Trong cuốn sách "Chó và Mèo trên thế giới" của hai tác giả người Pháp Marlyse và Frange có viết: Có truyền thuyết cho rằng, vào một thời kì rất xa xưa, thời kì của những trận đại hồng thủy mà sau này chỉ thấy ghi trong kinh thánh, trong cơn giận dữ, thượng đế không để một ai thoát khỏi cảnh lụt lội trừ một tộc trưởng duy nhất là Nóe. Một mình đơn độc trên tàu suốt 40 ngày đêm giữa mưa bão khủng khiếp, ngay lúc đó Nóe lại phải chống chọi với một tai ương đáng sợ, đó là loài chuột cắn phá dưới tàu. Trong tâm trạng thất vọng, ông đến tìm Sư tử, chúa tể của các loài vật để xin được giúp đỡ. Xúc động trước cảnh khốn cùng của Nóe, Sư tử nhìn ông và hắt hơi từ lỗ mũi khổng lồ chui ra hai con sư tử thu nhỏ. Đó là hai con mèo đầu tiên dưới trần thế. Chuyện về Nóe có nhiều trong thi ca, trong sách vở. Truyền thuyết cho rằng Trung Đông và nhất là Ai Cập là nơi đầu tiên xuất hiện mèo.
Còn trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là ở Việt Nam, hình ảnh chú mèo đã trở nên vô cùng thân quen và đáng yêu với hình ảnh tượng trưng trong hệ thống 12 con Giáp. Mèo (Mão) là con vật đứng thứ 4 trong 12 chi (thập nhị chi). Mão dùng để chỉ thời gian, từ 5 giờ đến 7 giờ sáng hay tháng hai theo Âm lịch và chỉ phương Đông trong không gian. Theo thiên văn cổ Trung Hoa và ngay cả đến bây giờ, biểu tượng của Mão là con thỏ so với con mèo trong văn hóa Việt Nam. Tại sao lại có sự khác biệt này, hãy thử xem xét một vài ý kiến phân tích sau.
Theo một bản tin từ Tân Hoa Xã ngày 22 tháng 9 năm 2006, các xương thú được tìm thấy sau khi bị chôn sống cách ngày nay khoảng 1.700 năm gồm có mèo, chó, heo, dê, trâu... Đây là lần thứ hai, xương của các con mèo được tìm thấy trong những ngôi mộ cổ khai quật bên Trung Hoa. Những khám phá về khảo cổ này rất quan trọng để kiểm nghiệm lại nguồn gốc chính xác của 12 con giáp. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao không có xương thỏ? Điều này cho thấy, nguyên thủy chi thứ 4 có thể là mão/mẹo/mèo (các âm đọc khác nhau của mèo) và bị đổi thành thỏ cũng phù hợp với chiều ảnh hưởng từ phương Bắc tới phương Nam trước khi Trung Hoa thống nhất. . Theo một số tài liệu phân tích, chữ viết/khắc cổ của chữ mèo và thỏ (Giáp Cốt Văn, Chung Đỉnh Văn) là chữ tượng hình. Lông thỏ thường dài hơn lông mèo và dùng làm bút để viết chữ Hán. Loài Thỏ chịu được nhiệt độ cao nhất khoảng 32 độ C còn loài mèo chịu được nhiệt độ tối đa là 52 độ C. Điều này cho thấy, loài Ttỏ là loài vật sống ở miền lạnh cùng với dân du mục ở phương Bắc còn loài mèo là loài vật sống ở phương Nam ấm hơn với huynh hướng sống về nông nghiệp. . Nếu phân tích về mặt chữ Hán, chúng ta đều thấy, mãn (tiếng Việt cổ) là mèo chỉ hiện diện trong tiếng Việt mà các dạng biến âm khác có thể là miễn, mãn, man. Một tàn tích rất hiếm trong tiếng Trung Hoa về các con vật như miễn (thỏ), man (mèo hoang). Theo cuốn "Lâm ngữ thú thoại" (Triệu Bá Bình, Thời Học Tường, NXB Văn hóa Thông tin 2005), chữ thố/thỏ và miễn viết giống nhau ở thời Xuân Thu. Âm đọc của thố và miễn rất gần nhau, do đó người xưa đã dùng âm đọc của miễn để biểu thị chữ oan. Từ oan có thể môi hóa thành man hay mãn, miễn. Ngoài ra, một chữ hiếm thấy là nâu/nậu, viết bằng bộ thanh hợp với chữ thố cũng chính là một dạng của âm mãn phương Nam (nghĩa là mèo). Chữ này có nghĩa là một tên cũ của thỏ. Xem cách viết/khắc cổ của chữ thố và miễn, ta thấy rất giống nhau, trừ một dấu phẩy ở bên phải chỉ đuôi con thỏ. Các chữ hiếm khác như lưu, liễu, viết bằng bộ thử (Chuột) hợp với chữ mão hay lưu đều có nghĩa là một loài thú có kích thước như con thỏ - điều này cho thấy cách phân loại xưa kia rất mơ hồ và dễ lẫn lộn. Thành ra, mèo và thỏ rất dễ thay đổi cho nhau mà ít ai có thể nhận ra được. . Tóm lại, để giải thích sự thay đổi từ mèo qua thỏ/thố, ta cần có liên hệ của mãn-mèo qua hiện tượng rút gọn âm và vết tích từ các văn tự cổ: chữ thố và miễn viết cùng một chữ trên bia khắc thời Hán và nhà thờ Vũ Lương thời Đông Hán. Có thể vì cách dùng địa phương nên triều đại đương quyền thời Trung Hoa xa xưa muốn chỉnh đốn lại hay muốn xóa bỏ nguồn gốc "Nam man" của chi thứ tư trong thập nhị chi? Hoặc cũng có thể họ đổi loài vật cho hợp với gốc du mục của nhóm cầm quyền? Bỏ qua những nghi vấn đó, loài mèo vẫn là một con vật rất gần gũi với đời sống của nhân dân ta qua những câu ca dao, tục ngữ, trở thành một người bạn với đất nước có nguồn gốc nông nghiệp như Việt Nam. . Trong năm Tân Mão này, bạn có thể chọn hình mèo làm linh thú cát tường cho gia đình mình. Trong phong thủy, linh thú cát tường mèo có thể hóa giải sát khí nhờ linh lực của nó. Về mặt chất liệu, Mão thuộc Mộc nên khi chọn lựa mèo phong thủy, nếu không có mèo gỗ, nên chọn bằng đá hoặc bột đá. Nếu làm bằng kim loại hoặc ngọc thì linh khí ôn hòa, không phát huy tác dụng. Vì mão thuộc hướng Đông nên thích hợp nhất là bài trí hướng Đông hoặc Đông Nam. Tránh bài trí biểu tượng mèo ở hướng Tây (thuộc Kim), khắc với Mộc. Nếu những hướng tốt không có chỗ bài trí thì nên đặt tại bên trái của cửa chính (hướng Thanh Long), có thể cải thiện quan hệ giao tiếp. Người tuổi Dậu tránh bài trí biểu tượng con mèo trong nhà vì Mão - Dậu tương xung. Nếu bài trí hai con mèo tại hướng chính Đông trong phòng ngủ, tình duyên của bạn sẽ có hướng tiến triển tốt. Về màu sắc, bản thân con mèo là loài động vật ôn hòa, vì vậy, màu sắc nền nã được coi là thích hợp cho biểu tượng mèo. Tốt nhất là màu trắng, nếu có thêm một chút màu hồng cũng rất tốt. Ngoài ra, bài trí mèo phong thủy còn có tác dụng chiêu nạp Tài Lộc nên màu vàng tượng trưng cho sự vàng son luôn được sự dụng nhiều nhất. mèo có màu vàng thì người Trung Hoa gọi là Kim Mão, luôn đi kèm với biểu tượng của giỏ tiền, nén vàng... . *Nguyễn Cung Thông*
|