Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 27 Tháng 11 2024, 04:45
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» KÍNH GỞI CÁC THẦY CÔ «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 2380 | Trả lời: 2)
Tiêu đề bài viết: KÍNH GỞI CÁC THẦY CÔ
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 11 2011, 13:55
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
Kính thưa các Thầy Cô,
Thắm thoát mà đã tròn một năm. Ngày mai là ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11. Không phải chỉ đến những ngày này em mới nhớ đến Thầy Cô. Mỗi ngày làm việc ở nhà hay ra đường nhìn thấy học sinh đi học, thấy phụ huynh HS đưa đón con em, thấy các ngôi trường,... là em lại nhớ đến Thầy Cô. Tuy vậy, do điều kiện không cho phép nên em không liên lạc được với nhiều Thầy Cô đã dạy mình.
Vì vậy, hôm nay nhân ngày Nhà Giáo VN 20/11, em mượn trang diễn đàn này để kính thăm các Thầy Cô.
Kính chúc các Thầy Cô luôn dồi dào sức khỏe và có niềm vui trong cuộc sống.
Cũng xin chúc các giáo viên nói chung có nhiều sức khỏe và nghị lực, luôn yêu nghề mến trẻ để hoàn thành tốt trọng trách mà xã hội giao phó.
Phan Thị Nga
{L_ATTACHMENT}:
MUNG NGAY NHA GIAO VN 20-11.jpg
MUNG NGAY NHA GIAO VN 20-11.jpg [ 27.84 KB | Đã xem 3180 lần ]

* Ngày Nhà Giáo VN năm nay chắc TNP không viết nổi bài nào mới, vì vậy TNP "lôi" ra đây các bài viết cũ trên DĐ này (nhân ngày Nhà Giáo VN những năm trước) tặng Thầy Cô và mọi người.


Ngoc La {L_WROTE}:
THƯ GỞI CÁC THẦY CÔ

Kính thưa các Thầy Cô,

Em là một học sinh lớp Đệ Thất A, khóa 1968-1975. Em biết, mỗi Thầy/Cô đã dạy nhiều lớp, nhiều khóa nên không thể nhớ hết các học trò của mình. Nhưng, cũng như nhiều người, em không quên các Thầy Cô đã dạy mình.
Hơn ba mươi năm từ ngày rời mái trường thân yêu, em ít có dịp gặp lại các Thầy Cô, nhưng trong lòng thường xuyên nhớ đến, hễ có dịp là hỏi thăm. Việc đó một phần do “tâm hồn quá khứ”, một phần do tính chất nghề nghiệp, nhưng hơn hết là do tình cảm kính yêu của em đối với các Thầy Cô của mình.

Hơn nửa năm nay, nhờ một cựu HS có “tâm hồn quá khứ” mà trường ta có trang web, một phương tiện tuyệt vời để thầy-thầy, thầy-trò, trò-trò giao lưu với nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời đẹp nhất trong đời người, chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống. Là một trong những trò háo hức tham gia viết bài từ giai đoạn đầu, nhưng em chưa có một bài viết chính thức nào gởi các Thầy Cô, dù có biết tin một số Thầy/Cô đang sống trong và ngoài nước có truy cập để xem, em thấy mình thật thiếu sót đó Thầy Cô ơi! Hôm nay cuối tuần, tạm rảnh rỗi, em viết vài lời gởi đến các Thầy Cô, trước để gởi lời kính chào và thăm các Thầy Cô, sau để chia sẻ cùng Thầy Cô đôi điều tâm sự.

Thầy Cô ơi,

Đối với các Thầy Cô đã dạy em ở trường phổ thông, em luôn một lòng biết ơn và kính mến. Em biết rất rõ rằng, dù mỗi người có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng những kiến thức đó phải dựa trên một nền tảng vững chắc do công lao của các Thầy Cô phổ thông vun đắp. Các Thầy Cô biết không, những khi cảm thấy mình nhận thức sáng suốt được điều gì đó, những lúc cảm thụ được vẻ đẹp nào đó trong cuộc sống, trong văn học nghệ thuật, em thường thầm nói: “Cảm ơn Cha Mẹ đã sinh dưỡng và cho con đi học. Cảm ơn các Thầy Cô đã cho em nền tảng tri thức và tình cảm”; Những khi làm được điều tốt, em hãnh diện vì mình được hưởng một nền tảng giáo dục vững chắc của gia đình và nhà trường. Tất nhiên, trong cuộc sống, không tránh khỏi những lúc có những hành vi sai lầm, ứng xử vụng về, thậm chí thiếu lịch sự thì em nghĩ đó là do bản thân mình. Em không dám tự hào là mình hoàn toàn tốt trong đối nhân xử thế nên không bao giờ dám nói rằng cách đối nhân xử thế nào của mình ngày nay cũng là do công lao của các Thầy Cô. Cái tốt, cái hay mới do Cha Mẹ và Thầy Cô; còn cái dở, cái xấu là do mình nông cạn, hẹp hòi và bộp chộp mà ra. Thầy Cô luôn dạy những điều hay lẽ phải và nêu gương tốt cho học trò mà.

Các Thầy Cô biết không, đọc bài “Hình ảnh Thầy Cô qua từng trang học bạ” của bạn Quê Hương, em đã ngồi khóc một mình: em nhớ các Thầy Cô, đặc biệt những Thầy Cô đã qua đời, trong đó có Thầy Dương Đại Be vừa dạy em năm lớp Nhì, vừa dạy môn thể dục ở đệ nhất cấp. Em còn nhớ cả những giờ chính tả của Thầy: mỗi lần cần phân biệt hỏi-ngã, d-v,…Thầy bảo học trò lắng tai nghe kỹ hoặc nhìn lên miệng Thầy…Ngày nay, em không đến nỗi tệ về chính tả phần lớn là nhờ Thầy Be; Nhớ vào giờ tập làm văn tả người, Thầy đã cho cả lớp quan sát “trực quan sinh động” là một bạn trong lớp để mỗi người một câu góp phần hoàn chỉnh bài làm chung để biết cách làm văn mô tả người; Nhớ cách Thầy dạy lập luận logic để giải những bài toán đố dù nó ở dạng nào;…

Rồi em nhớ những Thầy Cô khác nữa. Mỗi Thầy Cô đều để lại trong lòng em những ấn tượng nhất định:
+ Cô Bạch Yến: “oai vệ”, nghiêm khắc với HS nhưng cô nói chuyện rất có duyên và dạy toán dễ hiểu. Hồi đó, như nhiều bạn, em cũng cho là cô "khó", nhưng khi nghe một số bạn đến nhà thăm Cô lúc cô sanh em bé kể rằng ở nhà Cô rất dịu dàng và lịch sự, em mới hiểu: À, thì ra vậy, cô nghiêm khắc trong lớp là để cho bọn học trò phải học hành nghiêm túc. Mỗi người một phong cách mà. Sau này, trong cuộc sống và công tác, em không ngại những người nổi tiếng là “khó” nếu cái “khó” đó không nhằm mục đích vụ lợi cho bản thân hoặc hại người mà hướng đến lợi ích của người khác hoặc lợi ích chung.
+ Cô Phao: người đã cho em hiểu thế nào là cái đẹp của tài năng, thế nào là giờ giảng văn lý thú (em sẽ nói riêng vào một dịp khác).
+ Cô Mỹ Kiên: ấn tượng đầu tiên về cô là vóc dáng cân đối, mái tóc dài óng ả xõa ngang lưng. Nhưng điều thu hút nhất ở Cô là những tiết dạy sinh động với các phương tiện trực quan đa dạng, với những câu hỏi gợi mở, dẫn dắt HS đi đến tri thức mới. Em còn nhớ, có lần vào giờ ra chơi, Ông Tư lao công đứng ngoài cửa nhìn vào hình con chuồng chuồng mà Cô đã vẽ trên bảng, khen “Cô giáo này khéo tay quá!”. Nghe Ông Tư khen Cô mà em nở từng khúc ruột! Trong cuộc sống, mỗi lần thấy con chuồng chuồng, con ốc sên, con nhền nhện, đá hoa cương,…là em lại nhớ đến “bàn tay vàng” của cô…Ngày nay, em thường nói với các em giáo sinh: “Khi lên lớp, các em vẽ sẵn tranh, sơ đồ,... ở nhà là tốt vì tiết kiệm được thời gian ở lớp. Nhưng nếu các em luyện kỹ năng vẽ cho tốt để có thể, chỉ trong vài phút, vẽ được hình, sơ đồ,...trên bảng thì hiệu quả còn cao hơn nhiều…”
+ Cô Hương: dạy em môn Vạn vật lớp 12. Giọng nói cô hơi nhỏ nhưng lời giảng rất rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Cô đã bỏ nhiều công sức để chúng em lĩnh hội thật tốt nội dung môn học-một môn quan trọng của ban A. Hiện nay, cuốn Vạn vật lớp 12 của Đỗ Danh Tẩm và Nguyễn Văn Long vẫn còn nằm ở một nơi trang trọng trong kệ sách của em. Tất nhiên mỗi lần gặp nó là mỗi lần em nhớ Cô! Mỗi lần có dịp nghiên cứu về giải phẩu-sinh lý người là em nhớ Cô và Cô Mỹ Kiên! (Cô Mỹ Kiên dạy Vạn vật năm lớp 9 cũng phần GP-SL người) Lần em ghé nhà Cô ở Châu Đốc vào khoảng 1989-1991 cùng với Cô Hoanh là lần cuối em gặp Cô!
Rồi còn Thầy Tòng, Thầy Tài, Thầy Nhiều, Thầy Quang, Thầy Phúc, Thầy Huyện, Thầy Khiêm, Thầy Thiện, Thầy Xuân, Thầy Nhiệm, Thầy Đoàn, Thầy Huy, Cô Khoa, Cô Điểm, Cô Vân, Cô Nga, Cô Thiên Hương, Cô Hoanh, Cô Đỗ Binh, Cô Điệp, Cô Tuyết Mai,…và bao nhiêu Thầy Cô khác nữa…Bao nhiêu dịp gợi em nhớ các Thầy Cô của mình? Không thể nào kể xiết Thầy Cô ơi!... (Em sẽ kể dần)
………………………………………………..

