Bạn chưa có tài khoản? Hãy bấm vào đây để đăng ký làm thành viên của chúng tôi!
Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Trường Trung Học Công Lập Tân Châu

Bay Về Tổ Ấm
Hôm nay, 25 Tháng 11 2024, 15:31
Thời gian được tính theo giờ UTC - 4 Giờ [ Giờ DST ]

Đăng nhập

Tên thành viên: Mật khẩu: Đăng nhập tự động mỗi lần ghé thăm Ẩn trạng thái trực tuyến của tôi trong phiên đăng nhập này


Trung Học Tân Châu


» Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm «




Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 7 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]
Người gửi Nội dung (Xem: 5994 | Trả lời: 6)
Tiêu đề bài viết: Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm
Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 7 2012, 22:14
Ngoại tuyến
Founder
Founder

Ngày tham gia: 18 Tháng 6 2007, 19:30
Bài viết: 2448

Người tạo chủ đề
Ngang Qua Miền Tây

Một bữa nào đó, chợt thấy mình là người miền Tây, lại làm báo, mà rất ít hiểu biết về miền Tây, giống in như một người con cứ mãi rong chơi đâu đâu, lâu lắm không thèm về quê mẹ, hoặc nếu có cũng chỉ đáo qua. Vậy là cứ mỗi khi có dịp, tôi lại “kiếm cớ” một chuyến đi…

Hình ảnh
Đánh cá trên sông Cửu Long.


Muốn “đi bụi” miền Tây, bạn không cần gì nhiều đâu. Vài bộ đồ nhẹ nhàng, giờ có thẻ ATM thì tốt rồi nhưng vẫn phải dằn túi chút đỉnh, bởi cái máy này chỉ khi vui nó mới chịu nhả tiền ra thôi. Và thể nào cũng phải có người thân, bạn bè chí cốt, đủ để chia sẻ những hoàng hôn lặng lẽ hoặc vài tia nắng đầu ngày…

Miền Tây là xứ sở sông nước, nên có thể men theo sông mà đi miết là có thể tới bất cứ nơi đâu.

Nếu bắt đầu từ “cái rốn” là Vĩnh Long, cứ ngược sông Hậu sẽ đến nơi mà dòng Mekong bắt đầu có tên gọi Cửu Long và chia làm 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu tại Tân Châu. Chẳng hiểu sao, khi đứng ở ngã ba sông này, lòng chúng tôi cứ nôn nao, như thể “chạm” được vào quê hương.

Sông cái mênh mông là vựa cá cho Nam Bộ. Cá bông lau, cá ngát và con cá tra, ba sa từ biển Hồ theo mùa nước nổi về đây, đã làm nên làng bè lớn vào bậc nhất miền Tây. Từ đây, con khô cá tra phồng, khô sặt rằn, khô cá dứa thơm nức cả vùng. Chỉ ngó món mắm ruột làm từ ruột cá lóc hay món mắm thái, lạng từ nạc cá lóc cũng đủ hình dung ra vùng đầu nguồn cá bạc tôm vàng.

Hình ảnh
Nét đồng quê, mộc mạc của miền Tây.


Đứng bên đây bờ Tân Châu, ngó qua bên kia đã là sông Tiền miệt Hồng Ngự (Đồng Tháp), nơi mà con cá tra giống nhân tạo đầu tiên được sinh ra, đã giúp người miền Tây hơn chục năm nay thêm nhiều triệu phú, tỷ phú, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu thủy sản nước ngọt. Và cũng trải lắm thăng trầm để học bài học “chợ nhà- chợ quốc tế” không thiếu đắng cay.

Như Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Hồng Ngự, Nguyễn Trạng Sư đăm chiêu nói với chúng tôi: “Bây giờ không còn ai làm nghề vớt cá giống, vì còn đâu mà vớt. Nhưng cũng không ít những “đại gia cá giống” mà tên tuổi đã vượt rất xa khỏi huyện lỵ nhỏ bé này”.

Men theo sông Tiền, đi qua những xóm làng trù phú. Với những tên cây tên trái mang bóng hình xứ sở, đậm vị quê hương, sầu riêng Sáu Ri hay vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc… Rồi xuôi dòng ra biển cả, để qua xứ dừa Đồng khởi- Bến Tre, nơi có diện tích dừa lớn nhất, nhiều giống dừa nhất cũng như nhiều sản phẩm chế biến từ dừa- không chỉ nhất của ĐBSCL mà còn nhất nước. Ngó cây dừa sai oằn trái và nhấp ngụm nước dừa xiêm, làm sao không nhớ mấy câu thơ “tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, dừa ru tôi tiếng hát tuổi thơ…” mát rượi tận đáy lòng.

Đứng trên đập Ba Lai lộng gió- một trong chín cửa sông rồng đã được đầu tư cải tạo thủy lợi, để cảm nhận sự giàu có của vùng duyên hải miền Tây. Bên này đập là biển mặn đục ngầu, nhưng bên trong đã là nước ngọt phù sa. Đã có nhiều tranh cãi về chuyện làm thay đổi một vùng đất đặc thù cửa sông. Nhưng theo người dân nơi đây, đập đã giúp giữ ngọt ngăn mặn trong thời gian qua. Chắc sẽ càng có ích trước biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.

Con nghêu Bến Tre giờ đây cũng đã hết phận long đong, nổi tiếng tầm “quốc tế”, ngư dân hét giá hàng vài chục ngàn đồng một ký. Cũng ở đây, cảnh tranh cướp nghêu đã gợi lên nhiều suy nghĩ lẫn băn khoăn...

Một chiều nào đó, “nghe tiếng đàn ai rao sáu câu…” tôi lại men theo dòng Hậu Giang về xứ Bạc Liêu, vùng đất của bản ca vọng cổ đầu tiên “Dạ cổ hoài lang” buồn man mác, để ra cửa biển Trần Đề ngóng vọng xa khơi. Làm quen với những người đầu sóng ngọn gió và nếm thử con cá dạ đỏ ngọt lừ, đang là “vua xuất khẩu” giá mỗi ký vài trăm ngàn đồng. Nếm thử hạt muối mặn lừ của mưa gió thị trường. Lắng lòng nghe câu chuyện đường sá khó đi, xăng dầu đắt đỏ, bão tố nguy nan… của ngư dân. Hiểu rằng, mỗi miếng ăn từ biển đẫm mồ hôi và nước mắt.

Hình ảnh
Mưu sinh mùa nước nổi.


Đi qua những ruộng vườn, sông nước mà không gặp người miền Tây thì coi như… chưa tới đất này.

Thật mà, tôi đã gặp những người miền Tây, mà qua thời gian, nhiều người tôi đã quên mặt, quên tên, nhưng tình người vẫn đậm đà trong hoài niệm. Đó là chén xôi nếp than với tôm thẻ kho mặn lúc nửa đêm- mà chị chủ nhà nuôi chúng tôi những ngày đi công tác đã đánh thức: “Nghe mấy em nói chưa biết ăn xôi nếp than. Chồng chị mới trút được mớ tôm tươi, chị nấu xôi, kho tôm liền. Dậy ăn đi cho biết”. Và chén xôi nửa đêm ấy- hẳn vợ chồng chị không hề biết rằng, đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, niềm tin tình người của tôi qua biết mấy quãng đường đời mà đôi khi rất thất vọng.

Đó là dì Sáu vừa nhai trầu, vừa chỉ căn nhà trống huơ hoác, không cửa nẻo trước sau: “Có hai bồ lúa lận mà, bây ở tới chừng nào cũng được. Làm hết công chuyện hả dìa trển” ở một miệt đồng xa mút của Giá Rai. Còn anh Bảy thì băng cánh đồng xa mỏi mắt trong chiều chạng vạng để kiếm một ống khói đèn- giữ ánh sáng đêm bằng hạt đậu cho chúng tôi… ngủ.

Đó là anh Việt, là chú Tám, chú Hai,… trải từ sông Tiền qua sông Hậu, từ cánh đồng đến đảo khơi, đã sẵn lòng giúp những “khách bụi đường xa” mà không hề mong một ngày đáp lại. Tôi thầm nghĩ, nếu ai chưa từng hiểu hoặc chưa từng biết tại sao Lục Vân Tiên có sức sống lâu bền đến vậy thì hãy vác ba lô lên lưng, làm một chuyến miền Tây.

