khóc trên ngàn".
(Nguyên văn từ Bách khoa toàn thư mở Wikipedia - http://vi.wikipedia.org)

*****
Quan trường như chiến trường

Thời đại nào cũng có những hiềm khích, tị hiềm, tranh giành ảnh hưởng, thế lực, nhất là trong thời kỳ vừa thống nhất giang sơn, những ngày đầu mà Gia Long còn chưa củng cố, chưa ổn định được triều chính, mọi việc đàng ngoài phải giao cho Nguyễn Văn Thành, một vị trí quá quan trọng và gây quá nhiều ganh tị trong triều đình. Thật ra, Gia Long không muốn trực tiếp đương đầu với những vấn đề Bắc Thành, trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh ông chỉ xưng Chúa và lấy đàng trong làm cứ địa, việc xưng Vương làm vua đã là sự bất phục với dân Bắc Thành, nơi được xem là kinh đô Thăng Long với quá nhiều nhân tài kẻ sĩ, và nhất là dân chúng vẫn còn hoài tưởng nhà Lê.

Nguyễn Phúc Ánh là người có hoài bảo lớn, thống nhất Việt Nam sau gần 300 năm chia cắt và chiến tranh kể từ thời Nam Bắc triều tới hết thời Tây Sơn (1533-1802). Tuy nhiên ông đã mắc phải một số sai lầm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời sự nghiệp của ông và cho cả hậu vận nhà Nguyễn, đó là:

- Nuôi lòng thù hận quá lớn đối với Tây Sơn để trong các trận chiến, ông thường trả thù một cách tàn độc với tướng sĩ, tù binh thua trận và đặc biệt là việc quật mồ anh em nhà Tây Sơn bao nhiên năm sau đó để trả thù, dù chỉ trên những đống xương tàn.

- Thường xuyên cầu cạnh ngoại bang mà điển hình là việc “rước voi dày mả tổ”, cùng Xiêm La đưa quân vào đánh Tây Sơn năm 1784. Sau đó là "đưa hổ vào nhà", ký hoà ước nhượng bộ cho Pháp nhiều điều kiện, bất chấp hậu quả để đổi lấy mục đích của mình, tạo vô số những bất lợi cho nước nhà trong việc ổn định một nền độc lập sau này.

- Đối ngoại thì hòa hoãn thân cận Pháp, đối nội thì đàn áp chí sĩ yêu nước, những người đã bỏ bao xương máu trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, bắt đầu một nền Pháp thuộc qua bao nhiêu triều đại nhà Nguyễn sau đó.

Cho nên trong thời kỳ trị quốc, mọi người vẫn còn nhạy cảm một hình tượng Nguyễn Phúc Ánh cho dù ông đã xưng vua và đổi tên Gia Long với bao cố gắng, nỗ lực. Cái chết oan uổng của một Quận Công, đại công thần Nguyễn Văn Thành cùng gia quyến, mà hầu như có sự sắp xếp của Gia Long cùng bao nhiêu cận thần khác, những người đã nuôi lòng thù hận từ những tị hiềm, ganh ghét Nguyễn Văn Thành, đã gây một dư luận xôn xao trong cả nước, khiến Gia Long không hoàn toàn thu phục được nhân tâm của dân chúng thời bấy giờ. “Chim không còn thì cung tên bị xếp xó”, đó là qui luật mà Gia Long luôn áp dụng trong việc dùng tài. Nguyễn Văn Thành là người vào sanh ra tử cứu ông bao lần và cùng ông gầy dựng giang sơn, tạo một nền chính trị ổn định cho Bắc Thành. Để sau đó ông nuôi lòng nghi kị và sinh lòng hủy diệt. Lê Văn Duyệt cũng không là một ngoại lệ, Gia Long đã dùng Lê Văn Duyệt để tiêu diệt dòng họ Nguyễn Văn Thành, và sau đó Lê Văn Duyệt cũng chịu chung một số phận, đến chết mà vẫn không được mồ yên mả đẹp.