Thầy Cô kính mến!
Mỗi lần nghĩ đến việc không có dịp gặp Thầy Cô nữa là em lại rưng rưng nước mắt. Những Thầy Cô đang sống ở Tân Châu thì còn có thể. Còn với các Thầy Cô ở nơi khác thì xác suất gặp nhau quá nhỏ vì em sống xa quê.…Vậy thì, trang web này sẽ thay những phương tiện giao thông để làm cầu nối giữa thầy trò ta. Thỉnh thoảng em sẽ “đến” thăm Thầy Cô. Em và các cựu học sinh nói chung luôn ước ao thỉnh thoảng được nghe Thầy Cô nói chuyện, chỉ bảo như ngày nảo ngày nào dưới “mái nhà” THCLTC.


Trước khi dừng bút, em kính chúc Thầy Cô luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
:rse: :rose3: :rose: :rse: :rose3: :rose: :rse: :rose3: :rose: :rse:

Kính thư
Học trò của Thầy Cô: Ngoc La


TNP {L_WROTE}:
Hình ảnh

Kính thưa quí Thầy Cô,

Em là Phan Thị Nga, học sinh lớp Đệ Thất A niên khóa 1968-1969 và lớp 12A1 niên khóa 1974-1975 của trường.
Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, em kính gởi đến quí Thầy Cô lời chúc tốt đẹp nhất.

Nhân tiện đây em cũng xin có vài lời tâm sự cùng Thầy Cô.

Thầy Cô ơi!
Lúc còn đi học PT, khi nghĩ đến tương lai thì em thường mơ ước, hoặc là làm cô giáo, hoặc là làm thầy thuốc. Em muốn làm cô giáo do phần lớn là hồi đó đối với em, hình ảnh các Thầy Cô bao giờ cũng thật đẹp đẽ và thiêng liêng, nghề dạy học là nghề trong sạch và bình dị. Với hoàn cảnh nghèo khó của gia đình, em biết em chỉ có thể học y nếu em đỗ tú tài loại tối ưu và được hưởng học bổng. Rồi trong kỳ thi Tốt Nghiệp Phổ Thông ngày 21/9/1975, em là 1 trong 2 HS của trường (mà cũng của tỉnh Long Châu Tiền thời đó) đỗ loại A, nhưng lúc đó nền GD mới chưa có điều kiện để tính đến chuyện tặng học bổng. Thế là cuối cùng em chọn phương án thi vào ngành Sư Phạm, rồi ra trường làm cô giáo… đến nay.

Cuộc đời riêng “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” đã đẩy đưa em trải qua tất cả các cấp học phổ thông:
- Lúc là SV thì hè về tiếp bà chị ruột quản lý và dạy mấy lớp hè ở tiểu học.
- Khi đi kiến tập thì đi về trường cấp II
- Khi đi thực tập thì đi về trường cấp III (TX Long Xuyên)
- Khi ra trường thì ở lại trường Đại Học CT 9 năm
- Sau đó chuyển về quê dạy ở trường cấp II hết 5 năm (để được gần nhà mà trông chừng ông xã đang bị bệnh)
- Sau đó chuyển về Cần Thơ và về trường Cao Đẳng đến bây giờ.
Dù là dạy học ở cấp nào, cho HSSV trẻ hay người lớn, ít nhứt em cảm thấy không xấu hổ với những gì mình đã dành cho người học. Và em làm điều gì tốt đẹp cho họ là xuất phát tình cảm trong sáng không chút vụ lợi, không muốn họ chịu thiệt thòi vì sự vô tâm, tắc trách và sự kém cỏi của mình. Tất nhiên việc rèn tay nghề là lâu dài và do đó em chưa bao giờ hài lòng về khả năng của mình, về những bài dạy của mình trên lớp. Sự học là vô cùng tận mà!

Cho đến ngày này, dù chưa và sẽ không bao giờ em dám tự hào bảo mình là người THÀNH ĐẠT/THÀNH CÔNG để làm rạng rỡ nhà trường, nhưng em không xấu hổ để báo công với Thầy Cô là trong một chừng mực nào đó, em cũng đã THÀNH NHÂN. Và tất cả những điều em có được phần lớn là do những nề nếp mà Thầy Cô phổ thông đã làm gương và đã rèn cho chúng em.

Một lần nữa, em kính chúc Thầy Cô dồi dào sức khỏe và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Học trò cũ: Phan Thị Nga

*****************************************
Riêng gởi Thầy Cô Nguyễn Văn Tài, Lý Thị Hoanh

Thầy Cô ơi!
Dù Thầy Cô không nhắc lại Ngày Thành Hôn của cháu Thanh, nhưng em luôn nhớ đến ngày 22/11/2008 sắp tới và mấy tuần nay đã âm thầm thu xếp mọi việc để về dự.
Học kỳ nầy, mỗi tuần em lên lớp có 3 buổi và thời khóa biểu chết cứng do bị động về phòng ốc (trường em đang xây dựng thêm, hiện giờ có một số lớp phải học buổi tối vì thiếu phòng học): 3 tiết cuối sáng tứ hai và sáng thứ tư, 4 tiết chiều thứ bảy. Trường em tổ chức mít tinh Ngày Nhà Giáo VN vào sáng 20/11/2008 (sáng nay - thứ năm) nên em đã định đi về Tân Châu từ trưa thứ năm đến sáng tứ bảy và kế hoạch cụ thể như sau:
- Trưa thứ năm đi thẳng đến núi Cấm và ở đó với Phan Thị Lệ Thủy 1 đêm.
- Sáng sớm thứ sáu về nhà, trên đường đi ghé thăm cháu hoaxuongrong ở Châu Đốc và Thầy Huyện ở Hòa Lạc
- Trưa ghé thăm nhà
- Chiều đi Tân Châu ghé thăm Thầy Cô, bạn bè, ghé rủ chị Nghĩa (có thể cả Thu Hà, Thanh Hoa) đi đến Thầy Cô buổi tối nhóm họ
- Tối đó ngủ ở nhà chị Nghĩa hoặc về nhà ở Kinh Xáng
- Sáng thứ bảy về sớm để kịp giờ dạy buổi chiều. Trên đường về ghé qua Long Xuyên tìm thăm Cô Điệp
Tính là vậy, nhưng đầu tuần này em được tin trường tổ chức cho CB-GV học chính trị 2 ngày thứ sáu và thứ bảy. Thế là kế hoạch của em bị phá sản rồi!
Nếu kế hoạch không phá sản do khách quan như vậy thì cũng chưa chắc em về được vì em đang không khỏe lắm (bị đau dạ dày do ăn uống thất thường hôm diễn văn nghệ+bị rối loạn tuần hoàn não), rồi thằng con lớn của em cũng đang bệnh nữa (phải lo chăm sóc và bồi dưỡng cho nó)
Vậy qua trang web này, em xin chúc mừng Thầy Cô đã có dâu thảo, nay mai có thêm rể hiền, chúc vợ chồng cháu Thanh trăm năm hạnh phúc.
Học trò cũ: Phan Thị Nga

**********************************
Riêng gởi Thầy Tòng, Cô Thu, cô Đỗ Binh

- Em gởi email cho Thầy cô theo địa chỉ behien44@yahoo.com mà nó trả thư lại, không biết sai ở chỗ nào! (Do đ/c chính xác em lục không ra!)

- Em gởi cho Cô Binh theo địa chỉ dbinh703@gmail.com không biết có tới chưa vậy Cô?

Em kính chúc quí Thầy Cô mọi điều tốt đẹp.

Học trò cũ: Phan Thị Nga


**********************************
Đ/c email của Nga:
ngavina2006@yahoo.com
Số ĐTDĐ chính thức và vĩnh viễn: 0919.811784

Chuong Duong {L_WROTE}:
Kính thưa cácThầy, Cô!
Nhân hôm nay là ngày 20/11/08, Lễ Nhà Giáo, C.D. xin thành thật cầu nguyện vong linh các Thầy Cô đã qua đời (trong đó thân phụ là Thầy Dương văn Út) được siêu sinh về cỏi vĩnh hằng.

Em cũng Kính chúc quý Thầy, Cô dưới đây:

Thầy Nguyễn Trọng Phúc
Cô Nguyễn thị Thanh Vân
Thầy Nguyễn Thành Tài
Thầy Tòng
Cô Thu
Thầy Nhiều
Cô Khoa
Thầy Lý Mước
Cô sáu Huệ (Cô Thơm)
Thầy Khoa
Thầy Đỡ

Luôn vui, mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an.

Chưởng cũng xin chúc y như vậy tới các nhà giáo:

Dương thị Ngọc Lam (chị ruột)
Anh Dễ (anh rể)
Phan thị Nga
Cù thị Thanh Huyền

Cùng với nhiều Thầy, Cô giáo khác nữa, mà do đã bắt đầu triệu chứng của bệnh Alzheimer mất trí nhớ, tế bào óc “lang bang” không còn hoạt động tốt như xưa nữa nên không kể ra hết. Xin niệm tình tha thứ.

Tiện đây, C.D. cũng xin chúc quý Thầy, Cô kính mến và tất cả các bạn, tuần tới hưởng 1 ngày lễ Thanksgiving , Lễ Gà Tây, thoải mái, vui vẻ và…no bụng.

Quê Hương {L_WROTE}:
HÌNH ẢNH THẦY CÔ QUA TỪNG TRANG HỌC BẠ
(Chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11)

Đã ba mươi sáu năm trôi qua, kể từ ngày tôi còn là một cậu bé vừa tốt nghiệp trường Nam Tiểu Học, bước chân vào ngưởng cửa trường Trung Học Công Lập Tân Châu. Những ngày đầu tiên làm hoc sinh trung học, thật bở ngở và cũng thật vui sướng. Trong bộ đồng phục mới, chúng tôi là những học sinh đầu cấp. Vì chưa có đủ lớp, phải học tạm thời gian đầu tại trường Nam Tân Châu. Sau đó, chuyển về học chính thức khi lớp xây dựng xong.
Lần giở lại từng trang học bạ cũ ngày ấy, những khuôn mặt Thầy Cô như hiện về trong ký ức tôi, thật xa nhưng cũng thật gần. Có Thầy Cô có dịp gặp lại, có người biết tin, có người không biết tin, cũng có những Thầy Cô mãi mãi ra đi. Nhân ngày Kỷ Niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam xin được nhắc lại, ôn lại những kỷ niệm ngày nào để tỏ lòng tri ân đến những người đã dẫn dắt và trang bị cho chúng ta những tri thức vào đời. Em cũng xin lỗi đến quý Thầy Cô về những điều gì trong bài viết này làm Thầy Cô không vui. Mong tất cả các bạn cung cấp thêm thông tin cho những điều chưa đầy đủ . Và cũng xin gởi đến quý Thầy Cô lời chúc sức khỏe và lòng biết ơn sâu sắc của những người học trò cũ.

Năm lớp sáu, lớp chúng tôi là lớp 6B, nằm ngay góc bên trái dãy ngang ngoài cổng. Lớp rất đông, đến sáu mươi hai học sinh. Vào dịp Tết Nguyên Đán trường tổ chức văn nghệ, báo tường.. và có trồng một cây "nêu" bằng tre cao vút giữa sân trường.
Năm ấy lớp làm tờ báo Xuân đầu tiên, cái khó nhất là tên tờ báo, phải viết sao cho đẹp và nổi bật. Sau vài ngày bàn bạc, chúng tôi quyết định nhờ họa sĩ Hoàng Tùng viết tên cho tờ báo Xuân năm ấy. Hình như ban giám khảo nhận ra, nên tờ báo không được giải cao. Những năm sau đó chúng tôi tự làm lấy công việc này, có lẽ vì đã tư tin hơn khi lên lớp bảy.
Năm lớp sáu, chúng tôi học môn Văn với cô Khương thị Nga, quê cô ở cù lao Long Thuận, người cô nhỏ nhắn, cô rất hiền. Một kỷ niệm tôi còn nhớ là lần ấy cô đố chúng tôi về một cái tên là mười hai trái bắp, tất cả lớp không ai trả lời được. Cô liền giải thich : mười hai gọi là "tá", còn trái bắp người Bắc gọi là "ngô" nên mười hai trái bắp gọi là " tá ngô" nói láy lại là Tố Nga, một cái tên thật đẹp. Cô Nga và thầy Kiết ( chồng Cô) hiện đang sinh sống tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, lâu rồi tôi không gặp lại Cô.
Cô Nga hiền bao nhiêu, các bạn tôi lại "sợ" Cô Lê thị Bạch Yến dạy Toán bấy nhiêu, ngày xưa Cô khó có tiếng, bây giờ nhắc lại nhiều bạn vẫn còn nhớ cảm giác này.Trước đây, cứ nghĩ Thầy Cô đã đi định cư ở Mỹ nhưng mấy năm nay liên lạc được với Cô, biết được Cô và Thầy vẫn còn ở Việt Nam và đang sinh sống tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Cô và Thầy vẫn khỏe, Cô bây giờ hiền hơn ngày xưa nhiều. Có lần nhắc lại chuyện cũ, Cô chỉ cười ...
Môn Công-Dân Giáo-Dục học với Thầy Lê Mộng Quang, thầy có giọng nói sang sảng thầy dạy chúng tôi này trong hai năm liền lớp sáu và lớp bảy. Hiện giờ Thầy vẫn sống cùng các con Thầy tại Tân Châu.
Ngoại ngữ tiếng Anh năm lớp sáu chúng tôi học với Cô Đỗ Thị Thu, năm đầu tiên chúng tôi học những bài học vở lòng Anh văn. Mấy năm nay Cô và Thầy ( Lê Bá Tòng) đã định cư ở Mỹ. Tôi cũng đã gặp Thầy Cô vài lần trong những lần về Việt Nam thăm nhà của Thầy Cô
Cô Hứa Huệ San năm ấy dạy môn Sử-Địa , Cô đã định cư tại Mỹ từ nhiều năm.
Cô Trần Mỹ Kiên dạy môn Lý-Hóa và Vạn-Vật, từ rất lâu rồi tôi không có tin về Cô.
Thầy dạy chúng tôi môn Hội-họa năm ấy là Thầy Võ văn Nhiệm, rất tiếc chúng tôi ngày ấy không được học vẽ nhiều, chỉ học năm lớp sáu thôi. Thầy dạy vẽ tĩnh vật và tô bóng, thường là vẽ cái ly, cái chén hoặc bình bông... Thầy đã mất cũng gần hai năm nay.
Dạy môn Thể -dục năm ấy là Thầy Dương Đại Be nhà Thầy ở gần trường Nữ Tân Châu, nên những buổi học thễ dục buổi sáng chúng tôi học ở trường Nữ. Vào những ngày cuối năm, trời lạnh buốt , gió từ sông thổi vào. Đến sớm chúng tôi ngồi co ro và đốt giấy để sưởi ấm. Do dậy trể mấy lần trước, hôm đó tôi đi ngủ sớm. Đến khoảng mười một giờ đêm tôi giật mình thức dậy và mở cửa rồi chạy nhanh ra đường. Ba tôi lúc ấy còn thức và chạy theo hỏi tôi đi đâu? Tôi trả lời vội vàng: "Con đi học thể dục, trể giờ rồi". Và cứ thế tôi chạy một mạch như người mộng du. Thầy Be đã mất từ nhiều năm rồi.

Sang năm lớp bảy, vẫn là lớp 7B, tình hình có khá hơn. Dù sao,chúng tôi cũng đã là đàn anh của lớp sáu mới vào. Các hoạt động trong nhà trường chúng tôi cũng mạnh dạn hơn.
Môn Việt-Văn chúng tôi học với Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, đó là năm đầu tiên Cô dạy tôi, Cô còn dạy tôi thêm những năm sau này nữa. Cô thật hiền và chịu khó. Trước đây, mỗi lần về thăm nhà ở Tân Châu tôi đều ghé thăm Cô, Cô đã dành cho tôi nhiều lời khuyên trong cuộc sống và động viên tôi trên bước đường học vấn. Bây giờ Cô đã hoàn thành hai trọng trách : một nhà giáo và một người mẹ ( Cô đã một mình nuôi năm sáu đứa con ăn học và nên người). Cô đã nghỉ hưu và hiện Cô đang sống với các con và cháu tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Môn Sinh-Ngữ Anh chúng tôi học với Cô Đỗ thị Mai ( Cô là em ruột của Cô Thu) Cô là một trong những Cô rất hiền, lời nói Cô cũng nhỏ nhẹ như chính Cô vậy. Mấy mươi năm sau này có lần gặp lại Cô, Cô vẫn nhỏ nhắn như ngày xưa ( có lẽ ngày xưa tôi cũng nhỏ nên không thấy Cô nhỏ người như bây giờ) Mấy năm trước gặp lại Cô, Cô cho biết Cô đã ăn chay trường nhiều năm và hiện nay Cô đang định cư ở Úc.
Thầy dạy môn Sử-Địa năm lớp bảy là Thầy Lê văn Đở. Học với thầy năm ấy tôi không sao quên được phần vẽ bản đồ và quốc kỳ, vì phần này được tính điểm. Chinh vì điều này đã góp phần nâng cao sự hiểu biết của chúng tôi về Địa Lý. Tôi cũng thích vẽ lắm,các bạn biết không anh tôi đã tìm ra một loại màu nước vừa đẹp lại vừa rẻ tiền ( ngày xưa đây là một bí quyết đấy ) Anh tôi chỉ cho tôi cách pha các ống màu thực phẩm để vẽ, màu sắc thật tươi và bề mặt nhẳn, không gồ ghề như màu nước nhất là hai màu vàng và xanh mạ. Với Thầy Đở có một chuyện mà tôi nhớ mãi và Thầy cũng hay nhắc lại. Ngày ấy, anh tôi học trên tôi một lớp. Tiết trước Thầy dạy lớp anh tôi, tiết sau Thầy dạy lớp tôi. Hôm ấy, vào lớp Thầy gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc bài. Thầy mới bảo, vừa hỏi bài anh tôi tiết trước cũng không thuộc. Tôi thật xấu hổ không biết lẩn vào đâu nữa. Tôi gặp Thầy thường hơn trong những lần về quê. Hiện nay Thầy đã nghỉ hưu ở Tân Châu, con cái Thầy đã lớn, thành tài và có gia đình, một người con gái của Thầy cũng đang định cư ở Mỹ.
Môn Toán năm lớp bảy, chung tôi học với Thầy Nguyễn văn Nghĩa, đây là năm mà nhờ phương pháp dạy dễ hiểu của Thầy, tôi bắt đầu thích học môn Toán. Tôi còn nhớ vào kỳ thi Toán học kỳ, tôi không thể chứng minh hai tam giác đồng dạng bằng phương pháp hình học tôi đã vận dụng phương pháp đại số để giải - tỷ lệ giữa các cạnh tương ứng của hai tam giác là một trị số giống nhau. Đúng là một phương pháp giải không giống ai. Nhưng bài thi của tôi cũng đạt điểm cao lần ấy. Hiện giờ Thầy vẫn đi dạy thêm và gia đình Thầy đang sống tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Cô Nguyễn thị Hương dạy môn Lý-Hóa ( sau này sang năm lớp chín Cô dạy môn Vạn-Vật ). Cô cũng là một trong những Cô rất hiền, nhưng trong các kỳ kiểm tra Cô cũng rất nghiêm khắc. Có một đặc điểm là bạn không thấy Cô nhìn bạn, nhưng bạn sẽ bị bắt ngay, nếu bạn giở tập hay copy bạn kế bên. Hiện nay Cô đang định cư ở Mỹ cùng với gia đình.
Người dạy môn Vạn-Vật năm ấy là Cô Nguyễn Bích Thủy, dáng người Cô thấp, nước da ngâm. Bài học của Cô luôn được minh họa. Khi dạy những bài thực vật, chúng tôi phải đi tìm những cây liên quan như cây lúa, cây đậu, cây bắp... hay khi học động vật là con cá, con ếch... Hiện giờ không rõ cô đang ở đâu.
Người cuối cùng là Thầy Lý Mước, Thầy dạy môn Thể Dục, có lẽ nhưng ai đã học ở trường Trung Học Công Lập Tân Châu đều có học qua với Thầy. .

