Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 27 Tháng 11 2024, 15:54
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 1363 | Trả lời: 0)
Tiêu đề bài viết: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 5 2012, 18:58
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Sinh nhật: 00-00-0000
Ngày tham gia: 06 Tháng 7 2007, 21:32
Bài viết: 2245

Người tạo chủ đề
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò... sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta-chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

NGUYỄN DUY

(Trích trong tập Mẹ và em-NXB Thanh Hóa 1987)



LỜI BÌNH CỦA MỘT SỐ TÁC GIẢ

Vào trước thiên niên kỷ mới, nhóm soạn giả là những nhà thơ nổi tiếng đã chọn bài “Xuồng đầy” và “Nhớ bạn” của Nguyễn Duy vào tuyển tập thơ lục bát Việt Nam. Nhưng khi có trên tay tập “Thơ Nguyễn Duy”, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý IV năm 2010, tôi thấy thế mạnh của anh vẫn là lục bát. Sau khi đọc hết tập, tôi quyết định chọn bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ gốc xứ Thanh, hiện đang sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bài lục bát khá nhuyễn, hình ảnh chân thực của người mẹ quê được tác giả mô tả với những xúc cảm nội tâm, không bị tỳ vết của ca dao. Bằng những vần thơ dung dị với cách sắp xếp ngôn ngữ khá hợp lý, Nguyễn Duy đã đưa chúng ta từ những nét phác thảo hình ảnh chân thực sang hình ảnh nghệ thuật độc đáo. Bài thơ 14 câu được ví như một bức tranh nghệ thuật trừu tượng với 14 gam màu rặm ruội kính dâng lên chân linh người sinh thành ra mình. Bà mẹ trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” có thể hiểu với nghĩa đen là người đã sinh ra mình, nhưng với nghĩa bóng đây là quê hương, đất nước của thi nhân.
Bức tranh nghệ thuật 14 sắc màu này được lần lượt bừng lên bằng quá trình chọn lọc hình ảnh khá sáng tạo, linh hoạt với những gam sáng tối đưa ta trở lại miền quê yêu dấu. Ngay ở chốn linh thiêng nhất trong gia đình, ta thấy “Chân nhang lấm láp tro tàn”, được tác giả tạo ra như bức ảnh không gian ba chiều nhói vào lòng độc giả cảnh nghèo khó ở vùng quê xa xôi. Còn hình tượng bà mẹ ngày xưa được tái hiện khá rõ nét: “Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”. Phụ từ “xăm xăm” đã lột tả phần nào cảnh bần hàn, tất bật hình ảnh người nông dân một thời đã xa. Khúc mở đầu với chất giọng chân mộc, nhạc điệu gợi cảm tha thiết, tác giả đưa ta về nơi chôn nhau cắt rốn, khi người sinh thành ra mình đã yên giấc ngàn thu.

Sang khổ thơ thứ hai, một nỗi buồn lặng thấm về gia cảnh nghèo nàn của người phụ nữ thôn quê: “Mẹ ta không có yếm đào. Nón mê thay nón quai thao đội đầu. Rối ren tay bí tay bầu. Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa”. Những yếu tố bất ngờ đồng âm, cách dùng từ khéo léo, Nguyễn Duy đã xây dựng chuỗi hình ảnh về người mẹ khá ấn tượng. Tác giả đã dùng tính từ “rối ren” ở câu “lục” trên khá sắc sảo làm biến ảo nội dung và thi tứ cả khổ thơ này.

Sang khổ thơ thứ ba tiêu biểu nhất là câu “Ta đi trọn kiếp con người. Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Đây là một câu thơ khá hay, điển hình trong thơ Nguyễn Duy nói về công lao trời biển của bậc sinh thành ra mình. Ở đây tâm thi và hình thi sáng lên, nguồn mạch ngọt ngào trong cảm xúc nội tâm tác giả, có thể ta nhận đây là “câu thơ chủ đạo” của cả bài thơ. Cũng từ ý này Nguyễn Duy đã triển khai ra các câu tiếp theo. Bằng những ngôn từ dễ gần dễ nhớ, câu thơ mộc mạc nhưng đậm chất hồn quê như trái bưởi, chiếc chiếu, bầu trời, sao... tác giả đã mô tả sinh động những xúc cảm tâm huyết thời thơ ấu của mình.

