Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 22 Tháng 9 2024, 16:33
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» LỘI DÒNG SÔNG QUÊ «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1743 | Trả lời: 5)
Tiêu đề bài viết: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 10 2011, 09:00
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
(thương nhớ về dòng kinh Vĩnh An)
Dạ Lý

Do chết nhát, cho nên tôi đã không để cho con chuồn chuồn nó cắn rún để được biết lội - như lời đám bạn con nít trong xóm của tôi cho là như thế. Nhưng mà ở trên bờ ngó xuống sông, thấy tụi nó lội tủm tủm, tôi chịu không nổi, ham quá - thế rồi cũng mon men đi xuống dưới mé nước.

Trước hết, tôi đi ra mực nước khoảng tới đầu gối, đứng đó ngó, rồi đi qua đi lại, lấy tay tạt nước tụi bạn đang lội trước mặt tôi. Làm được vài ngày, tôi chán, rồi bắt đầu thả mình ngâm ở dưới nước, ngâm được vài ngày rồi cũng không thích nữa. Tôi bắt đầu đi ra cây cầu nhỏ - đó là một tấm ván có chiều ngang khoảng 1 mét, chiều dài khoảng 2-3 mét, cây cầu nhỏ này do Cha tôi bắt xuống sông để dành cho nhiều người sử dụng việc giặt giũ. Tôi đi ra đầu cây cầu, thả thân mình xuống nước - rồi ôm chặt cái cột cầu. Lúc này là lúc tôi hơi dạn lên một chút, vì chỗ đứng mực nước đã sâu hơn đầu tôi.

Từ ôm cây cột cầu, tôi bắt đầu lấy trớn đạp cái bàn chân trên thân cột để trườn vô phía mé bờ, vì phía bờ là chổ cạn hơn, cho nên khi hết trớn chân tôi đã đứng trên đất, như vậy an toàn hơn. Được vài ngày, tôi không theo kỹ thuật này nữa, mà tôi thả thân mình dùng hai cánh tay - đập tùm lum, tung toé nước, làm hết ga luôn - theo chiều hướng vào phía bờ. Thời gian này khó khăn nhất, vì cái thân mình của tôi sao thật nặng nề, nó không chịu lướt đi tới theo ý của tôi. Đập một hồi rồi mệt, tôi lại bám vào cái banh xi màu đen để thở, tay vuốt nước trên mặt lia lịa. Cái ngộ ở đây là lúc đó, tụi con nít bọn tôi không có đứa nào biết chỉ cách lội ra sao, mỗi đứa phải tự tập, tự lội, đứa này nhìn đứa kia, ngon lành lắm là trong nhóm con nít này - có đứa cho mình mượn cái bánh xi (như là cái phao) để ôm vào khi mệt vì hết hơi. Cái hên ở đây là lúc đó, khi tập lội thường vào lúc con nước lớn, xanh trong, cho nên trên cầu lúc nào cũng có người lớn ngồi giặt giũ, ... họ ngó canh chừng mình.

Không nhớ là được bao lâu thì tôi có thể tự lội một mình từ cây cột cầu vô trong bờ, một khoảng cách cũng chỉ có vài mét thôi. Rồi sau đó tôi bắt đầu lội đường dài, tức là lội theo chiều ngang qua cây cầu kế bên của nhà hàng xóm. Hàng xóm nhà tôi khoảng 2 căn nhà là có bắt một cây cầu nhỏ. Lúc này tôi cũng còn chết nhát không dám ra ngoài đầu cây cầu để lội qua bên kia cầu, mà tôi đi lên khoảng giữa của cây cầu nhảy xuống rồi bì bõm lội ngang qua, kiểu này chắc ăn - vì khi lội mệt - mà chưa đến bên cây cầu nhà hàng xóm, tôi có thể đứng lên vì vẫn còn nằm trong vùng nước cạn.

Thế là tôi biết lội - lội theo người ta nói " kiểu con chó. " Nhưng tôi lại thấy tôi lội " kiểu con chuột " vì con chó khi nó lội, hai bàn chân trước của nó đập bì bõm quá, gương mặt thì ngó chung quanh để coi có ai kêu thì lội về hướng đó. Còn con chuột khi nó lội, nhìn nó đố có ai biết được nó lội đi đâu, hai bàn chân nó bơi bơi ở dưới mặt nước, cái mặt thì ngó lên, cương nghị, biết định hướng sẽ vào bờ nào. Tôi diễn tả tôi bơi thế như thế, nếu có ai cho rằng không đúng, tôi sẽ không cãi " tới bến " đâu, mà tôi sẽ cãi " tới cảng " luôn, vì cái hải cảng dĩ nhiên là rộng lớn hơn cái bến nước. Vì sao tôi dám cải ? vì tôi tuổi con Tý, cho nên lội kiểu con chuột là quá đúng rồi.

