Ngày Xưa Áo Trắng ( Dành tặng ĐBVA và các bạn học TKN )
{L_ATTACHMENT}:
Chú thích tập tin: Bồ Đề Đạo Tràng những năm 60 của thế kỷ trước
TKN.jpg [ 24.58 KB | Đã xem 2154 lần ]
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai cũng trải qua một thời áo trắng. Dù êm đềm suông sẻ hay vất vả khó khăn, cũng đều lưu lại trong kí ức mỗi chúng ta những kỉ niệm khó phai mờ. Dù thời gian có trôi, cơm áo gạo tiền để mưu sinh có làm chúng ta quay cuồng, quên lãng. Nhưng rồi một phút giây nào đó, quá khứ chợt hiện về, có khi trong giấc mơ, có khi trong hiện thực. Và chúng ta, bỗng sống lại với những chuyện của ngày nào. Cái ngày trẻ con muốn làm người lớn đó. Còn người lớn bây giờ, muốn quay trở lại ngày xưa.
“Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia. Đoàn thanh niên . . . .” Đó là bài hát, mỗi đầu tuần chào cờ, sau khi hát quốc ca, cả trường cùng đồng thanh hát. Mỗi lần hát xong, chúng tôi cảm thấy hứng thú và phấn khởi vô cùng nên việc học tập cũng sôi nổi hơn lên. Ngày đó, đến trường, chúng tôi toàn đi bộ. Chỉ có các bạn ở xa như Mỹ Đức hoặc Núi Sam mới đi xe đạp đến trường.
Thuở ấy, trường chỉ có hai dãy phòng trệt đối diện nhau. Ở giữa là sân chơi rộng với những cây me tây lớn, phủ đầy bóng mát. Ở góc sân, giáp với phía trường Nam Tiểu học có những xà đơn, xà kép, hố cát để học sinh tập thể dục. Bọn nữ sinh chúng tôi thường nhảy cao, nhảy xa, ném bóng bắt tù binh v.v . . Mấy lớp đệ thất mới vào trường, chưa có phòng học cố định, nên theo thời khóa biểu phải học luân chuyển, nay học phòng nầy, mai học phòng khác. Giờ học cũng thế, vào học một hay hai giờ, có giờ trống, phải ra ngoài nghỉ, sau đó lại vào học tiếp. Khi thì học buổi sáng, lúc lại học buổi chiều nên rất dễ coi nhầm thời khóa biểu. Những lúc nghỉ giữa giờ như thế, chúng tôi ít khi về nhà mà thường rủ nhau ngồi ở trước sân nhà thầy Non là giám thị của trường hay ghé quán của chú Năm cạnh đấy ăn chè và bàn chuyện học hành. Ngày ấy, chúng tôi chỉ học ở trường và về nhà học bài, làm bài tập, thầy cô không dạy thêm cho học sinh ở nhà như bây giờ.
Còn nhớ, có lần nghe tin thầy Lộc dạy môn Công dân (nghe nói thầy là sinh viên đại học luật khoa Sài Gòn) ngồi ghế bồi thẩm xử án. Nhằm ngay lúc được nghỉ giờ giữa, gần mười đứa ở lớp rủ nhau đi xuống Tòa Án coi thầy xử. Đến nơi, chẳng thấy thầy đâu, cả nhóm lếch thếch lội bộ trở về, bị trễ giờ học, không nghe được những bài cần ôn thi cho ngày mai. Một phen hú vía! Đến năm 1963, năm học đệ nhị, lớp do thầy Nguyên phụ trách môn văn. Thầy có nhờ bọn chúng tôi trả lời một số câu hỏi để thầy nghiên cứu về tâm lý thanh niên thời ấy để thầy viết sách. Ngay giờ học liền sau, thầy giảng về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, trong những phút cuối giờ, thầy hỏi :
- Có cô (thầy thường gọi thế) nào còn thắc mắc gì không ?
- Dạ có, thưa thầy, chừng nào thầy mới xuất bản sách ?
- Cô hỏi chi vậy ?
- Dạ, để con mua sách của thầy và gánh sách tiếp thầy lên. . . Trời bán như ông Tản Đà mà thầy vừa giảng.
Thầy và cả lớp vở òa, cười vui vẻ !
Đấy, thuở ấy, chúng tôi vô tư và hồn nhiên như thế, chỉ biết học và vui chơi. Có khi, chúng tôi đi đò qua xóm Chà (Chăm) bên Châu Giang mua táo. Lúc lại qua nhà chị bạn ở Cồn Tiên, được chị đãi một bữa cơm ngon tuyệt, dù chỉ là cơm với những con khô nướng làm bằng loại cá nhỏ kéo lưới được ở trên quê Vĩnh Trường đem xuống.
Ôi ! Một thời, ngày xưa – áo trắng, đã qua rất lâu rồi mà còn đọng mãi trong kí ức cả bọn chúng tôi.
Tân Châu 15-7-2010
VÂN KHANH