Sài gòn một chiều tháng 7, mưa giăng mờ trời, phố xá nhạt nhoà trong màn nước, đường như biến thành sông. Tôi co mình lại trong chiếc áo nhựa đi dưới cơn mưa, nghe tiếng gió mùa rít ngang tai. Chiếc xe gắn máy cà tàng cuối cùng cũng vượt qua được biển nước đưa tôi đến nơi mà tôi không muốn đến, đấy là bệnh viện. Quả thật bệnh viện là một nơi mà tôi không bao giờ muốn vào, vạn bất đắc dĩ mới đành. Mỗi lần đến nơi như vậy là lòng tôi có nỗi bất an đeo đẳng khôn nguôi.
Buổi chiều vợ điện báo ba vợ đi cấp cứu, lệnh cho tôi trực chỉ nhà thương mà đến khỏi về nhà, nắm bắt tình hình rồi về báo cáo. Chín mười tiếng đổ mồ hôi trong công ty, trông tới giờ dông về nghỉ cho khỏe, vậy mà... phải đội mưa đi. Tới phòng cấp cứu, chào hỏi vài anh chị em rồi ngó vô trong phòng thấy nhạc phụ đang nằm như ngủ trên giường với ống thở oxy và chai nước biển treo tòn ten. Quay qua hỏi han tình trạng ông cụ rồi phải diễn đạt tình cảm bằng bản mặt mình, lúc như lo lắng, lúc như thở phào nhẹ nhõm, lúc như bồn chồn như bị đau bụng... trong khi nghe bà chị vợ thuật lại tình hình sức khỏe của nhạc phụ. Cuối cùng bà chị vợ phang một câu: - Hồi nãy tui tạm ứng viện phí cho ba hết 3 triệu rồi nghen dượng... Đang nói chuyện tình cảm gia đình tự nhiên quay ngang vụ tiền bạc! Tui thấy sao mất quan điểm quá xá, ngần ngừ hỏi: - Ủa? có bảo hiểm sao mà lại đóng nhiều tiền quá vậy chị? - Hồi Tết, đưa tiền cho ba mua bảo hiểm... tưởng sao ổng không ra phường mua, hỏi, ổng bảo quên, giờ è cổ ra mà đóng, chán thiệt! Bà chị vợ nhăn nhó trả lời. Cái nầy mới chết, tôi nghĩ thầm trong bụng. Mà hay thiệt, mấy năm đóng tiền ổng không lăn ra bệnh, lựa ngay cái năm không đóng... thì ổng bệnh! Mũi dại lái phải chịu đòn, phen nầy hết bệnh không biết mấy bà chị vợ chia cho tôi bao nhiêu tiền chi phí chữa bệnh? Ậm ừ cho xong, rồi tôi ra băng ghế trước phòng cấp cứu ngồi ngắm cảnh, có muốn vô trong phòng cũng không được, mỗi lần vô thăm bệnh nhân, chỉ được vô một người mà phải được sự đồng ý của tay bảo vệ bự như cái xe tăng gác trước cửa, khỏi vô cho rồi.
Ngồi một lúc, thấy có hai người phụ nữ trẻ đi bộ dìu nhau vô phòng, một người có khuôn mặt xanh như tàu lá chuối, đầy vẻ đau đớn. Cô ta được đưa lên nằm trên một cái giường chưa được trải drap trắng. Một ông bác sĩ tới khám, một lúc sau thấy ông nói chuyện với người phụ nữ còn lại, mà hai người huơ tay trong khi nói rất nhiều. Rồi ông bác sĩ quay đi, người phụ nữ nói gì với người bệnh rồi mở cửa phòng ra ngoài. Lúc nầy tôi mới nghe cô ta càu nhàu: - Tiền đâu mà đóng hai triệu? Tui chỉ quen nó vì làm chung xưởng may, chứ có bà con gì đâu mà đóng? Ai biết nhà cửa cô ta đâu mà gọi? chữa thì chữa, không chữa thì thôi, làm gì mà xài xể tui? Vài người xúm lại hỏi chuyện mới biết họ là dân ngoài tỉnh vô Saigon làm, tiền không có, bảo hiểm cũng không. Giờ ngã bệnh, thân nhân cũng không có... chắc có nước mà chết. Thật tình mà nói đất Saigon, bệnh mà không tiền thì... bó tay, không ai chữa bệnh miễn phí cho ai hết. Tôi đứng dậy thả bộ vòng vòng tránh nhìn cảnh nầy cho xong, khỏi phải nhọc lòng. Một lúc sau, thấy trong phòng tay bác sĩ vội vã đi ra, theo sau là ba người y tá tất bật với băng ca và xe lăn trong tay. Bốn người đứng lóng ngóng nhìn ra đường một lúc thì một chiếc xe du lịch láng cóong tà tà chạy vô. Y tá vội mở cửa xe và một bà cụ dáng vẻ sang trọng bước xuống rồi thong thả ngồi vào chiếc xe lăn. Cả bốn người của bệnh viện lăng xăng đưa người bệnh vào phòng cấp cứu, theo sau là một người đàn ông bệ vệ cũng mới bước ra khỏi chiếc xe đó. Bà sang trọng vào phòng xong, rồi lại được đưa vào một phòng nhỏ với kiếng sáng loáng bao chung quanh, trong phòng có nhiều dụng cụ, máy móc y khoa chờ sẵn. Đại gia có khác, mới nghe tiếng chưa thấy hình là người ta đã lăng xăng chuẩn bị tiếp đón. Giờ nhìn vô trong thấy người phụ nữ hồi nãy nằm một mình cong queo trên cái giường trống trơn, lạnh lẽo. Đời là... "c'est la vie" mà!
Trời sập tối, đèn bệnh viện sáng trưng làm nổi lên thêm màu trắng của gạch men ốp tường, cái bảng đèn có chữ thập đỏ to tướng . Sau cơn mưa, trời mát hẳn, không khí ẩm ướt làm cái mũi của tôi xì xụp nước. Bác sĩ thông báo đưa nhạc phụ tôi xuống khoa nội để điều trị. Kinh nghiệm sau bao năm nằm viện trông bà già ruột bị bệnh, tôi biết là xuống khoa là tình trạng không nguy kịch, chưa đến nỗi nào. Mấy anh chị em hè hụi theo y tá xuống khoa nhận giường cho ông già. Ổn định đâu đó xong, nhạc phụ kêu đói bụng. Mấy bà chị vợ leo nheo hỏi ba muốn ăn gì? Người đưa món nầy, người kê món khác xong quay ra chỉ định tôi đi mua bánh canh cua cho ổng ăn. Tôi lẵng lặng quay đi, cái số tôi vốn vậy mà, vô chỗ làm bị sếp sai, về nhà bị vợ sai, qua bên vợ bị mấy bà chị vợ sai. Leo xuống cầu thang hai tầng lầu, cuốc bộ đi về gần cây số mới mua được tô bánh canh. Tiệm bánh canh cua nầy nổi tiếng ở quận nầy, ngon và mắc như quỷ, hết chỗ nó bán, bán gần ngay bệnh viện?
Quay về phòng mà mồ hôi ướt lưng áo dù trời mát mẻ. Ngồi coi ông già vợ nhẩn nha ăn tô bánh canh. Ông ăn vài cọng bánh canh xong làm hết phần thịt cua, còn nhiêu bỏ lại, nào là bánh canh, thịt nạc heo, nấm v.v... Nhìn tô thức ăn bỏ mứa mà tôi xót cả ruột, 24.000$ một tô chứ ít gì, hèn gì thằng chủ quán giàu xụ là phải. Để mấy bà chị ở bên giường với ông già, tôi ra hành lang ngồi một mình trong đêm nhìn mông lung ngoài trời. Tất cả những gì xảy ra từ chiều tới giờ như những thước phim cũ lần lượt chiếu lại. Người đàn bà mặt xanh như tàu lá chuối, một mình co ro trên chiếc giường trống trơn, lạnh lẽo. Người đàn bà sang trọng với đám người tiền hô hậu ủng đưa đi chữa bệnh. Một người đàn ông ốm nhom ngồi bó gối trên băng ghế không biết bị sao mà nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt dầy dạn sương gió. Rồi tiếng khóc đâu đó vang lại, tiếng người chạy rầm rập di chuyển bệnh nhân vô cấp cứu v.v... Đây quả là nơi mà tôi sợ phải đến nhất. Có thể tôi đã từng chưa sợ nhiều thứ nhưng tới giờ xác định một trong những cái đáng sợ là phải vào bệnh viện cho dù mình vào vẫn là người khỏe mạnh. Vài ngày tới tôi còn phải vô đây đều đều, sao thấy ngán quá chừng! Tám giờ tối vào chào tạm biệt người thân rồi lấy xe dông về. Trên đường về, thấy con đường đầy ổ gà, đọng nước khắp nơi vẫn dễ chịu hơn cái hành lang lát gạch bông láng, sạch bong. Không khí có mùi khói thải, bụi bậm vẫn còn hơn cái mùi ê te nồng nồng, hăng hăng vừa hít. Về đến nhà phải báo cáo tình hình cho bà xã cặn kẻ, xong mới được phép đi tắm rửa thay đồ. Tắm xong, mệt mỏi tự đâu ập đến làm tôi chỉ muốn đi ngủ, leo lên giường tính ngủ thì bà xã giựt giọng réo: "Sao chưa chịu đi ăn cơm nữa hả?" Tôi tặc lưỡi rồi ngồi dậy nhìn mâm cơm dọn sẵn lại nhớ đến quán bánh cua, với cô nàng đứng bán nói chuyện ngang như cua. Ăn thì ăn, làm gì mà réo um sùm?
|