(Còn tiếp).

Vân Phan {L_WROTE}:
ÔI NHỚ LÀM SAO!

Đọc bài HÌNH ẢNH THẦY CÔ QUA TỪNG TRANG NHẬT KÝ của bạn Quê hương, tôi, và có lẽ nhiều bạn khác nữa – những học trò dù không có dịp về thăm nhưng trong lòng luôn nhớ về Thầy Cô - thật xúc động và bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở ấy. Trong con mắt của tôi, Thầy Cô nào cũng tuyệt vời, cũng thương yêu học trò và muốn học trò tiến bộ, dù có những lúc Thầy Cô rất nghiêm khắc.

Tôi nhớ năm lớp Sáu, như bạn Quê Hương nói, chúng tôi rất sợ cô Bạch Yến. Trong giờ học, tôi rất chăm chú nghe cô giảng bài và nói thật, có lúc tôi thấy một vầng trắng xung quanh đồng dạng với thân hình cô (do tôi quá sợ cô). Nhớ cuôi học kỳ I năm đó, tôi được xếp hạng nhất nên cô nhờ tôi viết danh sách lớp. Do hậu đậu, tôi làm hư tờ giấy (viết lộn tên). Cô đưa cho tờ khác, tôi lại làm hư nữa, mồ hôi tôi tuôn ra đầm đìa vì sợ. Đến tờ thứ ba tôi mới viết được. Vậy mà cô không hề rầy la mà còn động viên tôi, thật là ngoài sự tưởng tượng của tôi! Lại có lần, các bạn rủ tôi lại nhà cô chơi, tôi từ chối: “Thôi, tao sợ cô lắm!”. Các bạn nói: “Không sao đâu, học trò tới nhà, cô đễ dãi và nói chuyện vui vẻ lắm!”. Tôi “đánh liều” đi và thấy đúng y như vậy. Một lần khác, nhân lúc cô có việc đi ra ngoài, bọn tôi chen nhau lên bàn giáo viên lén xem điểm. Nhưng thật không may, cô về bắt gặp và đánh phạt mỗi đứa 2 roi vì tội làm gãy bìa cuốn sổ của cô. Là đứa nhát đòn nên đến lượt xòe tay cho cô đánh, tôi mếu máo: “Thưa Cô, em không sờ tay vào sổ, em chỉ liếc nhìn thôi.” Cô bật cười và tha cho tôi và các bạn còn lại (Hồi tưởng lại, chắc bộ dạng tôi lúc đó rất buồn cười?). Ra đời, tôi cũng làm cô giáo, càng ngày tôi càng hiểu tấm lòng của Thầy Cô. Bây giờ có ước ao cỡ nào đi nữa cũng không còn được ngồi ở bàn học trò để được hưởng sự nghiêm khắc như vậy của Thầy Cô! Phải không các bạn?

Cô Mỹ Kiên dạy Vạn vật và Vật lý có vóc dáng đẹp, tính tình rất hiền dịu. Cô là thần tượng của tôi thuở ấy. Hôm nào xong bài sớm, cô kể chuyện cho chúng tôi nghe (mỗi tiết một đoạn), như truyện “Con cóc che dù”,…Tôi nhớ bạn Lê Thanh Nga nghe kể xong còn vẽ hình con cóc che dù bằng lá tía tô, rất giống.

Cô Đăng Khoa dạy môn Pháp văn thì xinh đẹp như một cô tiên. Tôi nhớ giờ đầu học cô, cô cầm quyển sách (hoặc cây viết chì,…) lên và hỏi: “Qu’est-ce que c’est?” Nhiều bạn giơ tay trả lời, chỉ có tôi và số ít bạn khác (cũng ở quê mới lên như tôi) lúng túng, ú ớ không biết gì hết. Sau đó, cô cho bài và dạy đọc kỹ lưỡng. Tôi về nhà miệt mài vừa đọc, vừa viết từ để thuộc. Tiết sau, cô gọi tôi trả bài, thấy tôi thuộc và đọc được, cô ngạc nhiên và vui lắm. Tôi được cô cho 17 điểm với lời phê "Très bien" trong tập. Cuối giờ, cô đến bàn tôi hỏi thăm nơi ở và rủ tôi đến ở chung với cô. Nhưng tôi từ chối vì tôi rất sợ Thầy Cô, dù trong lòng rất quí mến. Đa số bọn tôi hồi đó là vậy, quí mến, kính nể Thầy Cô nhưng luôn tự giữ một khoảng cách cần thiết. Thỉnh thoảng Cô Khoa lên thăm bà con ở gần nhà tôi, mỗi lần thấy Cô lên tới là tôi trốn vô nhà và nhìn Cô qua khe hở của cánh cửa. Giờ nghĩ lại thật mắc cười, đúng là con nít!

Thầy Nghĩa dạy chúng tôi môn Toán năm lớp Bảy. Thầy có giọng giảng bài rất trầm ấm. Thầy đã góp phần giúp chúng tôi yêu toán học qua những tiết dạy lý thú, đặc biệt là qua chuyện kể: “Có một nhà toán học đi lạc vào rừng và bị một bộ tộc ăn thịt người bắt. Trước khi giết, bọn chúng cho ông một ân huệ là được nói một câu, về bất cứ vấn đề gì. Nếu nói đúng thì được chết treo; nếu nói sai thì bị chết chìm. Và nhà toán học ấy đã nói: “Tôi sẽ bị chết chìm”. Thế là loay hoay mãi chúng cũng không thể giết được ông và buộc phải thả ông về".

Năm lớp Chín, lớp chúng tôi học môn Vật lý với thầy Trí Huệ. Thầy dạy rất dễ hiểu. Tôi còn nhớ rõ như in cách Thầy dạy về qui tắc bàn tay trái…Thầy vừa dạy vừa làm giám thị. Tuy rất nghiêm khắc với học sinh nhưng Thầy rất dễ dãi và “cưng” những học trò chăm ngoan (trong đó có tôi, hihi…Riêng tôi thì ngoan là bởi…tại…vì…rất nhát). Thầy cũng dạy tôi năm lớp Năm. Nhớ hồi mới lên lớp Năm, khi biết Thầy dạy, chúng tôi rất buồn vì từ nhỏ chỉ học với cô giáo. Nhưng rồi chúng tôi dần dần thấy thương mến Thầy như đã thương mến các cô giáo của mình. Có lần Thầy đi thăm bà con ở xóm tôi, Thầy gọi cho tôi quá giang về nhà nhưng tôi từ chối, cũng vì tính nhút nhát và “sợ” Thầy Cô. Nhớ vào cuối năm đó, Thầy dạy chúng tôi tiết mục múa (hồi đó gọi là “vũ”) MỘT ĐÀN CHIM NHỎ để trình diễn vào lễ Phát thưởng (giờ gọi là lễ tổng kết). Đội múa gồm ba bạn nam ở lớp Thầy Lộc, ba bạn nữ ở lớp tôi (gồm Bé Tám, Ngọc Ánh và tôi). Có chuyện mắc cười: Tía của Bé Tám rất khó, khi nghe có người xì xầm nó đi học vũ, ông gọi nó lại và nói: “Mày tập vũ ở trường ra sao, vũ cho tao xem!”. Bé Tám không chịu vì mắc cỡ. Ông lại nói: “Nếu không chịu vũ thì ăn đòn!”. Thế là Bé Tám nhà ta thà ăn đòn chứ không chịu vũ cho Tía xem! (ăn đòn thật). Ôi, nhắc Thầy Cô lại “dây cà ra dây muống”: nhớ bạn bè!
Còn bao nhiêu chuyện vui buồn nữa? Còn nhiều lắm các bạn ôi! Khi rảnh mình sẽ viết tiếp. Mình cũng muốn nghe các bạn nói, nếu có người kể cho nghe dài dài cũng không chán đó các bạn ạ.

TCT {L_WROTE}:
Nhân kỷ niêm ngày Nhà Giáo VN (20-11) xin kính chúc quý Thầy Cô trước đây và bây giờ của trường Trung Học Công Lập Tân Châu (nay là trường THPT Tân Châu) tràn đầy sức khoẻ, gia đình hạnh phúc.

Ðặc biệt quý Thầy Cô từng giảng dạy từ năm 1964 đến 1975 được hưởng tuổi già trọn vẹn bên đàn con cháu. Bài viết sau đây của em kính gởi đến quý Thầy Cô như một lời tri ân sâu sắc.

TẢN MẠN

Ðã lâu không gặp Thầy Phúc, hôm qua gặp Thầy dưới chợ, Thầy mời vào quán cà-phê. Hỏi thăm lẫn nhau. Vui miệng nhắc đến Ngày Nhà Giáo. Cuộc sống khó khăn, công việc bề bộn nên ít để ý đến những chuyện khác, nhưng nghe nói đến "Lễ Nhà Giáo” tôi thấy nao nao.

Tôi và Thầy Phúc nhắc lại những kỷ niệm thời Thầy đi dạy, tôi còn đi học. Mặc dầu hiện thời tôi cũng đứng tuổi, nhưng trước mặt Thầy tâm trạng tôi vẫn là một cậu học trò ngày nào. Vẫn e dè, vẫn sợ Thầy, vẫn nghe lời Thầy nói như lời giáo huấn và nhất là vẫn thấy mình bé nhỏ. Thầy Phúc bảo lúc làm hiệu trưởng, có những học sinh trễ học, chúng thường viện đủ lí do: xe hư, trể đò, v.v… Ðể kiểm chứng Thầy chỉ nhìn vào tay của nó: nếu do xe hư thì tay ít nhiều cũng dính nhớt, còn do thụt bi-da thì trên áo ắt còn dính phấn, trể đò thì đến trường hố hải thở gấp hơn vì phải đạp nhanh v.v…Thầy trò cười ngất vì chính tôi cũng hơn một lần thụt bi-da rồi bảo xe hư!

Ở xứ Á Ðông mình, người Thầy luôn chiếm một vị trí kính trọng trong xã hội. Thời Nho học thì khỏi nói. Khổng Tử mất, học trò có nhiều người cất nhà gần mộ chịu tang ba năm. Tuy thời nay không ai làm thế, nhưng hình ảnh người Thầy luôn cao vòi vọi. Ngay cả những người chưa từng bước chân đến trường vẫn tôn trọng Thầy Cô. Họ dùng chữ “Thầy” hay ”Cô” một cách trân trọng. Tinh thần "tôn sư trọng đạo” người Việt mình thể hiện rất rõ.

Thầy Nghĩa có lần kể tôi nghe:
Sau năm 1975 Thầy nghỉ dạy, chuyển nghề buôn bán nhỏ. Hôm ấy có một khách hàng mời Thầy uống cà-phê. Trong tiềm thức của Thầy, người này thấy quen, nhưng không nhớ nỗi.Thầy vui vẻ nhận lời. Vừa kêu cà-phê xong, hắn nói với Thầy:
-Thầy không nhớ em sao?
Thầy Nghĩa xin lỗi, vì học trò quá đông, nhất thời không nhớ rõ, nhưng hơi ngờ ngợ.
Hắn tiếp:
- Bận đó em bị Thầy cho một “cặp soi” hạnh kiểm đó! (điểm hai mươi nên 0 điểm phải ghi là ”00”)
Thầy Nghĩa giật mình, không biết em này nhắc với ý gì đây? Liền cười trừ, chưa kịp nói thì hắn tiếp:
- Nghĩ lại thời học trò sao mà “quậy” quá! Làm Thầy Cô phải phiền lòng…
Thầy Nghĩa thở phào nhẹ nhõm. Chừng ấy mới thấy ly cà-phê ngon.Tưởng đâu…

Có lần, một người đàn ông đầu điểm sương ở cùng làng đến gặp Ba tôi, nói:
- Nhà con mới cất xong, mai này cúng ông bà để dọn về ở. Xin Thầy vui lòng đến "chứng” cho con.
Ba tôi ngạc nhiên:
- Có Ba Má em được rồi, cần chi đến Thầy?
- Dạ, nhưng con lại rất cần Thầy.
- Thì hai người ấy được rồi…
Người ấy thành khẩn:
- Xin Thầy đến với con, con muốn lấy cái Ðức của Thầy. Cha mẹ sanh ra con, nhưng Thầy dạy con chữ ”i” chữ “t” và cho con lẽ sống…
Tôi thấy Ba tôi xúc động, cặp môi run run, đưa tay sửa lại chiếc kính, từ tốn nói:
- Thầy sẽ đến, sẽ đến…

Hai câu chuyện về hai người học trò, đơn giản, nhưng bên trong là cả một tấm lòng.
Hôm trước có việc đi Sài-Gòn, tôi gọi điện hẹn với Thầy Nghĩa sẽ đến thăm Thầy. Sợ tôi lạc đường, Thầy ra tận đầu hẻm đón. Gặp tôi Thầy mừng lắm. Tối đến rủ tôi đi ăn. Vì không rành đường nên tôi để Thầy chở. Sài-Gòn vào đêm sáng rực đèn màu, xe cộ chật cứng khác xa thời tôi còn đi học. Tôi và Thầy tìm một quán khá đông khách. Thầy bảo quán này ngon. Tự tay thầy pha cho tôi chén nước chấm. Tôi kiêng mặn nhưng hôm ấy vẫn chấm.
Hỏi thăm, Thầy vẫn đi dạy ”gia sư”. Thầy bảo còn sức nên muốn chia bớt gánh nặng cho con cái. Vả lại nghề dạy học đối với Thầy là niềm vui. Thời gian tạm nghỉ, ra buôn bán, nhưng vẫn không quên những ngày còn đi dạy. Bây giờ gần bảy mưõi tuổi Thầy cũng không muốn rời! Năm nào nghe học trò đậu nhiều Thầy rất mừng, quên đi nỗi mệt nhọc. Tôi ngồi sau lưng nghe Thầy nói, giọng Thầy hơi run, tay lái không còn nhanh nhẹn. Tôi khuyên Thầy nên bớt đi lại nhiều, xe cộ quá đông sợ nguy hiểm. Thầy bảo cái khổ của Thầy chính là lúc ở không. Tôi thấy xót xa, nhưng không biết nói sao. Nhìn hàng chữ quảng cáo nhảy múa bên đường, lòng buồn mênh mang.

Ðêm ấy tôi ngủ nhà Thầy, tôi xin được ngủ chung cùng Thầy. Trong giấc mơ ngắn ngủi, tôi thấy lại Ba tôi một tay sửa kính nói với người học trò tóc bạc hoa râm:
-Thầy sẽ đến, sẽ đến…
TCT

Một HS {L_WROTE}:
Gởi Thầy Nhiều và Cô Khoa

Tân Châu, ngày 17 tháng 11 năm 2007

Kính thưa Thầy cô !
Đã lâu lắm rồi, con và Thầy cô không gặp nhau, kể từ ngày Thầy phải nằm viện điều trị bệnh, chỉ đôi lần nói chuyện qua điện thoại. Do công việc nên cũng không liên hệ với Thầy cô và quên mất số điện thoại của Thầy. Con thành thật xin lỗi về việc nầy.

Kính Thầy cô!
Không phải còn vài ngày nữa đến ngày Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20 tháng 11 năm 2007) mới chợt nhớ Thầy cô, mà có những thời điểm làm con nhớ lại những ngày Thầy cô trên bục giảng hướng dẫn con học tập và ngày nay con mới trở nên người hữu dụng, đóng góp một phần nào đó cho xã hội. Mặt dù, phải chạy theo cuộc sống hằng ngày nhưng công ơn dạy dỗ của Thầy cô không bao giờ các con quên. Người Việt Nam ta luôn nêu cao vai trò “Tôn sư trọng đạo” đây cũng là một nghĩa cử làm người và chính bản thân chúng con luôn tâm đắc.

Kính thưa Thầy!
Tuy hiện nay với căn bệnh đã làm cho Thầy không thấy ánh sáng nhưng con nghĩ với bao công sức đóng góp đào tạo chúng con nên người có ích cho đất nước, đó là niềm tự hào của chúng con và một niềm vinh dự, niềm tin và sức sống cho những học trò thân thưong của Thầy. Trong khoảng “không” ấy chúng con là những người tiếp bước truyền thống của Thầy, đóng góp sức lực, trí tuệ tiếp tục thực hiện mơ ước của người Thầy cho mai sau.

Những kỷ niệm của Thầy đối với chúng con là không thể nào quên: những ngày học tập tại Trường Nam Tiểu học Tân Châu cũ, dưới mái Trường mới Nguyễn Chánh Sắt (bên cạnh sân banh Tân Châu) và những giờ học thêm tại nhà trọ của Thầy (đường vào sân banh cũ). Ấn tượng nhất là những ngày ở Phòng Giáo dục mà Thầy và trò có những kỷ niệm không thể nào quên được, nhất là sự kiện Thầy kêu từng đứa lên đọc bảng tự kiểm sau một đêm nhậu mà chén dĩa bếp ăn tập thể bể hết, không kể xiết kể cả những ngày nghỉ hè bôn ba Nha Trang,Đà Lạt, Sài Gòn........

Hiện nay, mỗi chúng con đều có những công việc khác nhau, điều kiện cũng không thể liên hệ thường xuyên với Thầy cô. Mong Thầy cô thông cảm và hiểu cho chúng con và lúc nào chúng con cũng luôn trân trọng Thầy cô và là tấm gương cho chúng con dõi theo. Bất cứ ở đâu, ở cương vị nào chúng con là học trò ngoan hiền và sẽ là những người tốt, đóng góp công sức vào xây dựng quê hương giàu đẹp, hạnh phúc.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng con kính chúc Thầy cô luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và gia đình thành đạt ./.

Học trò của Thầy Võ Văn Nhiều

An Bình {L_WROTE}:
NGÀY NHÀ GIÁO

An Bình xin chúc các thầy cô dù còn đang dạy hay đã rời bục giảng sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Chúc các bạn cùng thời, các em học sinh của An Bình đã đang là thầy cô giáo tràn đầy niềm vui và những ai còn trên bục giảng có nhiều sức lực để tiếp tục chặng đường đầy gian lao trong việc thực hiện bài tóan nâng cao chất lượng giáo dục, bài tóan thực hiện “ 4 không”

Dù chưa có dịp học thầy Thành Tài nhưng đọc các bài viết của thầy, đọc bài viết về “ chùa Giồng Thành” thật sự cám ơn thầy! Em sống và lớn lên nơi đó! Đọc bài TCT, Dạ Lý,vợ chồng anh bạn Trần Nguyên… và cả bài của anh Vô Thường Niệm thế mới biết “tình và nghĩa” luôn là điểm tựa của cuộc sống bất kể anh là ai!! Đặc biệt là bài viết của thầy Phúc, thầy hiệu trưởng, với diễn đàn thầy là tác giả của nhiều bài viết về thời áo trắng, đầy mộng mơ, trẻ trung. Thầy đừng ái ngại khi ai đó “Giận thầy hiệu trưởng” khi vi phạm nội quy! Điều đó qua diễn đàn và ngòai đời nhiều đồng nghiệp, học trò “của thầy Nguyễn Trọng Phúc” tên đó gắn liền với tên mà thầy làm hiệu trưởng và các thầy cô đã dạy nơi đó, như Dạ Lý và nhiều bạn đã viết về thầy trên diển đàn vừa qua và hiện nay cũng cho thấy sự trân trọng của học trò và thầy cô mà người ta thường lấy hình ảnh người thầy như “NGƯỜI LÁI ĐÒ ĐƯA KHÁCH SANG SÔNG” Điều mà một số người hay cho rằng mấy khi khách sang sông nhớ đến con đò..Và thầy cô luôn thầm lặng chia vui hoặc xót xa khi học trò mình gặp cảnh không may. Truyền thống tôn sư trọng đạo của ông bà ta còn đó! Không là học trò học thầy cô ngày nào nhưng biết là thầy cô giáo thì khi gặp vẫn chào “ thầy ạ” không bao giờ có cảnh ngộ NGƯỜI LÁI ĐÒ KHÔNG QUÊN KHÁCH, không kể công lại phải chạnh lòng khi bổng dưng tình cờ thầy nhận ra trò, còn trò ngõanh mặt làm ngơ. Đợt chào mừng ngày nhà giáo thầy Phúc đã viết với tên thật làm cho diển đàn vui hơn và “ấm” thêm!. Em biết có thầy cô tuy không có thời gian viết bài nhưng có khi nhờ con cháu xem và kể lại cho nghe. Có thầy cô đã viết nhưng để bút danh làm cho diễn đàn thêm nhiều điều mới lạ…

Nhân ngày Nhà giáo, các anh chị và các bạn cùng khóa nhớ về những dịp bạn bè được gặp nhau lần đầu tiên . An Bình nhớ lại các bạn học Khóa 68-75 cách đây gần 10 năm khó tả hết cảm xúc trước cảnh thầy và trò lần đầu gặp lại kể từ khi học xong lớp 12. Mái tóc học trò cũng bạc màu theo năm tháng nhưng vẫn rụt rè như thời còn đi học khi đứng trước thầy cô. Thầy Phúc, thầy Tài, thầy Quang, thầy Cư, thầy Đở…. Cô Hoanh, cô Mai, cô Điệp……vẫn đầy ấp tình cảm yêu thương, vui cùng học trò ngày xưa, còn các bạn thì khỏi phải nói… dù mái tóc đã hoa râm đã có cháu nội, cháu ngọai nhưng vẫn như trẻ thơ, gọi mầy tao ý ới , nói chuyện quên cã thời gian….không biết có phải do mở hàng hay sao mà các khóa tiếp tục họp lớp ngày càng đông vui hơn!!! Nhất là khóa của Xuân Huy vẫn duy trì được ngày gặp gở thầy cô và các bạn. Còn khóa 68-75 của bọn mình đã chọn ngày họp mặt trong năm vào mùng 3 tết tại nhà Thầy Phúc. Ông bà ta cũng có câu :Mùng 1 tết nhà, mùng 2 tết vợ, mùng 3 tết thầy. Bạn nào không bận thì về đó họp mặt như một lời hẹn ước! Có bạn làm sui lần đầu phải ở nhà đón tiếp sui gia cho phải phép nhưng năm sau đã lên tiếng xin cho ngày mùng 3 dành cho thầy và bạn..Điều đó làm cho tình nghĩa thầy trò, bạn bè thêm ấp áp! Có thầy cô lấy đó làm gương khi khuyên học trò mình “ các em thấy đó học trò của thầy cô dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nghề gì đều vẫn nhớ và trân trọng thầy cô”. Quên báo tin cho thầy cô và các bạn một tin vui thầy Tài và cô Hoanh vừa mới làm sui. An Bình đi họp xa không về dự được. Xin chúc mừng thầy cô có thêm thành viên mới.

Các thầy cô kính mến đã hơn 6 năm nay cứ đến 20 tháng 11 là An Bình lại đi họp xa và đến khi về hưu mới có mặt ở An Giang vào những ngày vui nầy. Giờ chỉ có thể qua diễn đàn chúc xin chúc thầy cô những điều tốt đẹp nhất, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc cùng con cháu.

Học trò của thầy cô: AN BÌNH - Lê Dung.

LT69 {L_WROTE}:
Cô giáo cũ

Tôi đến thăm Cô vào những ngày cận Tết. Cô giáo cũ vẫn với vóc người mảnh khảnh trong chiếc áo trắng lúc nào cũng được giặt giũ và ủi rất thẳng nếp. Cô lúc nào cũng giản dị và tươm tất đúng phong cách của một giáo viên: "nghèo cho sạch rách cho thơm" đúng như cái tên mà Cha Mẹ Cô đã đặt cho Cô vậy.

Nhà Cô nằm trong đường Ô Môi, căn nhà tuy nhỏ nhưng rất sạch và ngăn nắp. Cô trò chúng tôi ngồi tâm sự rất lâu, kể cho nhau nghe về những việc xảy ra trong thời gian không gặp nhau, tôi ngồi say sưa nghe Cô kể giống như ngày xưa mỗi cuối tuần Cô cũng kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện Tấm Cám, Ăn khế trả vàng ... đồng thời phân tích cho chúng tôi nghe những gì nên và không nên làm của những nhân vật trong chuyện cổ tích. Chúng tôi đã học hỏi đạo đức từ những câu chuyện mà Cô kể và học từ chính con người Cô rất nhiều.

Sau khi thăm Cô, trên đường về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tại sao Cô lại có những tư tưởng yếm thế, tự trách mình vô dụng như vậy. Cô của tôi, một người đã giảng dạy 40 năm trời, đào tạo biết bao học sinh trở thành những người hữu dụng cho xã hội, có người cũng làm giáo viên như Cô để tiếp tục sự nghiệp giảng dạy của Cô, có người làm kỹ sư, bác sĩ, cùng lắm thì cũng là một bà nội trợ chăm sóc cho một gia đình nho nhỏ ...

Cô kính yêu của em, Cô không nghèo đâu, gia tài của Cô là đám học trò đã từng ngồi nghe Cô kể chuyện đời xưa ngày nào. Em chắc chắn dù ở bất cứ nơi nào chúng em vẫn luôn nhớ về Cô. Còn nữa, Cô phải luôn tự hào về nhân cách, về những gì mà cô đã cống hiến cho xã hội trong cả cuộc đời mình. Có như thế thì em mới thấy yên tâm và bớt ray rứt trong lòng.

Các Chị hoặc các em đã từng là học trò của Cô, mỗi người viết cho Cô vài dòng đi, để làm Cô bỏ đi mặc cảm tự ti yếm thế ấy.

Bổ sung: Kính tặng cô Hồ Thị Thơm, giáo viên trường Tiểu Học Tân Châu

LT69

Ngoc La {L_WROTE}:
Thưa cô,

Có một công việc bình thường và sống lương thiện thì đã là điều đáng quý trong mỗi con người đầu đội trời, chân đạp đất. Vì nghề lương thiện nào cũng cao quý.

Cái công việc không chỉ để kiếm sống mà còn ươm những điều hay, lẽ phải vào nhân cách của người khác của các thầy cô giáo còn thiêng liêng cao cả gấp ngàn lần.

Một thầy cô giáo bình thường với những điều hay-dở trong tay nghề, trong cư xử với học trò, đồng nghiệp cũng đã là người đáng kính trong con mắt của mọi người. Câu nói nổi tiếng của nhà thơ Ấn Độ Tagore "Giáo dục một người đàn ông, được một người đàn ông. Giáo dục một người đàn bà, được cả gia đình. Giáo dục được một người thầy được cả xã hội" chẳng phải đã nói lên phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của nghề dạy học đó sao?

Một cô giáo tài đức vẹn toàn đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng học trò như Cô và các thầy cô khác lại càng phải tự hào vì những gì mình đã làm cho các thế hệ học sinh, phải không Cô của chúng em?
Cô ơi! Ai cũng biết rằng sản phẩm của lao động sư phạm của các thầy cô giáo nó rất đặc biệt: đó là sản phẩm tinh thần, là nhân cách của học sinh; nó tiềm tàng trong mỗi con người nên khó thấy, khó đánh giá ngay tức khắc. Ngày nay chúng em sống lương thiện, biết điều hay để làm, diều dở để tránh là phần lớn nhờ công lao dạy dỗ của các thầy cô các cấp. Chúng em ai cũng biết ơn, nhớ ơn các thầy cô của mình, dù có điều kiện liên lạc, thăm hỏi hay không, thường xuyên hay không thường xuyên đó cô ạ. Và chắc chắn rằng, ai đó là học trò, nếu đã lỡ quá vô tình chạy theo cái hiện tại và tương lai mà quên đi quá khứ thì ít nhất cũng có những lúc họ thấy cảm thấy ray rứt mỗi khi có dịp gợi họ nhớ lại. Ít nhiều bản thân em cũng là người như vậy đó cô ơi, nên em hiểu.

Cô ơi! Cô đã làm được nhiều điều cho bọn học trò chúng em thì Cô càng phải vui và tự hào, Cô nhé!

Em kính chúc Cô luôn mạnh khỏe và vui vẻ.

Ngọc La

=======================================================
LT69 thân!
Chị NL hoan nghênh sự nhiệt tình và nỗ lực của em để viết về đề tài thầy cô, mái trường.
:clap: :clap: :clap: :rse: :ros: :rose3: :rse:
Hè này chị NL có dịp về quê sẽ đi thăm các thầy cô, thay em thăm ba mẹ, thăm chậu Lan Rừng của ông anh hiền lành yêu quý mà gia đình em đã giữ hơn ba mươi năm nay đó.
Chúc em vui.
Chị Ngoc La

NTT {L_WROTE}:
Thầy của chúng mình

Đối với mỗi con người thời thơ ấu và tuổi học trò bao giờ cũng ghi lại những dấu ấn khó quên. Cũng như trong cuộc đời chúng ta sự tri ân với thầy cô là điều không tránh khỏi, nhưng tri ân bằng cách nào đối với mỗi chúng ta? Xin mượn bài viết này thay lời tri ân gởi đến Thầy của chúng mình. Đó là những người đã vắt trọn tâm huyết, công sức để trao lại cho học trò của mình một thứ tài sản vô giá: ánh sáng của tâm hồn và trí tuệ.

Ngay khi chúng mình còn chưa cao hơn một đoá hướng dương, Thầy đã nâng niu từng hạt nắng, từng giọt sương để tưới cho mầm sáng ban đầu lớn lên. Chính Thầy đã dắt chúng mình đi những bước đầu tiên vào thế giới- cái thế giới của đồ vật, âm thanh, sắc màu, của trò chơi, cửa sổ, của chữ, khi tất cả đều phải bắt đầu bằng bài học đánh vần, ghép chữ… từ ấy, chúng mình đã lớn lên không phải từng ngày, mà là từng giờ, từng phút.

Biết bao học trò đã đi qua đời Thầy dần theo năm tháng. Từng ấy con người là từng ấy giọt sáng Thầy đã dâng cho đời. Đã có lúc khi cơ chế thị trường với những mảng đậm nhạt sáng tối gõ cửa vào những rường cột đạo đức, văn hoá, tính nhân dân trong mỗi căn nhà, cơm áo gạo tiền vẫn là bài toán khó đối với đồng lương còm cõi, nhưng Thầy của chúng mình vẫn làm tốt nhiệm vụ thiêng liêng cao quí miệt mài từng giờ, từng ngày trên bục giảng chắt chiu từng nét bút, con chữ để dạy cho học trò mình.

Thầy không thể ở lâu với học trò của mình. Nhưng với những cống hiến thầm lặng bằng nhân cách và tấm lòng, Thầy đã gieo những giấc mơ trong lành và thánh thiện đẹp đến khó tin cho học trò mình.

Đời Thầy như sân ga. Học trò là những con tàu, đến rồi lại đi. Sân ga vẫn còn đó. Những con tàu đi xa, rất xa trên vạn nẽo đường nhưng vẫn còn nhớ và quay về sân ga cũ. Sân ga vẫn lặng lẽ đưa những chuyến tàu mới đến rồi lại đi muôn đời vẫn thế. Thầy của chúng mình là như thế đó.

Mãi mãi xin biết ơn Thầy- Thầy của chúng mình các bạn nhé!

NTT

TNP {L_WROTE}:
CÓ PHẢI LÀ BẠC BẼO???

Khi dạy bài NGƯỜI GIÁO VIÊN THCS cho các giáo sinh, tôi đã cho các em thảo luận một số ý kiến nhận định về nghề dạy học:
- Nghề DH là nghề cao quý
- Nghề DH là nghề sáng tạo
- Nghề DH là nghề đưa đò ngang
- Nghề DH là nghề bạc bẽo

Riêng đối với ý kiến “Nghề DH là nghề bạc bẽo”, các giáo sinh đã nêu nhiều quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Em thì cho là bạc bẽo, em thì cho là không,…

Riêng tôi, qua thực tế làm nghề dạy học 28 năm, qua thăm dò nhiều giáo viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, tôi có suy nghĩ như sau:

- Nghề dạy học không bạc bẽo vì dù người học - người khách sang sông - không hoặc chưa có dịp trở về thăm Thầy Cô – người lái đò thầm lặng – nhưng ít nhiều họ vẫn nhớ trong lòng công ơn của Thầy Cô.
- Tuy nhiên, người học có bạc bẽo hay không cũng còn tùy người dạy đó đã đối xử với họ như thế nào. Tại sao người ta kính trọng những Thầy/Cô này mà lại lên án Thầy/Cô khác và gọi sau lưng là “cha Thầy”,... thậm chí còn nặng hơn... (Từ đại học trở lên dễ thấy chuyện này hơn)
- Cũng còn tùy người học đó, tùy chỗ họ là người trọng tình nghĩa hay là người cơ hội và thực dụng.
- Không có nghề bạc bẽo mà có thể có những con người bạc bẽo. (“Chuyện gì cũng có thể xảy ra dưới ánh mặt trời này” mà)

Nhưng nhìn chung, tôi vẫn lạc quan: NGHỀ DẠY HỌC KHÔNG LÀ NGHỀ BẠC BẼO mà thực tế có những nghề thực sự bạc bẽo, chẳng hạn như những nghề làm dâu trăm họ, trong đó có nghề bán tạp hóa nhỏ lẻ cho hàng xóm!

Hơn nữa, đối với tôi, vì tôi không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào từ phía người học và luôn tìm cách hiểu, biện minh và cảm thông cho họ mỗi khi có chuyện chưa vừa lòng nên tôi thấy lòng rất thanh thản.
Nếu có bất bình chăng là do lo cho nhân cách vào đời của họ mà thôi.

TNP {L_WROTE}:
Gần đây, TNP có dịp lục lại những bài viết cũ, rất cũ về nghề dạy học, về người GV. Sau đây là một trong những bài viết đó. (Bài viết này là tổng hợp những ý trong các sách kết hợp với những suy nghĩ, những chiêm nghiệm của bản thân TNP). Xin gởi lên đây cho mọi người tham khảo.
Đó cũng là món quà mà TNP kính tặng các Thầy Cô và tất cả những ai đã và làm nghề dạy học, nhân sắp đến Ngày Nhà giáo VN - 20/11.


BÀI BÁO CÁO
TRONG SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ VỀ NGHỀ DẠY HỌC
Đơn vị tổ chức: Tổ Tâm lý giáo dục
Ngày tổ chức: 30/11/2005
Người báo cáo: Phan Thị Nga


CÁI ĐẸP, CÁI CAO QUÍ CỦA NGHỀ DẠY HỌC


Ai đó đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Vậy nghề dạy học cao quí ở những điểm nào mà được tôn vinh như thế?

Ai cũng biết rằng, trong xã hội có biết bao nghề và nghề nào cũng cao quí nếu nó đem lại những lợi ích cho đời, cho con người. Thậm chí đó là những nghề phải tiếp xúc với những thứ hôi thối như làm công nhân quét/gom rác, công nhân rút hầm cầu, công nhân vét ống cống,…

Nghề dạy học, cũng như bao nghề khác, là nghề cao quí.

1. Sự cao quí của nó thể hiện trước hết ở chỗ nó là nghề có ích cho xã hội, cho con người.

* Nghề dạy học là nghề có ích cho xã hội: Nếu không có nghề dạy học, không có lao động của người giáo viên thì làm sao xã hội có được những con người có đức, có tài tham gia vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật,… góp phần làm cho xã hội văn minh, phồn vinh? Nói cách khác, đối với xã hội, nghề dạy học thực hiện những chức năng xã hội quan trọng là chức năng kinh tế - sản xuất, chức năng chính trị - xã hội, chức năng tư tưởng – văn hóa.

+ Chức năng kinh tế - sản xuất: Có mấy ai lành nghề mà không cần có sự dìu dắt của người Thầy, từ người Thầy khai tâm, mở trí đến người Thầy dạy nghề? Như vậy, nghề dạy học đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có đạo đức để tham gia có hiệu quả vào các quá trình sản xuất, từ đó làm tăng năng suất lao động xã hội, phát triển kinh tế - sản xuất.

+ Chức năng chính trị - xã hội: Nghề dạy học góp phần tác động vào cấu trúc xã hội, làm thay đổi cơ cấu lao động xã hội; nó tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, về tinh thần trong xã hội dù trước đó các cá nhân có thể xuất thân từ các giai cấp, các thành phần xã hội khác nhau với những tư tưởng khác nhau, từ đó góp phần tạo ra sự ổn định về mặt chính trị - xã hội.

+ Chức năng tư tưởng - văn hóa: Bằng việc trang bị tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cho người học, nghề dạy học góp phần to lớn vào việc nâng cao trình độ dân trí, vào việc xây dựng lối sống tốt đẹp, lành mạnh, vào việc xây dựng hệ tư tướng thống nhất trong toàn xã hội. Đặc biêt, về mặt này, nghề dạy học không chỉ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quần chúng nhân dân trong toàn xã hội do người giáo viên là lực lượng đông đảo nhất và gần gũi, gắn bó nhất với nhân dân. Vì vậy, thật là chí lý khi một nhà thơ Ấn Độ là Tagor có câu rằng giáo dục được một người đàn ông thì được một người đàn ông, giáo dục được một người đàn bà thì được cả gia đình và giáo dục một người Thầy thì được cả xã hội!

* Nghề dạy học là nghề có ích cho con người: Nó góp phần rất lớn vào việc xây dựng nên nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn cho mỗi người chúng ta. Vào thời nào cũng vậy, đó là nghề luôn dạy cho con ngưòi những điều hay, lẽ phải. Thật vậy, người giáo viên không những dạy những tri thức khoa học về các lĩnh vực, qua đó phát triển cho các em những năng lực trí tuệ mà còn bồi dưỡng cho họ thế giới quan khoa học, những phẩm chất về chính trị và đạo đức. Nói cách khác, sản phẩm của nghề dạy học là nhân cách con người - cái quí nhất trong cuộc đời này. Vì vậy, công việc của người giáo viên là công việc hết sức thiêng liêng và cao cả, dù không là người tạo ra hình hài, vóc dáng, dù không máu mũ ruột rà với học sinh, nhưng các Thầy Cô luôn thương yêu và vun đắp để họ có thể vững bước vào đời, có thể sống xứng đáng là con người. Mỗi người chúng ta, thử hỏi nếu không có sự dìu dắt của các Thầy, Cô thì có phát triển đầy đủ những phẩm chất nhân cách hay không?

2. Ngoài cái cao quí thể hiện ở vai trò, ở chức năng xã hội như đã trình bày ở trên, sự cao quí của nghề dạy học còn thể hiện ở chính lối sống, ở những phẩm chất cao đẹp của nhà giáo.
Trong thực tế, khi có ai đó có hành vi sai trái về đạo đức mà làm một số nghề nào khác thì người ta chỉ phê phán bản thân anh ta. Nhưng nếu anh ta là người giáo viên thì người ta sẽ đem cả nghề nghiệp của anh ta ra mà phê phán: “Thầy giáo gì mà…!”, “Cô giáo gì mà…”,… Điều đó thể hiện xã hội, nhân dân đặt ra những yêu cầu rất cao đối với đạo đức của người giáo viên và qua đó cũng nói lên sự đánh giá rất cao đối với họ.
Sở dĩ có sự đánh giá cao đó là vì từ xưa đến nay, dù là ở xã hội nào, người giáo viên bao giờ cũng có lối sống mẫu mực, cao thượng vì họ luôn ý thức được vị trí, vai trò của mình trong xã hội, đối với học sinh.

+ Đó là người trọng nghĩa khinh tài, luôn đặt những giá trị đạo đức – tinh thần lên trên những địa vị, những lợi ích vật chất. Trong lịch sử, có biết bao nhiêu nhà giáo đã khước từ địa vị, tiền tài để chấp nhận cuộc sống đạm bạc nhưng thanh cao. Trong hiện tại, làm sao đếm hết những nhà giáo tâm huyết với nghề, một mực gìn giữ sự trong sạch và coi đó như là không khí để thở. Họ nghèo vật chất nhưng có thừa lòng tự trọng, không cho phép bất cứ ai xem thường phẩm giá của mình. Nếu có những ai đó vì những lợi ích vật chất riêng tư mà làm những chuyện trái với đạo lý thì đó cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, bị đồng nghiệp và nhân dân lên án. Còn chuyện các nhà giáo dành một phần thu nhập khiêm tốn của mình để đỡ đầu học sinh nghèo, để làm việc nghĩa nào có phải là chuyện hiếm.

+ Đó là người giàu tình cảm. Họ hết mực yêu thương con người, mà trước hết là yêu thương học sinh của mình khác gì cha mẹ yêu con cái. Tình yêu này thể hiện bằng những việc làm cụ thể đa dạng: quan tâm chăm sóc sức khỏe học sinh như uốn nắn từng tư thế ngồi không đúng, giúp đỡ tiền bạc những lúc học sinh ốm đau, gặp khó khăn trong cuộc sống,…; có niềm vui khi được tiếp xúc với học sinh và được làm việc vì học sinh; tận tụy, chịu khó thức khuya dậy sớm để học sinh mình có những giờ học lý thú, để học sinh tiến bộ về học tập, về đạo đức; vui với những tiến bộ, những thành công của học sinh và lo buồn trước những sai trái, chậm tiến của học sinh. Về cái “Tâm” của nhà giáo, một nhà giáo dục nổi tiếng có câu “Nếu anh không thể như người Cha thì anh không thể là người Thầy”.

+ Đó là người có lối sống mẫu mực. Các nhà giáo luôn giáo dục học sinh mình sống có đạo lý, vì vậy mà họ luôn có ý thức là phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của bản thân để xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh và cả mọi người noi theo. Đặc biệt là không chỉ gương mẫu trước học sinh mà còn gương mẫu ở mọi nơi, mọi lúc. Điều đáng nói là, đối với họ, việc lúc nào cũng phải sửa mình, khép mình vào khuôn mẫu đạo đức không phải là việc khổ sở, gò bó mà là việc tự nhiên, việc bình thường, là cái như đã biến thành bản chất của họ. Sống buông thả, phóng túng, vô kỷ luật, vi phạm luật pháp,... là những điều hết sức xa lạ đối với các nhà giáo của ta.

+ Đó là người có tinh thần lạc quan trong cuộc sống mà trước hết là lạc quan trong công tác giáo dục, thể hiện ở chỗ tin tưởng vào sức mạnh cảm hoá của giáo dục, vào bản chất tốt đẹp của con người. Nhờ vậy, họ mới có tinh thần vượt khó, mới làm hết sức mình để tìm hiểu đặc điểm, hoàn cảnh sống của từng học sinh, từ đó tìm ra những biện pháp giáo dục học sinh có hiệu quả. Những thành công trong công tác giáo dục học sinh cá biệt của các giáo viên đã minh chứng cho điều này.

Vì nghề dạy học là nghề cao quí như đã phân tích trên đây, nên mọi người, từ cổ chí kim, từ Đông đến Tây, từ các học giả đến người bình dân, đều hết lời ca tụng. Vì vậy, những ai đã vào nghề cũng như những ai sắp vào nghề cũng đều phải hiểu mà không ngừng tu dưỡng, phấn đấu để, một là tạo và giữ uy tín cho bản thân, hai là đạt được sự thành công trong công tác giáo dục học sinh, ba là xứng đáng với lòng tin yêu của học sinh, của quần chúng nhân dân. Phần thưởng mà mỗi nhà giáo tốt nhận được là vô giá, đó là niềm vui tinh thần bất tận.

Người viết: Phan Thị Nga


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: KÍNH GỞI CÁC THẦY CÔ
Gửi bàiĐã gửi: 19 Tháng 11 2011, 22:39
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam, xin được chúc mừng cô Giáo PTN và các thầy, cô khác được nhiều người yêu mến, quý trọng. Quý vị thầy cô sẻ có nhiều học trò thành đạt, để tiếng thơm cho trường. :ros: :ros: :ros: :ros: :ros: :ros:


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: MỘT VÀI THÔNG TIN
Gửi bàiĐã gửi: 20 Tháng 11 2011, 07:53
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)

Người tạo chủ đề
TNP cảm ơn BQ đã có lời chúc tốt đẹp.
Chúc bạn luôn vui khỏe và thành công.
TNP


MỘT VÀI THÔNG TIN

- Đồng thời với bài viết, TNP gởi tin nhắn, email để chúc mừng các Thầy Cô (có số ĐT và đ/c email). Các Thầy Cô vẫn khỏe và có hồi âm cho TNP, Thầy Cô bảo rất nhớ học trò, nhớ trường cũ; cũng rất vui và cảm động khi có học trò thăm hỏi (bằng thư từ, ĐT, đến nhà).

- Em Thanh Hằng có gọi ĐT cho TNP và nhờ TNP đưa lên lời chúc 20/11 của em đến tất cả các Thầy Cô (em đang kẹt không lên mạng được).

- Khoảng tháng trước TNP có gọi điện thăm thầy NV.Huyện, nghe thầy nói thầy không được khỏe lắm (ăn không ngon và khó ngủ). Hồi nãy TNP gọi điện thăm thầy thì được biết thầy đã sang ở nhà đứa con gái lớn (Anh Thư, công tác ở trạm Y tế xã Hòa Lạc, nhà ở chợ xã Hòa Lạc - cách nhà thầy khoảng 3km) để điều trị bệnh. Thầy bị đẹn, lở ở miệng và lưỡi rất nặng==> ăn, nói không được==>suy nhược. Nay đã có thuyên giảm chút ít. TNP đã xin số ĐT bàn nhà Anh Thư và đã liên lạc được với thầy.

Số ĐT bàn
+ ở nhà thầy: 0763.811531
+ ở nhà Anh Thư: 0763.811256

Vậy TNP báo cho mọi người hay để ai có điều kiện thì gọi ĐT hoặc đi thăm thầy.
Chúc mọi người vui khỏe và bình an.
TNP


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 3 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]

» KÍNH GỞI CÁC THẦY CÔ «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu