Chuyện Phiếm Về Tóc
Với tính tình xuề xòa, qua loa nên từ nhỏ đến lớn tôi ít quan tâm đến chuyện tóc tai hay kiểu cách chải đầu. Bước ra đường dù đi học hay đi làm miễn đầu tóc gọn gàng không như ổ chuột là được. Theo thói quen từ nhỏ hễ tóc mọc dài đến vành tai, cảm thấy nực nội khó chịu là tôi đi hớt mà phải hớt cao, hớt cua nó mới “mát”. Kể ra tôi cũng khá "chung thủy" với kiểu tóc này và cả với “những” ông thợ hớt tóc. Phải cho phép tôi dùng từ “những” bởi vì trong cuộc sống ít ai có thể ở nơi quê hương mình mãi, tôi cũng sống và trôi dạt theo dòng đời vì thế “chung thủy” ở mức tương đối. Nhớ lúc nhỏ có ông thợ hớt tóc già đội nón nỉ hay đạp xe đi vòng vòng Tân Châu hớt dạo. Tôi không nhớ tên ông cũng không nhớ đã gọi ông bằng gì, chỉ nhớ mỗi lần ngoại gọi tôi cho ông hớt tóc là tôi bắt cái ghế cây ra giữa nhà hay trước hàng ba, rồi ông mở thùng đồ nghề nhỏ bằng thiết được cuộc bằng dây cao su, sau đó lấy ra kéo, lược, tông đơ và choàng quanh tôi một miếng vải trắng ngã màu ngà và bắt đầu hớt. Ông dùng tông đơ tay để hớt lâu lâu lại châm dầu vào để hớt cho “bén” . Phần cạo mặt, chấn pát (???) ông hay dùng cây dao cạo mài lên cái miếng da buộc sau yên xe đạp ngay thùng đồ nghề của ông. Tôi hay rùng mình, sởn tóc gáy vì sợ cảnh bị cạo mặt có thể làm chảy máu. Cái sợ của một đứa con nít vậy thôi chứ ông làm cũng khá "nghề" có lần nào bị chảy máu đâu?. Mỗi lần hớt xong tôi chỉ có nhiệm vụ là...dọt đi tắm, Tôi không thích cảm giác bị tóc châm chích vào da gây ngứa ngáy nhưng tôi lại thích dùng tay rờ phần sau ót của mình khi mới cạo xong vì nó nhám nhám, đã đã. Sau này, mẹ tôi có kể là ông đã hớt tóc cho tôi từ lúc tôi còn rất nhỏ (hình như từ khi chào đời) như vậy là "mối" lâu năm rồi! Kể ra kiểu tóc tôi khá lạ và khi đi học hay bị chọc là tóc “muỗng dùa” tức là lấy cái gáo dừa úp lên đầu, hớt những tóc còn lòi ra…là thành cái kiểu tóc của tôi. Giờ ngồi mà tưởng tượng cái đầu ngày xưa thấy phát…khiếp, kể ra mình cũng vô tư “đội” nó đi học suốt bảy, tám năm. Với ông thơ già hớt tóc tôi có nhiều kỷ niệm thời niên thiếu. Tôi còn nhớ khi học lớp 3-4, tôi có con mèo cái tam thể nhưng nó đẻ nhiều quá nên ngoại phải đem cho mèo con và cứ kiếm người cho mèo hoài cũng mệt nên ngoại và mẹ đã quyết định đem cho con mèo mẹ. Khi tôi đi học về không thấy con mèo đâu tôi hỏi: "Ủa? Con mèo đâu rồi mẹ?" "Ngoại đem cho rồi"- mẹ nói "Vậy Ngoại đem con mèo cho ai rồi?" – Tôi hỏi tiếp "Cho ông già hớt tóc nuôi" - mẹ tôi trả lời Không có con mèo cũng buồn đấy chứ nhưng khi tôi nghĩ ông già hớt tóc đó cũng hiền chắc con mèo tôi sẽ “an phận” thôi.Bẵng đi hai, ba tháng con mèo của tôi lại tìm đường về nhà, nó kêu meo meo đi quanh quẩn bên tôi, ốm hơn xưa, tôi mừng lắm và xin mẹ cho nuôi lại. Mẹ bằng lòng. Con vật trung thành vậy ai nỡ đem cho nó nữa. Lên lớp Chín, tôi hay theo ba đi hớt tóc trong cầu Lê Tân. Ông thợ hớt tóc mới khá giả và nơi hớt tóc khá sạch sẽ. Ông hớt bằng tông đơ máy và đặc biệt có lấy ráy tai. Tiệm ông lúc nào cũng đông khách có khi tôi và ba ngồi chờ cả tiếng đồng hổ để đến lượt