*****

Phủ thờ họ “Trần” cây số 2 Long Sơn mà dân Tân Châu chúng ta ai cũng biết. Nhưng có lẽ trong chúng ta ít ai biết nó đã có ở đó từ bao giờ, chỉ biết sau sự kiện Nguyễn Văn Thành, một người miền ngoài cùng gia đình và một số gia nhân, người hầu thân cận đến lập nghiệp tại thôn Long Sơn, thuộc Tân Châu Đạo. Nhóm người này cùng sinh sống trong cộng đồng người Hoa họ Trần, và sau đó người ta gọi ông là “Trần Văn Kiển”. Dân địa phương có ít nhiều thiện cảm với dòng họ “Trần” Long Sơn qua cách sống mực thước, mang nhiều ảnh hưởng “nhà quan” nhưng giản dị, gần gũi, nhất là truyền thống chuộng đạo Phật cùng những đóng góp to lớn cho chùa chiền Phật Giáo địa phương. Tìm hiểu họ “Trần” Long Sơn qua gia phả và lời kể của cụ Trần Công Tường, đã 99 tuổi, người cao niên nhất trong dòng tộc hiện nay, chúng ta không khỏi ngạc nhiên biết rằng “Trần Văn Kiển” là một trong những người con của Nguyễn Văn Thành, chạy vào mãi mảnh đất tận cùng sát biên giới Chân Lạp này, thay tên, đổi họ để tìm con đường sống.

Là một đại thần trung cang nghĩa đảm, Nguyễn Văn Thành đã dũng cảm chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Là một trượng phu, với tấm lòng cao cả của một người cha, ông đã mạnh dạn bưng chén độc dược uống cạn để mưu cầu sự bình yên cho con cháu. Nhưng ông có biết đâu rằng Nguyễn Phúc Ánh lúc nào cũng hiện diện bên trong con người Gia Long, với chính sách “diệt cỏ tận gốc”, sau khi Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự tử và Nguyễn Văn Thuyên bị xữ chết, cho đến nhiều năm sau đó Gia Long còn truy giết gia tộc Nguyễn Văn Thành gồm những con, cháu như Nguyễn Văn Thần, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Văn Chuân, Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Văn Hân cùng gia thuộc của họ cho đến thời Minh Mạng, chỉ sống sót “Trần Văn Kiển” chạy vào tận thôn Long Sơn, Tân Châu Đạo, Nguyễn Văn Hiển (cháu nội Nguyễn Văn Thành) nguyên tổng trấn Quãng Nam, sau vào tu tại chùa Phi Lai ngày nay, một người con trai, một con gái chạy vào đất Gò Công mà trong những năm đầu thế kỷ 20, con cháu họ vẫn còn liên lạc với dòng họ “Trần” Long Sơn, nay đã bặt tin. Ý định của “Trần Văn Kiển” khi chọn mảnh đất Long Sơn này có lẽ còn một lý do khác, đó là trong trường hợp tiếp tục bị truy đuổi, ông lại sẽ vượt biên giới sang Chân Lạp.

Sử sách các triều đại nhà Nguyễn hầu như đã cố tình tránh né nên không viết nhiều về uẩn khúc Nguyễn Văn Thành. Hiện nay, với sự thông thoáng của hệ thống mạng, lịch sử mỗi ngày một phong phú và đang dần sáng tỏ những sự kiện trong các triều Nguyễn, công hay tội của Nguyễn Văn Thành chúng ta hãy để lịch sử phán quyết. Chắc hẳn dòng họ “Trần” Long Sơn cũng không thiết tha trong việc sáng tỏ sự kiện Nguyễn Văn Thành, càng không muốn công khai lai lịch đã được giữ kín bấy lâu, bởi nó không thay đổi được gì trong cuộc sống an bình của họ. Không phải là nhà viết sử, tôi xác định bài viết này hoàn toàn không mang tính lịch sử. Là một thành viên trong cộng đồng nho nhỏ của trang web trường, và chỉ trong phạm vi trang web này, qua sưu tầm, tôi chỉ mong mang đến các bạn những thông tin liên quan trực tiếp đến quê nhà chúng ta. Bài viết này được trích dẫn nguyên văn cùng những suy luận dựa vào tham khảo từ tài liệu lịch sử hiếm hoi nên có thể vẫn còn nhiều thiếu sót, hy vọng nhận được sự bổ sung của các bạn.

