Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 24 Tháng 11 2024, 12:29
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. T.C.T. «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 3358 | Trả lời: 3)
Tiêu đề bài viết: HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 10 2007, 08:46
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245

Người tạo chủ đề
Nhân kỷ niệm 250 năm ngày thành lập TÂN CHÂU ĐẠO và 43 năm ngày thành lập trường TRUNG HỌC CÔNG LẬP TÂN CHÂU (nay là trường PTTH Tân Châu), tôi mạo muội viết bài biên khảo này với suy nghĩ rằng: là một người sinh ra và lớn lên nơi vùng đất này tất nhiên phải nhớ ơn những bậc tiền nhân đã khai sinh ra nó. Đồng thời cũng nhớ ơn những người đã dày công gìn giữ và vun đắp mảnh đất thân yêu này mỗi ngày thêm tươi đẹp. Có được Tân Châu ngày nay là cả một chặng dài gian khổ, hy sinh của bao thế hệ trước. Cũng như ai đã từng ngồi dưới mái trường Trung học công lập Tân Châu xưa (và nay), lòng luôn in dấu những công lao to lớn của Thầy Cô. Với suy nghĩ ấy, mặc dầu tài hèn sức mọn, tôi vẫn đóng góp một bài nho nhỏ cho trang Diễn Đàn.
TÁC GIẢ
********************************************************************************

HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
T.C.T.


Khoảng năm 1680, Mạc Cửu từ Quảng Đông theo đường thuỷ xuống vùng bỉên vịnh Xiêm La rồi đến Nam Vang yết kiến vua Cao Miên xin lập 7 xã rải rác từ biên giới Xiêm đến mũi Cà Mau. Một vùng đất rộng lớn từ Cô Công qua Kampot ngang Hà Tiên xuyên Rạch Giá đến Cà Mau ngày nay. Phần đất này đến năm 1708 thì dâng cho chúa Nguyễn phúc Chu.

Năm 1735 Mạc Cửu mất, con là Mạc thiên Tứ nối nghiệp cha, được chúa Nguyễn phúc Chú (Ninh Vương) phong làm Tổng Binh Đại Đô Đốc của trấn Hà Tiên. Năm ấy Mạc thiên Tứ chỉ mới 18 tuổi, nhưng tài mưu lược không thua cha. Ông lập thêm hai trấn nữa (trấn Di và trấn Giang), mở rộng vùng kiểm soát lên tận An Giang ngày nay. Năm 1757, nhờ có công đưa Nặc Tôn lên ngôi, nên vua Miên tặng chúa Nguyễn phúc Khoát (Võ Vương) vùng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc-Sa Đéc). Riêng Mạc thiên Tứ, người trực tiếp can dự, được tặng thêm 5 phủ phía Bắc Hà Tiên, thành thử một vùng duyên hải rộng lớn phía Tây-Bắc Hà Tiên kéo dài đến Xvay-Riêng thuộc chủ quyền chúa Nguyễn. Đồn luỹ từ ấy được xây dựng. Phía sông Hậu có Châu Đốc đạo, Đông Khẩu đạo (SaĐéc), Kiên Giang đạo, Long Xuyên đạo. Phía sông Tiền có Tân Châu đạo kiểm soát từ cù lao Giêng đến tận một phần Pray-Veng Cao Miên. Công cuộc khai phá miền Nam của các chúa Nguyễn đã hoàn thành cùng lúc Tân Châu đạo ra đời.

Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn xảy ra các cuộc chiến nhỏ lẻ giữa người Việt với người Miên. Đôi lúc quân Xiêm cũng đem quân quấy phá biên thuỳ nước ta, nhất là vùng Hà Tiên-Châu Đốc. Trước tình hình đó các vương triều Huế ra sức củng cố nền quốc phòng ở miệt Hà Tiên-Châu Đốc ngày một thêm vững chắc để đối phó lại. Trong đó Tân Châu đạo có một vị trí chiến lược quan trọng ở phía sông Tiền.

