CHUYỆN XƯA…NGÀY ẤY (Gởi về những người trong chuyện, tình thương chân thành nhất của tôi) Tôi cứ luôn miệng bảo là người TC tốt. Đó không phải là câu nói cho có, thực ra là phát xuất tự tấm lòng. Và cũng do từ ngày ấy. Cái ngày tôi bắt đầu nhận nhiệm sở đầu tiên cho cuộc đời đi dạy của mình. Hai chữ Tân Châu nghe thật gần nhưng rất xa lạ,chưa một lần ghé qua dù đang ở Châu Đốc, không một người quen biết nói chi bà con, bạn bè thì đã lâu không gặp…Má tôi phải bao cả chiếc xe (vì không biết đường) để cả gia đình tôi (trừ ba tôi) đưa tôi đi nhận việc. Xe vừa đến bến thì bị pháo kích, chủ xe và cả chúng tôi đều hoảng sợ, quay trở về, chưa kịp biết TC như thế nào. Tôi quyết định không nghĩ đến nữa… Vậy mà, khi anh về phép, anh cố thuyết phục để tôi đi trình diện dù đã trễ. Tôi đi mà lòng nghĩ mình đang hưởng tuần trăng mật thôi, chứ ai mà còn nhận người tới trễ (chúng tôi mới cưới nhau mấy tháng, sau một tuần đám cưới giờ mới gặp lại) Chiếc xe đỗ bến trên đường Nguyễn Tri Phương, chủ xe chỉ đường sang trường học, bằng cách băng qua chiếc cầu Lê Tân. Chúng tôi đứng trước cổng trường vào lúc giờ ra chơi. Từng cánh áo dài trắng, xen lẫn chiếc quần xanh của các em, tiếng nói cười, những tàng cây che nắng, tạo cho tôi một cảm giác ngây ngây. Ngôi trường thật nên thơ, tôi thấy thật gần gũi. Nhưng không phải ngôi trường tôi muốn tìm. Trường Trung Học Bán Công của TC. Chúng tôi lại lên đường. Trên con đường Nguyễn Công Nhàn (song song với đường Nguyễn tri Phương bởi một dòng kinh chắn ngang), chúng tôi từng bước sánh vai. Màu vàng nghệ của áo dài tôi, cùng màu trắng tinh khôi của áo anh mặc, tung bay trong buổi chiều vàng, tạo nên nét chấm phá cho bức tranh an bình (trong thời kỳ nóng bỏng của năm 1972). Chúng tôi đi qua chiếc cầu sắt tại chợ TC (gần đó là Bưu Điện, kế có tiệm vịt quay nổi tiếng của TC…). Băng qua con đường nhỏ, hai bên là nhà, để vào sân banh. Cuối sân banh, tôi thấy ngôi trường nhỏ, nằm thật khiêm nhường, bên phải là ngôi Nhà Thờ, bên trái là một ngôi trường Tiểu Học. Chúng tôi theo lối sân banh để vào cổng sau của Trường Trung Học Nguyễn Chánh Sắt. Ngôi trường của tôi đó. Ông Hiệu trưởng, người đàn ông không cao lắm, nét mặt cương nghị, vừa cười vừa nói với tôi : Cô may mắn đó, lẽ ra tôi đã gởi sự vụ lệnh trả về Bộ Giáo Dục, sau một tháng không có người nhận nhiệm sở. Nhưng chẳng biết sao tôi còn giữ lại đây… Tôi nói thầm : Không biết may hay không may đây nữa??? Bởi vì tôi phải nhức đầu vì vấn đề nhà ở nữa kìa. Má tôi, người Má lúc nào cũng lo cho chúng tôi đủ mọi thứ, nhất là tôi, Má bảo tôi quá khờ ( dù tôi vừa lập gia đình ) không ra đời được đâu, họa chăng chỉ đi dạy được thôi ( Má đâu biết học trò là bậc thứ ba! ) Cho nên , dù có tờ giấy giới thiệu của ông chú hàng xóm họ Thái gởi cho ông chủ tiệm rượu cùng họ, để tôi có được một chỗ trọ tốt ở TC, Má cũng muốn đưa tôi đi cho yên tâm ( thật ra lúc đó tôi cũng sợ lắm, chưa quen đi một mình ) May mà có Má. Bởi vì khi đến tìm, không gặp ông chủ tiệm, chỉ gặp cô em gái, cô ấy bảo không dám quyết định. Hai mẹ con về trong tâm trạng chán nản. Tôi cắm cúi đi trên con đường về bến xe. Má nhìn quanh các cửa tiệm, như muốn tìm cho được một nơi thật tốt để gởi đứa con yêu. Và Má đã thấy. Má kéo tôi vào một căn tiệm. Nhìn khuôn mặt vui mừng và đầy cảm động của Má, tôi thấy nao nao, sao tôi làm phiền Má nhiều đến thế!!! Tôi đến chào hai ông bà chủ tiệm, mà tôi phải gọi là Ông Chú và Bà Thím, cùng các cô, chú trong nhà rất đông. Họ rất vui và xem tôi như ruột thịt (dù trước đó chúng tôi không quen nhau) Họ nhìn tôi một cách trìu mến và ân cần bảo tôi cứ đến ở khi sang dạy. Tôi lúng túng, tôi cảm động trước tình người, không nói được gì cả, chỉ lí nhí hai tiếng cám ơn trong miệng. Khi về, tôi hỏi Má sao biết bà con mà đi vào, mà cũng không nghe má nói trước. Má cười và giải thích. Thì ra, trên bảng hiệu QUỐC THÁI-DÂN AN có ghi chữ Tàu, một tộc chi mà người cùng Họ ai cũng đều biết (nếu không có Má đi theo thì làm gì tôi biết được). Và Má đã nhìn ra người cùng Họ của mình, để màgởi gắm. Vậy là tôi đã có nơi chốn để tạm yên trong mấy ngày sang TC dạy. Ngày đầu tiên đến với gia đình Ông Chú, tôi đã hòa đồng ở cái không khí bán buôn đông người, tôi không xa lạ với tính ít nói nhưng thương con cháu của Ông, tính vui vẻ, mến khách của Bà. Chú Ba và chú Năm lo tiệm sửa xe và bán phụ tùng. Thiếm Ba có con nhỏ lo bếp núc. Cô Tư và cô Sáu có quán cháo khuya ở chợ rất ngon, còn nổi tiếng vì cô Tư đẹp gái, cô Sáu mặn mà có duyên. Cô út Ngọc thì còn đi học… Cả gia đình cho tôi cảm giác thật ấm cúng ở nơi nầy. Tôi thật sự không ngờ có những tấm lòng tốt đến thế, chỉ một câu nói nhìn họ hàng là đã trao ra ngay tấm lòng, không cần so đo, kiểm chứng. Không phải chỉ có một người, mà cả một gia đình… Phải chăng tình cảm này chỉ có ở TC (nói riêng) hay chỉ có ở quê hương mình (nói chung) mà thôi?
Bây giờ, Ông Bà đã mất, các cô chú chắc đã lập gia đình cả rồi, các em chắc cũng lớn và thành tài. Hôm trước có nghe nhắc đến Chú Năm (trong việc con gái thầy Thiện) nên biết chú vẫn còn ở quê nhà và còn ở ngôi nhà cũ. Một chút lòng thành, kính quí và biết ơn, xin được gởi đến cả gia đình, mong mọi người được bình an và như ý. Tân Châu ngày nay đã đổi thay, con kinh cũ không còn, cây cầu sắt mất tăm. Nhưng tâm tình dành cho Tân Châu vẫn còn mãi ĐBVA
|