Men theo miền ký ức tuổi thơ của Nguyễn Duy, từng con chữ được phơi bày ra bằng những hình ảnh thân quen như sông Ngân Hà, quạt mo thằng Bờm, đom đóm... Rồi câu cuối của khổ thơ “Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi” khá tinh tế và gợi. Phụ từ “leo lẻo” đã được Hồ Xuân Hương tả với câu thơ nổi tiếng “Nước trong leo lẻo một dòng thông”. Nhưng ở đây Nguyễn Duy đã sáng tạo, làm mới trong sử dụng ngôn ngữ những vui buồn cũng “trong leo lẻo” và đó mới chính là thơ và hình ảnh thân thuộc này được tác giả chấp cánh cho câu thơ bay lên. Tất cả các hình tượng đẹp đẽ đó đều nằm trong lời ru của mẹ. Những lời ru ấy qua năm tháng đã thấm dần vào tâm trí của tuổi thơ tác giả nói riêng và tuổi thơ con người nói chung, rồi lan tỏa có đi có lại từ người viết sang tâm hồn người đọc bằng một sóng điện từ nhạy cảm.

Sang khổ thơ thứ sáu ta thấy ở bài thơ này lại lóe lên câu thơ khá đẹp: “Mẹ ru cái lẽ ở đời. Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn”. Thi liệu ở đây đậm đặc, giản dị, nhạc điệu gợi cảm gợi hình da diết, nhưng bề bộn hình ảnh. Cảm xúc bị dồn nén, tác giả đã dùng thi pháp đối nhau giữa hồn và xác, một lần nữa làm câu thơ bất ngờ sống động, loang xa. Lần theo từng con chữ tiếp theo, đời này nối tiếp đời kia, lời ru ấy truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác: “Bà ru mẹ, mẹ ru con”. Khổ kết của bài thơ chẳng khác nào một lời nhắn nhủ của thế hệ trước cho thế hệ sau, đừng bao giờ quên ơn công lao trời biển của mẹ cha. Câu “bát”: “Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa” với hình ảnh khá tường tận về tấm lòng bao dung của người mẹ, đây cũng là chủ đề của bài thơ.

Với hồn thơ đôn hậu, câu kết là câu ca dao quen thuộc, nghệ thuật chủ đạo là chất trữ tình đã được Nguyễn Duy dùng trong nhiều bài lục bát của anh như: “Áo trắng má hồng”, “Được yêu như thể ca dao”, “Nhìn từ xa...Tổ quốc”,... Với con mắt tinh tường, cách dùng tượng hình, tượng thanh uyển chuyển đã tạo nên bài thơ khá gợi cảm được ngân vang một cách tự nhiên. “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” chưa phải là bài lục bát hay nhất của Nguyễn Duy, nhưng trong đó có những câu thơ “đinh”, sẽ tồn tại mãi với thời gian.

TÔ NGỌC THẠCH

*************************

"NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA" CHUỖI HỒI TƯỞNG CẢM ĐỘNG CỦA NGƯỜI CON VỀ MẸ

Thơ viết về đề tài người mẹ của các thế hệ, các dân tộc từ xưa đến nay nhiều không kể xiết. Bài thơ "ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là chuỗi hồi tưởng cảm động của người con về mẹ.Bài thơ neo đậu theo dòng thời gian trong lòng bạn đọc những cảm xúc thơ mà ai đọc cũng cảm thấy "hình như giống mình", "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" là một bài thơ như vậy. Thơ viết về đề tài người mẹ của các thế hệ, các dân tộc từ xưa đến nay nhiều không kể xiết. Bởi lẽ: Công cha "như núi Thái Sơn" nhưng còn định lượng, đo đếm được, còn "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" thì biết bao giờ cho cạn...