Vì thế, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) huyện trị Đông Xuyên ra đời. Đây là một đơn vị hành chánh cấp huyện đầu tiên thuộc phủ Vĩnh Long. Về mặt địa lý huyện trị Đông Xuyên là phần đất thuộc Tân Châu đạo khá rộng lớn gồm 3 tổng: An thành, An Lạc ,An Phước. Trải dài từ cù lao Giêng lên tận Vĩnh Xương (và có thể ăn sâu vào phần đất Pray-Veng mà trước đó Nặc Tôn tặng Mạc thiên Tứ), phía Đông gồm tòan bộ hai huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và một phần huyện Tam Nông ngày nay. Cho nên có thể nói diện tích huyện trị Đông Xuyên gấp 5 lần huyện Tân Châu bây giờ (có lẽ hơn vì một phần được vua Tự Đức trả lại cho Miên lúc mới lên ngôi).

Để bảo đảm an ninh, huyện trị Đông Xuyên có 10 đội quân trấn giữ, mỗi đội 300 quân do một đội trưởng đứng đầu chia nhau đóng rải rác ở các nơi xung yếu.

Thầy Nguyễn văn Kiềm trong quyển “Tân Châu Xưa” có nhắc đến ông đội 9 Tài và ông đội 6 Hữu. Các đội khác không thấy nói đến; riêng đội nhất Chiến thì có một giai thọai truyền khẩu:
Ông đội 9 Tài tên thật là Nguyễn văn Của, người miền Trung, lập đồn ở Vịnh Đồn, gần chợ Tân Châu. Xung quanh đồn được trồng tre dầy bịt, vị trí được chọn là một cái vịnh khá lớn nên mới có tên “Vịnh Đồn” đến ngày nay. Ông có công lớn tiếp viện trận đánh Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn ngày nay) nên được thăng chức Hiệp Quản.
Ông đội 6 Hữu tên thật là Đồng phú Hữu, xây đồn ở xã Vĩnh Hòa, cũng trồng tre xung quanh như Vịnh Đồn. Vị trí đồn này nằm gần bờ sông Tiền nên có tên là “Bờ Đồn”. Đồn của ông và đồn của đội 9 Tài cách nhau 7 cây số nên tiện cho việc tiếp ứng.
Riêng đội nhất Chiến , theo lời kể , ông đóng đồn ở tả ngạn sông Tiền thuộc làng Vĩnh Lợi Trinh, phần đất bây giờ thuộc tỉnh Pray-Veng . Ông đã nhiều lần có công lớn trong việc dẹp giặc cỏ Miên và Xiêm quấy phá. Về sau, trong một trân đánh kéo dài nhiều ngày, ông mất tích, quân lính tìm gặp cây đao và chiếc đay của ông. Hai vật này đến năm 1947 vẫn còn được một người cháu đích tôn thờ, sau năm 1947 bị mất vì chiến tranh.