mình. Tôi thích cái mùi thơm là lạ mỗi khi ông xịt nước lên tóc cho ướt để chải. Lúc này, tôi đã để tóc kiểu bảy-ba nhưng có cái lạ là chẻ ngược bên với người bình thường. Ông thợ hớt tóc nói nếu chảy như người bình thường thì sẽ ngược hướng với cái xóay trên đầu tôi và tóc sẽ dựng ngược. Tôi lại mê chổ hớt tóc mới vì ở đó có khá nhiều báo và truyện tranh. Khi hớt ông nói gì tôi cũng ậm ờ qua chuyện và ngồi im…đọc báo. Tôi hớt tóc ở đó cho đến khi tôi lên Sài gòn học đại học. Hè năm đầu tiên xa quê tôi cũng rang chừa cái đầu bù xù về cho ông ta hớt và tết về cũng vậy. Tôi để tóc theo kiểu truyền thống chẻ bảy – ba nhưng khi đi học xa tôi lại hớt thử kiểu đầu đinh 2-3 phân, mấy đứa bạn học đại học nói nhìn ngầu, xã hội đen và…đẹp trai hơn nên tôi quyết định hớt tóc ngắn ngủn, đinh vuông, khi tóc dài ra sẽ chải bảy –ba, đến khi không chịu nổi sự nực nội sẽ hớt đinh lại. Sáu năm ở Sài Gòn tôi đi hớt tóc vài tiệm do một, hai năm lại chuyển nhà một lần. Tôi thường hớt tóc ở sư phụ “Tám” và trước khi xuất ngoại tôi cũng theo anh Tám hơn một tháng cầm dao, cầm kéo học hớt cấp tốc để sang Mỹ có một cái nghề nếu lỡ …sa cơ. Cảm giác đầu tiên là cầm cây dao cạo râu người khác quả thật chưa cầm chưa biết…run. Sau hai tuần, tôi đã bắt đầu hớt phụ, nhưng hớt cho mấy đứa con nít mồ côi thôi. Theo quán tính “tóc mình hớt sao thì hớt tóc người khác y chang vậy” thế là “em” nào đã bước vào tiệm tôi cũng “thực tập” từ tóc bù xù thành tóc “mát mẻ” , cũng may là hớt …free không thì bị kiện chết. Một lần nọ do tiệm đông khách, tôi hớt nhanh nhanh cho một thằng nhóc, cạo lông mặt ngọt quá đến khi dòm lại thấy vành tai thằng nhỏ chảy máu??? Mà nó ngồi im thin thít không dám hó hé. Tôi lấy bông gòn chậm máu mà miệng xin lỗi rối rít còn mặt anh Tám thì xanh lè vì nó là con ông khách quen. Hên là nó không kêu ba nó lại và cũng không đập tôi một trận không thì còn mạng đâu ngồi đây đánh máy. Sang Mỹ, tôi cũng xin được việc làm, cũng đi học thêm nên chuyện làm ..thợ hớt tóc đã gác lại. Hớt tóc bên Mỹ khá lạ so với Việt Nam: không lấy ráy tai vì an toàn và hớt bằng nhiểu lọai tông đơ, hớt cũng khá nhanh. Bên Mỹ, thanh niên ai cũng chuộng kiểu tóc hớt cao nên tôi cũng không ngại chơi lại kiểu đầu lúc nhỏ, hớt cua tuy nhìn hơi…ngố nhưng mát mẻ và…hợp thời trang. Tôi hay hớt ở tiệm của ông người Tàu gần nhà. “Chú cứ hớt cao cao, miễn không cạo trọc là được” – tôi hay nói giỡn với ông ta như thế. Mỗi lần hớt cho tôi tôi ông lại nói: tóc cậu nhiều quá, chẻ bảy-ba không thấy chân tóc! Hớt ngắn về nhà nhớ lấy gel vuốt ngược lên cho đẹp. Tôi lại cười bảo: “nghe nói qua đây tắm gội vài năm tóc sẽ rụng thôi chú ơi ??? tóc cháu như vậy mai mốt rụng là vừa, không sợ hói.” Ông cười ha hả. Tôi lại ngụy biện: “Cháu làm biếng lắm, chú hớt sao mà thức dậy cháu không cần chãi đầu, chứ để keo…ngứa lắm. Hơn nữa cháu không thích rờ cái đầu tóc cứng ngắc.” Chuyện tóc tai đem ra bàn cũng khá vui, có người quan trọng và có người không quan trọng vấn đền này. Riêng tôi hớt gọn gàng và không nhuộm vàng, đỏ phản cảm là được.
SJ 02/08
|