Cách đây hơn 3000 năm đã có thơ nói về người mẹ được Khổng Tử (551 - 479 TCN) chép lại trong bộ "Kinh Thi" về "đức cù lao" - công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con gái.

Trong "Chín chữ cù lao" thì "sinh ngã" (sinh đẻ ra) và "cúc ngã" (cho bú mớm) là thiên chức của người mẹ.

Bà thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là nỗi nhớ cảm động của người con về mẹ trong quá trình sinh thành dưỡng dục.

Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Duy đấy đắp hoài niệm về người mẹ mà nguyên mẫu là bà ngoại.

Nhà thơ bộc bạch: "Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về người mẹ trong bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" chính là hình ảnh bà ngoại tôi hồi đó... Những đêm hè trời trong, gió mát bà tôi thường trải manh chiếu cói trên mặt đê sông Mã. Cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện "Hằng Nga", chuyện "thằng cuội ngồi gốc cây đa/để trâu ăn lúa...", chuyện ngụ ngôn nào đó, hoặc là đếm "một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng...".

Mở đầu bài thơ khởi nguồn cho nỗi nhớ mẹ của tác giá từ một thời điểm gợi cảm (về đêm) và một không gian đậm đặc tâm linh (khói nhang, hương của loại hoa chuyên thờ cúng - hoa huệ).

Hình ảnh người mẹ hiện về cùng bao kỷ niệm thân thương. Đó là người mẹ nghèo, nơi đồng quê, rơm rạ với "nón mê", "váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa" cùng với câu ca mẹ hát ru: "cái cò lặn lội bờ sông"...

Những kỷ niệm tuổi thơ biến thành nỗi nhớ ở mỗi con người đều gắn với những hình ảnh, việc làm cụ thể mang tính trực cảm.

Nhà thơ nhớ tới mẹ mình không chỉ là lời ru mà còn qua đồng quà tấm bánh, "trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm" - những món quà quê như nhà thơ tâm sự cùng bạn đọc: "đã trở thành những miếng ngon tột đỉnh trong đời".

Sự hy sinh, đùm bọc đứa con của mẹ gắn với những hành động yêu thương rất đỗi bình thương, cụ thể: chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo phần con và "Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương". Hình ảnh những đêm hè được mẹ trải chiếu ở sân, vườn, bờ đê trên những thảm cỏ mát rượi nằm ngắm bầu trời, đếm sao, nằm nghe kể chuyện chị Hằng, chú Cuội... là hình ảnh thân quen của bao người...

Bài thơ neo đậu theo dòng thời gian trong lòng bạn đọc những cảm xúc thơ mà ai đọc cũng cảm thấy "hình như giống mình", "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" là một bài thơ như vậy.

Nguyễn Duy có giọng điệu thơ trữ tình đan xen triết luận. Đọc đoạn thơ "Mẹ ru cái lẽ ở đời/ sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ... Mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng" người đọc cảm nhận sâu sắc công dưỡng dục, đức cù lao của người mẹ đối với con cả phần xác lẫn phần hồn, cả miếng cơm, manh áo đến lẽ sống tốt đẹp ở đời. Theo dòng chảy của thời gian chân lý này tồn tại vĩnh hằng: "Bà ru mẹ... Mẹ ru con" như một quy luật tự nhiên. Tuy nhiên nhà thơ cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng liệu những lời ru nuôi dưỡng tâm hồn ấy mai sau có bị mai một: "Liệu mai sau các con còn nhớ chăng". Sự băn khoan, lo lắng ấy hẳn là không phải không có lý do.

"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là những cảm xúc yêu thương cụ thể của người con đối với mẹ.

Những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ về người mẹ trong mỗi con người là nguồn sống cho những lý tưởng cao đẹp, những giá trị nhân văn giúp cho cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn tiềm ẩn trong mỗi chúng ta phát triển.

TRƯƠNG TỬ KỲ

**********************

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa có bảy khổ, hai mươi tám câu và 196 âm tiết nhưng đã có 11 cặp từ láy: bần thần, lấm láp, xăm xăm, rối ren, đánh đu, nghêu ngao, đom đóm, chập chờn, leo lẻo, xa xôi, xa xăm - đây cũng là một trong những cách biểu đạt thành công nhất của Nguyễn Duy trong thể thơ “6 và 8” (như cách nhà thơ gọi) góp phần cho bài thơ thăng hoa và tạo mạch đồng cảm từ tác giả đến người đọc.
Hình ảnh người mẹ của Nguyễn Duy được viết bằng một cảm xúc chân thành, sâu lắng khi mẹ nhà thơ đã vào cõi vĩnh hằng:

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mạch cảm xúc ở khổ thơ thứ ba khiến ta xao xuyến lạ thường, khi nó thâm trầm bới lời nhắn gởi:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Và những lời ru ấy đã “tiếp nối” trong tâm hồn nhà thơ bằng trải nghiệm dân gian mà đúc kết thành:

Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Ở bài thơ Tre VN, Nguyễn Duy cũng đã nói đến quy luật tự nhiên rằng: “Tre già măng mọc có gì lạ đâu!”. Nhưng nhà thơ “sợ” những nét đẹp truyền thống của dân tộc mai một dần, nỗi lo, cái “sợ” ấy có nguyên do của nó vì ngày nay đã có bao nhiêu người mẹ trẻ ở thành thị không biết hát ru con...

Với cảm nhận của riêng tôi, tôi tin bài thơ sẽ còn sống mãi trong lòng người yêu thơ - vì chính nhà thơ đã “nói hộ” thay cho bao người về một nỗi niềm:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Đọc lên từ trong cõi lòng, ai lại không rơm rớm nước mắt?

NGUYỄN TÝ

*********************

Từ xưa đến nay, hình ảnh người mẹ đã xuất hiện nhiều trong ca Việt Nam. Bởi người mẹ là hình ảnh thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Suốt cuộc đời người mẹ nhẫn nhục thầm lặng nuôi con cho đến khi nhắm mắt xuôi tay người mẹ vẫn cảm thấy mình chưa hết nợ. Và linh hồn của mẹ tình cảm của mẹ vẫn còn vĩnh hằng vẫn còn là ngọn lửa nồng nàn ấm áp trong mỗi đứa con.

Bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của nhà thơ Nguyễn Duy cảm xúc được viết từ gan ruột của anh. Nguyễn Duy là một nhà thơ có bút pháp tài hoa về thể thơ lục bát, âm hưởng phảng phất ca dao nhưng thi tứ thì luôn luôn mới. Bắt đầu tác giả diễn tả cho đọc giả được biết mẹ của anh từ một thế giới hư vô bước ra khi anh cung kính thắp hương cầu nguyện linh hồn mẹ, trước bàn thờ là mùi hương của hoa huệ một bông huệ tinh khiết như tâm hồn cao siêu của mẹ. Trong khói hương ấy lại khiến anh nhớ mẹ vô cùng .Bỗng nhiên dáng hình mẹ ,cuộc đời mẹ tái hiện lại trong lòng tác giả.

Thơ là một công trình khoa học được sáng tạo từ cảm xúc, thơ Nguyễn Duy thường vươn tới được tầm cao khoa học ấy chính là anh đã có trử lượng dồi dào cảm xúc được cấu thành từ cuộc sống, từ trực quan sinh động. Người mẹ trong thơ anh chính là người mẹ của bao nhiêu chàng trai cô gái khác ở một làng quê nông thôn nghèo. Người mẹ nông dân Việt Nam sống trong cảnh đất nước lầm than nên mẹ rất cơ hàn và lam lũ.