Trong lịch sử huyện trị Đông Xuyên, tưởng cũng nên nhắc lại trận đánh mang tính chiến lược quan trọng do Phạm hữu Tâm chỉ huy:
Tháng 11 năm Quý Tỵ (1833) giặc Xiêm theo sông Tiền đến Vàm Nao bị ta đánh bại rút lui. Đến đầu năm Giáp Ngọ (1834) quân Xiêm lại theo sông Tiền tràng xuống, lần này hùng hậu hơn. Ta lui xuống rạch Cổ Hủ (Chợ Thủ ngày nay) bày trận nghinh chiến. Trận này quân Xiêm có 100 chiến thuyền, ngày đêm dùng đại bác bắn phá, ta cố thủ chờ chi viện, nhưng giặc lợi dụng đêm tối, thừa lúc nước ròng noi theo hai bờ sông, phóng lửa đốt thuyền của ta, rồi đem quân đến cướp đồn. Quản vệ Phạm hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tỵ, giặc chết nhiều ,lui quân. Trận này quân ta bắt được tên cầm đầu là Phi Nhã Khỗ Lặc. Chiến thắng trận này Phạm hữu Tâm được thăng chức Chưởng Cơ. Trong bia Võ Công ở sân Võ Miếu (Huế) ghi tên 20 vị tướng giỏi thì Phạm hữu Tâm đứng hàng thứ 5 .
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) do đề xuất của tuần phủ Vĩnh Long Nguyễn tri Phương và đốc bộ Châu Đốc Nguyễn công Nhàn, kinh Vĩnh An Hà được khởi công, huy động dân hai vùng Vĩnh Long và An Giang. Đây là con kinh nối hai sông Tiền và Hậu dài non 17 cây số đi ngang vùng đất thấp không mấy hiểm trở. Dân phu chia thành từng tổ 50 người và tổ chức đào theo lối luân phiên: mỗi tổ đào 15 ngày nghỉ 15 ngày. Thời gian hoàn thành khá nhanh, chỉ 2 năm. Năm 1845 dựng bia ở đầu vàm, tại huyện Tân Châu ngày nay. Lúc đầu đặt tên Long Châu Hà, rồi Tân Châu Hà và Vĩnh An Hà. Nhưng dân chúng ngày nay quen gọi là “Kinh Cũ”. Kinh này đào gấp để đối phó với chiến sự giữa ta và Xiêm đang lúc căng thẳng, nhằm đưa chiến thuyền qua lại sông Tiền và sông Hậu được nhanh chóng. Tuy nhiên, do dòng chảy yếu lòng sông luôn bị phù sa bồi lấp. Mặc dầu được nạo vét nhiều lần nhưng hiện nay kinh chỉ có nước ở những tháng nước nổi (từ tháng 6 đến tháng 11 âl). Những tháng còn lại lòng kinh cạn queo, cỏ mọc đầy, rác rến được vứt bừa bãi, tình trạng ô nhiễm ngày một tăng.
Khoảng năm 1900 người Pháp dùng xáng đào một kinh khác, song song và cách Kinh Cũ 3 cây số về phía thượng nguồn, gọi là Kinh Xáng. Kinh này rộng và sâu hơn Kinh Cũ, nước chảy quanh năm nên rất thuận lợi cho việc giao thông. Sau đó đào thêm kinh Thần Nông để phục vụ thuỷ lợi. Những năm sau có nhiều kinh nhỏ được đào nối kết với nhau do nhu cầu dẫn thuỷ nhập điền ngày càng tăng.

Đến đây cũng nên nhắc lại vụ "nổi dậy” của Đạo Tưởng. Ông tên thật là Lâm văn Quốc, tức Ba Quốc. Cháu kêu bằng cậu của nhà văn tiền phong Nguyễn chánh Sắt. Thuở ban đầu ngụ tại nhà ông Nguyễn chánh Sắt phụ giúp việc đồng áng, siêng năng và có sức khoẻ. Sau tánh tình thay đổi, “lững đững lờ đờ” như kẻ lên đồng lên bóng; cất một cái am tu hành và dung nạp tính đồ. Một điều đáng nói là ông căm thù người Pháp. Trong những buổi giảng đạo thường lồng ghép tinh thần chống Tây. Tín đồ theo ông mỗi lúc một đông.
Đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng giêng năm Kỹ Mão (26-2-1939), Đạo Tưởng giết hương tuần Hiếm tế cờ tại am. Sau đó khai chiến. Ông mặc đồ vàng áo tay rộng, đầu đội bích cân, lưng thắt dây, chân mang giày bố vàng như một mãnh tướng thời xưa. Số người theo ông chừng 60 gồm nam lẫn nữ, trang bị thô sơ nhưng ánh mắt sáng ngời niềm tin. Lúc ấy ông chủ quận Lễ cùng cò Laffont dẫn hai tiểu đội lính trang bị súng trường, áp sát đến trận địa. Lúc đầu chủ quận Lễ muốn thu phục hơn là phải nổ súng. Nhưng phía Đạo Tưởng khí thế đằng đằng, quyết chiến. Quận Lễ liền ra lệnh bắn chỉ thiên để thị uy. Trớ trêu, viên đạn đầu bị lép! Tín đồ càng tin tưởng nơi phép mầu của ông Đạo Tưởng làm ngưng tiếng súng quân thù, bèn hò la vang vội và tiến lên. Quận Lễ ra lệnh bắn sát đất, lòng cũng muốn hạn chế đổ máu. Vô tình tín đồ của Đạo Tưởng ngỡ rằng phép mầu của sư phụ làm đạn chỉ đi xuống đất chớ không giết được ai, nên càng hăng chí, đồng loạt xông lên.
Thế là máu rơi, ông Đạo Tưởng lãnh một viên đạn ác nghiệt của cò Laffont. Hàng ngũ tín đồ tán loạn tìm đường tẩu thoát bỏ lại một số thi thể. Cuộc nổi dậy của Đạo Tưởng nhanh chóng bị dặp tắt. Khoảng 30 nhười bị bắt, một số bị đày ra Côn Đảo. Việc làm của Đạo Tưởng thất bại là lẽ đương nhiên vì thiếu tính tổ chức và đượm mùi mê tín. Nhưng lòng ái quốc và tính bất khuất của ông thật đáng khâm phục.