Lúc này tôi vào khoảng 7 - 8 tuổi, ngoài giờ đi học, chơi cất nhà chòi, rồi đi xuống sông tắm. Những năm đầu tôi không dám lội ra xa, từ từ tôi lội ra các chiếc ghe nhỏ, nắm dây neo của ghe, ... dần dần tôi biết " thả tàu " đó là kiểu lội thả mình nổi trên mặt nước để ngó trời, ngó mây. Sau đó vì mê bắt mấy con cá bống núp ở trong mấy cái lon sữa bò ở dưới nước, tôi phải học cách lặn xuống nước để vớt mấy cái lon cá lên bờ chơi. Lớn lớn lên một chút tôi bày đặt lựa chiếc ghe nhỏ nhỏ rồi lặn ngang qua đáy ghe nữa chứ, nhưng mà cũng còn sợ vì thấy phải nín thở lâu quá cho nên không dám lặn hoài. Nhưng tôi khám phá ra một điều thú vị dọc theo lường ghe, đó là rong rêu bám vào ghe, trong rong rêu đó có rất nhiều nhà của mấy chú tép con. Với bàn tay bé nhỏ của tôi, tôi lấy ngón tay dí chung quanh nhà rêu của tép, rồi chờ đợi mấy chú tép búng mình ra khỏi nhà rêu, rồi hối hả lặn sâu trốn đi bàn tay quỷ quái của tôi. Hồi còn bé tôi thiệt là có tội với mấy chú tép, bây giờ thành người lớn tôi lại càng có tội hơn với tép, vì tôi rất thích món tép rang.

Tôi thường đi tắm vào buổi trưa, có khi chị Hai tôi không cho đi xuống sông lội - sau khi ăn cơm trưa chị phải trở ra ngoài quán bán, chị dặn tôi " không xuống sông lội nghen. " Tôi : " dạ " . Nhưng chị kể lại rằng, chị đi chợ - một chốc sau về nhà thì thấy tôi đang ở bên kia bờ sông. Chị tả lại rằng, thuở đó tôi nhỏ xíu người, đen thui vì tắm sông, mái tóc bom bê và trên cổ thì đeo sợi dây bùa chùa Ông. Vào mùa nước nổi, Chị không cho tôi tắm sông vì nước đục và nguy hiểm, cho nên tôi chỉ biết đi dọc theo mé nước, cầm cái rỗ vớt bắt mấy con cá lìm kìm chơi thôi.

Đi tắm sông thật là thú vị, nhưng bên cạnh đó cũng có nỗi khổ riêng, đó là khi bị nước vào lỗ tai - là điều rất khó chịu vì lùng bùng. Khi lên nhà tắm lại, tôi phải vừa nhảy lên xuống vừa nghiêng nghiêng cái lỗ tai bị nước vô, hòng cho nước chảy ngược ra ngoài. Mà đâu phải lúc nào nhảy kiểu đó - nước cũng nghe lời mình mà tha cho tôi. Thế là không biết bao nhiêu lần tôi bị nhiễm trùng lỗ tai. Tôi ôm lỗ tai đau, Cha tôi phải dẫn tôi đi đến nhà vị y sĩ đó là ông Tư Lịch, ông nổi tiếng chích thuốc cho con nít không đau. Nhớ tới ông tôi tự mắc cười, vì lúc đó tôi cũng đã để ý coi cách nào mà ông nổi tiếng tiêm thuốc không đau. Ông phát vào mông tụi con nít một phát mạnh rồi mới chích cây kim vào, con nít bị đau vì đã bị cái phát mông trước rồi, cho nên sau đó đâu có biết cảm nhận cái đau của mủi kim chích thuốc. Trên đường về tôi nói với Cha " ông Tư đánh con đau nên con quên mất tiêu cây kim luôn " - Cha tôi cười nói : " ừ. "
Ông Tư hiền và làm cho con nít tắm sông như tôi mau hết đau lỗ tai, cho nên Cha tôi đều dẫn tôi đi gặp ông - khi tôi gặp nỗi khổ lội sông.

Lội dòng sông quê, cả thời tiểu học của tôi là thế. Dòng sông quê tôi, tôi nhớ gì với nó? nhớ nhiều lắm chứ. Khi mình muốn nhớ - bao điều thú vị sẽ trở về, khi mình không thèm nhớ thì kỷ niệm nó cũng chẳng buồn về với mình làm chi. Trong đời sống bộn bề này, đồng tiền luôn ngự trị cuộc sống. Bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu trách nhiệm phải lo, ... sẽ buồn lắm thay nếu tôi để những điều này lấn chiếm hết khoảnh khắc những điều muốn nhớ, trong đó có - lội dòng sông quê này của tôi. Bên cạnh cuộc đời này, tôi vẫn thích dành cho tôi một thoáng trở về với dòng sông tuổi thơ, nhấp nhô sóng nước, mênh mông nụ cười - và đó mới chính là tôi.


New York - 28/10/2011
Dạ Lý


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 29 Tháng 10 2011, 23:01
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đôi khi nhớ lại kỷ niệm thời ấu thơ củng thích, DL nhớ con sông quê, kênh Vĩnh An thời mới tập bơi. Con nít mới tập bơi thường bơi kiểu "chó" không à! Trên chổ tui ở kêu vậy không chứ không kêu là bơi kiểu "chuột". Tui hồi mới tập bơi thì ôm bập dừa nước đạp hai chân kiểu "ếch", sao nầy bơi rành rồi là bọn nhóc tụi tui hồi đó thi bơi băng ngang sông Rạch Chiếc, rồi chơi trò ném sình...v...v...


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 31 Tháng 10 2011, 15:05
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
BinhQuan thân mến, hôm nay vô diễn đàn đọc mấy câu của bạn rồi ngồi cười, viết tới đây lại cười nữa ...
vì bạn đánh trúng cái lỳ của DL. Lội kiểu chó thì cho rằng kiểu chó không kiểu chuột gì cả, BinhQuan nói vậy DL vui vẻ giao bến nước và hải cảng luôn. Dòng sông Rạch Chiếc là ở đâu vậy? nó có lớn không? bạn thì lội kiểu con ếch, còn DL thì lội kiểu con cóc. Còn ai mà lội kiểu con bướm, chắc DL sẽ lội kiểu con chuồn chuồn (hihi)

Có lần đọc bài viết của BinhQuan diễn tả đoạn " vợ vắng nhà " ... bạn ăn mừng trước hết là " mở cái máy nhạc ầm lên " bạn viết vui - nên DL tưởng tượng ra cái cảnh đó mà ngồi cười.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 06 Tháng 11 2011, 05:15
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Ặc ặc! Dạ Lý thân mến! Chị lại nói lộn nửa rồi, bơi bướm thì được nhưng không có bơi kiểu chuồn chuồn vì chuồn chuồn bay là đà mặt nước thì được, chứ nhấn nó xuống nước là nó chết ngắc khỏi có bơi luôn.
Sông Rạch Chiếc nằm giửa ba quận, quận 9, quận 2 và Thủ Đức. Con sông nầy hồi nhỏ tụi tui thường bơi qua để vô vùng Bưng tát cá, bắt cá tép. Bây giờ hết Bưng rồi, dọc theo sông bây giờ đang trở thành sân golf và chung cư cao tầng hết rồi.


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 11 2011, 02:46
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 64
Sinh nhật: 00-00-1960
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2011, 11:05
Bài viết: 938

Người tạo chủ đề
Bạn BinhQuan ơi, hồi đó đến giờ bạn có thấy ai "ác" đến nỗi nhấn nước cho con chuồn chuồn chết chưa?
Bạn có biết lội kiểu con bướm không? À, cho DL hỏi - vậy chứ "Bưng" là gì vậy? Biết là một nơi nào đó, nhưng DL không hiểu tại sao gọi là Bưng? có phải là ở trong đồng ruộng thì người ta gọi như thế?


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: LỘI DÒNG SÔNG QUÊ
Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 11 2011, 23:40
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Dạ lý thân mến! Tui bơi kểu gì củng biết hết. Bơi chó, bơi sãi, bơi bướm...đều biết nhưng chỉ có cái là kiểu gì tui củng đạp chân ếch hết. Hi hi! miển là đừng có chìm là được rồi :D
Bưng là vùng đất ngập nước, rậm rạp. Bưng chổ tui là nhưng dãi rừng dừa nước rậm rạp bạt ngàn ven hai bên bờ sông cùng với nhiều bụi cây ô rô lá có gai sắc nhọn. Lội sìn mà lơ đãng để té vô mấy bụi Ô rô nầy là trầy sước chảy máu liền. Hồi xưa lúc nước ròng tụi tui thường bơi qua sông vô bưng tát cá ở mấy hố bom thời chiến tranh để lại hay tát ở mấy góc ruộng có rất nhiều cá tép. Vùng nầy còn có nhiều động vật hoang dã như rắn, rùa, Ráy cá..v...v...giờ thì hết ráo rồi. Giờ thì đôi khi chiều chiều tôi thơ thẩn tới vùng bưng ngày xưa, bây giờ đã hình thành khu đô thị mới đang xây dựng lam nham để ôn lại thời niên thiếu, khi đọc bài của dạ Lý tui lại càng nhớ nhiều hơn, nhiều hơn. Thân ái!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 6 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» LỘI DÒNG SÔNG QUÊ «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 3 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và 3 khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 229 vào ngày 24 Tháng 6 2024, 14:08

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 3 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu