Đọc bài báo sau đây, tự nhiên tôi nhớ đến CHUYỆN HAI TỜ GIẤY BẠC của PhanVân nên copy về đây.
>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>>
Khi Đại gia không lấy Chân dàiLiệu có gì liên quan giữa những sự vụ chẳng "ăn nhập": từ chuyện đám cưới của một đại gia không lấy chân dài, đến chuyện phụ huynh ăn "trái đắng", chuyện đời tạm bợ của những người công nhân...?1. Cả giới đại gia lẫn chân dài hẳn đã có phen sửng sốt trước tin tức lan truyền chóng mặt về đám cưới bí mật của "trùm" Facebook, Mark Zuckerberg. Chàng tỷ phú mới 27 tuổi đời cuối cùng đã đi đến "chung kết" với mối tình gần thập kỷ - một cô gái tốt nghiệp Harvard, nhan sắc được coi là khiêm tốn.
Ngoài sắc đẹp của cô dâu, còn nhiều thứ cũng khiêm tốn trong đám cưới này. Lễ cưới chỉ vỏn vẹn hơn 100 khách, mỗi suất ăn tương đương 300 nghìn VNĐ (ngang mức trung bình cho các đám cưới tại Hà Nội hiện nay), váy cô dâu cũng có giá "bình dân" so với nhiều cặp đôi nổi tiếng khác, gần 100 triệu VNĐ. Váy dự event của một số sao Việt gần đây nghe đâu cũng còn có giá "khủng" hơn.
Từng đó thông tin phần nào đủ an ủi nhiều cô gái óc "dài" mà chân thường không dài, đối tượng xuất hiện dày đặc trong chủ đề "gái ế" mà báo chí gần đây rất nhiệt tình khai thác. Hẳn không ít cô trong số này sẽ thốt lên hả hê: "Thế mới là đẳng cấp đại gia!"
Nói vậy thì thấy, hẳn nhiên đại gia phải có nhiều tiền, nhưng có vẻ tiền không phải là tiêu chí duy nhất và quan trọng nhất để đo đẳng cấp. Trong nhiều tiêu chí được đưa ra, có 2 điều gây quan tâm: một là cách đại gia kiếm tiền và hai là cách họ tiêu.
Nhắc đến chuyện kiếm, loạt bài gần đây của một vị tổng biên tập báo kỳ cựu đã chỉ ra sự khác nhau trong con đường làm giàu giữa đại gia Việt và thế giới. Theo ông, gần 1/3 người giàu ở Việt Nam hoàn toàn từ bất động sản, trong khi những người siêu giàu thế giới lại làm giàu trước tiên nhờ công nghệ và viễn thông.
Chẳng trách chuyện đất đai ở ta lại nóng đến vậy. Một báo cáo hồi đầu tháng 5 đã chỉ ra có đến 70% nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân của Việt Nam trong giai đoạn 2008 - 2011 liên quan đến đất đai. Đâu chỉ vậy, không ít khi vì đất đai, người ta chà đạp lên người khác, anh chị em quay mặt thành thù...
Chuyện tiêu tiền của đại gia lại càng khiến nhiều người tò mò và háo hức. Ví như gần đây báo chí đưa tin tỷ phú Trung Quốc vung tiền tấn tuyển chân dài còn "nguyên" về làm vợ, hình như có tới gần 3.000 cô dự tuyển. Nghe vậy cũng mừng, hóa ra đến giờ các cô trinh tiết vẫn nhiều. Nhưng lại cũng ngẫm ngợi, hóa ra đúng là tiền mua được nhiều thứ thật. Còn các "nhà tuyển dụng" ấy, có lẽ họ không cần hoặc quá nhiều tiền đến nỗi không mua nổi một tấm chân tình - thứ tình yêu mà như thỉnh thoảng một vài chân dài diễn tả khi được hỏi lý do kết hôn với đại gia: "Em yêu anh (ông) ấy vì chính con người anh (ông) ấy"!.
{L_ATTACHMENT}:
1a_1337930957.jpg [ 24.01 KB | Đã xem 2754 lần ]
Tỷ phú Mark Zuckerberg và vợ trong lễ cưới giản dị
2. Cũng là chuyện tiêu tiền nhưng chuyện này liên quan đến các phụ huynh. Mới đây, phụ huynh của một trường quốc tế đã bàng hoàng khi biết hàng tháng họ chi cả 12 triệu đóng học phí, nhưng con cái ở trường hưởng chế độ ăn như heo bị cho ăn... cám bẩn (ví von của chính người trong cuộc).
12 triệu, tính sơ sơ là số tiền gần gấp đôi mức lương bình quân "đau lòng" năm 2009 của nhân viên EVN, gấp hơn 10 lần mức lương tối thiểu hiện thời. Và đó mới chỉ là khoản cứng chi cho một đứa trẻ khi ở trường. Với khoản đầu tư như thế, các bậc phụ huynh dù không kỳ vọng con thành thiên tài, cũng khó hình dung nổi cái quyền ăn cơ bản của con cái còn bị hạ cấp đến vậy.
Nhiều người có thể coi đây là bài học chua xót cho các bậc phụ huynh vẫn tin tưởng rằng "đắt xắt ra miếng", rằng "đồ ngoại bao giờ chẳng hơn đồ nội". Nhưng cũng như với câu chuyện phụ huynh xô đổ cổng trường để xin học cho con hồi giữa tháng 5, thật không dễ dàng để phán xét những cơn hoang mang nhiều khi thành thái quá của bậc làm cha mẹ ngày nay.
Thế hệ phụ huynh hiện thời có nhiều tiềm lực hơn hẳn để đầu tư cho con cái, nhưng dường như lại không có được sự bình yên của bố mẹ chúng ta ngày trước. Khoảng hơn chục năm trước đây, bố mẹ chúng ta, dù ở thành phố, vẫn có thể để con cái ung dung học cấp 1 trường làng, tự đi đến lớp, tự lang thang với những trò chơi trẻ dại khó ngờ của con cái mình.
Một phần quan trọng tạo nên sự trưởng thành của con trẻ là qua những trải nghiệm cuộc sống thực tiễn. Nhưng giờ đây, mỗi buổi sáng, vừa lướt qua vài tờ báo, chúng ta cũng thấy đầy rẫy nào học sinh đánh hội đồng, tự quay clip tung lên, tội phạm vị thành niên, chơi game đến bỏ mạng, chat sex, "dạt nhà", nữ sinh có thai khi mới 12, 13 tuổi...
Trong một xã hội tràn ngập thông tin bất ổn đến vậy, ai là người có thể đảm bảo con cái chúng ta sẽ được giáo dục trưởng thành đầy đủ, dù học tập trong môi trường nào. Nhà trường? Bộ giáo dục? Trong khi đó, một vài mô hình giáo dục chứng tỏ được hiệu quả, lại phải chịu cảnh nhiều thập kỷ "thực nghiệm".
Xưa Mạnh Mẫu nổi tiếng về chuyện 3 lần chuyển nhà để con trai Mạnh Tử được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất. Các bậc cha mẹ ngày nay dường như cũng đang bơi trong "cuộc đua" tìm cho con một môi trường an toàn, mà bến bờ thì ngày càng mờ mịt, bất định.
{L_ATTACHMENT}:
1b_1337930964.jpg [ 42.92 KB | Đã xem 2753 lần ]
Phụ huynh xô đổ cổng trường. Ảnh: NLĐ
3. Tiền có thể không hẳn sẽ đem lại cuộc sống yên tâm và thoải mái ngay cả với những người giàu có. Nhưng không có tiền, thì cái thực tế chờ đợi thật rõ ràng.
Những bữa trưa 10.000 đồng mà thịt được coi là món xa xỉ, những ổ bánh mì chia đôi ăn một nửa, một nửa "để dành đến nửa buổi ăn tiếp", bát mì tôm trơ trọi để "bồi bổ" cho bà bầu 7 tháng, những phòng trọ chung hơn 8m2 bức bối... Đó là vài nét phác thảo cuộc sống của không biết bao nhiêu công nhân, được tờ báo SGTT miêu tả trong một cụm từ "tạm bợ đời thợ". Rồi còn những suất cơm "ăn cho khỏi chết" và phòng trọ 12.000 đồng/1 đêm của những người bán rong được ghi lại trên một tờ báo khác...
Có rất nhiều cảnh đời như vậy - đông gấp nhiều lần số lượng đại gia. Họ có mặt ở mọi nơi, hàng ngày, hàng giờ dè sẻn từng đồng tiền kiếm được để đảm bảo sự sống sót qua ngày, chứ khó màng tới những nhu cầu khác. Dù chiếm số đông, cuộc sống của họ chẳng mấy hút người quan tâm như các cuộc chơi ngất trời của đại gia.
Chẳng biết, trong cái kiếp sống trôi nổi, được ngày nào hay ngày ấy của mình, những con người đó có bao giờ thoáng ám ảnh bởi giấc mơ thu nhập khủng từ bán kẹo cao su, hát rong, ăn mày... mà thỉnh thoảng báo chí lại "khơi gợi" không?
{L_ATTACHMENT}:
1c_1337930972.jpg [ 11.98 KB | Đã xem 2749 lần ]
Bữa cơm "sang" hiếm hoi có tôm rim của một người công nhân. Ảnh: Vĩnh Hòa/ SGTT
4. Người giàu tiêu, người nghèo tiêu, tiêu tiền công, tiêu tiền tư..., những thái cực dường như không mấy liên quan. Có liên quan nào giữa một vụ làm ăn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước của một tổng công ty hàng hải với những bữa cơm, gói mỳ vài nghìn đồng? Có liên quan nào giữa khu biệt thự nhà vườn (nghe phong thanh trị giá cả trăm tỷ) của con trai một quan chức tỉnh với những căn phòng trọ thấp tối?
Thật khó thấy mối liên hệ nào ở những đầu cực của sự tiêu tiền ấy. Nhưng những người vốn mắc "chứng" tiên ưu (lo trước thiên hạ), lại nhìn ra những mối liên hệ tưởng chừng rất mong manh. Như giáo sư Hồ Ngọc Đại, trong một bài phỏng vấn sau sự kiện phụ huynh xô đổ cổng trường, đã nói: "Chỉ cần bớt đi vài vụ tham nhũng là đã có thể miễn phí hoàn toàn cho giáo dục phổ thông."
Thử đặt một phép liên hệ tương tự với câu chuyện về bữa ăn có thịt 2.000 đồng của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Theo nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam này, để 125 đứa trẻ Suối Giàng (Yên Bái) trong 10 năm có món thịt kho kèm đậu phụ, chỉ cần 1-2 tỷ đồng. Sẽ có mấy trăm, mấy nghìn cái 10 năm như vậy cho trẻ em trên toàn Việt Nam nếu bớt đi vài vụ thất thoát nghìn tỷ?
Và có lẽ, những cái "bớt" giả sử ấy không chỉ đem lại thành quả nhìn thấy trên từng bữa ăn cho những đứa trẻ, mà sẽ còn đem lại cho cha mẹ các em sự bình tâm để dẫn dắt con cái mình. Bình tâm để tin tưởng rằng, tương lai con cái họ sẽ không là một thế giới đầy bất ổn, mà sẽ trong lành hơn - với những cái "bớt" đó.
HẢI TÂM
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-0 ... y-chan-dai