Trở lại năm Minh Mạng 18 (1837), bốn năm sau khi huyện trị Đông Xuyên ra đời, huyện học Đông Xuyên được thành lập để lo việc giáo huấn, chứng tỏ lúc này dân chúng ở huyện Đông Xuyên đã nhiều lên rồi. Chùa chiền mọc lên. Cổ nhất là Miễu Hội, do đội 9 Tài và một số bô lão cất khoảng năm Tự Đức 6 (1851). Thờ Tứ Vì Vương và Bát Vị Hầu. Ban đầu Miễu Hội chỉ bằng tre lá sơ sài gần vàm kinh xáng ngày nay. Sau đó được trùng tu lợp ngói rất khang trang hướng ra sông Tiền. Nhưng bờ sông sạt lở nhiều, con đường trước Miễu mất, mé sông sát đến Miễu, đành phải lấy hậu làm tiền cho đến ngày nay. Hiện nay còn khẩu thần công thời Minh Mạng được lưu giữ tại đây. Thời kháng Pháp, nhiều nhà hoạt động chọn nơi này để hội họp nhằm tránh cặp mắt của mật thám Pháp.
Kế đến là chùa Giồng Thành (Long Hưng Tự) do ông Trần minh Lý sáng lập năm 1675, lúc đầu bằng tre lá, hướng về phía Tây . Sau đó ông Trần chánh Thi, cai tổng An Thành, hiến một mẫu đất cất lại, lợp ngói khang trang. Thời gian sau này chùa được sửa chửa lại và quay về hướng Đông.
Đình Long Phú được cất năm 1876, cùng lúc làng Long Phú được tách ra từ làng Long Sơn. Đây là một ngôi đình lớn, uy nghi bên bờ tả kinh Vĩnh An Hà, gần chợ cũ Tân Châu. Nhưng mãi đến năm 1920 mới có sắt phong “Bổn Cảnh Thành Hoàng” của vua Bảo Đại.
Chùa ‘Bảo Sanh Đại Đế”, còn gọi là chùa “Lào Ýa” thờ một vị danh y vô danh người Hoa. Chùa “Lào Ýa” là nói trại của “Lão Gia” mà ra, nhưng rất phổ biến. Dân địa phương gần như quên hẵn tên chùa “Bảo Sanh Đại Đế” mà chỉ nhớ chùa “Lào Ýa”. Chùa này được cất cũng khá lâu, khoảng cùng thời gian với chùa Giồng Thành.
Ngôi trường lá đầu tiên ở huyện trị Đông Xuyên được cất ngay đầu vàm kinh Vĩnh An Hà, khoảng năm 1880, chỉ có hai lớp. Người thầy đầu tiên dạy Quốc ngữ là Nguyễn Hàm Ninh. Năm 1887 trường Tổng Tân Châu ra đời và cai trường (hiệu trưởng) là ông Đặng văn Hanh.

Tân Châu Đạo là phần đất cuối cùng được khai phá bởi các chúa Nguyễn. Đây là một vùng đất thấp, thường xuyên ngập úng. Mùa nước nổi kéo dài bốn, năm tháng. Đến mùa khô đất nhiễm phèn, nứt nẻ, không mấy thuận lợi để canh tác. Khí hậu không dễ chịu, bệnh thời khí thường hay phát sinh. Lúc đầu dân chúng nơi đây đa phần từ nơi khác đến với nhiều lý do : bị áp bức, lưu đày, hoặc những người lính của Mạc thiên Tứ ốm đau, thương tật được giải ngũ rồi định cư tại chỗ. Cũng có nhiều người từ miền Trung đến khẩn hoang. Nói chung Tân Châu Đạo là một miền đất mang ý nghĩa quân sự hơn là kinh tế.

Tuy nhiên trải qua một thời gian dài đấu tranh chống quân Xiêm và nhóm thổ phỉ Khờ-Me, lần hồi người dân nơi đây thích nghi với hòan cảnh. Họ khéo léo sống chung với lũ, chọn những vùng đất cao làm ruộng cấy, giăng câu bủa lưới, đặt lợp đặt lờ… tạo nguồn lương thực tự cung tự cấp. Không làm giàu nhưng cũng sống được. Lần hồi dân đông, họ biết trồng lúa nước để tận dụng phần đất trũng bao la, tạo ra hạt gạo, ăn không hết bán sang vùng lân cận. Người có công khai sinh ra cây lúa nước là ông Phan văn Vàng ở xã Đa Phước (Châu Đốc). Về nhà cửa, họ biết "phát minh” ra loại nhà sàn, nước dâng không tới, sống giữa trời nước bao la mà không hề hấn gì.

Đất rộng người thưa, sống hoà mình cùng thiên nhiên, chim trời cá nước tứ bề giăng kín làm cho tâm tính người dân hiền hòa, phóng khoáng. Cộng thêm một quá trình dài chống ngoại xâm, hun đúc họ một ý chí quật cường, một tinh thần hiếu học. Lụa Mỹ A Vịnh Đồn, làng Mộc Chợ Thủ nói lên sự khéo léo của người dân, biết du nhập cái hay cái đẹp từ nơi khác rồi cải biên và hoàn thiện để thành những sản phẩm độc đáo cho mình.

Về học thuật, vùng đất Tân Châu khi ấy đã ra đời nhiều nhân vật nổi tiếng như:
- Tú tài Trần Hữu Thường sinh năm 1844 tại làng Long Thuận, Tân Châu (nay là Hồng Ngự), khắp các tỉnh miền Tây đều biết đến. Cụ đỗ Tú tài vào thời Tự Đức, lúc quân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lăng nước ta. Khi Pháp chiếm Nam Kỳ có mời cụ cộng tác, cụ nhất quyết từ chối, mở trường dạy học sống đời đạm bạc. Học trò của thầy rất nhiều, khắp các tỉnh miền Tây đều có người theo học với thầy. Trong số ấy có nhà chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, nhà văn và là nhà dịch thuật Nguyễn Chánh Sắt…
Cụ mất năm 1921. Chôn cất tại quê nhà.
- Nguyễn Quang Diêu quê ở Cao Lãnh, năm 18 tuổi đến Tân Châu học chữ Hán với Tú tài Trần Hữu Thường, năm 30 tuổi hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan bội Châu, qua Trung Quốc hoạt động chung với Nguyễn thần Hiến, bị bắt năm 1913 tại Hồng Kông, đưa về Việt Nam xử 10 năm khổ sai đày qua đảo Cayenne (Trung Mỹ). Sau đó vượt ngục đến đảo Tri-ni-tê , qua Trung Quốc, trở về Việt Nam năm 1926. Mở trường dạy học tại làng Vĩnh Hòa, Tân Châu. Mất năm 1936.
- Cụ Nguyễn chánh Sắt, tự Bá Nghiêm sinh nắm 1869 tại làng Long Phú, Tân Châu. Nhà nghèo, là học trò cụ tú Trần hữu Thường lúc nhỏ, sau đến học tại trường tiểu học Pháp-Việt Châu Đốc, đậu sơ học thì nghỉ. Nhưng rất ham đọc sách, cả Hán văn lẫn Pháp văn.
Cụ là nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật nổi tiếng miền Nam, từng là phó chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàn đầu thế kỷ 20.
Kể từ năm 1912 trở đi, Nguyễn chánh Sắt rất nổi tiếng với tiểu thuyết: Gái trả tù cha, Tài mạng tương đố, Lòng người nham hiểm, Nghĩa hiệp kỳ duyên. Dịch truyện Tàu gồm: Tây hớn, Đông hớn, Chung Vô Diệm, Ngũ Hổ Bình Tây, Càn Long du Giang nam, Mạnh lệ Quân, Nhạc Phi…Cụ mất năm 1947.

Khi viết những dòng này đúng 250 năm ngày khai sinh vùng đất Tân Châu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ Tân Châu Đạo đến huyện trị Đông Xuyên rồi huyện lỵ Tân Châu ngày nay. Con người ở đây thật đáng tự hào: đức tính cần cù, gan dạ với một ý chí kiên cường bất khuất đã vượt qua những tình huống ngặt nghèo, tô điểm cho huyện nhà ngày một thêm tươi đẹp. Để kết thúc bài này xin mượn hai câu thơ của Trịnh Hoài Đức thay cho lời kết:

“Bửu kiếm sương hoành dạ khí xung,
Tân Châu biên thú , cổ minh hùng”.

T.C.T
--------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Tân Châu Xưa (Nguyễn Văn Kiềm - Huỳnh Minh, tái bản năm 2003)
- Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang (Sơn Nam, 2006)
- Thế Thứ Các Triều Vua Việt Nam (Nguyễn Khắc Thuần, 2006)
- Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam Truyền Thống Giản Yếu (Nguyễn Thừa Hỹ, 2001)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 10 2007, 14:50
Ngoại tuyến
New Member
New Member
Hình đại diện của thành viên

Tuổi: 42
Sinh nhật: 31-05-1982
Ngày tham gia: 31 Tháng 7 2007, 10:50
Bài viết: 14
Quốc gia: Cambodia (kh)
Xin góp vào một số chi tiết :
- Ông Tú Tài Trần Hữu Thường là người làng Long Thuận.
- Ông Nguyễn Chánh Sắt có người cháu. Tôi không nhớ rõ tên chỉ biết người ta thường gọi là ông Đạo Tưởng. Chuyện ông Đạo Tưởng có nhắc đến trong quyển Tân Châu Xưa.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. T.C.T.
Gửi bàiĐã gửi: 10 Tháng 10 2007, 00:26
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Tuổi: 68
Sinh nhật: 19-05-1956
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 00:50
Bài viết: 39
Quốc gia: Vietnam (vn)
Xin cám ơn TCT
Đối với Hồng Nguyên, những chi tiết về quê mình Tân Châu xứ lụa tình nồng nầy rất là mới, không thể tưởng ra rằng có nét truyền thống lâu đời như vậy và cũng đáng tự hào về quê mình. Thật là một thiếu sót khi không biết những thông tin nầy.
Rất cám ơn các bạn.
Nhân đây cũng xin nhắn với Tân Châu Ngày Về nếu có thể cho mình mượn hai quyển sách trên?
Thân Chào!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Gởi tác giả bài HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN-QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Gửi bàiĐã gửi: 08 Tháng 12 2007, 23:06
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245

Người tạo chủ đề
Hướng về LỄ HỘI KỶ NIỆM 250 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TÂN CHÂU ĐẠO
(từ 16/12 đến 22/12)


Anh T.C.T. thân mến!

Hôm nay Bong Dieu lên mạng, vô Google tìm tài liệu, hình ảnh phục vụ bài soạn, tình cờ gặp địa chỉ Báo điện tử Đại Học An Giang. Mở ra xem, trong mục Bản Tin có bài LỄ HỘI TÂN CHÂU 250 NĂM với đoạn đầu như sau:

"Lễ Hội Tân Châu 250 Năm
Mỗi sáng của những ngày đầu tháng 12 này là nơi nhà hát Tân Châu nhộn nhịp hơn thường ngày vì với sự xuất hiện của những diễn viên đủ lứa tuổi không chuyên từ những cơ ngành khác nhau hiện đang công tác, lao động và học tập tại huyện Tân Châu về đây để tập dợt cho chương trình của lễ hội. Gồm:
- Phần I: Diễn cảnh Tân Châu ngày xưa.
- Phần II: Diễn cảnh Tân Châu bây giờ.
- Phần III: Diễn cảnh Tân Châu trên đường phát triển.
Mỗi cảnh đều dàn dựng với các tiết mục ca múa, hát nhạc, ca cổ và kịch nói thật sôi động không thiếu phần hấp dẫn dưới sự cộng tác của nhóm biên tập và sáng tác nhiều kinh nghiệm.
Ở phần Tân Châu ngày xưa, các diễn diên sẽ cho khán giả thấy được giai đoạn Tân Châu trước 1930. Ở thời kì này người kinh vào khai hoang và thành lập Tân Châu đạo. Sau đó không lâu người Hoa đến Tân Châu lập nghiệp, Cảnh diễn: người Hoa gánh các loại nông sản ra chợ bán. Đến hết cảnh diễn này, tiếp tục cảnh diễn họp nhóm chợ trù phú có người kinh, người Hoa. Vùng Tân Châu là nơi "đất lành chim đậu" nên trên sân khấu khán giả sẽ thấy xuất hiện bóng dáng người Chăm lũ lượt về Tân Châu, họ khua mái chèo đẩy ghe Ngo chài cá dọc theo dòng sông. Càng hoành tráng hơn nữa khi đủ sắc màu tơ lụa Tân Châu được bày ra trước mắt người xem hội. Vì từ ngàn xưa Tân Châu được mang danh là "xứ tằm tang" với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng ở xứ Tân Châu nói riêng cả vùng đất An Giang - miền Nam Việt Nam nói chung. Ai đã một lần về Tân Châu xứ lụa cũng đều vương vấn tình người và lưu luyến cảnh vật khi nghe vang xa giọng thơ lảnh lót giữa trưa vàng nắng ấm:

Tân Châu xứ lụa quê tôi,
"À ơi" tiếng võng nằm nôi ru " hời".
Nghề tơ có tự bao đời,
Mà nghe mẹ kể như lời mới đây.
Sợi tơ mành giướng sợi mây,
Bao nhiêu tằm kéo kén xây thành đàn.
Đem về chị hãy dệt màn,
Nhiều hình dáng vẻ thấy sang không nào!
Tùy theo ý thích chọn màu,
Gấm, nhung, muốt, lụa làm sao sánh bằng!
Tân Châu nghề dệt gia tăng,
Nhân công cũng lắm rất hăng hái làm.
Lụa tươi hồng, trắng, xanh, lam,
Đều do kéo kén con tằm nhả tơ.
Có ai thích đến xứ thơ
Ghé qua xứ lụa bên bờ Tiền Giang.
Dòng sông thẳng tắp hàng ngàn,
Tàu ghe xuôi nước đò sang bên này.
Tình làng nghĩa xóm đong đầy,
Người xa nếu đến xứ này cũng vui.
Có ai đi ngược về xuôi,
Ghé qua xứ lụa cho tui nhắn cùng.
……………………………………………………….”


Đọc bản tin trên, BD chợt nhớ đến bài "Huyện Trị Đông Xuyên-..." của anh T.C.T. Đọc bài biên khảo này một lần nữa, BD thấy thật sự cảm phục anh. Hẵn phải có một tình yêu nồng nàn đối với quê nhà, một tính cách thâm trầm, sâu sắc, một niềm đam mê mãnh liệt,…anh mới có thể viết được một bài như vậy. BD càng cảm động và bái phục hơn khi biết rằng những bài viết gởi trang Diễn Đàn của anh được thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn về thời gian và sức khỏe (!).

Viết những dòng này, ngoài việc nhằm bày tỏ sự cảm kích trước tấm lòng và công sức của anh, BD còn có mong ước bài biên khảo trên được những người con của quê hương Tân Châu đọc lại để cùng nhau hướng về

LỄ HỘI KỶ NIỆM 250 NĂM NGÀY THÀNH LẤP TÂN CHÂU ĐẠO (từ 16/12 đến 22/12).

Mong mọi điều tốt lành đến với anh.


Bong Dieu


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 4 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» HUYỆN TRỊ ĐÔNG XUYÊN – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN. T.C.T. «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 2 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 2 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 2 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu