Vào năm 1966, trường Ấp Tân Sinh Long Thạnh A-B được dựng lên, cạnh bên trái của sân vận động quận Tân Châu. Ngày ấy, sân vận động nằm kề bên một cánh đồng rộng bao la, với con đường đất dẫn vào, hai bên thưa thớt nhà dân, đa phần là nhà lá. Ðó là con đường chính dẫn vào trường.
Trường chỉ một dãy với 6 phòng học, tường gạch, mái lợp tôn, nền xi măng cao gần một mét và cột cờ giữa sân. Nền trường phải cao như vậy để tránh ngập vào mùa nước lên. Ngày mới thành lập, trường thường được gọi là trường Sân banh để phân biệt với trường Nữ Tân Châu cạnh dinh quận. Thầy Nguyễn Công Thành, một thầy giáo lớn tuổi được bổ nhiệm về làm trưởng giáo. Trưởng giáo là người vừa quản lí vừa giảng dạy của trường sơ cấp có từ lớp ba trở xuống.
Ngày 13-8-1966, ngày trọng đại của ngôi trường, ngày trọng đại của năm cô giáo trẻ mới ra trường được lên lớp giảng dạy, trong đó có tôi. Trường chỉ có 2 lớp Một, 2 lớp Hai và 2 lớp Ba, các lớp đều học ngày 2 buổi, thu nhận học sinh cả nam lẫn nữ. Trong buổi ban đầu, trường mới, học trò mới, cô giáo mới, tất cả đều mới mẻ với 5 đứa chúng tôi nên còn nhiều bỡ ngỡ, dù trong lòng đầy ắp nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ. Thầy Thành rất vất vả dìu dắt chúng tôi và thầy đã đóng góp nhiều công sức cho ngôi trường mới này. Hai cây me tây được trồng để tạo bóng mát cho sân chơi cũng đã lắm công chăm sóc của thầy. Ngôi trường nhỏ hình chữ nhứt,một vạch dài màu trắng nổi bật bên cánh đồng xanh ngát. Ngồi trong lớp học, chúng tôi có thể phóng tầm nhìn đến tận cuối chân trời xa tít. Ở đây, gió đồng lồng lộng và nắng cũng chang chang nhưng không khí thật trong lành, khoáng đãng. Dẫu trường tọa lạc ngay quận lỵ nhưng mỗi sáng đến trường, chúng tôi cứ ngỡ như đi trên con đường làng với hai bên vạt cỏ còn đẫm hơi sương. Một cảm giác yên bình đến lạ! Mỗi chiều tan lớp, quang cảnh trường thật đông vui. Ngoài học sinh ríu rít trên đường về còn có các cầu thủ đến sân luyện tập nên không khí thêm ồn ào náo nhiệt.
Năm l970, trường mở thêm lớp Bốn, lớp Năm và đổi tên thành Tiểu Học Cộng Đồng Long Phú E. Lần lượt thầy Ngô Bảo Tích, thầy Nguyễn Văn Vĩnh về làm hiệu trưởng. Nhiều thầy cô được thuyên chuyển về giảng dạy và chồng tôi cũng được về trường trong dịp nầy. Đến năm 1972 anh được bổ nhiệm hiệu trưởng. Theo sự phát triển, số học sinh gia tăng nhanh, trường xây thêm 2 phòng ngang bên trái làm thành hình chữ L và phía sau trường nhà vệ sinh cũng được xây dựng. Mãi đến năm l974, trường mới thiết lập được hàng rào chung quanh bằng dây kẽm gai và cọc sắt ấp chiến lược. Cổng chính quay ra sân vận động, cửa phụ thoát hiểm thông ra con hẻm khu nhà dân bên hong trường. Bảng trường được xây gạch, tô chữ nổi, đứng cạnh bên đường đi vào. Thế là hoàn thiện một ngôi trường trẻ đúng với mô hình sư phạm. Đa số giáo viên còn trẻ nhưng số lượng học sinh đậu vào trường Trung học Công lập Tân Châu lại khá cao. Đến năm 1975, khi nước nhà thống nhất, trường được tiếp thu và đổi tên là trường Cấp I B Tân Châu. Một số giáo viên cũ ra đi và một số người mới đến. Trước những đổi thay của thời cuộc, chương trình, phương pháp giảng dạy cũng thay đổi theo. Tôi luôn cố gắng bắt kịp những điều mới mẻ để làm tròn nhiệm vụ của một giáo viên “lưu dụng”. Những năm đầu giải phóng, đời sống giáo viên hết sức thiếu thốn, nhiều bạn bè tôi đã bỏ nghề chuyển sang việc khác nhưng vợ chồng tôi cố vượt mọi khó khăn để còn sống được với nghề. Ngoài dạy học chúng tôi còn làm thêm nhiều việc khác. Có lúc giáo viên chúng tôi còn bán đồ ăn, thức uống cho học sinh ở căn tin của trường để cải thiện đời sống mà trước kia chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm thế!! Thời gian dần trôi, tôi quen dần với cuộc sống mới, khó khăn rồi cũng dần qua. Đến năm 1994 lần thứ hai, chồng tôi,ø anh lại về trường và làm hiệu trưởng một lần nữa. Tuy không nói ra nhưng cả hai chúng tôi đều xem trường là ngôi nhà thứ hai của mình. Chúng tôi đem hết cả tâm trí và sức lực mình để phục vụ cho trường lớp và học sinh thân yêu. Đến năm 2002 chúng tôi đến tuổi hưu trí, cũng hè năm ấy, ngôi trường thân yêu của chúng tôi theo luật đào thải được phá đi để nhường chỗ cho trường Chuẩn Quốc Gia của quận với tên mới là Trường Tiểu học Bán trú A Long Thạnh.
"Trường ơi! Ba mươi sáu năm đứng lớp giảng dạy là ba mươi sáu năm cuộc đời ta gắn liền với Trường. Trường là chứng nhân của bao lần thay đổi, bao nhiêu người đến, bao nhiêu người đi, bao nhiêu người còn, bao nhiêu người mất. Trường đã lần lượt tiễn đưa thầy Thành, thầy Tích, thầy Thân, thầy Ựng về chốn Vĩnh Hằng. Chỉ riêng mỗi mình ta và Trường gắn bó bên nhau ròng rã ngần ấy năm trời. Cũng như ta, Trường đã nâng bước bao nhiêu thế hệ học trò. Đến nay, ta và Trường đã hoàn thành nhiệm vụ, vui vẻ lui về quá khứ. Và bây giờ, Trường mang một hình hài mới với hai tầng lầu cao, khang trang hơn và to đẹp hơn. Nhưng riêng ta, ta vẫn nhớ về Trường, Trường của bao năm tháng cũ với từng phòng học, từng cái bàn, từng góc lớp, từng viên phấn trắng, từng tấm bảng xanh, từng mái đầu, từng ánh mắt thơ ngây trong sáng. Trường vẫn luôn hiện diện trong trái tim ta, vẫn ăm ắp hoài niệm của một đời dạy học! Trường xưa ơi! Ta nhớ mãi, Trường là một góc của đời ta! Xin chào nhé, Trường Tiểu học B Tân Châu yêu dấu !”
Tân Châu 17-11-2010 VÂN KHANH
|