|
Super Member |
|
Tuổi: 67 Sinh nhật: 24-11-1957 Ngày tham gia: 29 Tháng 6 2012, 12:52 Bài viết: 377 Quốc gia:
|
BÁNH MÌ SÀI GÒN
Đàm Hà Phú – Nếu tôi mà thành lập một tôn giáo cho mình thì đạo của tôi sẽ tên là “Đạo Bánh Mì”, vì bây giờ tôi đã là một tín đồ của món ăn này. Ở Sài Gòn, nếu cần phải lấy một nét đặc trưng cho thành phố, chắc hẳn tôi cũng sẽ bình chọn cho bánh mì. “Bánh mì Sài Gòn”, bạn có thể nghe tiếng rao ấy ở mọi hang cùng ngõ hẻm.
Bánh mì nóng, giòn, thơm… Nếu ăn nguyên bản, thì dùng kẹp với chả lụa, chả chiên, jambon và ít hành, ngò, chan vào chút nước tương hoặc rắc chút muối tiêu…Còn nếu dùng để ăn thêm thì có vô số cách, có thể chấm vào sữa đặc, quẹt bơ đường, chiên bơ tỏi, ăn với trứng ốp la hay xíu mại…Hoặc giả cứ xé ổ bánh mì nhai không, cũng ngon lạ…
Bạn có thể ăn bánh mì ở bất cứ đâu, có thể ăn trong văn phòng, ăn trong quán café, ăn ngoài vỉa hè…Tôi thường xuyên vừa một tay lái xe, một tay gặm bánh mì. Bạn cũng có thể ăn bánh mì vào bất cứ giờ nào trong ngày: Ăn sáng điểm tâm, ăn trưa một mình, ăn xế bỏ bụng hay ăn tối, ăn khuya đều được. Bạn cũng có thể mua bánh mì về làm quà ăn cho gia đình, cho người thân, hoặc cũng có thể chọn bánh mì, để mang theo trong một cuộc dã ngoại…. Ở Sài Gòn, nhắc đến bánh mì thì có những cái tên mà đã hàng chục năm nay luôn làm bạn chảy nước miếng: Bánh mì Như Lan, Hà Nội, Lệ…và những tên tuổi mới, được kinh doanh thành hệ thống, mới được biết đến mấy năm gần đây như: Bamizon, Bon-banhmi… Dù rằng, chưa chắc mấy tên tuổi đó đã ngon bằng những xe bánh mì nhỏ, vô danh trên khắp nẻo đường Sài Gòn. Bánh mì không, nghĩa là ăn không cũng ngon. Lúc này, ở Sài Gòn người ta hay mua bánh mì từ lò của siêu thị Big C hoặc các tiêm bánh lớn như Như Lan, Kinh Đô, Đức Phát.
Tôi thì thấy bánh mì không mua ở lò Út Khiêm trên đường Nguyễn Tri Phương, đoạn ngang chợ Nhựt Tảo, là ngon vô địch. Bánh mì ở đây nhỏ, ruột mềm, vỏ dòn, thơm lựng…Tôi thường mua mỗi lần chục ổ, ngồi xé ra ăn không, từng ổ một, cho đã thèm. Bánh mì thịt thì có nhiều chỗ ngon. Hầu như ai ở Sài Gòn cũng có một chỗ “ruột” để mua bánh mì. Tùy theo là bữa điểm tâm hay là dằn bụng đêm khuya. Tôi thì có nhiều, nhiều điểm lắm. Nhiều chỗ tôi không ngại ngần nói với bà chủ rằng: “Bánh mì ở đây ngon quá, ngon đến nỗi tui muốn quì lạy bà luôn!”. Mỗi lần tôi ghé, nhất định phải là ba ổ, một ổ đầu tiên tôi xé giấy ăn liền trong lúc chờ làm tiếp hai ổ còn lại…Bà chủ nhìn tôi cười: “Từ từ, coi chừng nghẹn, chú ơi!”… Thương quá!.
Bánh mì cá có tiệm ở gần Hàng Xanh, chỉ bán từ 5 giờ chiều. Bánh mì thịt quay thì Như Lan là số một, tôi ra chợ Sài Gòn thế nào cũng làm lần chục ổ cho cả nhà. Bánh mì chả thì tôi hay ăn của Lan Huệ trên đường Lê Văn Sĩ hoặc của một bà ở bùng binh Phú Lâm. Lần nào cũng chờ không đặng, đành dừng xe, ngồi bệt xuống ăn liền tắp tự. Bánh mì xíu mại thì ở Ngã Sáu Nguyễn Tri Phương lúc trước có một xe vô địch thiên hạ.
Bây giờ thì tôi hay mua đối diện chợ An Đông…Còn bạn, bạn thường ghé đâu? Bánh mì Sài Gòn, không bình dân cũng chẳng cao cấp, ở đâu cũng có, lúc nào cũng có. Tôi vẫn tự nhận rằng mình ham ăn, nhưng đối với bánh mì thì chữ “ham ăn” hình như không diễn tả hết, nhất là nếu bạn thấy tôi, trong một sáng nào đó, đương lái xe với ổ bánh mì trên tay…
“CHO NHIÊU CŨNG ĐƯỢC”
Mai Thanh Hải – Từ lâu, Sài Gòn rất thân thuộc với mình. Chẳng biết sao nữa, nhưng hình như có duyên nợ với mảnh đất, con người nơi đây. Cứ rình rình công việc, cơ hội vào với Sài Gòn. Sướng nhất là dịp mùa đông, Hà Nội áo trong áo ngoài dày khự, nhưng xuống sân bay, tọt vào WC cởi sạch, đánh nguyên quần kaki, áo phông phóng xe máy vèo vèo về trung tâm, a lố cho tụi bạn ra vỉa hè, gọi lon 333 lạnh, còn nguyên lớp sương trên vỏ, mút 1 hơi hết sạch. Tụi bạn mình thấy vậy toàn cười lăn: “Đi tránh rét như… chim cánh cụt”. Ê này! Đừng đùa, chim này lái ôtô- xe máy và đi máy bay đấy. Kỷ niệm về Sài Gòn rất nhiều, viết mãi rồi và cũng cảm nhận nhiều rồi. Bây giờ chỉ muốn mọi người cảm nhận, chia sẻ về một Sài Gòn đời thường, thân thương qua câu chuyện của Người Lữ hành kỳ dị.
“Cho nhiêu cũng được!” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết. Chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… Nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần, khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: “Chú (cô) cho nhiêu cũng được!”. Nói vậy, chứ ai đành lòng cho ít. Ví như đúng ra 7 ngàn thì khách sẽ đưa 10 ngàn cho chẵn tiền. Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn, người bán cũng nói: “Cho nhiêu cũng được!”. Ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp II, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng, cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô, khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… Khi cô đòi trả tiền, thì họ không chịu lấy, hoặc nói: “Cô giáo cho nhiêu cũng được!”. “Cho nhiêu cũng được!”.
2. Ông là thương binh. Thương binh của chế độ cũ. Ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng, ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi 3 đứa con ăn học. Một lần nọ, ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối. Đó là một nhà hàng lớn, có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được. Một hôm có chuyện. Đêm khuya, khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về, thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn, nhưng khó có thể chống cự với 4-5 tên sát thủ chuyên nghiệp, mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được, đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị 2 nhát chém nặng, mà 1 nhát sau này, đã làm ông không thể cử động cánh tay phải. Người chủ mang ơn ông lắm, dù ông nhiều lần nói: “Tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi. Ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài!”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối, nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng, đủ nuôi gia đình và cho tiền 3 đứa con ông ăn học.
Chuyện xảy ra lâu rồi. Hôm qua, tôi ngồi trong ngân hàng, kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe chuyện này. Cậu nói: “Chú đó sắp đi Mỹ rồi, bữa nay chú kêu con ra ngân hàng, mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về!”.
3. Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận 8 và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con. Có một chú thợ hồ ở gần nhà. Nói là gần nhà, chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh. Chú này, mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của 2 mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua 2 vé. Nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền 2 vé, thì chú sẽ cho lại cậu 1 vé, và lúc nào cũng căn dặn: “Nhớ giữ lại hen mầy! Phải thì cùng đổi đời!”.
Và cậu đổi đời thiệt, 1 lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ, khi biết chồng mình trúng số độc đắc, đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số, đãi cả xóm một bữa nhậu linh đình. Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa, mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của 2 mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn làm thợ hồ. Bây giờ, chú mua vé số của người khác, nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua 2 vé và cho lại người bán 1 vé. Chú luôn dặn: “Nhớ giữ lại hen mầy! Phải thì cùng đổi đời!”.
4. Ông chạy xe ôm ở Quận 10, nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương. Vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.
Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ, thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà 2 con gà, 1 buồng chuối và giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: “Bà con dưới quê gửi lên?”. Ông cười, nói: “Đúng ở quê gửi lên, nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó chiếm đất của tui đó chớ!”.
Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn, nên một năm chỉ trồng được một vụ, mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm, nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá, nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.
Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa. Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn. Ông nói: “Mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết!”…
ĐI CHỢ SÀI GÒN
Đàm Hà Phú – Đến đâu ở Việt Nam, chỗ đầu tiên bạn được khuyên nên đến thăm, chính là cái chợ. Ở đó, có những thứ bạn cần cho một chỗ ở mới, có các sản vật từ thiên nhiên đến nhân tạo và hơn hết, ở đó đặc sệt một thứ văn hóa vùng miền. Cho dù bạn có thích hay không, thì bạn cũng phải ít nhiều hít thở, chia sẻ và gắn bó với bầu không khí ấy. Không ai có thể nói hết, Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ. Ý tôi là chợ chính thức được bản đồ ghi nhận, chứ không kể các chợ chồm hổm, chợ chiều, chợ chạy, chợ lạc xoong, chợ chìm, chợ đen, chợ…búa.
Sài Gòn nhiều chợ kinh khủng: Từ lớn lớn như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông đến nho nhỏ như cái chợ phường, chợ xóm; từ chợ bán buôn từng mặt hàng riêng biệt như chợ vải, chợ cá, chợ rau, chợ hóa chất, chợ phụ tùng… đến những cái chợ bán hầm bà lằng xắng cấu như chợ Nhỏ, chợ Dân Sinh… Dù là chợ gì thì luôn đậm đặc không khí của một Sài Gòn, năng động, tình cảm và phóng khoáng. Người ta lo ngại cho số phận những cái chợ, một khi hệ thống siêu thị bán lẻ tràn ngập khắp thành phố. Các siêu thị càng ngày càng lớn, hàng hóa đa dạng, dịch vụ hoàn hảo và rất nhiều tiện ích khác. Nhưng chợ vẫn còn đó, dù vẫn nóng, vẫn dơ, vẫn ồn áo và náo nhiệt, nhưng vẫn không ít khách hơn là mấy. Có lẽ vì người ta đi chợ đôi khi không phải để mua hàng, người ta đi chợ như đi thăm người quen vậy, ở đó luôn có thứ tình cảm mà ở siêu thị không có. Có lẽ vì người ta đi chợ không phải vì giá ở chợ rẻ hơn, người ta đi chợ để được gặp nhau, được nghe, được nói, được chào hỏi…
Ở Sài Gòn, khi vô trong chợ, bạn được coi như người nhà, người ta kêu bạn bằng đủ thứ tên hoặc đại từ nhân xưng. Nếu bạn còn trẻ, bạn thường được gọi là “cưng”, “con”, “em gái”, “chế” hoặc kêu những cái tên do người ta đặt ra như “chị Hai, cô Ba”… Còn nếu lớn tuổi bạn có thể được gọi là “má”, “ngoại” hay “gì Hai, thím Hai” rồi xưng con ngọt xớt.
Ở Sài Gòn, khi đi chợ bạn luôn nhận được những tiếng mời chào dễ thương, đến nỗi cho dù có đủ gan từ chối bạn cũng không thể không mỉm cười cảm ơn: “Nè cưng, ngồi xuống ăn ly chè mát đi!”, hay: “Má ơi! Vô đây con thử đôi guốc này coi vừa chưn hôn má, không mua cũng được!”… Nếu là đàn ông đi chợ với vợ, thì bạn cũng được chào mời, dù biết bạn chẳng mua gì: “Em trai ngồi ghế chơi đi để chị chọn đồ cho bà xã hen. Uống café hôn để chị kêu!”. Nếu vô coi hàng rồi mà không ưng ý thì cũng đừng ra mặt kẻo người bán họ buồn, nếu không ưng thì cứ cảm ơn rồi đi, bạn sẽ vẫn nhận được nụ cười tươi như khi bạn đến: “Bữa khác ghé lại nghen mấy cưng!”.
Ở Sài Gòn đi chợ phải ăn mới đúng điệu, chợ nào cũng có hàng ăn, ngay trong chợ hoặc phía sau, bên hông, hoặc giả đâu đó mà bạn không cần biết. Hàng quán đôi khi xập xệ và tạm bợ, lại còn trông hơi mất vệ sinh, vậy chớ ăn ngon lắm, đồ ăn nóng hổi và đầy đủ gia vị. Thường mỗi hàng một món, có chỗ chuyên bán nước, có chỗ chỉ bán đồ ăn sẵn. Nhưng đừng ngại, bạn có thể ngồi ở hàng phở mà kêu tô bún bò cũng có người bưng tới. Có thể ngồi ở hàng café mà kêu cơm tấm cũng được phục vụ vui vẻ. Cũng có chỗ thì thì bạn có thể uống trà đá miễn phí, đến đã khát thì thôi. Có lần tôi đi ngang một chỗ bán quần áo ở chợ Bến Thành, thấy chị bán hàng đang ăn bún riêu, tôi buột miệng nói: “Nhìn ngon quá!”. Chị ngước mặt đầy mồ hôi, nhìn tôi sởi lởi: “Ngon dữ! Ăn không? Ngồi đây đi em trai, chị kêu vô cho. Một phút có liền. Ăn đi chị bao mà!”.
Từ đó, tôi là khách của bà bán bún riêu chợ Bến Thành, lần nào ghé cũng 2 tô đúp. Tôi có thể nói ai đi chợ Bến Thành mà chưa ăn bún riêu của bả thì coi như chưa biết chợ Bến Thành vậy. Đi chợ ở Sài Gòn cảm giác lạ lắm, người bán luôn tìm cách làm vừa lòng bạn như không hề vụ lợi. Ở chợ, bạn được coi như thân tình, như bà con, như bạn bè. Bạn có thể trao đổi với người bán về chuyện học của con bạn hay chuyện ông hàng xóm khó chịu của bạn. Bạn luôn được lắng nghe và chia sẻ. Bạn luôn được động viên và giúp đỡ rất chân tình. Nếu bạn đang ở hàng quần áo và sực nhớ là muốn tìm một bộ chén, thì người bán quần áo sẽ dẫn bạn tới chỗ bán sành sứ, và giới thiệu rằng “bạn là anh/chị/em/bà cô/ bà dì của họ…”, rằng bạn phải được “mua giá sỉ, rằng bạn là VIP”… Bạn nghĩ tất cả chỉ là hình thức ư?.
Không hề!. Thiệt tình đó bạn và bạn không bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó. Cho dù có mua phải một món hàng bị hớ giá, hoặc tìm không ra món đồ mình thích. Bạn sẽ luôn nhận được những món quà bất ngờ cho dù bạn không đòi hỏi: Mua chục trái cây được mười lăm, mười sáu trái; mua hai cái áo tặng thêm cái nón; mua có cái bóp được đãi ly cafe… không phải hàng khuyến mãi đâu bạn, đó là tấm lòng, hãy nhận bằng cả tấm lòng. Có lần tôi mua một sợi dây nịt với giá 200 ngàn, khi đi một vòng tôi phát hiện cũng sợi dây nịt đó được bán chỗ khác với giá 120 ngàn. Tôi quay lại cười với gã bán: “Nè anh!. Sợi dây này bên kia bán có 120, sao nãy anh bán tôi 200?”.
Gã cười xềnh xệch: “Chắc em lộn giá!. Thôi để em đền anh cái bóp xịn hen. Bóp này hàng hiệu luôn, giá tới năm trăm đó!”. Tôi coi cái bóp thấy cũng ưng ý, dù biết tỏng nó chưa tới tám chục, cũng vui vẻ cầm. Sau này mỗi lần ghé, gã đều nói: “Anh cứ đi một vòng, chỗ nào bán rẻ hơn em đền anh gấp đôi, còn bao anh café nữa!”…. Thiệt!. Nói vậy chớ tôi chẳng hỏi ai bao giờ, tôi tin gã. Vợ chồng tôi, trước có hay mua đồng hồ ở cổng chợ Bến Thành, mỗi lần một cặp. Sau này mỗi lần đi vô chợ, là chị bán đồng hồ lại kêu lại, nói: “Thằng Hai!. Chị để dành cho tụi em cặp này bữa giờ!. Đẹp lắm, giá gốc luôn! Hàng xịn đó!”. Lần nào cũng một cặp nữa. Riết không dám đi cổng chính. Toàn quẹo vô chợ từ bên hông chợ. Vì đi cổng chính, thể nào cũng mua một cặp. Không thể từ chối chị được. Có lần chúng tôi đi du lịch, vợ tôi gặp một phụ nữ khác cũng đi với gia đình. Cô bạn kia cũng chào tôi và tỏ ra mừng vui không xiết. Thế là hai bên xúm lại, trò chuyện, giới thiệu chồng, con, gia đình rồi cùng ăn uống vui vẻ.
Tôi cứ nghĩ đó là một cô bạn thân của vợ tôi, mà tôi chưa biết. Sau khi chia tay nhau và cùng hẹn sẽ đi Thái Lan, tôi hỏi lại vợ xem “Bạn này là thế nào”, thì vợ cười ha hả: “Anh không nhớ hả?. Là nhỏ bán túi xách ở Chợ Sài Gòn đó!”. …….. Không ai có thể nói hết Sài Gòn có bao nhiêu cái chợ. Cũng như không ai có thể nói hết tấm lòng người Sài Gòn. Đôi khi bạn đi chợ không phải để mua bán gì. Đôi khi, chỉ là để được nghe một câu nói: “Nè cưng! Lâu quá không thấy ghé!”…
NVT
|
|