|
Super Member |
|
Tuổi: 66 Sinh nhật: 25-01-1958 Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06 Bài viết: 1109 Quốc gia:
|
Gần đây, TNP có dịp lục lại những bài viết cũ, rất cũ về nghề dạy học, về người GV. Sau đây là một trong những bài viết đó. (Bài viết này là tổng hợp những ý trong các sách kết hợp với những suy nghĩ, những chiêm nghiệm của bản thân TNP). Xin gởi lên đây cho mọi người tham khảo. Đó cũng là món quà mà TNP kính tặng các Thầy Cô và tất cả những ai đã và làm nghề dạy học, nhân sắp đến Ngày Nhà giáo VN - 20/11.BÀI BÁO CÁO TRONG SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ VỀ NGHỀ DẠY HỌC Đơn vị tổ chức: Tổ Tâm lý giáo dục Ngày tổ chức: 30/11/2005 Người báo cáo: Phan Thị Nga
CÁI ĐẸP, CÁI CAO QUÍ CỦA NGHỀ DẠY HỌC Ai đó đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Vậy nghề dạy học cao quí ở những điểm nào mà được tôn vinh như thế?
Ai cũng biết rằng, trong xã hội có biết bao nghề và nghề nào cũng cao quí nếu nó đem lại những lợi ích cho đời, cho con người. Thậm chí đó là những nghề phải tiếp xúc với những thứ hôi thối như làm công nhân quét/gom rác, công nhân rút hầm cầu, công nhân vét ống cống,…
Nghề dạy học, cũng như bao nghề khác, là nghề cao quí.
1. Sự cao quí của nó thể hiện trước hết ở chỗ nó là nghề có ích cho xã hội, cho con người.
* Nghề dạy học là nghề có ích cho xã hội: Nếu không có nghề dạy học, không có lao động của người giáo viên thì làm sao xã hội có được những con người có đức, có tài tham gia vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật,… góp phần làm cho xã hội văn minh, phồn vinh? Nói cách khác, đối với xã hội, nghề dạy học thực hiện những chức năng xã hội quan trọng là chức năng kinh tế - sản xuất, chức năng chính trị - xã hội, chức năng tư tưởng – văn hóa.
+ Chức năng kinh tế - sản xuất: Có mấy ai lành nghề mà không cần có sự dìu dắt của người Thầy, từ người Thầy khai tâm, mở trí đến người Thầy dạy nghề? Như vậy, nghề dạy học đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có đạo đức để tham gia có hiệu quả vào các quá trình sản xuất, từ đó làm tăng năng suất lao động xã hội, phát triển kinh tế - sản xuất.
+ Chức năng chính trị - xã hội: Nghề dạy học góp phần tác động vào cấu trúc xã hội, làm thay đổi cơ cấu lao động xã hội; nó tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, về tinh thần trong xã hội dù trước đó các cá nhân có thể xuất thân từ các giai cấp, các thành phần xã hội khác nhau với những tư tưởng khác nhau, từ đó góp phần tạo ra sự ổn định về mặt chính trị - xã hội.
+ Chức năng tư tưởng - văn hóa: Bằng việc trang bị tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cho người học, nghề dạy học góp phần to lớn vào việc nâng cao trình độ dân trí, vào việc xây dựng lối sống tốt đẹp, lành mạnh, vào việc xây dựng hệ tư tướng thống nhất trong toàn xã hội. Đặc biêt, về mặt này, nghề dạy học không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng nhân dân trong toàn xã hội do người giáo viên là lực lượng đông đảo nhất và gần gũi, gắn bó nhất với nhân dân. Vì vậy, thật là chí lý khi một nhà thơ Ấn Độ là Tagor có câu rằng giáo dục được một người đàn ông thì được một người đàn ông, giáo dục được một người đàn bà thì được cả gia đình và giáo dục một người Thầy thì được cả xã hội!
* Nghề dạy học là nghề có ích cho con người: Nó góp phần rất lớn vào việc xây dựng nên nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn cho mỗi người chúng ta. Vào thời nào cũng vậy, đó là nghề luôn dạy cho con ngưòi những điều hay, lẽ phải. Thật vậy, người giáo viên không những dạy những tri thức khoa học về các lĩnh vực, qua đó phát triển cho các em những năng lực trí tuệ mà còn bồi dưỡng cho họ thế giới quan khoa học, những phẩm chất về chính trị và đạo đức. Nói cách khác, sản phẩm của nghề dạy học là nhân cách con người - cái quí nhất trong cuộc đời này. Vì vậy, công việc của người giáo viên là công việc hết sức thiêng liêng và cao cả, dù không là người tạo ra hình hài, vóc dáng, dù không máu mũ ruột rà với học sinh, nhưng các Thầy Cô luôn thương yêu và vun đắp để họ có thể vững bước vào đời, có thể sống xứng đáng là con người. Mỗi người chúng ta, thử hỏi nếu không có sự dìu dắt của các Thầy, Cô thì có phát triển đầy đủ những phẩm chất nhân cách hay không?
2. Ngoài cái cao quí thể hiện ở vai trò, ở chức năng xã hội như đã trình bày ở trên, sự cao quí của nghề dạy học còn thể hiện ở chính lối sống, ở những phẩm chất cao đẹp của nhà giáo. Trong thực tế, khi có ai đó có hành vi sai trái về đạo đức mà làm một số nghề nào khác thì người ta chỉ phê phán bản thân anh ta. Nhưng nếu anh ta là người giáo viên thì người ta sẽ đem cả nghề nghiệp của anh ta ra mà phê phán: “Thầy giáo gì mà…!”, “Cô giáo gì mà…”,… Điều đó thể hiện xã hội, nhân dân đặt ra những yêu cầu rất cao đối với đạo đức của người giáo viên và qua đó cũng nói lên sự đánh giá rất cao đối với họ. Sở dĩ có sự đánh giá cao đó là vì từ xưa đến nay, dù là ở xã hội nào, người giáo viên bao giờ cũng có lối sống mẫu mực, cao thượng vì họ luôn ý thức được vị trí, vai trò của mình trong xã hội, đối với học sinh.
+ Đó là người trọng nghĩa khinh tài, luôn đặt những giá trị đạo đức – tinh thần lên trên những địa vị, những lợi ích vật chất. Trong lịch sử, có biết bao nhiêu nhà giáo đã khước từ địa vị, tiền tài để chấp nhận cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao. Trong hiện tại, làm sao đếm hết những nhà giáo tâm huyết với nghề, một mực gìn giữ sự trong sạch và coi đó như là không khí để thở. Họ nghèo vật chất nhưng có thừa lòng tự trọng, không cho phép bất cứ ai xem thường phẩm giá của mình. Nếu có những ai đó vì những lợi ích vật chất riêng tư mà làm những chuyện trái với đạo lý thì đó cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, bị đồng nghiệp và nhân dân lên án. Còn chuyện các nhà giáo dành một phần thu nhập khiêm tốn của mình để đỡ đầu học sinh nghèo, để làm việc nghĩa nào có phải là chuyện hiếm.
+ Đó là người giàu tình cảm. Họ hết mực yêu thương con người, mà trước hết là yêu thương học sinh của mình khác gì cha mẹ yêu con cái. Tình yêu này thể hiện bằng những việc làm cụ thể đa dạng: quan tâm chăm sóc sức khỏe học sinh như uốn nắn từng tư thế ngồi không đúng, giúp đỡ tiền bạc những lúc học sinh ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống,…; có niềm vui khi được tiếp xúc với học sinh và được làm việc vì học sinh; tận tụy, chịu khó thức khuya dậy sớm để học sinh mình có những giờ học lý thú, để học sinh tiến bộ về học tập, về đạo đức; vui với những tiến bộ, những thành công của học sinh và lo buồn trước những sai trái, chậm tiến của học sinh. Về cái “Tâm” của nhà giáo, một nhà giáo dục nổi tiếng có câu “Nếu anh không thể như người Cha thì anh không thể là người Thầy”.
+ Đó là người có lối sống mẫu mực. Các nhà giáo luôn giáo dục học sinh mình sống có đạo lý, vì vậy mà họ luôn có ý thức là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân để xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh và cả mọi người noi theo. Đặc biệt là không chỉ gương mẫu trước học sinh mà còn gương mẫu ở mọi nơi, mọi lúc. Điều đáng nói là, đối với họ, việc lúc nào cũng phải sửa mình, khép mình vào khuôn mẫu đạo đức không phải là việc khổ sở, gò bó mà là việc tự nhiên, việc bình thường, là cái như đã biến thành bản chất của họ. Sống buông thả, phóng túng, vô kỷ luật, vi phạm luật pháp,... là những điều hết sức xa lạ đối với các nhà giáo của ta.
+ Đó là người có tinh thần lạc quan trong cuộc sống mà trước hết là lạc quan trong công tác giáo dục, thể hiện ở chỗ tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của giáo dục, vào bản chất tốt đẹp của con người. Nhờ vậy, họ mới có tinh thần vượt khó, mới làm hết sức mình để tìm hiểu đặc điểm, hoàn cảnh sống của từng học sinh, từ đó tìm ra những biện pháp giáo dục học sinh có hiệu quả. Những thành công trong công tác giáo dục học sinh cá biệt của các giáo viên đã minh chứng cho điều này.
Vì nghề dạy học là nghề cao quí như đã phân tích trên đây, nên mọi người, từ cổ chí kim, từ Đông đến Tây, từ các học giả đến người bình dân, đều hết lời ca tụng. Vì vậy, những ai đã vào nghề cũng như những ai sắp vào nghề cũng đều phải hiểu mà không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để, một là tạo và giữ uy tín cho bản thân, hai là đạt được sự thành công trong công tác giáo dục học sinh, ba là xứng đáng với lòng tin yêu của học sinh, của quần chúng nhân dân. Phần thưởng mà mỗi nhà giáo tốt nhận được là vô giá, đó là niềm vui tinh thần bất tận.
Người viết: Phan Thị Nga
|
|