Thời đại Hùng Vương là thời đại có thật không?
Ðó là thời đại có thật, kéo dài 2622 năm với 47 đời vua (chứ không phải chỉ 18 đời).
Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, xin mời quý hữu đọc vài nét đan thanh:
Trong thời đại Hồng Bàng, về cơ cấu lãnh đạo thì có Hoàng Ðế Lạc Long Quân, Lạc Vương (Hùng Vương), Lạc Hầu, Lạc Tướng, Tiên Chỉ và Lý Trưởng; về sinh hoạt, người Việt có tục vẽ mình, ăn trầu, nhuộm răng, thờ cúng tổ tiên, các vị thần, và cắt tóc ngắn; có chữ viết (loại chữ Môn), xem thiên văn, có quy lịch; về khí cụ: đã biết sử dụng đồ đồng và sắt; đã biết chăn nuôi chó, trâu, bò, gà, heo, voi, nhưng chưa có dấu về ngựa; về khí giới: chế các cung, nỏ, và giáo; về Ðạo: đã có ý niệm về mọi việc do Trời định; đã biết cúng tế Trời Ðất, Thần và tu Tiên; về nghệ thuật: đã phát triển ca vũ cùng với các loại trống, khèn, sáo cồng, chuông và lục lạc; nặn tượng, vẽ và khắc. Tóm lại, văn hóa thời đại Hồng Bàng đã khá tốt, đúng với chữ “Văn” trong tên nước Việt là Văn Lang (Lang là làng hay là nước).
Sơ Ðồ Tổ Tông Việt Tộc
Viêm Ðế Thần Nông
(Thủy Tổ Việt Tộc)
↓
Ðế Minh
(Cháu ba đời Thân Nông, vợ: Vụ Tiên)
↓
Kinh Dương Vương (Lộc Tục, vợ: Thần Long; 2879 TTL)
↓
Lạc Long Quân (Sùng Lãm, vợ: Âu Cơ; 2793 TTL)
↓
Trăm con Trai à Bách Việt
↓
Hùng Vương (con cả)
(Nước: Văn Lang. Ðô: Phong Châu; Ngôi: 2524 TTL)
(Vật Tổ (totem): RỒNG (Uy & dũng) & TIÊN (Ðẹp & thọ). Chữ viết: Môn. Nước gọi là Làng)
Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư do sử gia Ngô Sĩ Liên biên soạn (1479, Hậu Lê; xem Nguồn Gốc Việt Tộc, tr. 78) ghi về Kỷ Hồng Bàng:
Thủy tổ của ta là con cháu của [Viêm Ðế] Thần Nông. … Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước Ðại Việt ta cùng với thời Ðế Nghi [anh của Vương] ở phương Bắc lên ngôi năm Nhâm Tuất 2879 TTL.”
(Lưu ý: chữ “Vương” ở đây chỉ tên người chứ không có nghĩa là Vua)
Ðế Minh, cháu ba đời của vua Viêm Ðế Thần Nông, sinh ra Ðế Nghi và Vương (Lộc Tục). Ðế Minh lập Ðế Nghi (con trưởng) làm Vua phương Bắc và cho Vương tức Kinh Dương Vương làm Vua phương Nam.
Thời đại tiền Hùng Vương: Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quy (sử Tầu gọi xếch mé là Xích Quỷ). Vua Kinh Dương Vương lấy Thần Long, con gái của Chúa Ðộng Ðình và sinh ra Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm.
Lạc Long Quân lấy Âu Cơ và sinh ra bọc trứng nở ra 100 con trai. Rồi, 50 con theo cha (Rồng) xuống miền biển; con 50 con theo mẹ (Tiên) lên miền núi. Ðó là truyền thuyết của Bách Việt.
Lạc Long Quân truyền ngôi cho con cả là Hùng Quốc Vương, húy là Hùng Lân, từ năm 2524 TTL, hiệu là Hùng Vương mở ra triều đại Hùng Vương gồm 18 thế đại với 47 vua, dài 2622 năm. (tr.513 Nguồn Gốc Việt Tộc.)
Thời đại Hùng Vương Thập Bát Diệp là thời đại có thật: Ngoài các chính sử của người Việt và của người Tầu, các sử tích của nước Việt cổ hiện còn được ghi chép trong Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư gồm bốn (4) quyển viết bằng Hán văn do dòng tộc trưởng họ Nguyễn Ðức sao chép từ năm 971 đời Ðinh Tiên Hoàng. La Sơ Phu Tử Nguyễn Thiếp (đời Tây Sơn) ghi chép lại cẩn thận và có thêm chú giải (xem Nguồn Gốc Việt Tộc, Phạm Trần Anh, 2007, tr. 487).
Theo Ngọc Phả Truyền Thư thì Kinh Dương Vương có sáu (6) vợ và 5 con trai. Hai con đầu, Nguyên Nghiêm và Nguyên Thôi đi tu theo bà nội là Hương Văn Cái Bồ Tát. Người con thứ ba là Nguyên Lãm; sau đổi là Hùng Lãm rồi Sùng Lãm. Sau khi lên làm Vua, Sùng Lãm lấy tên hiệu là Lạc Long Quân
Lạc Long Quân có 9 vợ chính thức và 118 hoàng tử cùng 218 công chúa. Lạc Long Quân cai trị 15 tộc bộ bao gồm Hồ Bắc, Châu Kinh ở phía bắc sông Dương Tử, và Hồ Nam, Giang, Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng xuống tới Cửu Chân, Cửu Ðức, …(Nguồn Gốc Việt Tộc, tr.487).
Ngoài cuốn Ngọc Phả Truyền Thư kể trên còn có hai cuốn ngọc phả nữa. Cuốn (1) Nam Việt Hùng Vương Ngọc Phả được biên soạn vào thời vua Lê Ðại Hành (980). Cuốn (2) Cổ Việt Hùng Thị Thập Bát Diệp Thánh Vương Ngọc Phả Cổ Truyện do Hàn Lâm Sĩ Nguyễn Cố biên soạn năm 1472 (Nhà Lê): Thời đại Hùng Vương được ghi chép gồm có 47 đời vua từ 2879 TTL đến 257 TTL, tổng cộng 2622 năm.
Mỗi dòng vua được xếp theo thứ tự Bát Quái và Thập Can.
1. Chi Càn: Kinh Dương Vương, sinh 2919 TTL; lên ngôi năm 2879; dài 86 năm.
2. Chi Khảm: Hùng Hiền Vương /Lạc Long Quân, sinh: 2825 TTL; Ngôi 2793 TTL; dài 269 năm.
3. Chi Cấn: Hùng Quốc Vương (húy là Hùng Lân); Ngôi: 2524 TTL; dài 271 năm; Hiệu: Hùng Vương.
4. Chi Chấn: Hùng Hoa Vương (húy Bửu Lang), sinh năm 2254 TTL; dài 342 năm.
5. Chi Tốn: Hùng Hi Vương (húy Bảo Long) sinh 2030 TTL; dài 200 năm.
6. Chi Ly: Hùng Hồn Vương (Long Tiên Lang) sinh 1740 TTL; 81 năm.
7. Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương (húy Quốc Lang) sinh 1659 TTL; dài 200 năm.
8. Chi Ðoài: Hùng Vĩ Vương (húy Văn Lang) sinh 1469 TTL; dài 100 năm.
9. Chi Giáp: Hùng Ðịnh Vương (húy Chân Nhân Lang) sinh 1375 TTL; dài 80 năm.
10. Chi Ất: Hùng Uy Vương (húy Hoàng Long Lang) sinh 1287 TTL; dài 90 năm.
11. Chi Bính: Hùng Trinh Vương (Húy Hưng Ðức Lang) sinh 1211 TTL; dài 107 năm.
12. Chi Ðinh: Hùng Vũ Vương (húy Ðức Hiền Lang) sinh 1105; dài 96 năm.
13. Chi Mậu: Hùng Việt Vương (húy Tuấn Lang) sinh 982 TTL; dài 105 năm.
14. Chi Kỷ: Hùng Anh Vương (húy Viên Lang) sinh 894 TTL; dài 89 năm.
15. Chi Canh: Hùng Triệu Vương (húy Chiêu Lang) sinh TTL; dài 94 năm.
16. Chi Tân: Hùng Tạo Vương (húy Ðức Quân Lang) sinh 712 TTL; dài 92 năm.
17. Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương (húy Bảo Quang) sinh 576 TTL; dài 150 năm.
18. Chi Quý: Hùng Duệ Vương (húy Huệ Vương Lang) sinh 421 TTL; dài 150 năm