NGÀY TẾT QUA KÝ ỨC CỦA TUỔI THƠ Thảo Nguyên
Tôi còn nhớ những năm 6, 7 tuổi những ngày Tết đối với tôi thật vui sướng và tôi luôn mong đợi ngày nầy mau đến để tôi được mặc đồ mới, được tiền lì xì, được theo cha mẹ đi thăm bà con Nội Ngoại mà ngày thường tôi ít được đi.
Từ giữa tháng Chạp(tháng 12 âm lịch), sau khi công viêc đồng áng kết thúc là mọi người trong xóm làng tôi bắt đầu lo Tết. Nhà nhà lo sơn phết, quét dọn lại nhà cửa, mua gạo nếp gói bánh tét, quết bánh phồng, làm bánh tráng. Các trẻ nhỏ thì xúm xít bên cha mẹ xin tiền mua hoặc may quần áo mới để mặc vào ngày Tết.
Tiếng chim tu-hú kêu khắp nơi trên cánh đồng làng làm cho mọi người càng nôn nao càng chuẩn bị nhanh hơn cho kịp. Tiếng pháo, tiếng đốt lói (loại ống làm bằng thân tre hoặc thân cây đu đủ, hổn hơp gây tiếng nổ bằng khí đá+nước) nổ đì đùng đầu trên, xóm dưới...
Đến ngày 23 tháng Chạp nhà nào cũng tổ chức cúng đưa Ông Táo về trời. Ngày xưa người dân mình ăn Tết rất lâu nên vào ngày nầy ngưòi ta coi như đã vào Tết.
Do đó mà có câu ca dao dân gian : “ Cu kêu ba tiếng cu kêu, Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè “
Bánh phồng, bánh tráng thì người ta lo làm trước nên kể từ ngày nầy hàng xóm nhất là mấy bà, mấy chị đến nhà nhau tráng bánh vần công lẫn nhau. Còn bọn trẻ nhỏ chúng tôi thì dành nhau đem bánh vừa tráng xong đem phơi ngoài sân nắng. Không khí thật khẩn trương, nhộn nhịp và vui vẻ.
Những chuyến đò dọc trên sông đưa đến chợ Tân Châu thật đông khách. Trên những chuyến về chở đầy hàng hóa nào dưa hấu, rau cải, trái cây, những chậu mai vàng vừa nở nụ.
Trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng được sắp xếp, quét dọn gọn gàng, sạch sẽ. Bọn trẻ chúng tôi hôm nay cũng bắt dầu được nghỉ học nhưng không còn chơi đùa với nhau như những ngày thường mà hăng hái tiếp với anh, chị, mẹ cha… những việc đươc giao cho. Vài đứa trẻ hàng xóm bắt đầu đem khoe với mấy bạn hàng xóm bộ quần áo mới, hoặc đôi dép mẹ vừa mới mua về.
……. Hôm nay là ngày 30 Tết trên bàn thờ tổ tiên gia đình được ba mẹ tôi trang hoàng lộng lẫy . Bộ lư hương bằng đồng được đánh bóng từ ngày hôm qua. Một bên đặt chậu mai vàng còn bên đối diện là dĩa trái cây ngũ quả (5 loại trái cây) đặc biệt là phải có 1 chùm quả sung (với ước vọng là sang năm mới gia dình được sung túc).
Trên chiếc sạp ở gian nhà trước, mẹ tôi cùng các bà hàng xóm đang gói bánh tét, loại bánh nầy theo tâp tục ở quê tôi là phải có để cúng Ông Bà, Tổ tiên vào đêm Giao thừa. Nồi bánh tét thường được hấp(nấu) vào chiều hoăc tối ngày 30 tháng Chạp). Gia đình tôi có thông lệ là cả nhà thức quây quần bên bếp lửa, bên ánh sáng bập bùng, canh nồi bánh tét… chờ đón Giao thừa. Đối với tôi giờ phút sum họp, đoàn tụ nầy rất thiêng liêng và ấm cúng nhất vì các thành viên trong gia đình tôi, anh em tôi… đều phải có mặt trong giờ phút nầy hằng năm. Chính vì vậy mà từ đó về sau nầy, mỗi lần Tết đến, tôi là người tình nguyện thức chụm lửa, canh nồi bánh tét cho đến khi chín.
Khỏang 5 giờ chiều ngày 30 là bọn trẻ xóm tôi rũ nhau xuống sông tắm rửa để mặc đồ mới. Dù nhà giàu hay nghèo cha mẹ cũng đều sắm may cho mỗi đứa con của mình một bộ đồ để mặc Tết. Cũng từ giờ nầy, các mẹ và các chị trong mỗi gia đình lo quét dọn nhà cửa, vườn tược chung quanh. Những hủ gạo, lu nước đều được lo đổ đầy từ giờ phút quan trọng nầy.
Trong khi người lớn còn lu bu giải quyết công việc còn lại để chuẩn bị đón rước năm mới thì ngoài đường làng từng tốp bọn trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, đi tới đi lui khoe với xóm làng. Tôi cũng chờ đợi giây phút nầy,s au khi ngắm nghía bộ đồ vừa mới mặc tôi ra đường gia nhập với bọn trẻ …và ngày mai nầy sang NĂM MỚI tôi biết rằng tôi được thêm một tuổi….. Thảo Nguyên
|