Ngày xưa " Yếm đào và nón quai thao " chính là cái thời trang người phụ nữ của nông thôn Việt Nam lúc đó. Yếm đào và nón quai thao là biểu tượng duyên dáng khiến cho nhiều chàng trai nhìn xốn xang và đắm đuối. Nhưng người mẹ của anh chỉ "nón mê thay nón quai thao đội đầu". Nón mê là là một thứ nón nón lá lâu ngày đã bị hư và rách, người ta thường dùng để đậy cà đậy nhút trên vại. Thế mà người mẹ anh vẫn đội. Nón mê thay nón quai thao đội đầu chính là mẹ đội tất cả gian khổ, cay đắng và bất hạnh trên đầu. Vì ai mà mẹ phải đội nón mê chính là vì gia đình vì cuộc sống của con của cháu "Rối ren tay bí tay bầu". Một thời mẹ anh sống là như thế này đây: "Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa ". Khi đọc câu thơ này ta thấy Nguyễn Duy đã trở thành người chép sử (chép một tư liệu quý về phụ nữ nghèo nông thôn thôn thời đó mặc áo nâu sồng nhộm bằng củ nâu và ngâm lụa sồi dưới bùn). Nguyễn Duy không hề gợi cảnh gieo neo, tất bật mà người mẹ than vãn nhưng câu thơ vẫn khiến cho người đọc ứa nước mắt.

Nghèo đến thế lam lũ đến thế nhưng mẹ anh vẫn là hiện hữu của bà mẹ Việt Nam có một tài sản vô giá ,một nhân cách đẹp tuyệt trần. Chính mẹ anh là kho ca dao tục ngữ ,mẹ anh là cuốn sách dày về đạo lý để làm hành trang cho anh bước vào đời. Anh lớn lên từ lời ru của mẹ và mọi vật xung quanh của tuổi thơ ở quê hương là những kỷ niệm còn lưu giữ suốt cuộc đời nhà thơ. Những đêm thu trải chiếu "đếm sao trời". Những bờ ao "lập loè đom đóm" bay. Kỷ niệm ấy không chỉ riêng nhà thơ Nguyễn Duy mà là kỷ niệm của bao nhiêu người khác nữa.

Bài thơ này từ mở đầu đến kết thúc, ngôn ngữ không một chút cầu kỳ uốn lượn. Chân chất như ca dao, chân chất như tấm lòng bà mẹ: nón mê- áo nâu sồng -chân đất, vậy mà bao nhiêu người phải ngượng vọng ,ngưỡng vọng từng câu thơ chan chứa linh hồn mẹ. Bao nhiêu người hiểu thêm công đức to hơn trời biển của người mẹ "Sửa nuôi phần xác ,hát nuôi phần hồn "và tất cả chúng ta đều thấm thía người mẹ đó có được là từ bà. Bà ru mẹ -mẹ ru con. Nhịp cầu nối vô tận của bao bà mẹ Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tứ thơ gây nên một sự đột biến cho đọc giả, một cảm giác mạnh buộc phải nhớ, buộc không ai có quyền xoá nhoà hình bóng mẹ bằng thủ pháp mượn lại hai câu ca dao cũ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm tấm lưỡi lừa cá xương". Để hiểu thêm sức chịu đựng tận cùng của bà mẹ, mẹ chẳng có gì cả hy sinh tất cả để trọn cuộc đời vì con.

PHAN THẾ CẢI

*****************
Bài thơ bắt đầu bằng không gian bảng lảng khói trầm, phảng phất mùi hương huệ trong đêm khuya thanh tĩnh. Hương huệ, khói nhang đã khơi mạch nguồn cảm xúc về hình bóng người mẹ "trần gian thuở nào". Trong mạch nguồn cảm xúc ấy, hình ảnh người mẹ gắn liền với những lời ru xưa như thước phim quay chậm lần lượt hiện về: Mẹ ta không có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu/Rối ren tay bí tay bầu/Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.

Rõ ràng lắm, hình ảnh người mẹ nghèo khó, lam lũ, vất vả, nhọc nhằn. Người mẹ ấy ta đã gặp nhiều trong đời. Rồi, bóng mẹ thoắt mờ nhòe, nhường chỗ cho lời ru của mẹ : "Cái cò… sung chát đào chua". Câu thơ mô phỏng lời hát ru hiền hòa, êm dịu mà xúc động đến nao lòng! Giọng thơ sao cứ ngậm ngùi, gieo vào lòng người những niềm bâng khuâng đến da diết. Lời bài hát ru có thân phận những cái cò quen thuộc trong ca dao với cảnh đời oan khổ, oái oăm? Nó cũng giống như những "cái cò ăn bãi rau răm/ đắng cay chịu vậy đãi đằng cùng ai". Trong câu thơ của Nguyễn Duy, dấu chấm lửng đặt giữa dòng nghe nghẹn ngào như tiếng nấc.

Hình ảnh cái cò trong lời ru hay chính là hình ảnh người mẹ nghèo khó của ông "nón mê thay nón quai thao đội đầu"? Những lời ru ngày xưa ấy nay đã theo mẹ về trời". Chỉ còn đây mùi hương huệ với lãng đãng khói nhang gọi dậy bao hoài niệm nhớ thương, bao thổn thức nơi cõi lòng con. Từ đó, lời thơ Nguyễn Duy trùng xuống những suy ngẫm, những trải nghiệm mang tính triết lý về lòng mẹ và lời ru: "Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru". Nét đặc sắc ở hai câu thơ này là ở từ " đi". Từ " đi" ở câu thứ nhất tức là sống, là trải qua trọn kiếp người, còn từ " đi" ở câu thứ hai tức là thấu hiểu và cảm nhận. Từ những lời hát ru có cánh cò cánh vạc ấy, người mẹ gửi gắm bao nhiêu nỗi niềm vào đứa con thơ. Thuở còn trên tay, con nào đã hiểu gì mà chỉ cần tận hưởng cái âm điệu ngọt ngào, êm ái của lời ru. Để sau này lớn lên, nghe lại, mới dần hiểu, mới dần thấm, nhưng rất tiếc, mẹ đã về cõi "niết bàn" mất rồi! Dường như có tiếng thở dài đang bị nén lại, dường như có chút gì ân hận, có chút gì áy náy còn day dứt trong lòng con. Dân gian có câu: "Có sinh con mới thấu lòng cha mẹ". Vậy mà, người con trong bài thơ này đã "đi trọn kiếp người" nhưng "vẫn kbông đi hết mấy lời mẹ ru". Có thể, đó cũng là niềm tâm sự mà Nguyễn Duy nói hộ tất cả những người đang làm con như chúng ta?

Ngồi buồn nhớ đến mẹ nhớ đến biết bao nhiêu kỷ niệm thời ấu thơ. Hồi ấy có mẹ chăm lo, thắp sáng niềm vui con trẻ những đêm trăng rằm tháng Tám, những đêm mùa hạ với câu chuyện cổ, những bài đồng dao, với dải Ngân hà, với ánh đèn đom đóm chập chờn nơi bờ giậu. Đã có bao thế hệ người Việt ta trải qua một thời ấu thơ bằng những kỷ niệm hồn nhiên, trong trẻo như thế. Từ "manh chiếu" mẹ trải cho con "nằm đếm sao" mà thắp sáng bao ước mơ, khát vọng trong tâm hồn con. Nhớ mẹ, hồi tưởng về những vui buồn tuổi thơ, ý thơ Nguyễn Duy lại trở về với suy ngẫm về lời hát ru của mẹ: Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn/ Bà ru mẹ...…mẹ ru con/ Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.

Thật là một điều may mắn cho những tâm hồn thơ bé khi được tận hưởng lời ru của mẹ. Bao nhiêu "lẽ đời" là bấy nhiêu tâm sự mà thế hệ những người bà, người mẹ gửi gắm trong lời ru. Nếu như sữa mẹ cho ta lớn lên về thể chất thì lời ru của mẹ cho ta lớn lên về tâm hồn. Hơn ai hết, Nguyễn Duy thấm thía những ước nguyện tha thiết của mẹ gửi trong lời ru. Để giờ đây, những vần thơ còn thao thức mãi trong lòng người đọc, nhắc nhở ta luôn: Nhìn về quê mẹ xa xăm/ Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa/ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

Hoàng Mến

(BD sưu tầm)


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 1 bài viết ] [ 0 tập tin đính kèm ]

» Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 0 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và không có vị khách nào
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 0 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu