|
Super Member |
|
Tuổi: 66 Sinh nhật: 25-01-1958 Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06 Bài viết: 1109 Quốc gia:
|
quinguyenag {L_WROTE}: Nói thì cũng khó hình dung, thôi thì cô cháu mình hôm nào làm 1 bữa khảo sát thực tế hén? Cô ok liền đó Quí! Khi nào về quê, con gọi điện hẹn cô nhé!? ============================ Bà Con thân mến! Khi có ai hỏi quê tôi ở đâu, tôi trả lời và không khó định hướng cho người hỏi khi kể về một đặc trưng của quê Tân Châu mình: là huyện đầu nguồn mà người ta nhắc đến mỗi ngày khi thông báo mực nước lũ của sông Cửu Long vào mùa nước lên. Khi đó tôi cũng tự hào nói về một nét đặc biệt của quê mình: cá có nhiều và phong phú về chủng loại (so với nhiều nơi khác).
Từ lâu, tôi đã ấp ủ một bài viết về các cách đánh bắt cá ở quê Tân Châu-AG mình nói riêng, ở miền Tây nói chung, cả xưa và nay, nhưng chưa viết nổi, do nhiều lẽ. Hôm nay, lang thang trên mạng, tôi bắt gặp bài viết sau đây và quá tâm đắc. Thế là tôi "ôm" về đây để tặng những ai có tâm hồn "quá khứ", những ai xa quê, nhớ quê. Thật cảm ơn tác giả bài viết. Mong mọi người đọc xong cho một vài ý kiến và cũng cho biết: "Ở miền Tây còn có những cách bắt cá nào khác nữa (cả xưa và nay, cả mùa khô và mùa nước lên)? (Những chỗ in đậm trong bài là do TNP nhấn mạnh)
Ở miền Tây, đồng ruộng mênh mông, với nhiều loài cá đồng, nên người dân cũng nghĩ ra được nhiều cách đánh bắt cá khác nhau, trong đó có những cách rất độc đáo, sáng tạo. Với đặc thù có hai mùa mưa nắng, người miền Tây am hiểu tập tính của các cư dân ở thủy cung này mà tìm cách đánh bắt sao cho thích hợp. Khi nước vừa rút khỏi chân ruộng cũng là lúc cá dồn xuống kênh mương. Lúc nầy muốn bắt cá lóc chỉ cần đi nhấp, vì đây là thời điểm cá cần tích trữ năng lượng để sống qua mùa khô nên rất tạp ăn. Chỉ cần một con nhái móc vào lưỡi câu và đi cập theo bờ ruộng và nhấp dài theo bờ mương, thì mỗi chiều cũng kiếm được vài ba ký cá lóc lớn...
Sau Tết, khi kinh mương khô cạn dần, cá lóc là loài còn bán trụ lại dai dẳng nhất so với các loài cá khác. Biết được tập tính này của cá lóc mà miệt Cà Mau người dân thường dùng nơm để bắt cá vào thời điểm này. Trong các cách bắt cá trong mùa khô, thì đi nơm cá có lẽ là thích thú nhất. Người ta dùng nơm để bất ngờ chụp vào những nơi nghi là có cá ẩn núp - nếu chỉ có một người đi nơm. Còn khi có hai người trở lên thì người ta dàn hàng ngang mặt kinh mà chụp tới. Thú vị nhất là khi nơm trúng cá, người nơm biết ngay vì cá phóng đụng thành nôm lịch kịch và mặc sức vùng vẫy trong một diện tích hẹp. Chỉ cần thò tay vào chận bắt là xong...
Bước qua tháng Giêng, tháng Hai âm lịch, khi kênh mương khô kiệt, thì cá bắt đầu tìm nơi có nước để trú ngụ. Lúc này cá lóc là loài cuối cùng “vượt cạn” - đúng với nghĩa đen của nó. Cá lóc chẳng những "lóc" trên mặt đất mà còn có thể nhảy qua một chướng ngại vật như là một bờ đất, một bờ mẫu trong khi di chuyển đi tìm nơi có nước sâu để sống. Người dân quê biết biết được tập tính này nên đào hầm trên con đường di chuyển của cá để cho chúng rớt xuống. Cũng có thể đào hầm ở phía bên kia bờ đất, chỗ cá hay nhảy, để khi cá nhảy qua là lọt vào cái hầm. Thường thì cái hầm ở miệt Cà Mau làm rất đơn giản. Đó là một chiếc khạp da bò được chôn xuống đất nhão và che một vài tàu lá dừa khô hay một ít rơm rạ là xong. Đêm xuống, cá men theo đường nước cạn để tìm đường về với ao sâu. Gặp chướng ngại vật chúng phải lóc qua, không ngờ bị rơi vào bẩy hầm, đành nằm chịu trận ở đó. Mỗi ngày người ta ra thăm hầm buổi sáng sớm, từ đàng xa đã nghe tiếng chúng nhảy lung tung. Nếu hên thì mỗi hầm có thể có hai, ba con cá lóc lớn, thậm chí còn có những chú rùa kém may mắn cũng lọt vào…
Nắng càng gắt, kênh mương khô cạn dần. Lúc này đơn giản nhất là đi mò cá. Người ta giàn hàng ngang của mương cạn để thu gom cá, nhằm tránh bỏ sót. Đi mò cá cạn vui không kém đi nơm. Cả nhà, già trẻ, trai gái gì cũng xuống bắt cá. Mặt mày lem luốt bùn đất, nhưng không thiếu tiếng cười, tiếng í ới gọi nhau vang động một góc quê vốn yên ả, thanh bình… Nhưng rồi những vũng nước ấy cũng cạn dần, kế đó nước trong các ao, đìa cũng rút xuống. Lúc này muốn bắt hết cá chỉ cần tát là xong. Hồi xưa, khi chưa có có máy bơm nước như bây giờ, mỗi lần tát đìa người ta phải dùng sức người. Tát đìa là một dịp vui ở đồng quê nên trong ký ức của những người lớn tuổi ở đây chắc còn nhớ rõ. Tát đìa thì dùng gàu dai. Gàu dai là một cái gàu nhỏ giống như một cái thúng, nhưng đáy túm dẹp lại, trên miệng có cột bốn sợi dây luộc dài để cho hai người đứng ở hai bên nắm lấy kéo và giựt. Từ sáng sớm phải bắt đầu tát, vì một cái đìa thường thường phải mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ hay hơn nữa mới tát cạn.
Trên bờ đìa, mọi người ai cũng thủ sẵn những chiếc rổ, những giỏ lớn, giỏ nhỏ và những thùng thiếc để chờ xuống đìa bắt cá. Đìa cạn, chủ đìa cùng người nhà xuống bắt trước và khi xem như đã bắt hết cá thì con nít hàng xóm được phép "bắt hôi". Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người từng sống trên miền đất này hẳn không thể quên cái cảnh đi bắt hôi mỗi khi nhà hàng xóm tát đìa… Ai cũng lội ngập trong sình, đen thủi đen thui, mặt mày tóc tai lấm lem bùn đất. Cứ lấy hai tay quờ quạng, mò trong lớp sình sền sệt như tô cháo đặc, một lát là bắt được một con. Mò đụng con cá rồi thì phải lấy tay lừa nhẹ ngay chỗ đầu, nắm chặt lại. Cá mình nhớt, lại ở dưới sình nên trơn, dễ vuột lắm, nhưng vuột thì cũng không chạy đi đâu được, cứ việc mò theo là bắt được ngay… Và cứ thế mà trườn mình trên bùn đất với tiếng hò reo vang dội… Người dân Cà Mau thu hoạch cá đìa bằng nhiều cách, như: nơm, mò, tát..., nhưng dùng giàn lưới chụp đìa được xem là cách bắt cá sáng tạo nhất. Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước cho đến nay, ở Cà Mau thường dùng lưới chụp để thu hoạch cá đồng, không chỉ ở đìa mà còn ở kinh, rạch giữa rừng. Giàn lưới chụp đìa là một tấm lưới chài lớn hơn miệng đìa. Sau khi dọn sạch rong rêu, cỏ dại trên mặt nước, người ta thả cuộn lưới ấy xuống giữa lòng đìa rồi căng viền lưới ra hai bên thành đìa. Sau khi ghim viền lưới vào thành đìa xong, toàn bộ cá sẽ nằm dưới mặt lưới. Khi cá thấy ngợp sẽ men vào thành đìa, tìm chỗ hở để chui lên. Đợi chừng vài giờ sau, cá chui hết lên mặt lưới phía trên, người ta bắt đầu ghim lưới lần thứ hai, dày hơn, để không cho cá chui ngược trở xuống, sau đó kéo hai viền lưới lên, gom cá để bắt. Tất cả cá bắt được đều còn rất khỏe, nước dưới đìa vẫn không xáo động gì nên người ta dễ dàng thả cá nhỏ trở lại làm giống cho mùa sau. Giờ đây, những cách bắt cá trong mùa khô cũng dần mai một đi vì nguồn lợi cá đồng cũng đã cạn kiệt. Mùa khô ở đây cũng dần mất đi sự nhộn nhịp khi mùa thu hoạch cá đồng chính vụ. Dẫu vậy, bắt cá mùa khô là những trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi thôn dã suốt bao đời nay - là những ký ức khó phai mờ của những ai từng sống hay có dịp đi qua vùng đất thân yêu này…
(Hình ảnh và lời trích từ phim trong Chương trình Ký ức miền Tây) (TNP sưu tầm http://vn.360plus.yahoo.com/tt-66/article?mid=2320 )
|
|