Tính ra, mình cũng đã có hàng chục năm trời với những chuyến đi, nhưng là một người miền Tây và thêm chút nữa- một nhà báo, tôi thấy mình mới hiểu được một phần quá nhỏ, mới chỉ “ngang qua” mà lại nợ nần biết bao nghĩa tình, biết bao điều chưa nói hết, chưa viết được. Như trăn trở của kỹ sư Nguyễn Trạng Sư cũng là của người miền Tây: “Nếu Ủy ban quốc tế sông Mekong không làm quyết liệt để tạo sự thông thoáng cho sông, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ĐBSCL cả về sinh hoạt, đời sống và sản xuất của người dân”. Cho nên ước mơ- bạn đừng cười đấy nhé, là sẽ “xuyên qua miền Tây”.

Thật thích cảm giác khi thành phố nhỏ còn mơ ngủ, trong sương khuya lành lạnh, lặng lẽ chất ba lô lên xe rồi băng vào màn đêm mờ tối…

PHƯƠNG NAM

Trich từ tạp chí "Lớp Học Vui Vẻ"


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 7 2012, 03:51
Ngoại tuyến
Member I
Member I

Tuổi: 34
Sinh nhật: 30-07-1990
Ngày tham gia: 01 Tháng 9 2011, 14:19
Bài viết: 22
Quốc gia: Vietnam (vn)
Đúng là lâu rồi không về quê nhìn những hình ảnh này nhớ nhà thật, nhưng những hình ảnh này làm người ta hoài niệm về một thời tuổi thơ trên đồng !!!!! cảm ơn chú về bài viết này!!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Miền Tây
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 7 2012, 19:49
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
MIỀN TÂY

Đường quê (thuộc Phụng Hiệp - Hậu Giang)

Hình ảnh

Hình ảnh


Sông nước (thuộc Phụng Hiệp - Hậu Giang)

Hình ảnh


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Miền Tây
Gửi bàiĐã gửi: 12 Tháng 7 2012, 20:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
MIỀN TÂY

Con người

Hình ảnh

Hình ảnh


"Hỡi ơi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn dòng..."



***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Re: Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm
Gửi bàiĐã gửi: 15 Tháng 7 2012, 11:09
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 52
Sinh nhật: 05-09-1972
Ngày tham gia: 22 Tháng 7 2008, 07:30
Bài viết: 1164
Quốc gia: Vietnam (vn)
Nhìn cảnh vùng quê miền Tây thật êm đềm, gặp phải tui ở đó là chải chiếu gầy sòng nhậu rượu đế cạnh bờ sông cho mát. Hê hê! Quý bà, quý cô miền Tây củng nhậu bia coi xôm tụ quá chứ!


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: NVT - Re: Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm
Gửi bàiĐã gửi: 07 Tháng 8 2012, 22:28
Ngoại tuyến
Moderator
Moderator

Tuổi: 71
Sinh nhật: 18-01-1953
Ngày tham gia: 01 Tháng 7 2007, 00:24
Bài viết: 754
Quốc gia: United States (us)
THƯƠNG VẬY MỚI LÀ THƯƠNG

Hình ảnh

Đàm Hà Phú – Sau buổi câu thất bát, chỉ được vài con cá nhỏ, chúng tôi tụ tập ở một căn chòi coi tôm để nhậu với anh chủ đầm, một người Bến Tre gộc, anh có bộ râu hùm rất đẹp.
Buổi nhậu có thêm vài người coi tôm ở các đầm lân cận, mồi thì có tôm nướng (dĩ nhiên), cá đối, cá tráp chiên dòn… rượu trắng ở đây mằn mặn, cay nồng nhưng khá ngon.

Chúng tôi ngồi dưới tán một cây me già, tôi cứ thắc mắc mãi chẳng hiểu sao nó có thể sống khỏe mạnh, tỏa tán xum xuê ở vùng nước mặn này.
Có một anh nọ có bà con với anh chủ đầm, cũng là dân coi tôm, ghé qua cho mấy con cá, uống vài chén rượu rồi xin phép về, sợ lát nước xuống anh về không được. Anh này có gương mặt đẹp trai nhưng rất buồn, áng chừng trẻ hơn tôi vài tuổi, tạm kêu là anh Út.

Hình ảnh

Khi anh Út về, tôi có nói rằng tôi cảm thấy rất mến anh này, người hiền quá, chơn chất như một cây bần.
Mọi người cho hay: “A! Thằng Út hả!. Ừ! Nó hiền nhưng mà nổi tiếng khắp vùng này đó. Không phải tài giỏi gì, nó nổi tiếng vì nó lấy một con vợ Ếch!”. “Vợ Ếch?” – Chuyện bắt đầu được kể.
Hóa ra cô vợ Ếch của anh Út không phải là một nàng công chúa bị lời nguyền của mụ phụ thủy biến thành con Ếch.
Cô gái, cũng tạm gọi là cô Út, là con gái một lão nông ở trong vùng, nghe đâu cũng từng duyên dáng mặn mà, nhiều người theo đuổi lắm. Hai người bén duyên nhau từ lúc còn đi học, anh Út qua mặt các chàng trai khác nhờ vẻ hiền lành, thiệt tình của mình

Hình ảnh

Hết đi học, anh Út ra đầm phụ làm tôm, mấy năm đó làm tôm thất bát, cũng chỉ đủ ăn. Cô Út xin phép cha lên thành phố làm nghề hớt tóc, mỗi tuần vẫn về thăm nhà một lần, càng lúc càng xinh đẹp hơn.
Hai người nghe đâu cũng bắt đầu có chuyện, thấy anh Út buồn buồn, uống rượu đi ca hoài. Rồi một hôm nọ, cô Út về thăm nhà lúc nửa đêm, về cho ông già một cây vàng rồi từ biệt, nghe nói đi làm ăn xa với anh kép mới, dân thành phố.
Cô Út đi rồi thì anh Út càng buồn, ra ngoài đầm cất cái chòi ở luôn, gạo muối thì mua của mấy lái tôm, anh biền biệt không thấy về xóm nữa. Một câu chuyện phụ tình, tham phú phụ bần như bao câu chuyện tình boléro kinh điển khác. Vậy thì đâu có gì để nói.

Hình ảnh

Mấy năm sau, bỗng nhiên cô Út trở về nhà cùng với một cô gái khác, cô gái này chỉ tá túc nhà cô Út vài hôm rồi lên thành phố, nghe đâu cô đứng ra tố cáo một đường dây lừa đảo chuyên dụ dỗ các cô gái sang Cambodia làm nô lệ tình dục.
Cô Út có vẻ tàn tạ hơn, đau bịnh triền miên, ông già đưa lên thành phố khám bịnh rồi lại đưa cô trở về, không thấy chạy chữa gì.
Một đêm mưa gió (kể vậy cho nó thêm phần cao trào boléro), cô Út bỏ nhà ra ngoài đầm tôm sống hẳn với anh Út. Hai người sống với nhau như vợ chồng, không cần hỏi cưới, cũng chẳng thấy ông già cô Út nói gì, ai hỏi ông cũng chỉ im lặng, hoặc quấn thuốc hút để né câu trả lời.

Anh Út vui vẻ hơn, làm lụng cũng có vẻ phấn khởi, siêng năng hơn trước nhiều, cái chòi lúc nào cũng thấy có lửa khói chứ không lạnh lẽo như trước.
Những người lái tôm kể rằng cô Út bị bịnh nặng hung, chỉ nằm trong chòi, tuyệt không thấy ra ngoài, chỉ nghe tiếng cô ho sù sụ. Người ta đồn tùm lum, nhưng tất cả cũng chỉ là tin đồn, không ai biết chuyện gì.
Cô bạn trở về cùng cô Út có xuống thăm, không gặp cô Út, cô gửi chút bánh trái cho ông già rồi quay đi liền. Nhưng người lái xe ôm chở cô bạn xuống thăm hôm ấy hơi nhiều chuyện.
Anh nói với mọi người rằng: “Tui chở cô này xuống thăm bạn bị Aids!. Nghe đâu đến giai đoạn cuối!”. À! Lúc này thì mọi người mới vỡ lẽ, thì ra cô Út bị Aids. Bịnh này hồi xưa kêu bằng Sida đó, bị là chỉ có nằm chờ chết thôi, không có thuốc chữa. Hèn chi!..

Hình ảnh

Chuyện anh Út sống với cô vợ Ếch (Aids) mau chóng thành chủ đề bàn tán của cư dân cửa biển này. Nhiều người thì nói anh Út khùng, điên, ngu… “Người đâu mà ngu quá!”.
Nhiều người khác dặn dò nhau đừng lại gần anh Út, chắc cú cũng lây bịnh rồi, bịnh đó lây dữ lắm, “may mà tụi nó ở tuốt ngoài đầm”..; chỉ một vài người nói anh Út chung tình.
Người chung tình vậy khổ lắm, nhưng mà thời nay khó kiếm, chỉ còn vài người thôi.
Rồi Cô Út cũng mất, gần một năm trước bữa nhậu hôm đó, người ta biết khi thấy anh Út ngồi trên bến khóc hu hu mấy ngày trời. Ông già cô Út nghe chuyện, chạy vỏ lãi vô đầm, lẳng lặng chở cô về làm một cái đám nhỏ, chỉ vài người trong nhà.

Chuyện là vậy, chuyện anh Út lấy cô vợ Ếch, chuyện tôi nghe kể lúc trà dư tửu hậu, chép ra đây hầu chuyện.
Anh chủ đầm hôm đó nói: “Thằng Út nó khỏe ru. Nghe lời ông già đi khám rồi, không có lây bịnh gì ráo. Thằng đó hay lắm, thương vậy mới gọi là thương! Uống cái bây!”.
Ừ thì uống cái!.Ủa! Sao giữa vùng đất phèn chua nước mặn này lại có cây me xanh tốt quá trời, phủ lá mát rượi; ngắt nắm lá me non nhai chung với miếng thịt con cá đối trắng phau rồi ngửa cổ làm chung rượu, trời đất, ngon thần sầu luôn… Yêu quá miền Tây ơi!.


* Tít bài do Mai Thanh Hải đặt lại, tựa nguyên bản của bài viết là “Cô vợ Ếch”
* Hình ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết


“ĐẸP NHƯ BÔNG LÚA CHÍN, CON SÔNG PHÙ SA THƠM NỨC”
Nguyễn Văn Thắng – Sưu Tầm

Hình ảnh

Đàm Hà Phú - Có một cô nhân viên của tôi, thường ngày vẫn thấy tôi hay kể chuyện miền Tây, nên cô quyết định cùng chồng đi miền Tây chơi. Sau khi đi một vòng miền Tây, xuống đến tận mũi Cà Mau, cô quay trở về và phát biều rằng “Miền Tây chẳng có gì hay để xem, để chơi cả”.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đã từng đi khắp miền Tây. Ở miền Tây không có gì đáng để xem đâu, không có những đền đài thành quách, không có những bờ biển dài cát trắng dừa xanh, không có núi non hùng vĩ, không có những dòng thác thơ mộng, thậm chí cũng không có lấy một cái resort cho ra hồn… không có gì đáng cho một chuyến du lịch cả. Chắc chắn luôn


2.
Nhà Ngoại vợ tôi ở giữa miền Tây, Hậu Giang. Ngoại có bốn người con gái và hai người con trai, trong bốn người con gái của bà Ngoại thì má vợ tôi lớn nhất, thứ Ba, còn lại là Dì Tư, Dì Bảy và Dì Út. Cả bốn người con gái này đều rất đẹp (tôi coi hình hồi trẻ của họ mà không khỏi mê mẩn).

Hình ảnh

3.
Dì Tư tôi có thể nói là đẹp nhất trong bốn người, nét đẹp của Dì rất quí phái. Dì Tư sanh được năm người con gái, sanh cũng gần nhau. Sanh xong năm người con gái thì Dượng Tư tôi mất, để lại một mình Dì với năm cô con gái nhỏ. Vì lúc ấy Dì đẹp quá (sanh năm con mà vẫn còn đẹp mới hay) nên cũng có nhiều người đàn ông giàu có đến xin phụ nuôi con với dì, nhưng Dì Tư nói: không. Một mình Dì ở vậy nuôi năm người con. Vượt qua bao nhiêu khổ cực, đắng cay, loạn lạc, binh đao… Dì Tư vẫn một tay nuôi các con nên người, không những vậy Dì Tư còn phụ giúp Ngoại nuôi các em.
Các con Dì Tư bây giờ đều khá giả, ở nhà lầu đi xe hơi, nếu bạn muốn nói rõ hơn. Hôm Tết vừa rồi, các con gái và con rể của Dì Tư làm một lễ mừng thọ cho Dì ở Trường Long. Đó là một buổi lễ lớn, được dựng rạp trong vườn với múa lân và cả một chương trình ca nhạc. Vợ chồng chúng tôi, cùng với một đại gia đình, cũng đến dự và chúc mừng Dì. Tóc Dì đã bạc, chân Dì bị đau nên đi lại khó khăn. Dì vẫn luôn mỉm cười. Tôi vẫn phải nhắc lại là đến tận tuổi già, Dì Tư tôi vẫn đẹp mê hồn.

4.

Hình ảnh

Dì Bảy cũng đẹp, đẹp một kiểu khác nữa, có thể vì Dì là một cô giáo. Dì Bảy có ba người con, hai trai một gái. Đúng lúc Dì Bảy tôi sắp sanh đứa út, thằng Khoa, thì nhà Dì có chuyện. Số là Dượng Bảy tôi lúc ấy đi làm bảo vệ, mà bảo vệ thời mới giải phóng được coi là bán vũ trang và cũng được cấp súng quân dụng. Trong một lần làm nhiệm vụ, Dượng Bảy tôi đã vô tình để súng cướp cò và làm chết một người.
Đó là một cái án dài đằng đẵng. Dì Bảy một mình nuôi ba đứa con trong lúc Dượng Bảy thụ án, tất nhiên là có sự trợ giúp của má vợ tôi và Dì Tư. Nhưng đó là một thời gian cực kỳ khó khăn, mà mỗi lần nhắc lại thì má vợ tôi và Dì Bảy vẫn không khỏi chua xót.
Bây giờ thì Dì Dượng rất vui. Dượng Bảy làm lúa ở Nông trường Cờ Đỏ mà cất nhà mới ở Cần Thơ, gia đình vui vẻ, cháu nội cháu ngoại đầy đàn. Dượng Bảy rất thích tôi, mà tôi cũng rất thích ổng.

Hình ảnh

Mỗi lần tôi về, là nhất định dượng cháu phải uống với nhau một bữa thật say. Dượng Bảy tôi nấu ăn cực ngon, ngon thần sầu quỉ khốc luôn bạn ơi. Biết tôi về, thế nào ổng cũng làm món giò heo giả cầy, hoặc dụm trâu nấu mẻ mà tôi khoái, rồi kiếm rượu đế ngon… kể lại mà tôi còn nuốt nước bọt ừng ực.

5.
Dì Út cũng đẹp, đẹp kiểu khác nữa, đẹp kiểu hiền lành, nhẹ nhàng. Dì Út chỉ có một thằng con, nó là thằng Nghị, ở quê mà chỉ có một con là hơi bị hiếm, nhưng trường hợp của Dì Út thì có lý do.
Dì Út lấy chồng, đó là một mối tình đẹp. Sau đám cưới Dì Út qua nhà chồng ở. Nhà Dượng Út nghe nói rất khó khăn và khắc nghiệt, đặc biệt là người mẹ. Không thể chịu nổi cảnh mẹ chồng nàng dâu, Dì Út muốn ra riêng. Dượng Út, dù rất yêu vợ nhưng lại sợ mẹ nên đành vâng lời mẹ, chia tay với Dì, lúc thằng Nghị vừa ra đời. Nửa đường gãy gánh, nuốt nước mắt với bao nhiêu khổ nhục và phải đấu tranh vất vả lắm, Dì Út mới giành được quyền nuôi thằng Nghị.

Tưởng rằng đã xong. Nhưng hơn chục năm sau, lúc thằng Nghị đã lớn thì Dượng Út lâm bạo bệnh, bị bệnh gì về cột sống, mà Dượng chỉ còn ngồi liệt một chỗ, mặt quay về một hướng. Thương cảnh chồng cũ bịnh tật, cô đơn không ai chăm sóc. Dì Út quay lại với Dượng, đưa Dượng Út về nhà đề Dượng được làm cha, làm chồng, dù Dượng vẫn chỉ ngồi liệt một chỗ, mắt nhìn về một hướng.
Tết vừa rồi tôi cũng ghé nhà Dì Út chơi. Dì Dượng vui lắm, nhà cũng mới cất, nhà đẹp và thoáng mát, thằng Hà Văn chạy lon ton từ trước ra sau. Thằng Nghị có đứa con gái, đó cũng là một niềm vui của Dì Dượng.

6.
Cả bốn người con gái của Ngoại đều đẹp, nhan sắc thuộc loại mê đắm lòng người, nhưng hơn tất cả, tấm lòng, tình yêu, nghị lực và đặc biệt là sự hy sinh cho gia đình của cả bốn người mới thực là những vẻ đẹp tỏa sáng rực rỡ.

Hình ảnh

7.
Ở miền Tây không có gì đáng để xem, để chơi, để đi du lịch… đâu. Tin tôi đi, đi chơi là thất vọng đó. Ở miền Tây, chỉ có một thứ đặc sản khiến tôi mê mẩn, một thắng cảnh đẹp nhất mà thiên hạ từng biết đến. Đó là tấm lòng người miền Tây, nó “đẹp như bông lúa chín con sông phù sa thơm phức…” (Tình đẹp Hậu Giang).
Đàm Hà Phú

Nguyễn Văn Thắng
: Theo ý kiến của anh Đàm Hà Phú thì :
“Ở miền Tây không có gì đáng để xem, để chơi, để đi du lịch… đâu”. Có lẽ anh Phú viết bài này đã lâu ,Tôi xin trích bài báo này đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị Ngày 05.08.2012 để xem Miền Tây có gì nào!

Miền Tây đón du khách miền Trung
SGTT.VN - Hiệp hội Du lịch TP. HCM vừa tổ chức chương trình Farmtrip Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM cho doanh nghiệp thuộc các hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, TP. Đà Nẵng từ ngày 30.7 đến 3.8.2012. Chuyến đi qua các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và TP. HHCM.

Hình ảnh
Đoàn doanh nghiệp du lịch miền Trung tham quan rừng tràm Trà Sư.
Ảnh: Các Ngọc


Đoàn doanh nghiệp du lịch từ miền Trung được giới thiệu đến Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều vùng có trái cây ngon, nổi tiếng như sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim… Ở Vĩnh Long, khu du lịch Vinh Sang làm cho mọi người thích thú với khu nghỉ dưỡng trên sông và những hoạt động vui chơi, giải trí lạ như trượt cỏ, tắm sông, câu cá sấu, cưỡi đà điểu…

An Giang để lại ấn tượng nhất đối với các doanh nghiệp du lịch từ miền Trung khi tham quan Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc - một di tích văn hóa cấp quốc gia của tỉnh; rừng tràm Trà Sư ở huyện Tịnh Biên có nhiều cảnh đẹp của những cánh rừng tràm, thảm bèo xanh mướt và đồng sen, đi xuồng trong rừng tràm, mọi người được ngắm nhiều loài chim bay lượn.

Ở tỉnh Kiên Giang, đoàn đến biển Mũi Nai thuộc thị xã Hà Tiên, lên Lầu Vọng Cảnh ngắm toàn cảnh Mũi Nai và qua kính viễn vọng nhìn rộng khắp vùng biển giáp biên giới Campuchia. Các thành viên trong đoàn đều thử cảm giác mạnh khi lên và xuống núi Tà Pang bằng xe trượt ống. Ở Hà Tiên, đoàn cũng tham quan khu lăng mộ dòng họ Mạc được bảo tồn khá tốt. Chùa Hang và Hòn Phụ Tử là điểm tham quan cuối cùng của đoàn ở Kiên Giang.

Ra sông tham quan chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, các doanh nghiệp du lịch miền Trung thích thú với loại hình giao thương trên sông nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, ghi nhận kỹ cảnh mua bán nhộn nhịp giữa các ghe tàu và tìm hiểu các tập tục mua bán trên chợ nổi.

Hình ảnh
Chơi trượt cỏ ở khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long).
Ảnh: Các Ngọc


Bên cạnh tham quan các điểm du lịch, đến các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ, đoàn các tỉnh miền Trung đều có những buổi tọa đàm, giao lưu, trao đổi thông tin về du lịch và định hướng hợp tác với các tỉnh, thành phố. Riêng buổi tọa đàm tại TP.HCM sau chuyến khảo sát, đoàn doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố miền Trung đã gặp gỡ các doanh nghiệp lữ hành của TP. HCM. Hiệp hội Du lịch TP.HHCM đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội du lịch Thừa Thiên – Huế, Hiệp hội du lịch Quảng Trị và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng. Theo bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, chuyến Farmtrip này nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác và phát triển sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch từ miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung cũng có dịp giới thiệu về các điểm đến ở miền Trung.

Ông Nguyễn Quốc Thành, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên - Huế khẳng định sau chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ triển khai sớm những tour du lịch về Đồng bằng sông Cửu Long cho du khách từ miền Trung đang có nhu cầu tìm hiểu về vùng Nam bộ trù phú này.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, giám đốc công ty dịch vụ du lịch Quê Hương, sau chuyến khảo sát này, bà có thể hình thành thêm các sản phẩm du lịch mới ở Đồng bằng sông Cửu Long để giới thiệu với du khách châu Âu – đối tượng khách chính của công ty - như du lịch vườn, sông nước kết nối các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh Long – Cần Thơ; du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái rừng tràm Trà Sư ở An Giang. Các doanh nghiệp du lịch của Quảng Trị và Đà Nẵng cho biết thêm, mỗi năm có cả triệu khách từ Thái Lan, Lào sang Việt Nam du lịch. Tất cả loại hình du lịch sông nước – vườn trái cây, tâm linh, sinh thái rừng tràm, du lịch biển của Đồng bằng sông Cửu Long đều có thể thu hút những du khách Thái Lan và Lào.

Các Ngọc -SGTT



Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Tiêu đề bài viết: Ốm Re: Miền Tây
Gửi bàiĐã gửi: 09 Tháng 5 2013, 20:07
Ngoại tuyến
Super Member
Super Member

Tuổi: 66
Sinh nhật: 25-01-1958
Ngày tham gia: 13 Tháng 5 2008, 06:06
Bài viết: 1109
Quốc gia: Vietnam (vn)
Mấy bài viết về miền Tây đọc thật là "phê"! Rất cảm ơn các tác giả và người sưu tầm. :clap: :rse:
{L_QUOTE}:
MIỀN TÂY

Con người

Hình ảnh

Hồi tối ốm tìm bài này hoài... mò... mò... một hồi rồi ngủ gục tới sáng luôn! :mozilla_tongueout: Thức dậy thấy máy còn mở :mozilla_tongueout: tức quá lại mò tiếp, cuối cùng cũng ra! :clap:
Chuyện là hôm qua ốm đi coi thi ở huyện Phụng Hiệp (thuộc tỉnh Hậu Giang) và nhờ vậy mà có dịp hội ngộ cùng những con người miền Tây dễ thương mà có lần ốm đã đưa hình của họ lên DĐ.
Giờ ốm khoe thêm một tấm hình chụp ngẫu hứng chiều qua khi sắp trở về CT:

{L_ATTACHMENT}:
Nguoi Mien Tay.JPG
Nguoi Mien Tay.JPG [ 220.47 KB | Đã xem 4013 lần ]


***************************************************
Trong tôi và quanh tôi:
http://phanthingacdct.blogspot.com/
https://www.facebook.com/phanthingacdct


Đầu trang
Xem thông tin cá nhân
Hiển thị những bài viết cách đây: Sắp xếp theo
Tạo chủ đề mới Gửi bài trả lời [ 7 bài viết ] [ 1 tập tin đính kèm ]

» Ngang Qua Miền Tây - Sưu Tầm «


Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách


Bạn không thể tạo chủ đề mới trong chuyên mục này
Bạn không thể trả lời bài viết trong chuyên mục này
Bạn không thể sửa những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể xoá những bài viết của mình trong chuyên mục này
Bạn không thể gửi tập tin đính kèm trong chuyên mục này

Tìm kiếm với từ khoá:
Chuyển đến:

Ai đang trực tuyến?

Ai đang trực tuyến? Trong tổng số 1 người đang trực tuyến: không có thành viên, không có thành viên ẩn và chỉ có 1 vị khách
Số lượt người ghé thăm website đông nhất là 304 vào ngày 24 Tháng 11 2024, 12:29

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 1 khách

Thông tin trên được cập nhật trong vòng 5 phút vừa qua
cron
Powered by phpBBVietNam © 2006 - 2007 phpBBVietNam Group based on phpBB
Vietnamese translation by nedka
Founded by tranbc | Content © Trường Trung Học Công Lập Tân Châu