Tháng 5, 2008
“tanchau”


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử
Gửi bàiĐã gửi: 03 Tháng 7 2010, 09:08
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
Kỷ niệm 1,000 năm Thăng Long, báo Tuổi Tré có đăng loạt bài về những người có đóng góp cho Thang Long/Hà Nội. Thấy có liên quan đến một dòng họ Tân Châu quê nhà nên cho đăng để các bạn tham khảo.

Thâm nhập kho mộc bản triều Nguyễn - Kỳ 2:
Vụ án trung thần và nước mắt tiền nhân


TT - Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn và có công lớn nhất trong việc đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của triều Nguyễn. Ông là người đã bôn ba theo vua Gia Long từ lúc khó khăn nhất đến khi thống nhất giang sơn.

Bí mật ở biệt điện Trần Lệ Xuân

Hình ảnh
Lời tựa của vua Gia Long trong bộ Hoàng Việt luật lệ - Ảnh: Uông Thái Biểu chụp lại


Nghi án “bài thơ phản”
Cùng với vua Gia Long, ông đã trải qua bao gian lao và hiểm nguy, nhưng trí thông minh và tài thao lược đã giúp Nguyễn Văn Thành vượt qua. Ông là một bậc đại thần văn võ song toàn.

Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long nghĩ Bắc Hà mới bình định, dân vật đổi mới, cố đô Thăng Long lại là trung tâm của Bắc Thành với nghìn năm văn hiến đồng thời cũng là nơi từng chứng kiến bao cuộc thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên phái trọng thần về trấn thủ bèn phong cho Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc thành, còn vua trở về kinh đô Phú Xuân.

Vua ban cho Nguyễn Văn Thành sắc ấn, trong ngoài 11 trấn đều thuộc vào cả, các việc cất nhắc quan lại, xử quyết việc án đều được tùy nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị. Là một võ tướng nhưng Nguyễn Văn Thành lại rất coi trọng việc học, cùng thời gian sửa sang lại Bắc thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các, công việc được hoàn thành vào mùa thu năm 1805. Kiến trúc được đặt ở cửa Nghi Môn và chính tại đây hằng năm vào mùa xuân và mùa thu chọn hai ngày Đinh lệnh cho quan đến tế, lấy bốn tháng giữa xuân, hạ, thu, đông tổ chức khảo thí học trò. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong công trạng của Nguyễn Văn Thành với vương triều Nguyễn là việc ông đã soạn thảo được bộ Hoàng Việt luật lệ (*).

Kỳ án Nguyễn Văn Thành xuất phát từ một bài thơ hàm tư tưởng “phản nghịch” và ông đã phải chịu trách nhiệm liên đới. Nguyễn Văn Thành có con trai trưởng là Nguyễn Văn Thuyên, đỗ hương cống năm Ất Hợi 1815, vốn là người hâm mộ văn chương, thường làm thơ, ngâm vịnh với kẻ sĩ đương thời. Bấy giờ nghe người ở Thanh Hóa là Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận có tiếng hay chữ, ông Thuyên có làm một bài thơ tặng.

Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ (ghi chép lịch sử thời vua Gia Long) nhắc đến bài thơ có nội dung sau:

Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt
Dành để chiếu bên ta muốn chờ
Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn
Tây sành mới biết ngựa Ký Bắc
Thơm nghìn dặm lan trong hang tối
Vang chín chằm phượng hót gò cao
Phen này nếu gặp tể (tướng) trong núi
Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ


Bài thơ đã đến tai triều đình, trong đó có cả vua Gia Long. Có lẽ do Nguyễn Văn Thành là một công thần nên có một số người ghen tị. Nhân cơ hội này, những người có hiềm khích với ông đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ mà lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn truất ngôi vua của cha con ông.

Nỗi lòng tôi trung
Vụ án đã lan rộng ra khắp nơi và trở thành vụ án lớn nhất thời bấy giờ. Vì là người có công trạng lớn trong triều đình nên việc xử lý Nguyễn Văn Thành rất khó khăn. Ông bị tước hết ấn và tiếp tục chờ xử lý. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 53, năm Gia Long thứ 15 (1816) có chép: “Vua nói: “Văn Thành vốn là kẻ có tội nhưng thể thống đối với đại thần cũng nên có cách xử trí”. Bèn thu ấn và kiếm về ở nhà riêng, Văn Thành mất chức. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Có bầy tôi như thế xử trí thực khó! Nếu không bảo toàn được công thần thì cũng không phải là việc hay của trẫm, thế mới khó chứ”.
Vụ án ngày càng trở nên căng thẳng trong triều đình, cuối cùng Nguyễn Văn Thành đã phải chịu cái án nặng nhất - cái chết. Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 55 năm Gia Long thứ 16 (1817) có chép: “Vua nói: “Trẫm đãi Văn Thành không bạc, nay hắn tự mình làm nên tội thì phép công của triều đình trẫm không thể làm của riêng được”. Bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị lang. Bầy tôi họp ở Võ công thị để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không?”. Thành nói: “Không”.

Văn Thành trả lời rồi đi qua, sắc mặt bừng bừng. Trở về nhà quan nói với Thống chế Thị trung Hoàng Công Lý rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Rồi thân đi nằm hồi lâu, uống thuốc độc chết. Việc tâu lên, vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”. Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Bỗng có quân lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Vụ án Nguyễn Văn Thành khép nhưng để lại những dấu hỏi lớn trong triều đình. Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, còn con trai của ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị trảm quyết.


(*) Hoàng Việt luật lệ là bộ sách mà ván khắc có kích thước và khối lượng lớn nhất trong mộc bản triều Nguyễn. Mỗi tấm mộc bản có độ dày trung bình 5-10cm. Người được vua Gia Long giao đứng đầu công việc soạn thảo bộ luật này là Tiền quân Bắc thành Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm tổng tài.

Hoàng Việt luật lệ là bộ luật lớn, hoàn chỉnh và đầy đủ nhất của thư tịch pháp luật VN thời phong kiến. Bộ luật được biên soạn trong một thời gian dài, đến năm 1811 thì hoàn tất, năm 1812 được khắc in lần đầu ở Trung Quốc. Nhà vua đã trực tiếp đọc duyệt, tu chỉnh sau cùng, sau đó mới cho phép khắc in và ban hành, áp dụng trên phạm vi toàn quốc vào năm 1913.

Theo mộc bản, trong bài tựa bộ Hoàng Việt luật lệ, Gia Long viết: “Trẫm nghĩ: Thánh nhân cai trị thiên hạ đều dùng luật pháp để xử tội, dùng đạo đức để giáo hóa mọi người. Hai điều ấy không thể bỏ được điều nào. Thật vậy, sống trong xã hội, con người với những ham muốn vô bờ, nếu không có luật pháp để ngăn ngừa thì không có cách gì để dẫn dắt người ta vào đường giáo hóa mà biết được đạo đức. Cho nên người xưa có nói: “Pháp luật là công cụ giúp cho việc cai trị thêm tốt đẹp”. Lời nói đó há chẳng phải là chuyện không thực đâu”.
UÔNG THÁI BIỂU - KHẮC NIÊN

------------------------------------------------
Tổng trấn Nguyễn Văn Thành phải tự mình chọn cái chết, còn vị công thần khác, tả quân Lê Văn Duyệt, liệu có biết những khúc mắc ở “bản án” trên mộ mình?
Kỳ tới: Ẩn khuất quân - thần


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử
Gửi bàiĐã gửi: 04 Tháng 7 2010, 21:42
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245
Câu chuyện lịch sử trên gợi rất nhiều suy nghĩ!


Sống đến tuổi này, BD mới ngộ ra rằng thốt lên lời khen/chê đối với ai cũng không phải là chuyện đơn giản. CHÊ (nêu khuyết, nhược điểm) phải thật khéo léo để người ta hiểu được thiện ý của mình mà tiếp thu và sửa chữa là tất nhiên rồi. Còn KHEN mà công khai cho mọi người biết thì phải rất cẩn thận: có khi ta vô tình làm cho người được khen khó xử và chịu nhiều áp lực; không khéo sẽ tạo lòng hiềm khích của kẻ khác đối với người được khen; không khéo ta sẽ bị đánh giá là nịnh bợ;…
Tuy vậy, ở đây BD cũng mạnh dạn bày tỏ:
- Thật kính phục, ngưỡng mộ người xưa – tiền nhân của dòng họ Trần Công ở Long Sơn-Tân Châu ta, và cũng thật đau xót!
- Những gì mà BD biết kết hợp với lời nhận xét khách quan về gia đình Trần Công của một số người quen biết đã nói lên 1 điều rằng hậu duệ của Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã kế thừa và giữ được những nét nhân cách đáng quí của ông.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử
Gửi bàiĐã gửi: 23 Tháng 8 2010, 10:36
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
Hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, BĐH Diễn Đàn THTC sưu tầm và gởi lên đây tư liệu về một hậu duệ của Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành.

NGUYỄN VĂN HIỂN


Nguyễn Văn Hiển, còn gọi là Tổ Phi Lai Hòa Thượng Thích Chí Thiền (1861 - 1933) là một nhân vật tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam bộ nửa đầu thập kỉ hai mươi. Có thể nói rằng ông đã có những đóng góp công sức to lớn trong phong trào chấn hưng (1931-1950), góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam.


Hình ảnh
Đức Hòa Thượng Nguyễn Văn Hiển trên Bảo Tháp chùa Phi Lai - Châu Đốc


Thân thế


Ông sinh tháng hai năm Tân Dậu (1861) tại thôn Chiêm Sơn (trước đây là xã) sau dời nhà qua thôn Phú Bông, xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm quan, trong số đó ông nội ông là Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành và thân phụ ông vốn là quan võ dưới triều Gia Long sau bị mất tước vị do vụ án của Tiền Quân Nguyễn Văn Thành. Do lo buồn việc gia đình, tuổi cao nên cha ông qua đời khi ông còn nhỏ tuổi, ông thụ hưởng dòng máu danh tướng cùng với sự dạy dỗ rất nghiêm khắc của mẹ, vì thế ông là người văn võ song toàn. Đồng thời do gia đình ông đã đi theo đạo Phật từ lâu đời. Quê gốc của dòng họ ông ở làng Bác Vọng huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn là phủ của chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà thờ tổ họ Nguyễn ở cạnh chùa mà Thích Đại Sán đã từng ở nên chịu tác dộng của tư tưởng Phật giáo. Dòng họ ông gắn bó lâu đời với đạo Phật nên từ thuở nhỏ ông chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Ông còn vốn là người có bản tính hiền lành và hay giúp người.

Đôi nét về sự nghiệp


Vào năm Mậu Dần (1878), vua Tự Đức bổ nhiệm ông làm quan Hậu Bố tại tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù làm quan, nhưng vì có nghĩa khí cộng với lòng yêu nước nồng nàn, nên ông bí mật cùng anh mình tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân chống thực dân Pháp. Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp rất dã man và sau đó thì tan rã. Anh ông và ông bị bắt trong một trận vây càn của Pháp ở gần Thánh địa Mỹ Sơn. Trong lúc xử chém những người bị bắt, tên cai đội người Việt đã thả ông vì tưởng bắt lầm, ông nhỏ người và có dáng vẻ yếu ớt, nhờ vậy mà ông may mắn thoát chết, chạy lánh nạn vào nam. Ông vào tới Gia Định, để tránh sự lùng bắt của mật thám Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cũng như để tránh liên lụy đến gia đình.

Năm Tân Tỵ (1881), để ẩn mình ông vào tu chùa Giác Viên Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), được sư Phương Minh húy Minh Mai (sư Minh Khiêm là sư y chỉ) thu nhận làm đệ tử đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế với pháp húy Như Hiển hiệu Chí Thành (do cử tên ông nội nên sau này đổi thành Chí Thiền). Than ôi! nhà có con hiếu cha mẹ chẳng cho ở không, Đạo thường có kẻ chân tu thì Phật thường giao cho gánh nặng. Trong thời gian này ông theo thầy tổ để học đạo, sống rất kham khổ và phát nguyện sửa cầu, bồi lộ, bửa củi, gánh nước, giả gạo... suốt ba năm. Sau đó phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, tiếp theo ông đấp đất xây nền chùa Giác Viên ngày trăm xe cho đến khi hoàn tất, lại nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa, được thầy ban pháp ấn. Ông cùng thầy của mình lo xây dựng chùa Giác Sơn, khi chùa được khánh thành ông được cử làm thủ tọa coi sóc trong ngoài chùa Giác Sơn. Chẳng bao lâu sau hòa thượng Giác Sơn viên tịch vào năm Kỷ Hợi (1899), ông lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Giác Sơn.

Khoảng năm Nhâm Ngọ (1900), sau khi sắp đặt mọi chuyện trong chùa xong, ông cùng một đệ tử từ giã hết tất cả huynh đệ đi thẳng vào vùng núi Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) một mặt là để ẩn dật tu hành, mặt khác là để quyết chí làm việc lớn. Ban đầu ông ở tại núi Cấm (ở vị trí đặt Phật Di Lặc hiện nay) một thời gian sau ông được thỉnh về trụ trì tại chùa Phi Lai (hay còn gọi là Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc, nguyên là ngôi chùa vách đất, vắng vẻ hoang vu. Ông đã mộ dân phu, Phật tử, cùng hương chức địa phương khẩn hoang thành lập các nông trại làm ruộng. Ngoài ra ông còn tổ chức mua bán khoai, muối... để có kinh phí xây dựng chùa, giúp đỡ mọi người trong cơn khốn khó. Đây vốn là vùng biên giới Việt Miên nhiều khó khăn nhưng nhờ uy đức và hạnh nguyện, ông đã biến nơi đây thành chốn già lam đông đúc các Tăng ni tín đồ đến thọ pháp, cuộc sống người dân quanh vùng có nhiều biến đổi mới mẻ, góp phần chan hòa được đời sống vật chất lẫn tinh thần của hai dân tộc Việt Miên.

Đất nước Việt Nam từ triều vua Tự Đức, phải gánh chịu rất nhiều thiên tai lũ lụt. Nhất là trận bão lụt lớn năm Giáp Thìn (1904) đã cuốn trôi hàng ngàn nhà cửa, ruộng vườn, súc vật, tài sản và ngay cả mạng sống con người thị xã Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Trước tình cảnh vô cùng nguy khốn và cấp bách đó ông đích thân quy nạp ghe thuyền và cùng với sự trợ giúp đắc lực nhân dân địa phương và các Tăng ni tín đồ thị xã Gò Công, trực tiếp cứu sống được rất nhiều người đang bị nước cuốn trôi. Suốt một tháng sau đó có khoảng gần năm mươi xác người chết trôi được đem về mai táng và được ông làm lễ cầu siêu trong vòng bốn mươi chín ngày liền.

Uy tín và tên tuổi của ông ngày càng lan xa và chùa Phi Lai trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Trong số đó có cuộc hội ngộ giữa Phan Bội Châu và ông vào năm Quý Mão (1903). Ông từng căn dặn Phan Bội Châu rằng: ...Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét...

Vào tháng hai năm 1904, có cuộc gặp gỡ giữa ông và Cường Để tại Quảng Nam. Trong lần gặp gỡ này, ông đảm nhận nhiệm vụ về Nam hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Ông quả thật là một bần tăng một lòng vì nước vì dân.

Một đêm ông nằm mơ thấy ông lão đến dâng đồ tang phục, ông biết là điềm cốt nhục chia ly, vội vã về quê thăm thân mẫu, thì bà cụ đã qua đời nhằm ngày 15 tháng 12 năm 1904 âm lịch. Ông đã ở lại đến chung thất rồi từ giã hương thân phụ lão trở lại chùa Phi Lai.

Trận thiên tai lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu long vào mùa mưa năm 1907, trong đó có tỉnh Châu Đốc đã làm tổn thất thiệt hại mùa màng nặng nề, nạn đói kém lan tràn khắp nơi. Vì lòng từ bi và xả thân vì chúng sinh ông đã đứng ra hô hào kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi và đem cả lương thực của chùa ra phân phát cho các người gặp nạn. Thêm vào đó, ông còn đốc thúc ghe xuồng cứu vớt và nuôi dưỡng khoảng 500 nhân mạng của làng Tú Tề tị nạn lên núi và ở ngay trong chùa, chờ cho đến khi nạn lụt lội qua khỏi. Ông còn lập đàn Dược Sư 49 ngày cầu cho mưa thuận gió hòa, phát nguyện tịch cốc, chỉ ăn rau trái, suốt 12 năm liền để chịu khổ thay cho dân. Sau sự kiện này, tên tuổi và đức độ của ông càng được nhiều người biết đến.

Năm Đinh Tỵ (1917), sau vụ ông Bảy Do - chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt, vì ở gần núi Cấm nên Pháp nghi ngờ ông có liên lạc với Bảy Do cùng với việc ông ngày càng được lòng tin của quần chúng, nên bị mật thám Pháp theo dõi và vu cho là làm quốc sự. Chúng trở nên điên cuồng và bắt giam ông tại khám lớn Sài gòn hơn mười tháng trời. Chúng tìm đủ mọi cách để bắt buộc ông chỉ điểm các tổ chức kháng chiến chống Pháp trong vùng và hứa sẽ tha ngay. Nhưng ông một mực từ chối và đã trả lời rằng: "Nếu người Pháp không thả thì ở trong khám tôi vẫn tu", nhưng sau thấy không đủ chứng cớ nên đành phải thả ông ra. Chính quyền Thực dân còn bắt ông đắp con lộ từ chợ Doi ra tới ngã ba, cho lính canh gác hằng ngày, thậm chí còn cho người giả vờ đi tu để theo dõi ông ... , nhưng với tài trí khôn khéo và lòng kiên trì ông đã vượt qua được mọi cạm bẫy của quân thù.

Có cốt tượng Phật cổ bằng vàng ở chùa Tà Lạp, báo mộng cho ông Lục cả đòi về chùa Phi Lai, các ông Lục bèn tìm cách thử ông bằng cách bỏ thuốc độc vào một trái dừa và mời xem ông có dám uống hay không, ông hiểu ý các ông Lục nên âm thầm uống thuốc giải độc rồi ngang nhiên uống nước dừa. Vì nể phục ông nên các đức Sãi cả chùa Tà lạp Cao Miên hội đồng lại tổ chức một cuộc lễ rất long trọng, đông đảo như sau: mấy ông Lục cả cỡi voi, Lục nhỏ đi bộ, có giàn nhạc theo nghi lễ của Cao Miên, cả hai sốc dân Cao Miên đều đưa theo đến chùa Phi lai, đến trước sân làm lễ đi quanh chùa ba vòng rồi mới đem dâng tượng Phật vào chính điện. Điều này càng chứng tỏ sự khôn ngoan và đức hạnh to lớn của ông.

Bằng những hành động cụ thể, ông đã dốc lòng tích cực tham gia vào thời kỳ đầu phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ. Vào năm Đinh Mão (1927) ông tham dự buổi lễ khai giảng lớp học cho các Ni tại chùa Giác Hoa ở tỉnh Sóc Trăng- đây là trường Ni đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Năm Kỷ Tỵ (1929) ông tham gia lễ Đại giới đàn chùa Trùng Khánh tại Phan Rang.

Năm Nhâm Thân (1932), sư Khánh Hòa cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, ông tham gia ủng hộ 300 đồng bạc và vận động khuyến khích Phật tử khắp nơi tích cực ủng hộ hội.

Một năm sau, vào năm Quí Dậu (1933), ông đột ngột lâm bệnh và qua đời vào ngày rằm tháng hai năm ấy, hưởng thọ 73 tuổi, để lại bao nhiêu thương tiếc cho người đời.

Có thể nói rằng cuộc đời ông là cuộc đời của một bậc đại ẩn, bởi sau cái chết đầy oan khuất của ông nội, tướng quân Nguyễn Văn Thành, gia đình ly tán không dám khai tên thật để tránh sự truy đuổi của kẻ thù. Vua Tự Đức vừa minh oan cho Tiền quân Nguyễn Văn Thành nên trọng dụng con cháu của Đức Tiền Quân ra làm quan. Hưởng lộc vua không được bao lâu, nhưng với trách nhiệm của người con khi vận nước lâm nguy, ông từ bỏ chức tước, tham gia khởi nghĩa và gia đình ông lại một lần nữa ly tán. Ông vào Nam mà trong lòng ngổn ngang trăm bề. Là một đấng trượng phu trông rộng nhìn xa, vừa là dòng dõi nhà quan và do nhận rõ được thực trạng lúc bấy giờ, nên ông đã vạch ra cho mình một lối đi rất riêng. Ẩn mình dưới bóng một vị chân tu, ông xông pha giữa cuộc đời nào kém thua ai, lý luận không nhiều mà ông làm thì thật nhiều điều hữu ích.

Đức pháp sư Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm, Bình Định, đến ở chùa Phi Lai hơn tháng, để thụ trì kinh Hoa Nghiêm được biết tung tích ông rồi nói: "Hòa thượng Phi Lai thật là người hay chữ, nhưng vì hoàn cảnh mà phải giấu thân, nên có đưa ra bài thơ, câu đối gì Hòa thượng nói dối rằng "nằm chiêm bao... hoặc tiên xuống cho"".

Xin chép vài bài thơ mà người ta tặng cho:

"Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn,
Chí Thành khí sắc cổ phong tồn,
Phong lưu bất tấy tâm thường tịnh
Diệu nghĩa năng tham tự tánh dung
Vân khứ vân lai vô trú trước
Hoa khai hoa tạ tổng thành không
Phong quan hảo cực tư thời tặng
Sa nhược linh san lạc bất dung!"
Chùa Tịnh Lâm,tỉnh Bình Định
Pháp Sư Phổ Huệ tặng.
Phi kinh trượng cước xả phàm thân
Y bát tương truyền bổn tánh chân
Đại đức quảng khai thanh tịnh lộ
Chí Thành phồ hóa hải sơn nhân
Kim thân tố hội liên hoa tọa
Ngọc điện huy hoàng động vũ tân
Công đức khả gia xưng Bồ tát
Thanh san bất lão biến từ vân
Ngự Khuê, tỉnh Vĩnh Long
Tống tịnh trai tặng.
Vứt áo bao xanh đến cửa không
Tu trì một niệm mấy thu đông
Sáu mươi tuổi trời cho thọ
Bốn chục năm dư Phật biết lòng
Đỉnh đức cao xây non Bà Khét
Nguồn ân xa chảy nước nước Gò Công
Chấp tay chúc chữ vô cương thọ
Khua tỉnh hồn mê khách bụi hồng

(Tác giả cuốn "ngọn đuốc cửa thiền)

Bằng những hoạt động bí mật trong việc giúp đỡ các phong trào yêu nước chống Pháp, bằng đức độ, bằng sức học bác uyên thâm cùng với tinh thần xả thân vì chúng sinh, Tổ Phi Lai Nguyễn Văn Hiển đã cảm hóa và thu phục được rất nhiều lòng người xuất gia học đạo, góp phần phát triển nền Phật giáo Việt Nam. Sau cùng cũng là để đạt đến mục đích chung là chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.




Hình ảnh
Chùa Phi Lai - Châu Đốc



Hình ảnh
Bảo tháp chùa Phi Lai



Hình ảnh
Bia đá có khắc tên và trạm hình Đức Hòa Thượng Nguyễn Văn Hiển
trên Bảo tháp chùa Phi Lai, tỉnh Châu Đốc




Hình ảnh
Chánh điện chùa Phi Lai


================================

Sưu tầm từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB ... %E1%BB%83n
Một số chỗ in đậm là do BĐH nhấn mạnh.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» GIA PHẢ HỌ "NGUYỄN" - "tanchau" sưu tầm lịch sử «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu